Cùng với Thánh Gioan Thánh giá, chúng ta can đảm phân định các dấu hiệu đến từ Chúa và các dấu hiệu của chính chúng ta. Thánh Gioan Thánh giá, Tiến sĩ thần nghiệm phân biệt ba loại dấu hiệu.
- Dấu hiệu được kích động
Sự việc nhận dấu hiệu tùy thuộc vào cách chúng ta xin. Chẳng hạn: “Tôi sẽ đi xưng tội nếu người trước mặt tôi thắp một ngọn nến”. Đó là “lời cầu nguyện” dị đoan. Nó có ba hiểm nguy: mặc cả với Chúa; tìm ý riêng của mình; thiếu tin tưởng.
- Dấu hiệu cầu xin
Chúng ta cầu xin ơn Chúa. Chẳng hạn: Thánh Têrêxa Lisiơ xin một “dấu hiệu tỏ ý ăn năn” của kẻ sát nhân Pranzini trước khi bị hành quyết. Thánh Têrêxa xin “để khích lệ mình” và nếu Chúa không ban thì không vì vậy mà làm cho đức tin của thánh Têrêxa bị lung lay. Hiểm nguy của một lời cầu xin như vậy thường do tò mò, phóng chiếu lên Chúa ý riêng của mình thay vì theo ý Chúa.
- Dấu hiệu không chờ đợi
Dấu hiệu của Chúa Quan Phòng trong đời sống của tôi được xác nhận khi quyết định có lý của tôi được soi sáng bởi đức tin và bởi giáo huấn của Giáo hội. Chính trong sự tin tưởng hay hy vọng đối thần mà Thánh Gioan Thánh giá mời gọi chúng ta xây dựng đời sống kitô hữu của mình, chứ không dựa trên các “dấu hiệu”.
Chúa Quan Phòng có để chúng ta tự do không?
Thiên Chúa có hướng dẫn chúng ta như một gu-ru không? Đó là một trong các nghịch lý gây hoang mang nhất của đức tin kitô giáo: Chúa điều khiển các sự kiện của thế giới, nhưng vẫn để tạo vật của mình quyết định hướng đi cho đời của họ. Linh mục Descouvemont giải thích: “Dù bề ngoài, đúng là Chúa điều khiển các sự kiện theo tiến trình, như người nhạc trưởng điều khiển ban nhạc theo bản dàn bè của ông, dù các nghệ sĩ không nhận ra. Các nghệ sĩ vẫn đàn sai nhưng không vì thế mà bản giao hưởng không hay, nét đẹp của nó chỉ thấy trong vĩnh cửu”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch