Sidebar

Thứ Sáu
04.10.2024

Bà Flaminia Giovannelli: Người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Vatican về hưu

 

Bà Flaminia Giovanelli, Thứ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện được cho là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất ở Vatican. Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, một bộ được Đức Phanxicô thành lập năm 2016 để thay thế các hội đồng Giáo hoàng Đồng tâm và Công lý Hòa bình. Bà giữ cùng chức vụ lần đầu tiên được giao cho một phụ nữ giáo dân. Trong vài tuần sắp tới, người được xem là phụ nữ có ảnh hưởng nhất Vatican sẽ về hưu vì đến tuổi. Sau khi phục vụ năm đời giáo hoàng, trước khi về hưu bà có cuộc phỏng vấn với báo Aleteia. Rất xúc động, bà trả lời các câu hỏi của Aleteia.

Bà Flaminia Giovanelli kể: “Tôi có một tuổi thơ ấu an bình. Cha tôi là công chức quốc tế. Ông làm việc cho bộ kỹ nghệ và góp phần vào việc xây dựng Âu châu. Năm 1959 khi thị trường chung mở, chúng tôi dọn về Bruxelles. Tuổi vị thành niên của tôi cũng rất hạnh phúc, cha mẹ tôi thật tuyệt vời, họ cho tôi có một đời sống quân bình. Nhưng đời sống của họ thì không dễ dàng. Cha mẹ tôi lập gia đình ngày 14 tháng 4 năm 1940, cha tôi ra chiến trường ngày 2 tháng 6 cùng năm, đến năm 1946 ông mới được về nhà. cuộc sống như thế không đơn giản, nhưng tôi chứng kiến được sự trung thành của cả hai bên. Cha tôi mất khi tôi 19 tuổi, tôi sống với mẹ tôi cho đến khi ba qua đời năm 1999”.

Phục vụ năm đời giáo hoàng 

Sau khi đậu bằng khoa học chính trị, bà bắt đầu làm việc ở Tòa Thánh, năm 1974 bà làm ở Hội đồng giáo hoàng Công lý và Hòa bình. Ngược với các đồng nghiệp ở văn phòng, bà không thuộc về một cộng đoàn hay một tổ chức tôn giáo nào. Bà chỉ là một cô giáo dân trẻ làm việc cho Giáo hoàng. Bà thú nhận: “Điều này làm cho tôi không được thoải mái, tôi bị khủng hoảng. Nhưng linh mục thư ký hồi đó, cha Roger Joseph Heckel nói với tôi: ‘Con được nhận vào đây làm việc’. Những lời này làm cho tôi yên tâm”. Và bà Flaminia Giovanelli hiểu, sự dấn thân trong tinh thần kitô là để phục vụ Vatican. Đây không phải đơn thuần  công việc của một công chức. Một cách nào đó, bà phục vụ Giáo hoàng và các quyền căn bản của con người, mang phần đóng góp riêng của mình vào học thuyết xã hội của Giáo hội. Bà chia sẻ với Tòa Thánh các kinh nghiệm quý báu của mình về luân lý, kinh tế và tài chánh mà Tòa Thánh đã dùng trong các can thiệp của mình về các vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của con người với các thể chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc hay Liên hiệp Âu châu.

Để giải thích tầm quan trọng của học thuyết xã hội của Giáo hội, bà Flaminia Giovanelli mượn một nguyên tắc của Đức Phanxicô, khi ngài đưa ra suy nghĩ của mình trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), ngài nói “thời gian thì cao hơn là không gian”. Theo bà: “Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng trong lãnh vực kinh tế, bởi vì một trong các nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế và tài chánh mà chúng ta phải gánh chịu hậu quả là do sự gia tăng bất bình đẳng và bất công”. Bà đặc biệt chú trọng đến việc tài chánh hóa nền kinh tế. Bà nói tiếp: “Người ta muốn sở hữu tất cả và có kết quả ngay lập tức. Trong khi, như Đức Phanxicô nói, cái dài hạn sẽ giúp “kiên nhẫn chịu được các tình huống khó khăn, hay các thay đổi kế hoạch áp đặt mà tính năng động của thực tế áp đặt”.

Những gì Tin Mừng mang lại thành quả

Nhưng ngoài các công việc ở Vatican, bà Flaminia Giovanelli còn một mong muốn thiết thân khác: giúp cho người nghèo nhiều hơn. Vì vậy bà quyết định ủng hộ dự án O’Viveiro  – một tổ chức giúp giáo dục các thiếu nữ ở Mozambique theo bước chân của linh mục Eusébio Maria Inocêncio. Sáng kiến này là “ơn Chúa ban cho tôi, vì sau nhiều năm làm việc về nạn nghèo khổ, tôi đã có dịp sử dụng kiến thức của mình để phục vụ”. Tổ chức O’Viveiro giúp cho khoảng hai mươi cô gái có cơ hội theo đuổi việc học và sau đó giúp các cô hội nhập vào môi trường làm việc. Các cô gái ở độ tuổi từ 10 đến 18, đa số mồ côi và ở bang Tete, miền bắc Mozambique. Bà Giovanelli giải thích: “Trung tâm O’Viveiro do một cặp vợ chồng kitô hữu địa phương điều khiển, vì họ hiểu tâm lý người địa phương và biết cách điều hành một cách phù hợp và đúng”. Ở Mozambique, các cô gái tuổi 12-13 đã bị bắt lấy chồng và các em đã có con ở tuổi này. Nhờ kinh nghiệm này, bà Giovanelli đã có thể thấy những gì Tin Mừng có thể làm được ở một nước mà cơ chế hôn nhân không tồn tại, cũng như người dân không có khái niệm về “trung thành”.

Bà Flaminia Giovanelli sắp rời chức vụ. Khi nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của mình, người phụ nữ có ý thức cao về lợi ích chung biết những năm tháng phục vụ này sẽ ở mãi trong ký ức của mình. “Tôi ra đi, nhưng tôi mang theo trọn công việc của tôi, đức tin được củng cố và tất cả những gì tôi đã làm trên phương diện xã hội, cho lợi ích chung… Tôi sẽ không bao giờ có tất cả những chuyện này nếu tôi không làm trong bối cảnh này”.

Bà Flaminia về hưu, bà biết bà sẽ nhớ văn phòng, nhớ tất cả những gì bà làm mỗi ngày, kỷ luật của công việc, nhưng nhất là sự phong phú tiếp xúc mà bà đã phát triển qua bao nhiêu năm tháng, đặc biệt với người trẻ. Bà chưa biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Bà nói, “tôi sống từng ngày”. Nhưng có một điều bà chắc chắn, đó là Chúa sẽ nghĩ đến bà. Bà hoàn toàn phó thác vào Ngài.

Marta An Nguyễn dịch

464    13-04-2018