Sidebar

Thứ Hai
14.10.2024

Ba lý do để nên để trẻ con chán!

 

Nếu chúng ta ngừng, đừng tìm đủ mọi cách để lo cho con cái? Bà Pascaline Poupinel, tâm lý gia, giải thích vì sao chúng ta nên để trẻ con… chán!

Trại hè, tập kịch, các sinh hoạt thể thao, làm vườn, học hát, học tiếng Anh, tập kịch… đủ tất cả mọi sinh hoạt cho các ngày cuối tuần, cho các tháng hè, không thiếu một món gì! Chỉ vì sợ trẻ con chán, nên bằng mọi giá cha mẹ kéo trẻ con đi hết sinh hoạt này đến sinh hoạt khác, đó là chưa cha mẹ bỏ không biết bao nhiêu giờ để lên mạng tìm địa chỉ, ghi tên, tìm đường, hỏi han, trao đổi kinh nghiệm với nhau… và tốn bộn tiền cho các việc này!

Lo lắng vì sợ con chán

Bà Poupinel giải thích: “Chán, vì không có việc gì làm hết”. Và đó cũng là lý do làm cha mẹ lo lắng, bực bội khi đứa bé đi tới đi lui trong nhà hỏi: “Làm gì bây giờ? Con không biết làm gì hết!”, hoặc cứ năm phút nó lại hỏi: “Con có thể dùng ipad của mẹ được không? Con có thể mời bạn tới nhà chơi không?” Và đôi khi chúng ta sợ những câu hỏi này.

Chịu đựng được chán, dấu hiệu của một sức khỏe tinh thần tốt

Trong khi cha mẹ nghĩ mình buộc phải lo lắng cho con cái thì nữ tâm lý gia giải thích: “Không phải lúc nào cũng phải có việc gì đó để làm”. Phải thật sự xem lời khuyên này là quan trọng vì theo nhiều chuyên gia như bà, nhip sinh hoạt cha mẹ tổ chức quay chung quanh đứa bé góp phần vào việc cấu tạo và ổn định tâm hệ của nó, dù cha mẹ không nhận ra. Và khả năng chịu đựng chán cũng là dấu hiệu dứt khoát của một sức khỏe tinh thần tốt.

Cẩn thận với ảnh hưởng của xã hội hiện nay

Bà Etty Buzyn, nữ tâm thần gia và trị liệu gia viết trong quyển sách của mình, “Cha, mẹ, xin để cho con có thì giờ để mơ” (Albin Michel) như sau: “Xã hội hiện đại khuyến khích chúng ta, tạo ảnh hưởng trên chúng ta để chúng ta lo cho con cái một cách “thái quá”. Xã hội chủ trương tiêu thụ này sẽ luôn đẩy mạnh ý tưởng “thêm, thêm nữa”. Chuộng tinh thần cạnh tranh, xã hội đẩy chúng ta trang bị cho con cái đủ chuyện, để chúng có hiệu năng, để chúng có tinh thần chiến đấu, để đương đầu với các kỳ thi, để học cao hơn, để đối diện với các khó khăn nghề nghiệp. Kỹ thuật số và kết nối liên tục, xã hội thúc đẩy từ con cái, cha mẹ trao đổi liên tục với máy vi tính, với điện thoại, rồi từ truyền hình qua máy tính bảng.

Hãy đặt các giới hạn!

Lấy ví dụ các chuyến đi dài! Ngày nay có nhiều trẻ em chán đi xe hơi, xe lửa. Bà Poupinel luyến tiếc: “Vào thời chúng tôi, các chuyến đi là dịp nhìn ra cửa sổ mơ mộng, đếm xe cọ trên đường đi, nói chuyện với nhau, ca hát, chơi bài để qua thời gian dài”. Bây giờ trước khi lên xe đã có phim ảnh trên máy… để cha mẹ được yên! Vì thế chúng ta phải biết đặt các giới hạn, vì khi trẻ con ngồi trước màn hình, trẻ con không nghĩ gì khác, không nghĩ mình có thể làm gì khác hơn.

Nhưng vì sao quan trọng cần phải có chỗ cho khoảng trống này, cho “không có gì làm” này? Bà Pascaline Poupinel nhấn mạnh đến ba lợi ích thiết yếu:

  1. Khả năng ở một mình

Đó là điều cần thiết để đứa bé học ở một mình, một trải nghiệm cần thiết để biết chờ, biết thế nào là hụt hẫng, biết sự thiếu vắng sẽ được lấp đầy khi thỏa mãn được mong muốn. “Đứa trẻ đòi vú mẹ là biểu hiệu hệ thống tâm hệ đầu tiên của con người”. Khả năng ở một mình cũng là khả năng nói “tôi”, nhận biết mình tồn tại và tìm các nguồn lực để mình tốt với chính mình. Biết ở một mình, cũng là tự tin vào chính mình. Cuối cùng, chơi một mình, hay ngủ một mình không cần có người bên cạnh là bằng chứng nội tâm và tình cảm được ổn định.

  1. Khả năng mơ mộng

Chỉ khi nào trẻ con hoặc trẻ vị thành niên không làm gì hết thì chúng mới có thể mơ được. Mơ là hình dung, là sáng tạo, là mong muốn, là phóng chiếu, là trải nghiệm… Đó là khoảnh khắc quý báu và cần thiết để đầu óc trẻ con nảy sinh ra ý tưởng, khám phá được các khát vọng riêng tư nhất của mình.

Và đó cũng là thời gian thư giãn sau các cố gắng đòi hỏi ở trường hay các sinh hoạt khác nhau. Văn hào William Shakespeare đã viết: “Chúng ta được dệt bằng những thứ mà giấc mơ làm ra”.

Nhưng cẩn thận, để trẻ con mơ không có nghĩa là “để mặc chúng không luật lệ, không giới hạn!”, bà Etty Buzyn nhấn mạnh. “Đứa bé này sẽ không có một dịp nào để tự xây dựng, để giao tiếp với xã hội”. Theo tôi, cần thiết là phải khôi phục lại quan điểm về đứa bé mơ mộng. Có phải sự sáng tạo của các người lớn trong tương lai này, những người mà mình đã để cho họ có thời gian mơ mộng mà xã hội chúng ta đang cần không?

  1. Khả năng để nảy sinh ra động lực, các ước muốn, các niềm vui

Điều quan trọng là tạo một khoảng không gian thiếu cho con cái, để có chỗ cho sáng tạo, cho ước muốn, cho động lực và cho niềm vui. Sự mong chờ này diễn ra theo thời gian vì mong chờ là biết có thiếu, và như thế nảy sinh ra ước muốn. Và khi thỏa mãn được mong muốn này, thì sẽ tạo được niềm vui và đứa bé được phát triển. Nhà tâm lý gia người Pháp Françoise Dolto đã nói: “Các chuyện dễ dàng lấp được nhu cầu nhưng không lấp được ước muốn.”

Vì thế trong các ngày cuối tuần, các kỳ hè khi bạn thấy đứa bé con mình ngáp, đứa vị thành niên ngồi uể oải trên ghế sô-fa thì bạn đừng la chúng mà vui lên và tự nhủ: “Thật tuyệt vời… nó biết chán rồi!”

Marta An Nguyễn dịch

1608    19-09-2017