Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Bác ái Tin Mừng

  z5204912132188aaeedf546a498973004a4d87f3152e4c

Có một người hằng ngày ngồi ăn xin bên vệ đường. Thỉnh thoảng có những người dừng chân lại bố thí ít tiền. Có điều lạ, là người ăn xin đó không hề tỏ dấu hiệu biết ơn : không một lời nói, không một nụ cười cũng không một cái gật đầu. Có người thấy vậy thắc mắc hỏi thì ông trả lời : “Tại sao tôi phải cảm ơn họ. Thiên Chúa muốn dùng tôi như cơ hội để họ có dịp làm việc tốt, làm việc từ thiện, làm việc bác ái. Có lẽ họ phải cảm ơn Chúa và ngay cả cảm ơn tôi vì sự bất hạnh của tôi. Vì nhờ tôi mà họ có công nghiệp trước mặt Thiên Chúa”.

Xét cho kỹ thì người ăn xin nói có lý, vì bất cứ việc tốt nào chúng ta làm cho người khác, tức là làm cho chính mình vậy. Từ đó, người thắc mắc mỗi lần đi ngang qua người ăn xin, đều bố thí hai đồng: một đồng làm phúc bác ái và một đồng tỏ lòng biết ơn người ấy.

Có lẽ nhiều lúc chúng ta cũng vội vàng xét đoán nông cạn về những việc làm của người khác. Lời nói của người ăn xin nghe tưởng như vô ơn tệ bạc, nhưng lại là lời thức tỉnh chúng ta phải có bổn phận quan tâm đến những người xung quanh mình. Nhiều khi chúng ta sai lầm khi nghĩ rằng, thực thi bác ái là một việc có thể làm hoặc cũng có thể bỏ qua. Không! Thực thi bác ái là một bổn phận nồng cốt trong đời sống người tín hữu đặc biệt trong mùa chay thánh.

Bác ái Tin Mừng phải đi xa hơn cán cân công bằng của người thế. Yêu thương cả kẻ thù địch và làm điều tốt cho người thù ghét mình (Mt 5, 44). Cho đi không cần đáp lại. Cho phúc hơn nhận (Cv 20,35b). Có làm được vậy, người ta mới biết chúng ta là người đạo Chúa, đạo bác ái yêu thương. 

Chúa Giêsu còn dạy: khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo, họ không có gì đáp lễ. Vậy mới có phúc vì sẽ được Chúa đáp trả trong ngày sau hết (x. Lc 14,12). Chúa là Vua bác ái, Vua yêu thương.

Là Kitô hữu, chúng ta mặc lấy tâm tình của Chúa để cũng luôn sống trong yêu thương và bác ái theo Tin Mừng.

Caritas Vĩnh Long

149    01-03-2024