Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Thánh Lễ nhân Ngày Quốc Tế vì Người Nghèo, 18.11.2018
Anh chị em thân mến!
Chúng ta hãy nhìn vào ba việc Chúa Giê-su đã làm mà bài Tin Mừng hôm nay thuật lại.
Thứ nhất: Ngài đã rời bỏ đám đông ngay giữa ban ngày, Ngài rời bỏ họ trong khoảnh khắc thành công và trong khi người ta tung hô Ngài vì phép lạ hóa bánh ra nhiều. Trong lúc các môn đệ còn đang muốn tận hưởng vinh quang, thì ngay lập tức Ngài đã thúc các ông phải ra đi, còn Ngài thì đích thân giải tán đám đông (xc. Mt 14,22-23). Người ta tìm kiếm Ngài, nhưng Ngài lại đơn độc đi theo con đường của mình; khi tất cả đều đi “xuống núi”, thì Ngài lại đi lên đỉnh núi để cầu nguyện. Và rồi, giữa lúc đêm khuya, Ngài đã xuống núi và đi trên mặt nước đang bị bão tố khuấy động để đến với các môn đệ của mình. Trong mối liên hệ ấy, Chúa Giê-su đã đi ngược dòng. Trước tiên, Ngài để sự thành công lại đàng sau lưng mình, và rồi, Ngài cũng làm như thế với sự an nhiên tự tại. Ngài dạy cho chúng ta dám can đảm từ bỏ: từ bỏ sự thành công mà nó thổi phồng con tim, và từ bỏ sự an nhiên tự tại mà nó làm cho tâm hồn trở nên ngái ngủ.
Để rồi đi đâu? Thưa, đi tới cùng Thiên Chúa, trong cầu nguyện, và đi tới cùng những con người nghèo hèn túng quẫn, nhờ vào Tình Yêu của Ngài. Thiên Chúa và tha nhân chính là những kho tàng đích thực của cuộc sống: đi lên cùng Thiên Chúa và đi xuống với những người anh chị em chính là con đường mà Chúa Giê-su đang chỉ cho chúng ta đi. Ngài khuyên can chúng ta đừng thản nhiên ngồi đó để hưởng thụ trong những khu vực tiện lợi của cuộc sống, cũng đừng sống vô tư nhàn hạ giữa những thỏa mãn nho nhỏ hằng ngày. Các môn đệ của Chúa Giê-su không được tác tạo nên cho sự an nhiên tự tại có thể thấy trước của một cuộc sống tầm thường. Giống như Thầy của mình, họ luôn luôn hiện diện trên đường, không ham hố sự đời, và sẵn sàng khước từ những vinh quang chóng vánh, và cẩn trọng để không bấu bám vào những của cải mau qua. Người Ki-tô hữu biết rằng, quê hương của mình là bất cứ nơi đâu, họ biết rằng, ngay từ bây giờ họ đã là “đồng hương của các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa” (xc. Eph 2,19) như Thánh Phao-lô Tông Đồ nhắc nhớ trong Bài Đọc II. Người Ki-tô hữu chính là một người lữ hành lanh lẹ trên đường đời của mình. Chúng ta sống không phải để tích cóp của cải, vinh quang của chúng ta hệ tại ở chỗ từ bỏ những gì chóng qua để ôm chặt lấy những gì tồn tại vĩnh viễn. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài làm cho chúng ta được trở nên giống như Giáo hội được mô tả trong Bài Đọc I: không ngừng chuyển động, trải nghiệm sự từ bỏ và trung tín trong việc phục vụ (xc. Cv 28,11-14). Lạy Chúa, xin kéo chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại trống rỗng, cũng như ra khỏi sự lặng lẽ tồi tệ nơi cái nhà tù an toàn của chúng con. Xin gỡ chúng con ra khỏi những bến cảng của sự quy ngã mà nó đang chất đầy những gánh nặng lên cuộc sống, xin giải thoát chúng con khỏi sự kiếm tìm những thành công của mình. Xin dạy cho chúng con biết từ bỏ bản thân để chúng con biết tổ chức hướng đi cuộc sống chúng con theo hướng đi cuộc sống của Chúa: đi đến cùng Thiên Chúa và tha nhân.
Thứ hai: Chúa Giê-su động viên các môn đệ giữa lúc đêm khuya. Ngài đi “trên mặt biển” để đến với các môn đệ của Ngài trong lúc họ đang bị bủa vây bởi đêm tối. Trong thực tế, đó là một cái biển hồ, tức một cái hồ rộng như biển, với độ sâu nơi bóng tối ngầm bên dưới của nó, mà hồi ấy người ta liên tưởng tới những sức mạnh sự ác. Trong lúc như thế, Chúa Giê-su đã đến với họ, hay nói theo cách khác là đã gặp gỡ họ, bằng cách là Ngài đã đạp những ác thù của con người dưới chân. Đó là ý nghĩa của dấu chỉ này: đó không phải là một cuộc biểu dương quyền lực cách long trọng, nhưng đó là một cuộc mạc khải được công bố cho chúng ta về niềm xác tín đầy an tâm rằng, Chúa Giê-su, chỉ một mình Chúa Giê-su thôi, đã chiến thắng những kẻ thù to lớn của chúng ta: ma quỷ, tội lỗi, sự chết và sự sợ hãi. Hôm nay Ngài cũng vẫn đang còn nói với chúng ta: “Hãy vững tin, Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27).
Con thuyền cuộc sống chúng ta thường bị tung lên rồi quăng xuống bởi những trận sóng, cũng như bị xô qua đẩy lại bởi những trận cuồng phong, và nếu biển có lặng một chút, thì ngay sau đó nó lại tiếp tục bị khuấy động. Và rồi chúng ta sẽ phải bận tâm với những trận cuồng phong trong chốc lát, đến độ chúng có vẻ như là những vấn đề duy nhất của chúng ta. Nhưng vấn đề không phải là những trận bão trong chốc lát, nhưng là việc người ta sẽ điều khiển con tàu xuyên qua cuộc sống như thế nào. Huyền nhiệm của những quy định tốt về lưu thông hàng hải hệ tại ở chỗ mời Chúa Giê-su lên thuyền. Bánh lái cuộc sống phải được trao cho Ngài để Ngài có thể định hướng cho nó. Vì chỉ có Ngài mới có thể ban tặng sự sống trong lúc chết, và ban tặng niềm hy vọng trong lúc khổ đau; chỉ có Ngài mới có thể chữa lành con tim nhờ vào sự tha thứ, và giải thoát nó khỏi nỗi sợ hãi với sự trợ giúp của niềm tin tưởng. Hôm nay chúng ta hãy mời Chúa Giê-su bước lên con thuyền cuộc đời chúng ta. Giống như các môn đệ ngày xưa, chúng ta cũng sẽ nếm trải được rằng, khi có Ngài trên thuyền thì sóng gió sẽ lặng im (xc. Mt 14,32), và khi có Ngài, người ta sẽ không bao giờ bị đắm thuyền nữa. Và cũng chỉ với Chúa Giê-su chúng ta mới có khả năng khích lệ người khác. Người ta rất cần tới những con người có khả năng an ủi, nhưng không phải bằng những lời sáo rỗng, mà là bằng những lời sự sống. Nhân danh Chúa Giê-su, người ta sẽ trao đi niềm an ủi đích thực. Không phải một lời an ủi đầy hình thức và rẻ mạt có khả năng xây dựng, nhưng là sự hiện diện của Chúa Giê-su. Xin hãy khích lệ chúng con, lạy Chúa: Được Chúa an ủi, chúng con sẽ trở thành những người trao ban niềm an ủi đích thực cho những người khác.
Thứ ba: Giữa lúc cuồng phong bão tố đang tung hoành, Chúa Giê-su đã giơ cánh tay Ngài ra (xc. Mt 14,31). Ngài chụp lấy Phê-rô, người đang nghi nan vì sợ hãi, và trong lúc bị chìm xuống nước, ông đã hét lên: “Lạy Chúa, xin cứu con!” (Mt 14,30). Chúng ta sẽ có thể đặt mình vào tình trạng của Phê-rô: Chúng ta là những con người kém lòng tin, và chúng ta ở đây để ăn mày ơn cứu độ. Chúng ta nghèo nàn về cuộc sống đích thực và cần tới cánh tay giơ ra của Thiên Chúa, để cánh tay đó kéo chúng ta ra khỏi sự ác. Đó là sự khởi đầu của Đức Tin: chúng ta cần bước ra khỏi sự lầm tưởng đầy kênh kiệu rằng, ở nơi chúng ta tất cả đều ổn cả, chúng ta có thể làm tất cả và hoàn toàn độc lập, để chúng ta nhận ra bản thân mình là những người cần tới ơn cứu độ. Đức Tin lớn lên trong bầu khí ấy, đó là bầu khí mà người ta thích ứng với nó, khi người ta cùng đồng hành với những người không thể đứng bằng đôi chân, nhưng thiếu thốn và cầu xin sự giúp đỡ. Vì thế, việc sống Đức Tin trong mối liên hệ với những nhu cầu, đó là điều quan trọng đối với tất cả chúng ta. Đó không phải là sự lựa chọn mang tính xã hội, nhưng đó là một điều cần thiết mang tính Thần Học. Vấn đề nằm ở chỗ là nhận ra bản thân mình chính là những người ăn mày ơn cứu độ, như là những người anh chị em của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là của những người nghèo hèn mà Thiên Chúa rất mực yêu thương họ. Như thế chúng ta kín múc được từ tinh thần Tin Mừng: “Tinh thần khó nghèo và Đức Ái” – Công Đồng Vatican nói – “chính là vinh quang và chứng tá của Giáo hội Chúa Ki-tô” (GS, 88).
Chúa Giê-su đã lắng nghe tiếng kêu cứu của Phê-rô. Chúng ta hãy xin cho được ơn biết lắng nghe tiếng kêu cứu của những người đang phải sống trong vùng nước đầy sóng bão. Tiếng kêu của người nghèo: đó là tiếng kêu bị dập tắt của những em nhỏ không được nhìn thấy ánh sáng thế giới, của những con người phận nhỏ đang phải đau khổ vì đói khát, của những em thiếu nhi đã quen dần với những tiếng gầm hú của bom đạn thay vì những tiếng reo mừng trong khi chơi đùa. Đó là tiếng kêu cứu của những cụ già đang bị loại bỏ và cô đơn. Đó là tiếng thét gào của những người đang phải đối chọi với những trận giông tố cuộc đời mà về phía mình, không nhận được sự giúp đỡ nào. Đó là tiếng thét gào của những người đang phải trốn chạy, và đang phải bỏ lại nhà cửa cũng như quê hương xứ sở của mình để bước vào một thế giới vô định. Đó là tiếng thét gào của tất cả các dân tộc đã bị bóc lột hết tài nguyên thiên nhiên của mình. Đó là tiếng kêu gào của rất nhiều những La-gia-rô đang khóc than, trong khi một số những tên trọc phú giàu có lại đang hưởng thụ những điều mà theo quy luật, phải thuộc về mọi người. Sự bất công chính là gốc rễ đồi bại của sự đói nghèo. Tiếng thét gào của người nghèo sẽ ngày càng to hơn, nhưng nó lại được lắng nghe mỗi ngày một ít đi – bị át giọng bởi sự ồn ào của một số ít kẻ giàu có, mà thành viên của nhóm này ngày một ít đi, nhưng lại ngày càng giàu sang hơn.
Trước nhân phẩm bị chà đạp dưới chân, người ta thường khoanh tay đứng nhìn, hay bất lực để cho phẩm giá ấy bị hạ thấp khi phải đối diện với những mãnh lực đen tối của sự ác. Nhưng một Ki-tô hữu sẽ không được phép khoanh tay đứng nhìn cách đầy thờ ơ, hay phó mặc cho định mệnh, không! Người tín hữu sẽ giơ cánh tay mình ra như Chúa Giê-su đang làm điều ấy cho họ. Nơi Thiên Chúa, tiếng thét gào của người nghèo sẽ được lắng nghe, nhưng nó sẽ như thế nào nơi chúng ta? Có đúng là chúng ta đang có cặp mắt để nhìn, có đôi tai để lắng nghe, và có đôi tay giơ ra để giúp đỡ hay không? “Trong những người nghèo và với giọng to lớn, chính Chúa Giê-su đang kêu gọi các môn đệ của Ngài hãy yêu thương” (nt). Ngài đòi hỏi chúng ta phải nhận ra Ngài trong những con người đang phải đói khát, đang là khách lạ, đang bị ốm đau, tù đầy, và đang bị cướp mất nhân phẩm (xc. Mt 25,35-36).
Chúa Giê-su giơ cánh tay của Ngài ra; đó là một cử chỉ tự do và không phải vì mang nợ. Người ta hãy làm như thế. Chúng ta không được kêu gọi để chỉ thực hiện sự tốt lành cho những ai yêu thích chúng ta. Việc đáp lại một cái gì đó là điều bình thường, nhưng Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta phải đi xa hơn (xc. Mt 5,46): giúp đỡ những người không có bất cứ điều gì để trả ơn chúng ta, có nghĩa là yêu thương một cách nhưng không (xc. Lc 6,32-36). Chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống hằng ngày của mình: Trong tất cả mọi sự, chúng ta có làm một điều gì đó nhưng không, một điều gì đó cho những ai không có bất cứ điều gì để đền ơn chúng ta hay không? Đó là cánh tay giơ ra của chúng ta, là kho tàng đích thực của chúng ta trên Thiên Đàng.
Lạy Chúa, xin giơ cánh tay của Chúa ra cho chúng con, và xin hãy chụp lấy chúng con. Xin giúp chúng con để chúng con có thể yêu thương mọi người như Chúa yêu. Xin dạy cho chúng con biết từ bỏ những gì chóng qua, biết khích lệ động viên những ai đang sống quanh mình, cũng như biết trao tặng một cách nhưng không cho những ai túng thiếu nghèo hèn.
Đền Thờ Thánh Phê-rô
Sáng Chúa Nhật ngày 18 tháng 11 năm 2018
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ
721 20-11-2018