Sidebar

Thứ Năm
12.09.2024

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh 24/12/2018

Lúc 9h30 tối 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ sáu ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 30 Hồng Y, 40 Tổng Giám Mục và Giám Mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.

Đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Cạnh máng cỏ ở trước Bàn thờ Tuyên Xưng đức tin, có một ngai nhỏ trên đó có đặt một sách Tin Mừng, để nói lên rằng trong biến cố vĩ đại của đêm Giáng Sinh: Lời của Thiên Chúa đã làm người.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Ông Giuse cùng với người phối ngẫu của mình, lên đường đến thành vua Đavít gọi là Bêlem (Lc 2: 4). Tối nay, chúng ta cũng đến Bêlem để khám phá mầu nhiệm Giáng Sinh.

Bêlem: danh từ này có nghĩa là nhà bánh. Trong “ngôi nhà” này, ngày hôm nay, Chúa muốn gặp gỡ cả nhân loại. Ngài biết rằng chúng ta cần lương thực để sống. Tuy nhiên, Ngài cũng biết rằng những loại dưỡng chất của thế giới này không làm thỏa mãn con tim. Trong Kinh thánh, tội lỗi nguyên thủy của loài người liên quan chính xác đến việc ăn uống: nguyên tổ của chúng ta đã “cầm lấy trái cây và ăn”, Sách Sáng thế (xem 3: 6) cho biết như thế. Họ đã cầm lấy và đã ăn. Nhân loại trở nên tham lam và mê ăn uống. Trong thời đại của chúng ta, đối với nhiều người, ý nghĩa cuộc sống hệ tại ở việc chiếm hữu một cách dư thừa vật chất. Dấu ấn của lòng tham vô độ được ghi đậm trong toàn bộ lịch sử loài người, ngay cả ngày hôm nay, khi thật nghịch lý thay, một thiểu số ăn uống xa xỉ trong khi quá nhiều người chẳng có lương thực cần thiết hàng ngày để sống còn.

Bêlem là bước ngoặt làm thay đổi tiến trình của lịch sử. Ở đó, Chúa, trong “nhà bánh”, được sinh ra trong máng cỏ. Như thể Người muốn nói: “Này là Thầy, là phần lương của các con”. Người không chiếm hữu, nhưng Người cho chúng ta ăn; Người không trao cho chúng ta một của ăn đơn thuần, nhưng là chính Người. Ở Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không lấy đi sự sống, nhưng trao ban sự sống. Đối với chúng ta, những người từ thuở chào đời đã quen với việc cầm lấy và ăn, Chúa Giêsu bắt đầu nói: “Hãy cầm lấy mà ăn. Này là mình Thầy” (Mt 26:26). Cơ thể nhỏ bé của Hài Nhi Bêlem nói với chúng ta một phương thức mới để sống cuộc sống của chúng ta: không phải bằng cách ăn uống ngấu nghiến và tích trữ, nhưng bằng cách chia sẻ và cho đi. Thiên Chúa làm cho mình ra nhỏ bé để Ngài có thể là lương thực của chúng ta. Khi sống nhờ vào Ngài, bánh của sự sống, chúng ta có thể được tái sinh trong tình yêu, và phá vỡ vòng xoáy của sự giành giật và tham lam. Từ “nhà bánh’, Chúa Giêsu đưa chúng ta trở về nhà, để chúng ta có thể trở thành gia đình của Thiên Chúa, thành anh chị em với người lân cận. Đứng trước máng cỏ, chúng ta hiểu rằng lương thực của cuộc sống không phải là của cải vật chất mà là tình yêu, không vơ vét nhưng bác ái, không phô trương nhưng đơn giản.

Chúa biết rằng chúng ta cần được nuôi dưỡng hàng ngày. Đó là lý do tại sao Người hiến thân cho chúng ta mỗi ngày trong cuộc đời: từ máng cỏ ở Bêlem đến Phòng Tiệc Ly ở Giêrusalem. Hôm nay cũng vậy, trên bàn thờ, Ngài trở thành lương thực cho chúng ta; Ngài gõ cửa nhà chúng ta, để vào và cùng ăn với chúng ta (x. Kh 3:20). Vào ngày Giáng Sinh, chúng ta trên trái đất này đón nhận Chúa Giêsu, bánh từ trời xuống. Đó là một loại bánh không bao giờ hư nát, nhưng cho chúng ta ngay từ bây giờ được nếm hưởng trước cuộc sống vĩnh cửu.

Ở Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng sự sống của Thiên Chúa có thể đi vào trái tim của chúng ta và ngự ở đó. Nếu chúng ta chào đón món quà này, lịch sử sẽ thay đổi, bắt đầu với mỗi người chúng ta. Vì, một khi Chúa Giêsu ngự trong lòng chúng ta, trung tâm của cuộc sống không còn là bản ngã hung hăng và ích kỷ của tôi nữa, nhưng là Đấng được sinh ra và sống vì tình yêu. Tối nay, khi chúng ta nghe thấy lời hiệu triệu đi lên Bêlem, ngôi nhà bánh, chúng ta hãy tự hỏi: Lương thực của cuộc đời tôi là gì, đâu là điều tôi không thể không có? Đó có phải là Chúa không, hay là điều gì khác? Sau đó, khi chúng ta bước vào máng lừa, cảm nhận được nơi sự nghèo khó của Hài Nhi mới sinh một mùi hương mới của cuộc sống, mùi của sự đơn sơ, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có thực sự cần tất cả những của cải vật chất và những công thức phức tạp này để sống không? Tôi có thể sống mà không cần tất cả các thứ phụ gia không cần thiết này và sống một cuộc sống đơn giản hơn không? Ở Bêlem, bên cạnh nơi Chúa Giêsu nằm, chúng ta nhìn thấy những người đã thực hiện một cuộc hành trình để đến đây: Đó là Đức Maria, Thánh Giuse và các mục đồng. Chúa Giêsu là lương thực cho cuộc hành trình. Ngài không thích những bữa ăn dài, kéo dài hết giờ này sang giờ khác, nhưng thúc giục chúng ta sớm đứng dậy ra khỏi bàn ăn để phục vụ, để là lương thực cho người khác. Chúng ta hãy tự hỏi: Vào mùa Giáng Sinh này tôi có chia sẻ cơm bánh của tôi với những người chẳng có gì để ăn không?

Sau ý tưởng Bêhem, là “nhà bánh”, chúng ta hãy suy ngẫm về Bêlem như là thành của vua Đavít. Ở đó, chàng trai trẻ Đavít là một người chăn cừu, và trong tư cách đó đã được Chúa chọn làm người chăn dắt và lãnh đạo dân Ngài. Vào ngày Giáng Sinh, tại thành vua Đavít, chính những người chăn cừu đã chào đón Chúa Giêsu bước vào thế giới. Trong đêm đó, Tin mừng cho chúng ta biết, những mục đồng đầy nỗi sợ hãi (Lc 2: 9), nhưng thiên thần nói với họ rằng “Đừng sợ” (câu 10). Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe cụm từ này trong Tin mừng: “Đừng sợ”? Dường như Thiên Chúa liên tục lặp lại lời này khi Ngài tìm kiếm chúng ta. Bởi vì, ngay từ đầu, do tội lỗi của mình, chúng ta đã sợ hãi Chúa; sau khi phạm tội, ông Adong nói: “Tôi đã sợ nên tôi trốn tránh” (St 3:10). Bêlem là phương thuốc cho nỗi sợ hãi này, bởi vì bất kể bao nhiêu lần loài người nói “không”, Chúa vẫn không ngừng nói “có”. Ngài sẽ luôn là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Và e rằng sự hiện diện của Người gây ra kinh sợ, Ngài đã biến mình thành một đứa trẻ dịu dàng. Đừng sợ: những lời này không được nói cùng các vị thánh nhưng là với những người chăn cừu, những người đơn sơ, những người trong thời đó chắc chắn không nổi tiếng với những cách cư xử tinh tế và lòng đạo đức của họ. Con của vua Đavít được sinh ra giữa các mục đồng để nói với chúng ta rằng sẽ không bao giờ có ai một mình và bị bỏ rơi; chúng ta có một vị Mục Tử chinh phục mọi nỗi sợ hãi và yêu thương tất cả chúng ta, không trừ một ai.

Các mục đồng của Bêlem cũng cho chúng ta biết làm thế nào để ra đi gặp Chúa. Họ đã canh thức vào ban đêm: họ không ngủ vùi, nhưng làm những gì Chúa Giêsu thường yêu cầu tất cả chúng ta làm, cụ thể là tỉnh thức (x. Mt 25:13; Mc 13:35; Lc 21,36). Họ vẫn tỉnh táo và chăm chú trong bóng đêm; và khi đó ánh sáng của Thiên Chúa “chiếu rọi xung quanh họ” (Lc 2: 9). Đây cũng là trường hợp của chúng ta. Nếu cuộc sống của chúng ta được ghi dấu bằng sự chờ đợi, thì trong bối cảnh u ám của những nan đề, vẫn loé lên hy vọng vào Chúa, và lòng khao khát sự quang lâm của Người; và khi đó chúng ta sẽ nhận được cuộc sống của Người. Còn nếu như cuộc sống của chúng ta được đánh dấu bởi các mong muốn, trong đó tất cả những gì quan trọng đối với chúng ta chỉ là sức mạnh và khả năng của chúng ta; thì ánh sáng của Chúa bị cấm cản không đến được với con tim chúng ta. Chúa thích được chờ đợi, và chúng ta không thể chờ đợi Ngài bằng cách nằm dài trên băng ghế, ngủ vùi. Vì vậy, các mục đồng lập tức lên đường: chúng ta được cho biết rằng họ đã vội vã ra đi (câu 16). Họ không chỉ đứng đó như những người nghĩ rằng họ đã đến rồi và không cần phải làm gì thêm. Thay vào đó họ lên đường; họ bỏ lại bầy chiên không ai bảo vệ; họ mạo hiểm vì Chúa. Và sau khi nhìn thấy Chúa Giêsu, mặc dù họ không phải là những người đàn ông có thể dễ dàng tuôn ra những lời hay ý đẹp, họ ra đi để công bố sự chào đời của Hài Nhi mới sinh, vì thế “tất cả những người nghe thấy đều ngạc nhiên về những gì các mục đồng nói với họ” (câu 18).

Tỉnh thức, cất bước ra đi, mạo hiểm, kể lại vẻ đẹp: tất cả đều là những hành vi yêu mến. Vị Mục tử tốt lành, Đấng vào ngày Giáng Sinh đến để hiến mạng sống mình cho đàn chiên, sau này, vào lễ Phục sinh, đã hỏi Thánh Phêrô và, qua thánh nhân, Chúa hỏi tất cả chúng ta, câu hỏi cuối cùng này: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15). Tương lai của đàn chiên sẽ phụ thuộc vào cách câu hỏi đó được được trả lời. Tối nay chúng ta cũng được yêu cầu trả lời Chúa Giêsu với những lời: “Con yêu Chúa”. Câu trả lời được đưa ra bởi mỗi người là cần thiết cho cả đàn chiên.

“Nào chúng ta hãy sang Bêlem” (Lc 2:15). Với những lời này, các mục đồng đã lên đường. Lạy Chúa, chúng con cũng vậy, cũng muốn đi lên Bêlem. Cả ngày hôm nay, con đường cũng chông gai như thế: đỉnh cao của sự ích kỷ của chúng ta cần phải được vượt qua, và chúng ta không được lạc bước hoặc trượt vào tinh thần thế gian và chủ nghĩa tiêu thụ.

Lạy Chúa, con muốn đến Bêlem, vì có Chúa đang chờ đợi con ở đó. Con muốn nhận ra rằng Chúa, đang nằm trong máng cỏ, là lương thực đời con. Con cần hương thơm dịu dàng của tình yêu Chúa để đến lượt con, con có thể là chiếc bánh bẻ ra cho thế giới. Hãy đặt con trên vai của Chúa, vị Mục tử tốt lành; khi được Chúa yêu, con sẽ có thể yêu mến anh chị em của mình và chìa tay ra nắm lấy họ. Khi đó sẽ là ngày Giáng Sinh, khi con có thể nói với Chúa: “Lạy Chúa Chúa biết tất cả mọi thứ; Chúa biết con yêu Chúa” (x. Ga 21,17).


Source: Libreria Editrice Vaticana HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Vatican Basilica Monday, 24 December 2018   J. B. Đặng Minh An dịch


292    27-12-2018