Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Bài học làm người đơn giản từ con trẻ

importantlifelessonswecanlearnfromchildren

lẽ ai cũng cho rằng chỉ các bậc bề trên: cha mẹ, thầy cô, người lớn nói chung mới dạy dỗ con trẻ và dùng suy nghĩ cá nhân của mình để đánh giá đúng – sai. Nhưng thực ra, chính chúng ta – những người lớn - nhiều khi phải học từ con trẻ những bài học làm người đơn giản đó.

Bài học về sự giận dữ và lòng yêu thương

Ba mua một con xe hơi mới tinh như lòng Ba mơ ước bấy lâu. Ba nâng niu, lau chùi bóng loáng. Đứa con trai bé nhỏ đang chơi quanh quẩn, rồi Ba thấy nó đang cầm viên đá vẽ nguệch ngoạc lên thân xe. Ba nổi giận chụp lấy hai bàn tay con đánh, đánh, đánh… thật đau mà không hề biết rằng trên tay mình đang cầm cái mỏ lêt. Vào bệnh viện, bác sĩ không cứu được các ngón tay con. Ba đau đớn hối hận. Qua cơn đau, con hồn nhiên hỏi: Ba ơi! Khi nào thì các ngón tay của con sẽ mọc lại được? Vừa hỏi con vừa hướng đôi mắt trong veo và chứa chan hi vọng về phía Ba. Tim Ba nhói thắt, Ba không dám nhìn con và mãi mãi cũng không thể có câu trả lời. Ba chạy đến bên chiếc xe, trút nỗi đau và cơn giận chính bản thân mình lên đấy bằng sức mạnh của đôi chân chao đảo… Đôi mắt nhòa lệ của Ba chợt dừng lại trên những nét vẽ nguệch ngoạc, giờ Ba mới nhìn thấy mấy chữ : Con yêu Ba lắm. Ba ôm ngực, chạy đi trong vô thức!

Thế đấy, chỉ một cơn nóng giận mà phải ân hận cả đời. Kinh Thánh có câu “Giận dữ không thể coi là lẽ phải được, vì giận dữ kéo theo sự sụp đổ của một con người” (x. Hc 1,22); nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong sách Học làm người cũng có nói: “Khi bạn giận dữ là khi bạn trải qua một cơn điên ngắn”. Hãy hiểu rằng: Cả sự tức giận lẫn tình yêu thương đều không có giới hạn. Đồ vật là để sử dụng, còn con người là để yêu thương. Đừng bao giờ đảo ngược vị trí của nó trên hành trình làm người.

Tôi nghĩ sau này, trải qua nhiều năm tháng đau khổ dằn vặt cùng với yêu thương bù đắp lấp đầy, cũng sẽ có ngày Ba phải đối diện sự thật cùng con. Cũng tin chắc rằng, dòng chữ con yêu Ba sẽ được viết ngay ngắn hơn, tròn trịa hơn: Vì con đã thấu hiểu và trưởng thành! Đã yêu thương và tha thứ!

***

Bài học về sự tử tế

Trên đường đi làm về, trời giông và bắt đầu mưa. Cảnh vật và con người đều rất khẩn trương. Cây rũ sạch lá, bụi cuốn mù mịt, người ta vụt qua nhanh không kịp nhìn mặt nhau,… Một tàu lá dừa rụng nằm chỏng chơ chiếm phần lớn mặt lộ. Mọi người chạy qua,  né không kịp thì đè sấn lên mà tiến. Tôi quên mang áo mưa, nên nép tạm vào một mái hiên gần đó, nhìn mưa miên man không biết khi nào mới dứt. Để giết thời gian, tôi tìm cảm hứng với việc quan sát biểu hiện của mỗi người khi đi qua chỗ tàu lá rụng. Hầu hết, người ta đi qua mà không để ý, đường vẫn còn khoảng trống để lách qua mà. Thi thoảng có người chạy ngược chiều, họ phải chịu nhường nhau thôi.

- Một tốp học sinh, đang hiên ngang hàng hai, hàng ba bỗng chuyển đội hình hàng một, tăm tắp như thể có CSGT phía trước.

- Một xe hoa lâm, rồi xe máy cày. Có hề gì? “Đường vẫn rộng thênh thang…tám thước”. Sá gì một chướng ngại vật cỏn con!

- Lát sau, một người đàn ông trong cái áo mưa lụp xụp trên chiếc xe máy cũ kĩ.  Mấy cọng lá dừa vươn ra để xỉa vào bánh xe và cuốn lấy. Giật mình, chao đảo, anh ta dùng chân đá mạnh tàu lá, miệng lầm bầm văng tục: “Má nó, nằm giữa đường, giữa sá hà!”, rồi dùng dằng chạy đi.

- Một chị trung niên trờ tới ra vẻ “thông cảm” và “hiểu chuyện” – chị mĩm cười.  Qua khỏi, chị ngoái đầu nhìn lại tàu dừa, phán một câu “công bằng”: Tại mày…!

Mưa…

Mưa vẫn chưa có dấu hiệu giảm, đường vắng hơn, không gian rất buồn. Tôi cũng đã quên mất việc quan sát người đi đường, cho tới khi…

- Một bé trai khoảng mười mấy tuổi đi xe đạp chở một bó cỏ to, ướt lướt thướt, đang è ạch gồng lưng đạp để chiến thắng sức cản của gió. Em bé chạy qua khúc hẹp một cách cẩn thận. Ngập ngừng một thoáng. Rồi dứt khoát dựng chóng xe, em bước lại kéo  tàu lá vô sát lề: Nằm im ở đây nhé. Đôi bàn tay gầy guộc bé nhỏ vuốt vội làn nước mưa xối vào mặt. 

Tôi chợt nhận ra gương mặt ấy: quen lắm, em ấy là hàng xóm của tôi. À không, tôi là hàng xóm của em ấy mới đúng, lại một kí ức nữa hiện về…

Tôi về ở xóm rẫy sau này thôi. Lúc đó, căn hộ kế bên là của hai mẹ con này, cuộc sống có vẻ lam lũ. Tôi sống khép kín, chưa cởi mở với ai. Một đêm nọ, trời cũng vần vũ mưa giông, cả xóm bị cúp điện. Đang loay hoay tìm cái bật lửa thì nghe có tiếng gõ cửa. Thì ra là đứa trẻ nhà bên cạnh, em nhiệt tình hỏi: Nhà cô có nến không ạ? Tôi thoáng nghĩ: Vậy là nhà bên kia không có nến nên qua xin. Mình cho cũng được nhưng sợ sẽ thành thói quen, rồi phiền về sau. Liền đáp: Không có. Vừa khi định quay vào nhà đóng cửa lại thì đứa trẻ lại lên tiếng kèm một nụ cười: Con biết chắc là cô chưa kịp mua đâu. Ở đây thường hay cúpđiện bất ngờ lắm, nhất là lúc trời mưa giông. Nói xong, em đưa cho tôi hai cây đèn cầy. Khoảnh khắc đó tôi cảm thấy mình bị thu nhỏ lại, nhạt nhòa trước em. Vừa tự trách, vừa hổ thẹn, lại vừa cảm động đến rơi nước mắt. Cảm giác ấy, câu chuyện ấy vẫn chôn chặt trong lòng tôi cho đến hôm nay, có dịp vỡ òa.

Bài học về sự tử tế nơi em đã đánh động trái tim và ý thức nơi những người lớn như tôi, như chúng ta. Biết hi sinh một chút để trưởng thành hơn một chút. Biết cho đi bằng sự quan tâm sẽ nhận lại được tình yêu. Bởi bàn tay trao hoa hồng bao giờ cũng vương vấn mùi hương. Con người từ lúc sinh ra, căn bản đã rất thiện lành, trong sáng. Lòng tử tế và những đức tính tốt hiện hữu trong mỗi người trước hết như một tiềm năng (ở những đứa trẻ), sau đó cần được nuôi dưỡng, chăm sóc để nó có thể phát triển tốt hơn, dù trong môi trường khắc nghiệt của cuộc sống sau này.

Người lớn ơi! Hãy nhớ lấy!

Caritas Vĩnh Long

419    09-06-2023