Nguồn ảnh: T.K. Hammonds từ Unsplash |
Ngôn sứ Giôna là một anh hùng bất đắc dĩ. Ông không chỉ cố gắng trốn tránh nhiệm vụ của mình, mà còn muốn bỏ mặt cho Ni-ni-vê bị phá huỷ khi chỉ nói với họ một câu đơn giản để cảnh báo: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ." (Gn 3,4) Hãy so sánh câu nói đơn giản này của ông với 25.608 câu trong Sách Ngôn sứ Isaisa hay 33.002 câu trong Sách Ngôn sứ Giêrêmia, cả hai quyển sách đều chủ yếu là những lời nói của hai vị ngôn sứ.
Vấn đề của Giôna là gì? Tại sao ông lại miễn cưỡng thực hiện sứ mạng ngôn sứ của mình, và thậm chí sau đó chỉ làm điều tối thiểu mà thôi?
Hãy đặt vấn đề này trong viễn cảnh sau: Ni-ni-vê là thủ đô của Đế quốc Át-sua, một quốc gia thường xuyên có xung đột với hai vương quốc It-ra-en và Giu-đa. Giôna không muốn hoàn thành sứ mạng của mình vì ông thù ghét dân Ni-ni-vê, giống như bất kỳ người Do Thái nào khác. Họ không phải là dân được Chúa chọn, không phải là sở hữu riêng mà Thiên Chúa đã mang ra khỏi Ai Cập và lập thành một quốc gia thánh thiện. Để làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, về sau Át-sua còn sẽ đưa vương quốc It-ra-enđến chỗ diệt vong và đánh chiếm đến tận các cổng thành của Giêrusalem. Vậy làm sao Thiên Chúalại có thể muốn cho dân này được cứu?
Vậy mà, Thiên Chúa lại gởi vị ngôn sứ của mình đến Ni-ni-vê. Dân chúng thì ăn năn, còn Giôna thì bực tức. Ông than phiền trước mặt Thiên Chúa: "Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ." (Gn 4,2) Lòng thù ghét của ông đối với dân Ni-ni-vê to lớn đến mức ông thậm chí còn đẩy sự tốt lành và lòng khoan dung của Thiên Chúa đến chỗ chống lại mình như một điều sỉ nhục, cũng chính lòng khoan dung như thế đã được tỏ bày hết lần này đến lần khác đối với dân It-ra-en. Vì vậy, câu chuyện về Giôna kết thúc khi ông than thở và cầu xin được chết đi trong nỗi đau khổ của mình.
Giôna vốn không vội vàng thực hiện sứ mệnh của mình, nhưng Thiên Chúa đã dùng nỗ lực nửa vời của ông để bày tỏ lòng khoan dung và sự tốt lành của Ngài đối với Ni-ni-vê. Và bây giờ hãy nhìn xem Chúa Giêsu, Đấng đã chu toàn thánh ý Thiên Chúa một cách hoàn hảo đến nỗi chịu chết trên thập giá vì những kẻ tội lỗi. Giôna đã chạy trốn sứ mạng của mình, còn Chúa Giêsu thì lại theo đuổi sứ mạng và đón lấy thập giá của mình. Chúa Giêsu chính là liệu pháp duy nhất cho sự miễn cưỡng của Giôna.
Đời sống Kitô hữu cũng đòi hỏi chúng ta phải hành động một cách anh hùng. Thiên Chúa mong muốn ơn cứu độ cho cả người đồng nghiệp không ngừng than phiền nơi phòng nghỉ, hay người bạn cùng phòng dường như không thể ăn uống một cách âm thầm, và cả người đã đậu xe của mình sai chỗ. Chúng ta không nên chạy trốn thập giá, ngay cả khi điều đó có nghĩa là trở nên khoan dung đối với những người mà chúng ta không thích hay chia sẻ Phúc Âm với những thường làm chúng ta bực bội. Bằng cách đó, chúng ta mới có thể trở thành những anh hùng.
Tác giả: Vincent Mary Bernhard O.P. - Nguồn: Dominicana Journal (06/10/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên