PHẦN HUẤN GIÁO
Phần III
GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH THÁNH HÓA CỦA HỘI THÁNH
HIỆP HỘI – ĐOÀN THỂ TRONG ƠN GỌI THÁNH HÓA CỦA GIÁO DÂN
“Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô – Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1:10)
Ngoài việc thánh hóa trong sinh hoạt nội bộ của Hội Thánh mà Giáo Dân tham gia với tư cách cá nhân hay tập thể thông qua các sinh hoạt Hội Đoàn và tổ chức đạo dức, giáo dân còn tham gia vào các hiệp hội giáo dân với chủ đích đẩy mạnh liên đới trong các nỗ lực thánh hóa trần gian và xã hội rất đa diện tại chính những nơi họ sinh đang sinh sống. Thực vậy tông huấn Christi Fideles Laici số 30 đã xác quyết: “Các Hiệp Hội giáo dân phải trở thành những phong trào tích cực trong việc tham gia vào tình liên đới, để kiến tạo những điều kiện sống công bằng và huynh đệ hơn giữa lòng xã hội hôm nay”, để các giá trị Tin Mừng mau được tiếp nhận.
- Hiệp hội Giáo dân là gì?
Hiệp hội giáo dân là tập thể gồm các giáo dân, được thành lập với mục đích nhằm đẩy mạnh việc chu toàn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh trong xã hội đa diện. Các hiệp hội này cổ vũ sự hiệp thông và liên đới giữa các thành phần Dân Chúa trong một sứ mệnh chung. Vì vậy việc thành lập phải dựa trên các tiêu chuẩn rõ ràng, qua đó người ta có thể phân biệt được những hiệp hội mang đậm tính cách Hội Thánh, khác với những hiệp hội được thành lập do một cá nhân hay đoàn thể, cho dầu có dựa trên một số tiêu chuẩn Tin Mừng đi nữa, nhưng chỉ là sáng kiến hoàn toàn riêng tư mà thôi.
- Tiêu chuẩn được công nhận
Để được công nhận như một hiệp hội giáo dân nhằm mục đích thánh hóa các hội viên và phổ biến các giá trị Tin Mừng cho thế giới, một hiệp hội giáo dân phải được Đấng Bản Quyền châu phê dựa trên các tiêu chuẩn sau đây:
- Hiệp hội phải là môi trường loan báo Tin Mừng và trình bày cũng như giáo dục đức tin, trung thành với các giáo huấn của Giáo Hội.
- Hiệp hội phải tôn trọng và tuân phục quyền bính của Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương sở tại, đồng thời cũng tôn trọng và cộng tác với các tổ chức tông đồ khác đang hoạt động tại địa phương.
- Hiệp hội cũng phải rõ ràng hướng tới việc loan truyền Tin Mừng và thánh hóa nhân loại bằng cách này hay cách khác. Theo hướng này, mọi hiệp hội giáo dân dưới bất cứ dạng thức nào, cũng đều phải đậm ý thức truyền giáo và phúc âm hóa xã hội.
- Hiệp hội phải dấn thân phục vụ con người toàn diện, bằng cách tạo nên và thúc đẩy những điều kiện sống liên đới trong công bằng và huynh đệ hơn, mau mắn hiện diện và trợ giúp nhất là những nơi thiếu thốn lầm than.
Cũng nên nhắc lại những điều mà Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem (Hoạt Động Tông Đồ) số 19 có nói tới việc thành lập các hiệp hội giáo dân như sau: không nên lập thêm các hiệp hội mới khi không có lý do chính đáng, cũng không nên tìm cách duy trì các hiệp hội đã tỏ ra lỗi thời, không còn mang lại hiệu năng mong muốn. Cũng không nên du nhập vô tội vạ các hiệp hội mang hình thức ngoại lai không phù hợp với điều kiện của địa phương sở tại.
Chính những tiêu chuẩn trên đây sẽ giúp ta thành lập được các hiệp hội giáo dân đúng với nhu cầu phúc âm hóa của Hội Thánh hơn. Mỗi hiệp hội có thể nhấn mạnh một mục tiêu nào đó, nhưng sẽ bổ sung cho nhau cách chặt chẽ. Có những hiệp hội nhắm tới việc thánh hóa đời sống hôn nhân hay sống thánh hiến giữa đời, trong khi những hiệp hội khác lo việc giáo dục hay dấn thân vào các công việc từ thiện bác ái, cũng có những hiệp hội dấn sâu vào các thực tại trần thế hơn. Chính các “dấu chỉ thời đại” phức tạp ngày nay (như di dân, truyền thông, và các hình thức nghiện ngập…) đang kêu gọi giáo dân liên đới dấn thân hơn nữa, do đó việc thành lập các hiệp hội càng trở nên cấp bách hơn.
- Giáo quyền hướng dẫn và nâng đỡ Hiệp hội Giáo dân
Trước hết Tông Huấn nhấn mạnh cho các vị chủ chăn: “Các vị chủ chăn phải cố gắng hướng dẫn khích lệ sự phát triển của các Hiệp Hội Giáo Dân trong sự hiệp thông và trong sứ vụ của Hội Thánh” (CFL. 30); ngoài ra Tông Huấn còn đề cập tới một số vấn đề cụ thể như sau:
- Một số hiệp hội giáo dân mới thành lập, mà nay đã được phát triển trên phạm vi quốc gia hay quốc tế, cần phải được Tòa Thánh hay đấng thẩm quyền của Giáo Hội địa phương, nơi đặt trụ sở trung ương, chính thức phê chuẩn.
- Nhiều phong trào và hiệp hội khác nhau của Công giáo Tiến hành đã được chính các nghị phụ Thượng Hội Đồng về Giáo Dân công khai đề cập tới và hết lời tán dương.
- Ủy ban Giáo hoàng về Giáo dân có nhiệm vụ soạn thảo một bản danh sách đầy đủ các hiệp hội giáo dân đã được Tòa Thánh chuẩn y, hay được các Giám mục địa phương phê chuẩn. Ban Thư ký Văn phòng Hiệp nhất Ki-tô hữu cũng soạn thảo điều lệ cho một Hiệp hội Đại kết gồm đa số là Công giáo và một thiểu số không công giáo.
- Cần phải tạo sự hiệp nhất trong kính trọng, thân ái và cộng tác giữa các hiệp hội giáo dân khác nhau. Cần đặc biệt tránh mọi cám dỗ gây chia rẽ nơi đời sống cũng như thi hành tông đồ giữa các Ki-tô hữu, như lời Thánh Phao-lô đã nhắc nhở các Ki-tô hữu Cô-rin-thô vào thời của ngài, vì đời sống hiệp thông trong Hội Thánh sẽ là dấu chỉ rõ ràng cho thế giới về giá trị của Tin Mừng, đồng thời sẽ là sức mạnh lôi cuốn nhiều người đến với niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Câu hỏi gợi ý:
- Bạn có nhận thấy tầm quan trọng và hữu hiệu của các hiệp hội và phong trào giáo dân trong chính giáo xứ hay giáo phận mà bạn đang sinh sống không?
- Việc tham gia vào các hiệp hội giáo dân này đã nâng cao việc thánh hóa bản thân bạn, cũng như thăng tiến sứ mệnh thánh hóa xã hội trần thế của Hội Thánh giữa lòng xã hội loài người, cụ thể như thế nào?
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SBD
PHẦN MỤC VỤ
LẬP KẾ HOẠCH SỐNG
Lời mở
Chúng ta đang bắt đầu một Năm Mới Dương lịch và chuẩn bị Năm Mới Âm Lịch. Các bài Kinh Thánh trong tuần thứ III Thường Niên mời gọi chúng ta nhìn vào kế hoạch đời sống của mình để xem nó có phù hợp với kế hoạch của Đức Giêsu và kế hoạch của Thiên Chúa hay không. Nhờ đó chúng ta có thể thực hiện trong năm mới này, tạo nên cho mình niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ.
1. Tình trạng sống của nhiều người không có kế hoạch
“Kế hoạch là toàn bộ những điều vạch ra một cách có hệ thống và cụ thể về cách thức, trình tự, thời hạn tiến hành công việc, dự định làm trong một thời gian nhất định với mục tiêu nhất định”[4].
Nếu xét theo định nghĩa này, thì nhiều cá nhân cũng như nhiều tổ chức trong xã hội và Giáo Hội, làm việc rất tuỳ tiện, không có một kế hoạch thật sự nào. Người ta để mặc cho hoàn cảnh đẩy đưa, cho môi trường chung quanh tác động, cho người khác ảnh hưởng: ăn giờ nào cũng được, ngủ nghỉ giờ nào cũng xong, bạn bè đến chơi lúc nào cũng quý, …Vì thế nên đời sống thiếu sự điều độ, lãng phí nhiều thời giờ, sức lực, phương tiện, của cải, tiền bạc, và không phát huy được những tài năng, ân sủng Chúa ban. Bạn bè rủ đi chơi, chẳng suy nghĩ gì, ta đi liền. Đi vài tiếng đồng hồ về, nhìn lại thấy mình bỏ mất một số việc cần làm. Bạn bè rủ đi học Anh ngữ, không suy nghĩ, ta đăng ký, học xong không biết dùng làm gì trong khi ta cần học nhiều chuyên môn khác! Kỳ nghỉ Tết bạn bè rủ đi du lịch hành hương, ta đi liền, đi cho bạn vui, cho mình nghỉ ngơi ít ngày, chứ không tìm hiểu xem nó có ở trong kế hoạch mà Chúa Giêsu muốn chúng ta làm hay không.
Nói không có kế hoạch thì hơi quá đáng, nhưng nhiều tổ chức xã hội cũng như Giáo Hội lập kế hoạch quá đơn sơ, không thực tế, viển vông nên thực hiện không được. Kế hoạch của chính quyền TP.HCM năm vừa rồi là không để ngập lụt xảy ra. Vậy mà năm nào cũng lụt, mỗi ngày một nặng hơn. Nhiều uỷ ban, công ty, tổ chức ở Việt Nam vào dịp này tổ chức họp mặt tất niên, tổng kết năm cũ… nhưng không lập kế hoạch thì tổng kết cái gì! Vì thế chúng ta nên tìm hiểu đôi chút về kế hoạch của Thiên Chúa và của Đức Giêsu là gì và mang những đặc tính nào.
2. Kế hoạch của Thiên Chúa và kế hoạch của Đức Giêsu
Giáo Hội đã giới thiệu cho chúng ta về “Kế hoạch tổng thể” của Thiên Chúa. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình và cuốn Docat, mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tặng các bạn trẻ năm 2016, ngay trong chương đầu tiên, đã nói đến “kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu”[5]. Thiên Chúa yêu thương toàn thể vũ trụ và loài người, nên muốn cứu độ tất cả và Ngài làm mọi việc để thực hiện kế hoạch ấy.
Các bài Kinh Thánh mời gọi chúng ta nhìn vào kế hoạch của Thiên Chúa để tìm ra kế hoạch cho đời mình. Người Do Thái, trong Bài đọc I (x. Nkm 8,2-10), đã không tuân theo kế hoạch của Chúa, không giữ luật Ngài nên họ bị lưu đầy. Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương họ, đưa họ về lại miền đất Israel. Khi mở sách luật ra đọc và nhận thấy mình chẳng tuân theo luật Chúa, họ khóc lóc, thống hối và quyết tâm trở về với lề luật. Tư tế Esdra đã nhắc nhở rằng: “Anh em đừng khóc lóc, nhưng hãy vui mừng vì niềm vui của Thiên Chúa là thành trì bảo vệ anh em”.
Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. 1Cr 12,12-30) cũng nhắc nhở: Chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu. Mỗi người có công việc khác nhau giống như thân thể có mắt, tai, tay, chân với công việc của riêng mình. Nhưng tất cả đều phục vụ cho sự sống toàn thân, tất cả đều cố gắng làm theo một kế hoạch chung, dù rằng công việc mỗi người khác nhau.
Bài Tin Mừng (x. Lc 4,14-21) giới thiệu cho chúng ta kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được giao phó cho Chúa Giêsu. Người mở sách tiên tri Isaia và gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Chúa Giêsu thực hiện kế hoạch tổng thể của Chúa Cha, qua những hành động cụ thể đúng như những lời báo trước nên đã mang lại ơn cứu độ cho muôn loài và mọi người.
Kế hoạch của Chúa Giêsu cũng chính là kế hoạch của mỗi người chúng ta: thực hiện công trình yêu thương cứu độ của Cha Trên Trời cho mọi người mọi vật quanh mình. Nếu ta tham gia vào kế hoạch này bằng những hành động cụ thể, ta sẽ được chia sẻ hạnh phúc vĩnh viễn với Chúa trong từng ngày sống, cũng như được tràn đầy ân sủng của Thánh Thần để hoàn thành kế hoạch cứu độ đó. Tuy nhiên muốn hoàn thành được kế hoạch tổng thể, kế hoạch của ta cần có những yếu tố nào?
3. Những đặc tính trong kế hoạch của Chúa Giêsu và của chúng ta
Để kế hoạch đời sống của ta thật sự mang lại những hiệu quả tốt đẹp, ta cần chú ý đến mấy điểm sau đây.
3.1. Kế hoạch của ta phải hoà nhập với kế hoạch của Cha Trên Trời và được Chúa Thánh Thần xác nhận.
Chúa Giêsu không làm gì ngoài ý của Cha Trên Trời và chúng ta cũng vậy, vì chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ không làm gì ngoài phần kế hoạch mà đã Chúa giao phó. Đặc tính này được diễn tả trong câu:“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi”. Khi hành động, Chúa Giêsu không làm gì cho mình, không làm theo những ước vọng riêng tư hay tính toán của mình, nhưng tất cả đều làm cho Chúa Cha được vinh danh. Thánh Thần đã xác nhận hành động của Người và Ngài cũng xác nhận kế hoạch của ta bằng những ân sủng để giúp ta thành công trong mọi việc.
Chúng ta có thể đi chơi, du lịch, giải trí trong dịp nghỉ Tết, nhưng chúng ta thử hỏi xem những công việc này có nằm trong kế hoạch của Chúa hay không. Ta có thể đi hành hương, hoạt động bác ái nhưng cũng cần tìm hiểu, qua lời cầu nguyện và suy nghĩ, xem Chúa có muốn ta làm hay không. Ta có thể học thêm môn này, nghề nọ, có thể quyết tâm lập gia đình năm nay, có con năm tới… nhưng vẫn phải tìm hiểu kế hoạch đời mình có gắn kết với kế hoạch của Chúa Giêsu và của Cha Trên Trời không.
3.2. Kế hoạch gồm những hành động tích cực
Yếu tố tiếp theo: tất cả phải là những hành động tích cực. Trong kế hoạch của Chúa Giêsu không có những quyết tâm tiêu cực, thí dụ như: “Tôi không rao giảng Tin Mừng cho người giàu có, tôi không quan tâm đến những con người đang sáng mắt…”. Đời sống có rất nhiều điều tiêu cực với những bất toàn, nếu ta cứ nhớ mãi đến quá khứ tội lỗi, nhắc mãi đến những điểm tiêu cực của mình và của người khác, ta sẽ tiêu tốn rất nhiều sức lực, thời giờ, ân sủng mà chẳng thay đổi được gì. Vì thế, ta hãy tích cực hành động vì “thà bật lên một que diêm với ánh sáng loé lên trong nháy mắt còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”.
3.3. Kế hoạch mang tính hiện thực
Từ “hôm nay đã ứng nghiệm” như muốn mời gọi ta chú ý đến tính cách hiện thực của kế hoạch. Đức Giêsu đã thực hiện tất cả các hành động trong kế hoạch của Người: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, tha thứ tội lỗi, xua trừ ma quỷ để giải phóng cho kẻ bị chúng kiềm chế, cho kẻ chết sống lại và ban Thánh Thần cho những ai gắn bó với Người. Những hành động đó rất cụ thể, thiết thực cho những người trong thời của Người để diễn tả tình yêu cứu độ của Chúa Cha.
Rất nhiều kế hoạch của chúng ta mang tính viển vông, thiếu thực tế, theo những tính toán xa vời, đầy tham vọng của chúng ta. Chúng ta không để ý đến khả năng hiện thực của chính mình và hoàn cảnh cụ thể của gia đình, cộng đồng, xã hội. Có người đặt kế hoạch trở thành bác sĩ nhưng không thể hoàn thành vì khả năng tâm trí bị giới hạn, gia đình không đủ điều kiện. Có những tập thể quyết tâm xây nhà thờ, xây tượng đài… trong khi quanh họ biết bao người bệnh tật, khốn khổ, nghèo đói, thất học, bị ma quỷ kiềm chế, bị dục vọng lôi kéo đang cần cứu giúp. Chúng ta chỉ lo thực hiện kế hoạch của cá nhân, của tổ chức, dòng tu, giáo phận, giáo xứ mà quên đi kế hoạch của Thiên Chúa.
Lời kết
Nhân dịp Năm Mới, ta hãy nhìn lại kế hoạch đời mình để xem có phù hợp với kế hoạch của Chúa Cha và của Đức Kitô hay không. Chúa Thánh Thần sẽ đổ muôn vàn ơn phúc để ta hoàn thành kế hoạch cũng như cảm nghiệm được niềm vui, bình an và ơn cứu độ. Chúng tôi cũng đã giới thiệu cách làm kế hoạch sống trong tập “Bạn Là Lời Cứu độ” bắt đầu từ chương trình sống mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm[6]. Anh chị em có thể tra cứu và chuẩn bị cho kế hoạch của mình.
Câu hỏi gợi ý
1. Kế hoạch của Thiên Chúa là gì? Kế hoạch của Chúa Giêsu là gì?
2. Nếu bạn đã lập kế hoạch cho năm 2019, bạn hãy tìm hiểu xem nó có những đặc tính cần thiết như Đức Giêsu dạy ta không.
3. Nếu chưa, bạn hãy dành ra ít giờ làm theo sự hướng dẫn để đời sống bạn thật sự hiệu quả, đem lại niềm vui, bình an và ơn cứu độ cho bạn và muôn loài.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
1113 08-02-2019