Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy ban Giáo Dân

Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy ban Giáo Dân


UBGD.jpg

UBGD-HĐGM. VN

Ban Nghiên Huấn


PHẦN TU ĐỨC

CẢN TRỞ DẤN THÂN Mt 25,14-30

 

Hăng hái dấn thân phục vụ cộng đoàn, nhưng hầu chắc chúng ta đều kinh nghiệm được những cản trở trên bước đường phục vụ. Cản trở dấn thân có khi đến từ môi trường phục vụ, nơi luôn diễn ra cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối; có khi ở nơi chính mình, nơi luôn diễn ra cuộc chiến giữa vị tha và ích kỷ; có khi ở nơi hàng ngũ chúng ta, nơi luôn diễn ra cuộc chiến giữa hiệp thông và chia rẽ, giữa đồng nhất và dị biệt… Dụ ngôn về những nén bạc (Mt 25,14-30), mở ra con đường vượt qua một trong những cản trở thường gặp, để mỗi thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ chúng ta tiếp tục con đường dấn thân phục vụ cộng đoàn.

 

Sau khi nhận được nén bạc chủ trao, hai người đầy tớ đã dùng số vốn đó làm ăn sinh lợi; còn người chỉ nhận được một nén thì đào lỗ chôn giấu nén bạc ấy. Vì sao ông chủ không “công bằng” với các đầy tớ, kẻ nhiều người ít? Vì sao các đầy tớ phản ứng khác nhau, kẻ hăng hái làm bạc sinh lợi, người buồn chán đem bạc chôn giấu?

 

Thật ra, ông chủ công bằng với các đầy tớ, vì ông tín nhiệm mỗi người. Trong tin yêu và hy vọng, ông trao gửi tài sản mình cho họ. Nhưng ông chủ không chia đều của cải cho mỗi người, bởi mỗi đầy tớ của ông có khả năng khác nhau. Ông trao bạc cho mỗi người tuỳ theo khả năng riêng của họ, để tuỳ khả năng riêng, họ có thể đảm nhận trách nhiệm ông trao. Điều quan trọng là, ông tin yêu mỗi người và tôn trọng tự do của họ. Ông không áp đặt cách các đầy tớ phải theo để làm cho bạc sinh lợi. Ông để mỗi người tự do phát huy sáng kiến cá nhân. Thế nên, sự chênh lệch về những nén bạc hay khả năng không phải là duyên cớ để được khen thưởng hay luận phạt, cũng không phải là duyên cớ để so bì hay loại trừ nhau, vì cả hai người làm cho số bạc đã nhận được sinh lợi thì nhận cùng một lời khen của ông chủ: “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25, 21.23). Cũng vậy, Thiên Chúa không định đoạt tất cả mọi sự trong cuộc sống mỗi người; Ngài để cho mỗi người tự do nhận lãnh trách nhiệm và phát huy sáng kiến. Sự chênh lệch hay khác biệt giữa mỗi người giúp cho đời sống thêm phong phú, để mỗi người có thể bổ túc cho nhau. Thiên Chúa đón nhận khả năng của mỗi người; Ngài không đòi hỏi con người làm quá sức của mình.

Đâu là nguyên do khiến người nhận năm nén hoặc hai nén bạc dám làm ăn sinh lợi, còn người nhận một nén thì đem bạc đi chôn? Người nhận năm nén hoặc hai nén bạc nhận biết mình được ông chủ yêu thương tín nhiệm, bởi ông đã trao số bạc lớn cho mình, để mình làm ăn sinh lợi. Ngược lại, người nhận một nén thấy ông chủ là người hà khắc, keo kiệt, “gặt nơi không gieo, thu nơi không vãi”, nên anh ta sợ sệt, không dám có sáng kiến làm ăn sinh lợi; anh ta thu mình lại cho an toàn, yên ổn. Như thế, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cách phản ứng khác nhau nơi người đầy tớ đã nhận một nén và những đầy tớ khác, chính là cái nhìn của các đầy tớ về ông chủ hay chân dung ông chủ nơi lòng trí họ. Cái nhìn đúng đắn về ông chủ không chỉ giúp các đầy tớ có chân dung đúng đắn về ông chủ mà còn có chân dung đúng đắn về bản thân, đó là nhận biết mình là ai trong cái nhìn của ông chủ. Cũng vậy, cách tôi nhìn ngắm Thiên Chúa hay chân dung Thiên Chúa nơi tôi, giúp tôi nhận biết mình là ai: tôi được Thiên Chúa nhìn ngắm như thế nào, được Ngài tín nhiệm yêu thương, hay khắt khe dò xét… Ý thức mình là ai trong cái nhìn của Thiên Chúa, giúp tôi định hình lối sống bản thân và cung cách ứng xử, giúp tôi định hướng việc phục vụ và sử dụng những gì Chúa ban cho tôi.

Là người phục vụ cộng đoàn trong hàng ngũ Hội đồng mục vụ giáo xứ, cho đến lúc này, tôi nhìn Thiên Chúa của tôi như thế nào?

 

Tôi thấy Ngài nhìn tôi ra sao? Có cái gì cản trở khiến tôi không dám hoặc khó dấn thân cho Ngài?

 

Tôi ở gần Chúa như người con trong nhà hay như người con cả trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, ở trong nhà cha như một người làm thuê, ở gần cha mà chẳng hiểu cha (Lc 15, 11-32)?

 

Lm. Toma Vũ Ngọc Tín, S.J

 

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

 

ĐÃ THOẢ THUẬN… ĐÂU CÓ BẤT CÔNG…

 

“Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’” (Mt 20,13-15)

 

Dẫn vào

 

Trong buổi tĩnh tâm cho Giới Doanh Nhân Công Giáo TGP. Sài Gòn (DNCG) (CBSA)[i] ngày 16-12-2018 vừa qua tại Nhà Truyền Thống TGP. Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh, Đức TGM. Marek Zalewski[ii] đã dành cho hai bài chia sẻ: (1) Bài Tĩnh Tâm Mùa Vọng (Spiritual Talk on Advent); và (2) Tĩnh Tâm: Bài giảng Chúa Nhật III Mùa Vọng (Spiritual Retreat, Homily III Sunday of Advent).[iii]

 

Theo những nội dung của hai bài chia sẻ đó, các thành viên DNCG, với những ngành nghề chuyên môn và kinh doanh rất đa dạng, đã vinh dự được đón nhận những giáo huấn của vị mục tử hiện đang là Đại diện Không Thường Trú của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô tại Việt Nam (Non-residential Pontifical Representative to Vietnam). Vâng, bầu khí thật trang trọng, nội dung các bài chia sẻ hết sức cô đọng, tập trung: tất cả đều rất tích cực.

 

Thật vậy, khi tiếp tục suy gẫm, tôi còn mạo muội ghi nhận thêm nơi đây, những chiều kích rất phong phú khác dành cho quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ, dành cho môn thần học mục vụ, môn quản trị mục vụ với những “nguyên tắc vàng” trong Giáo hội: (1) Người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn…; (2) Đừng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức.

 

Người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn… 

 

Khi khẳng định chỉ có một món quà quan trọng nhất trong Mùa Giáng Sinh mà thôi, và món quà đó chính là Chúa Giê-su, Đức TGM. Marek Zalewski nhắc chúng ta về giá trị cốt lõi của Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Theo đó, phần thưởng cao nhất cho từng người (và cho mọi người) – “… bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” – chính là ơn cứu độ, là “Một Quan Tiền”.[iv] Nghĩa là, trong một góc nhìn khác từ một bối cảnh khác, thì “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?”[v] Phải, Chúa Giê-su chính là hồng ân…

 

… Chúa Cha muốn ban tặng cho anh chị em Mùa Vọng này. Chúa Cha luôn muốn ban tặng, nhưng tùy anh chị em có muốn mở món quà Giê-su mà Chúa Cha ban tặng cho anh chị em hay không.[vi]

 

Với cái nhìn đức tin, sự thật nói trên có thể được cảm nhận, theo Đức TGM. Marek Zalewski, bằng ba cách khác nhau: (1) cuộc tưởng niệm việc Chúa nhập thể là Hài Nhi Giê-su sinh ra vào Ngày Giáng Sinh;[vii] (2) cuộc trình diện của chúng ta trước nhan Chúa vào ngày sau hết của đời mình;[viii] (3) cuộc trở lại lần cuối của Chúa Giê-su trong vinh quang cùng các thánh vào ngày cánh chung (hẳn là có thể sẽ xảy đến trước trong đời ta).[ix]

 

Hóa ra, là người Công giáo thì ai trong chúng ta, kẻ trước người sau, đều cần được ơn của Đấng “từ trời xuống thế”: (1) đức tin: “Tôi tin kính… một Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa… Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế… Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội…”; (2) đức cậy: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau; và (3) đức mến, mà một trong những biểu hiện khả tín, trong trường hợp này có thể được hiểu là không ganh tị, không tham lam: “Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao?”.[x] Thật vậy, đừng “… thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”.

 

Đừng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức

 

Tại một triều đình nọ có hai vị quan nổi tiếng với những đam mê thái quá đến “kỳ cùng cực độ” của mình: người này ghen tỵ vô lối, người kia tham lam vô hạn. Thế rồi đã có lần, vì muốn sửa đổi những tính xấu ấy cho hai vị quan của mình, nhà vua bèn cho triệu tập hai vị và thông báo sẽ trọng thưởng cho họ vì tinh thần và công việc phục vụ lâu nay của hai vị. Theo đó, hai vị quan có thể xin vua bất cứ điều gì với hệ quả đặc biệt như sau: xin gì thì được nấy, nhưng nếu vị này xin được một thì người kia tự động sẽ được gấp đôi (mà không cần phải nói gì!).

 

Hai vị quan suy nghĩ một hồi lâu, rồi chẳng dám nói gì. Im bặt. Kẻ ghen tỵ, người tham lam đều không muốn nói trước, sợ người còn lại sẽ được gấp đôi. Sau cùng vua phải ra lệnh cho cả hai phải lên tiếng; họ bèn xin được viết ra giấy. Nhà vua đồng ý. Nhưng thật quá bất ngờ khi mở giấy ra, theo lệnh nhà vua, viên thái giám đã đọc thật to: (1) “… tôi xin chặt đứt một tay…”, vị quan ghen tỵ đã viết như thế: (2) còn vị quan tham lam thì viết: “tôi xin chặt một chân…”. Cả hai đều biết rằng, nếu mình bị chặt một tay thì người kia sẽ bị chặt hai tay; nếu người này bị chặt một chân thì người kia sẽ bị chặt hai chân. Quan tham lam và quan ghen tỵ thà chịu mất một tay, một chân… còn hơn nhìn thấy người kia được của cải gấp đôi mình!

 

Để kết

 

Vâng, ghen tức và tham lam không phải là khôn. Ghen tức và tham lam không phải là phẩm chất của người Ki-tô hữu, càng không thể là tố chất đẹp cho công việc mục vụ của quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ. Đừng thấy ai được may mắn mà ta đâm ra ghen tức; cũng đừng thấy ai được may mắn mà ta lại cầu cho họ sẽ sớm gặp phải vận rủi. Nghĩa là, ông chủ “không bất công” đâu, vì đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày “Một Quan Tiền”.[xi]Vì Chúa là Tất Cả. Có Chúa là có tất cả. Công bằng là thế. “Một Quan Tiền” là thế. Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa công bình, mà còn là Người Cha đầy tình yêu thương, là Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

 

Câu hỏi giúp thảo luận
1.            Bạn nghĩ sao về nguyên tắc vàng “vui với người vui, khóc với ai đang khổ sầu”[xii]?
2.            Nếu muốn có một tâm hồn quảng đại, không hẹp hòi ghen tỵ, không tham lam đòi hỏi… chúng ta cần suy gẫm điều gì? Noi gương ai? Làm thế nào?

 

28-12-2018, GTHH

1105    07-01-2019