Sidebar

Thứ Bảy
12.10.2024

Bài phỏng vấn trên chuyến bay từ Lima về Roma

001001
Trên chuyến bay từ Lima về Rome, Đức Giáo hoàng Phanxicô lại có buổi phỏng vấn trên không một cách tự phát như thường lệ. Ngài có nói đến nạn đói nghèo, tham nhũng, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa môi trường, về cặp đôi ngài làm phép hôn phối trên chuyến bay… Nhưng chủ đề được hỏi và được Đức Giáo hoàng trả lời nhiều nhất, là những chuyện xoay quanh vấn nạn giáo sĩ xâm hại tình dục, một chuyện mà Đức Phanxicô một lần nữa khẳng định là “tuyệt đối không dung thứ.”

Trên chuyến bay từ Lima về Rome, Đức Giáo hoàng Phanxicô lại có buổi phỏng vấn trên không một cách tự phát như thường lệ. Ngài có nói đến nạn đói nghèo, tham nhũng, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa môi trường, về cặp đôi ngài làm phép hôn phối trên chuyến bay… Nhưng chủ đề được hỏi và được Đức Giáo hoàng trả lời nhiều nhất, là những chuyện xoay quanh vấn nạn giáo sĩ xâm hại tình dục, một chuyện mà Đức Phanxicô một lần nữa khẳng định là “tuyệt đối không dung thứ.”

Những chữ trong ngoặc (…) là chú thích của ký giả Andrea Tornielli

Trong ngày đầu tiên ở Chilê, cha đã có thông điệp mạnh mẽ chống lại vấn nạn xâm hại trẻ em. Nhưng rồi cha lại có tuyên bố về giám mục Barros, nói rằng đó là “vu khống.” Tại sao cha không tin các nạn nhân mà lại tin giám mục Barros? 

Ở Chilê, cha đã nói hai lần về vấn nạn xâm hại, một lần trước chính phủ và một lần ở nhà thờ chính tòa với các linh mục. Cha tiếp tục chính sách tuyệt đối không dung thứ của Đức Bênêđictô XVI. Và trong năm năm, cha chưa từng ký ân xá cho ai. Nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn giữ bản ánh như phiên sơ thẩm, thì chỉ còn cách xin Đức Giáo hoàng ân xá. Trong 5 năm, cha đã nhận khoảng 25 đơn xin ân xá. Cha không ký một cái nào. Về vụ việc của giám mục Barros. Cha đã cho điều tra. Thật sự không có chứng cứ phạm tội. Cha đã yêu cầu bằng chứng để thay đổi quan điểm của mình. Ở Iquique, khi có người hỏi cha về Barros, cha nói: “Ngày có bằng chứng, cha sẽ nói.” Cha đã sai khi dùng từ bằng chứng, đúng ra phải là “chứng cứ.” Cha biết nhiều vụ xâm hại không thể có bằng chứng. Họ không có và không thể có, hoặc nếu có, thì cũng thấy xấu hổ mà không đưa ra, bi kịch của các nạn nhân xâm hại quá khủng khiếp. Cha tình cờ gặp một phụ nữ từng bị xâm hại 40 năm trước, đã kết hôn, có ba người con, bà không chịu rước lễ, bởi bà thấy bàn tay linh mục như là bàn tay của kẻ đã xâm hại bà. Từ “bằng chứng” không phải là chuẩn nhất, cha muốn nói là “chứng cứ.” Trong vụ Barros, cha đã nghiên cứu đi, nghiên cứu lại, không có chứng thực để kết tội. Và nếu cha kết tội mà không có chứng cứ hay sự chắc chắn về đạo đức, thì cha sẽ phạm tội phán xét sai lầm.

 

Một lá thư của cha gởi các giám mục Chilê đã được công bố. Trong lá thư, có nói rằng Barros nên nghỉ một năm… 

Cha phải giải thích lá thư này cho anh chị em, bởi nó nhắm đến sự cẩn trọng, một vấn đề trong 10 đến 12 tháng. Khi vụ tai tiếng Karadima vỡ lỡ, cha và mọi người bắt đầu thấy ra biết bao linh mục mà ông ta đã dạy dỗ, là những người bị xâm hại và đi xâm hại. Có ba giám mục ở Chilê từng được Karadima nhận vào chủng viện. Một vài người trong Hội đồng Giám mục Quốc gia gợi ý rằng họ nên từ nhiệm, nghỉ một năm để qua cơn bão, họ là những giám mục giỏi, như giám mục Barros với hai mươi năm giám mục. Có người muốn Barros từ nhiệm. Giám mục Barros đã đến Roma, và cha bảo là không, bởi như thế nghĩa là thừa nhận một tội mà người ta vơ cho mình. Cha đã bác bỏ đơn từ nhiệm. Rồi, khi bổ nhiệm giám mục Barros đến Osorno, phong trào phản đối tăng mạnh. Cha lại nhận được đơn từ nhiệm của giám mục Barros. Và cha nói: không, hãy tiếp tục làm! Giám mục Barros đã bị điều tra tiếp, nhưng không tìm thấy chứng cứ nào. Cha không thể kết tội, cha không có chứng cứ, và cha tin chắc là cha Barros vô tội.

 

Còn về phản ứng của các nạn nhân với những tuyên bố của cha? 

Cha phải xin lỗi khi đã khiến những người bị xâm hại có cảm giác như thế. Từ “bằng chứng” đã làm nhiều người đau lòng. Họ nói: Tôi phải đi xin chứng nhận sao? Cha xin lỗi, cha không có ý nói như thế. Và điều này làm cha đau, rất đau, bởi cha đã gặp họ, hai lần công khai và nhiều lần gặp riêng khác ở Chilê. Trong mọi chuyến tông du, luôn có cơ hội để gặp các nạn nhân, cuộc gặp ở Philadelphia được công bố, nhưng các nơi khác thì không. Nếu nghe Giáo hoàng nói: “Đem cho cha bằng chứng,” thì đó đúng là cái tát điếng người. Cha biết là biểu đạt của cha không phải lúc nào cũng chuẩn, và cha hiểu, như thánh Phêrô từng viết, lửa đã bốc lên rồi. Cha có thể thành thật nói thế.

 

Với cha, lời chứng của nạn nhân không phải là chứng cứ sao? 

Lời chứng của các nạn nhân luôn là chứng cứ. Trong trường hợp của giám mục Barros, không có chứng cứ về xâm hại…

 

Họ không cáo buộc Barros xâm hại, nhưng là che đậy các vụ xâm hại… 

Cũng không có chứng cứ về chuyện này… Cha sẵn sàng tiếp nhận chứng cứ mà.

 

Cha phản ứng thế nào với lời của hồng y O’Malley rằng khi cha nói người ta “vu khống” giám mục Barros, là cha đã gây nhiều đau đớn cho các nạn nhân? 

Hồng y O’Malley nói rằng Đức Giáo hoàng luôn “tuyệt đối không dung thứ”… Vậy thì đó là “chọn nhầm từ”, cha đã nói là “vu khống” để nói về một người nói những điều ngoan cố mà không có chứng cứ. Nếu cha nói, anh trộm cắp, mà anh không trộm, thế là cha bôi nhọ anh, vì cha không có chứng cứ. Đây là một diễn đạt không hay. Nhưng chẳng có nạn nhân nào của giám mục Barros tìm đến cha. Họ không xuất hiện, không đưa chứng cứ ra tòa. Tất cả chỉ là mơ hồ. Đúng là giám mục Barros ở trong nhóm thanh niên của Karadima. Nhưng nói cho rõ ràng nhé: nếu cứ ngoan cố cáo buộc ai đó mà không có chứng cứ, thì đó là vu khống. Tuy nhiên, nếu có người đến đưa cha chứng cứ, thì cha sẽ là người đầu tiên lắng nghe họ. Lời của hồng y O’Malley nói rất đúng, cha cha biết ơn ngài ấy. Hồng y đã nói về nỗi đau chung của các nạn nhân.

 

Ủy ban Bảo vệ Trẻ em ở Vatican đã hết hạn. Thế nghĩa là đây không còn là một ưu tiên hàng đầu nữa? 

Ủy ban được ấn định thời gian hoạt động trong ba năm. Khi hết hạn, sẽ nghiên cứu lập một ủy ban mới. Đã quyết định thay thế các thành viên mới. Cha đã có danh sách cuối cùng trước chuyến tông du này, và giờ nó đang theo thủ tục thường lệ của Giáo triều. Vẫn đang nghiên cứu các lộ trình mới. Có vài điểm cần được làm rõ. Nhưng đừng nghĩ là ta sẽ không làm… cần có thời gian như bình thường mà.

 

Cha phản ứng thế nào trước những người nói rằng chuyến tông du Chilê của cha là một thất bại, vì một số người và vì Giáo hội còn chia rẽ hơn cả trước kia? 

Đây là lần đầu tiên cha nghe điều này. Cha hạnh phúc khi với chuyến đi Chilê này, cha không ngờ lại có nhiều người đến thế đón cha trên đường, những người đâu được trả công để đến đó.

 

Ở Pêru, tầng lớp chính trị đã lừa phỉnh người dân bằng những đạo luật tham nhũng và ân xá thương lượng (nói đến ân xá cho cựu tổng thống Alberto Fujimori) Cha nghĩ sao về chuyện này? 

Cha biết vài nước Châu Âu có tham nhũng. Và ở Mỹ La tinh thì nhiều hơn. Người ta nói nhiều về vụ Odebrecht (công ty Brazil, trung tâm các cáo buộc tham nhũng có liên quan đến đương kim tổng thống Peru, Paolo Kuczynsky), nhưng đấy chỉ là một ví dụ. Gốc rễ của tham nhũng là cái gốc tội dẫn dắt ta đến đó. Cha đã viết một quyển sách nhỏ với thông điệp là: người có tội, phải, thối nát, thì không. Chúng ta đều là người có tội, khi phạm tội, rồi nhận ra tội lỗi và xin tha thứ. Cha không thấy kinh khiếp tội lỗi, nhưng kinh khiếp sự thối nát tham nhũng, nó hủy hoại cả linh hồn lẫn thể xác. Tham nhũng thối nát là sự tự tin rằng mình không thể quay đầu lại… Đấy là sự hủy hoại con người. Các chính trị gia có nhiều quyền lực, nhưng những chủ công ty chỉ trả nửa lương đáng trả cho công nhân, cũng là thối nát. Một bà chủ nghĩ mình có thể lợi dụng cô giúp việc hay đối xử tệ bạc với cô, cũng là thối nát. Cha từng gặp một chuyên gia 30 tuổi đối xử với nhân viên giúp việc một cách không xứng đáng, anh ta kể với cha. Cha bảo: đấy là tội! Và anh ta bảo, đừng có so sánh giữa những người đó với con, những người đó phải chịu vậy thôi. Đây cũng là kiểu suy nghĩ của những kẻ bóc lột tình dục, bóc lột nô lệ lao động, và đó là sự thối nát.

 

Cũng có thối nát trong Giáo hội, cứ nghĩ về vụ Sodalizio (phong trào thế tục ở Pêru, do Luis Figari lập, đã bị kết án có tội xâm hại.) 

Phải, trong Giáo hội có thối nát. Trong lịch sử giáo hội, luôn luôn có. Người sáng lập Sodalizio không chỉ phạm tội xâm hại tình dục mà còn thao túng lương tâm. Tòa Thánh đã xét xử vụ này, phán quyết có tội, giờ ông ta đang ở một mình. Ông ta tuyên bố mình vô tội và đệ đơn lên Tòa Tông đồ, là tòa án tối cao của Tòa Thánh. Nhưng vụ này là cơ hội cho các nạn nhân khác phàn nàn về thủ tục tố tụng của giáo hội và dân sự. Nổi lên nhiều chuyện nghiêm trọng nữa, và tư pháp dân sự đã bị can thiệp, trong những vụ như thế này, luôn luôn thuận tiện khi như thế, đấy là một quyền, và cha tin là vụ việc không có lợi cho (Luis Figari) người sáng lập của phái này. Nhưng không chỉ một mình ông ta là vấn đề, còn những chuyện khác chưa rõ ràng, về vấn đề kinh tế. Hiện nay, Sodalizio đang bị điều tra. Một vụ việc tương tự là Đạo binh Chúa Kitô (Legionaries), vốn đã được giải quyết: Đức Bênêđictô không dung thứ cho những chuyện này, và cha họ từ ngài, không dung thứ cho chúng.

 

Sau phép hôn phối cho hai tiếp viên trên máy bay, cha muốn nói gì với các linh mục quản xứ khi gặp những cặp đôi muốn kết hôn trên máy bay hay tàu thủy? 

Một phóng viên ở đây từng bảo cha là cha điên mới làm chuyện đó. Chuyện đơn giản thôi. Anh chàng ấy đã đi trong chuyến bay hôm trước. Cô ấy thì không. Anh ấy đã nói với cha. Cha để ý thấy anh chàng đang thử cha… nói chuyện vui vẻ lắm. Ngày hôm sau, hai người đều đi trên chuyến bay với cha, và khi chụp hình chung, họ nói với cha là họ đã kết hôn dân sự, và đáng ra đã làm phép hôn phối trong nhà thờ từ tám năm trước, nhưng nhà thờ bị sập vì động đất ngay trước ngày lễ cưới. Thế là không có lễ hôn phối. Họ tự nhủ, ngày mai ta làm, ngày mốt ta làm. Thế là cuộc đời cứ trôi, sinh được một bé gái, rồi một bé nữa. Cha hỏi họ nhiều câu, và họ bảo cha rằng họ đã theo học các khóa tiền hôn nhân. Cha cho là họ đã có chuẩn bị sẵn sàng. Bí tích là dành cho mọi người, mọi điều kiện đều rõ ràng. Vậy tại sao không làm những gì có thể làm trong hôm nay? Chờ đến ngày mai cũng có thể là chờ thêm mười năm nữa. Cả hai đã xưng tội, chuẩn bị sẵn sàng trước Chúa. Họ bảo cha là họ đã báo trước cho một số người ở đây về ý định của mình: “Để chúng tôi đến xin Giáo hoàng làm phép hôn phối.” Cha không biết có thật không. Nhắn với các linh mục quản xứ giúp cha là, cứ làm đi, đây là tình huống bình thường mà.

 

Ở vùng Amazon, cha đã nói về “sự xuyên tạc” một số chính sách nhất định, thúc đẩy bảo vệ tự nhiên mà không tính đến con người. Cha nghĩ liệu có một dạng chủ nghĩa môi trường chống lại con người hay không? 

Cha nghĩ là có. Vụ việc cụ thể mà cha nói đến là ở vùng Amazon, để bảo vệ rừng một vài bộ lạc phải dời đi. Còn rừng cuối cùng cũng bị phá. Có những thống kê. Một vài bộ lạc bị loại ra ngoài tiến trình phát triển.

 

Một trong những mục đích của Giáo hội là chống đói nghèo. Chilê đã giảm tỷ lệ nghèo từ 40% xuống 11%, và đấy là kết quả của chính sách theo chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa tự do có tốt không? 

Chúng ta cần cẩn thận xem xét các trường hợp của chính sách theo chủ nghĩa tự do. Một vài nước ở Mỹ La tinh đã áp dụng các chính sách theo chủ nghĩa tự do, và đã dẫn đến đói nghèo trầm trọng. Cha không biết đâu là nguyên do, nhưng nhìn chung một chủ nghĩa tự do không bao hàm hết mọi người, thì rơi vào kiểu chọn lọc và đi xuống. Cha không rõ trường hợp của Chilê, nhưng ở các nước khác, nó đã kéo tình hình đi xuống.

 

Cha rút ra điều gì sau chuyến đi này? 

Ấn tượng trước một dân tộc trung tín đã và vẫn đang trải qua nhiều khó khăn, nhưng vẫn giữ vững đức tin. Một dân tộc đã thể hiện niềm vui và đức tin. Họ là mảnh đất “nảy sinh các vị thánh” Ở Pêru, cha thấy ấn tượng về niềm vui, đức tin, hy vọng, và trên hết cha đã gặp nhiều trẻ em! Cũng giống như những gì cha thấy ở Phi Luật Tân và Colombia, là những ông bố, bà mẹ nuôi dạy con mình… Đây là tương lai, là hy vọng. Hãy bảo vệ gia tài này.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

517    23-01-2018