Sidebar

Thứ Hai
09.12.2024

Bài thuyết trình của Nữ tu Nathalie Becquart tại Đại hội Thượng Hội đồng Cấp châu lục của Giáo hội Á châu

baithuyettrinhcuanutunathaliebecquarttaidaihoithuonghoidongcapchauluccuagiaohoiachau


Trong ngày làm việc thứ II, 25/02, với chủ đề “Một cuộc Đối thoại Tâm linh”, Nữ tu Nathalie Becquart XMCJ, Phó Tổng Thư ký Thượng hội đồng Giám mục đã giúp các tham dự viên Đại hội cấp Châu lục của Giáo hội Á Châu hiểu sâu hơn về phạm trù sự Phân định là trung tâm của Hiệp hành.

Dưới đây là nội dung bài Thuyết trình của Sơ Nathalie Becquart.

Nữ tu Nathalie Becquart XMCJ
Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng
Trung tâm Huấn luyện Mục vụ Baan Phu Waan
Sampran, Bangkok, Thái Lan,
25. 02. 2023

Lời đầu tiên, tôi chân thành cảm ơn anh chị em. Thật là một hồng phúc, khi Ban Thư ký chúng tôi được lắng nghe để học hỏi từ anh chị em và được trở thành một phần của Đại hội cấp Châu lục này.

Chúng ta bước vào ngày thứ hai và cũng là ngày dành để đào sâu và tiếp tục tiến trình phân định qua việc lắng nghe. Tôi cảm thấy rằng, có lẽ ở giai đoạn này, chúng ta được mời gọi, giống như người môn đệ, để đi sâu hơn, xa hơn trong tiến trình này. Vì thế, tôi xin chia sẻ với anh chị em 3 điểm sau đây.

Hiệp hành là một lời mời gọi

Nếu chúng ta đang ở đây để thực hiện lộ trình Hiệp hành, thì đây thực sự là một lời mời gọi. Hiệp hành là một lời mời gọi của Thiên Chúa, do đó, chúng ta hiện diện tại đây để tiếp tục Hiệp hành là chúng ta đang đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.

Ở giai đoạn này của việc tiếp nhận Công đồng Vatican II, tính hiệp hành đã được phân định như là ý muốn của Thiên Chúa đối với Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba. Cho nên, sẽ không phải là “chúng ta thích nó, chúng ta không thích nó, hoặc chúng ta rất nhiệt tình với nó…”. Có lẽ hôm qua chúng ta đã có một trải nghiệm tuyệt vời, hoặc đã có một chút sợ hãi, kháng cự. Tất cả là về việc đáp lại ý muốn của Thiên Chúa đối với Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba.

Tôi rất thích câu nói này của một nhà thần học người Úc, Herman Rush: “Hiệp hành là Công đồng Vatican II được tóm kết trong một từ”. Vì vậy, những gì chúng ta đang làm bây giờ thực sự là tiếp tục đón nhận và thi hành Công đồng. Không chỉ như một người trong nhóm của chúng tôi hôm qua đã nói “chúng ta đã nghiên cứu bản văn, nhưng chúng ta còn lâu mới thực sự thực hiện và sống giáo hội học của Công đồng Vatican II”.

Hôm qua, nhiều anh chị em cũng bộc lộ rằng anh chị em quan tâm đến người trẻ giữa những căng thẳng ra sao. Điều chúng ta thực sự mong muốn là làm sao có thể tiếp cận người trẻ, làm việc với họ và tiếp tục thông truyền đức tin cho họ cách hiệu quả hơn.

Tôi muốn nhắc lại ở đây rằng nếu hiện nay chúng ta đang sống Thượng Hội đồng này và lời kêu gọi Hiệp hành tính này, thì đó là do thành quả của Thượng Hội đồng về Giới trẻ - mà tôi may mắn được tham gia và là quan sát viên tại Thượng Hội đồng như một số anh chị em ở đây đã tham dự - đó là lắng nghe người trẻ và phân định. Chúng ta đã nhận thức được rằng, như là Giáo hội, thì cách thế duy nhất để loan truyền đức tin trong một xã hội đang thay đổi hiện nay đó là trở thành một Giáo hội Hiệp hành.

Vì vậy, nếu chúng ta muốn tiếp tục loan báo Tin Mừng cho thế hệ trẻ thì không có cách nào khác hơn là trở nên Hiệp hành. Và tôi muốn trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói rằng “Hiệp hành là cách thức hiện diện của Giáo hội ngày nay theo ý muốn của Thiên Chúa, trong sự năng động của việc phân định và cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần”.

Nếu chúng ta đáp lại lời kêu gọi này của Thiên Chúa qua việc quan tâm và làm việc với người trẻ, thì chúng ta sẽ trở thành Hiệp hành và sẽ tiếp tục loan báo Tin Mừng. Về điều này, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christus vivit có thể là một bản đồ chỉ đường, do đó, chúng ta đã có sẵn mọi thứ để đến với giới trẻ và ở bên họ, nhưng chúng ta phải phân định làm sao để thực hiện Tông Huấn này trong từng bối cảnh. Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng mục vụ giới trẻ phải mang tính Hiệp hành, có nghĩa là, phải liên kết với việc cùng nhau bước đi, đánh giá cao đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban tặng, phù hợp với ơn gọi và vai trò của mỗi thành viên trong Giáo hội qua tiến trình của việc đồng trách nhiệm.

Do đó, những gì chúng ta hiểu hiện nay qua Thượng hội đồng Hiệp hành này, qua những cuộc thỉnh ý và qua tất cả những gì chúng ta đã lắng nghe, thì không chỉ mục vụ giới trẻ phải là Hiệp hành, mà mọi việc mục vụ cũng phải là Hiệp hành. Tất cả Giáo hội và việc mục vụ của chúng ta phải là Hiệp hành. Điều đó có nghĩa là, như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Được thúc đẩy bởi tinh thần Hiệp hành, chúng ta có thể hướng tới một Giáo hội có sự tham gia và đồng trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng đánh giá cao sự đa dạng phong phú của mình, đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của giáo dân, của giới trẻ và phụ nữ, của những người được thánh hiến, cũng như của các nhóm, hiệp hội và phong trào. Không ai bị loại trừ hoặc tự loại trừ”.

Vì thế, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện lời mời gọi Hiệp hành này như thế nào ngay hôm nay, ngay trong phòng mình và ngay tại Trung tâm mục vụ này. Làm sao chúng ta thực sự đánh giá cao việc hợp thành một thể thống nhất từ sự đa dạng của những tiếng nói, nhất là tiếng nói của những người không có mặt tại đây, của những người trẻ, của những người ở bên lề và của những người nghèo, trừ phi chúng ta mang theo bên mình tiếng nói của họ. Để làm được điều đó, chúng ta thực sự cần một số thái độ đối với tính Hiệp hành. Tôi muốn mời anh chị em quay trở lại Chương Hai về Kinh thánh của Tài liệu làm việc Giai đoạn Châu lục. Hình ảnh đầu tiên là cái Lều và chúng ta đã nói rất nhiều về hình ảnh này. Nhưng chúng ta cũng có một hình ảnh khác cũng rất cần để sống Hiệp hành tính, đó là hình ảnh Hạt Lúa Mì trong số 28.

Thật vậy, Hiệp hành là đi theo Đức Kitô trên lộ trình kenosis - huỷ mình ra không - của Người. Do đó, đây là một lộ trình không dễ dàng vì nó là lộ trình của hoán cải, biến đổi và cũng là lộ trình của cuộc Vượt Qua. Điều này đòi chúng ta phải rất can đảm để có thể nói và lắng nghe với sự khiêm tốn. Chúng ta cần chú ý đến sự chuyển động nội tâm của Thần Khí bên trong chúng ta và phân định thực sự là lắng nghe Thần Khí trong chúng ta và trong từng người của nhóm bởi vì điều giúp chúng ta đi sâu vào sự phân định chính là niềm an ủi.

Chúng ta nhận được niềm vui, sự bình an và hoa trái của Thần Khí nhưng chúng ta cũng sẽ và đã trải nghiệm cảm giác kháng cự, nếu chúng ta có thể nói như vậy. Chiều tối hôm qua, tôi tự nhủ rằng, thật là thật thú vị khi anh chị em đã nói rất nhiều về những căng thẳng, nhưng thật ra, nếu không có căng thẳng, tôi cảm thấy rất xa vời. Nhưng liệu chúng ta được dẫn dắt để cùng nhau bước đi như thế nào đây? Chắc chắn sẽ không phải bởi nỗi sợ hãi của chúng ta, mà là bởi những gì chúng ta đã phân định như là điều cốt lõi của Chúa Thánh Thần.

Hiệp hành là một món quà

Hiệp hành một món quà và những gì chúng ta cho phép mình để đào sâu việc lắng nghe, phân định và nhận ra câu trả lời đối với ý muốn của Thiên Chúa với lòng biết ơn. Chúng ta càng có thể nhận ra món quà của Hiệp hành mà mình đã nhận được, thì chúng ta càng mở quá khứ ra cho tương lai bởi vì chúng ta biết rằng đó là một lộ trình sáng tạo.

Nhưng, lộ trình này hoàn toàn không dễ dàng, lý do là vì nó giống như đi từ bờ bên này sang bờ bên kia. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến đoạn Tin Mừng Mt 14, 22tt, khi Chúa Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia. Đây thực sự là một ẩn số, mà giống như các môn đệ tại thời điểm đó, chúng ta hoàn toàn không hiểu, nhưng đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi phân định ngay trên nền tảng của tính Hiệp hành và đào sâu hơn nữa qua sự phân định về các dấu chỉ thời đại.

Vì vậy, tôi muốn nhắc lại rằng Phương pháp luận của tính Hiệp hành cũng chính là Phương pháp luận của sự Phân định, một phương pháp đã được áp dụng trong hình thức Kerygma và các Thượng hội đồng. Và theo một cách nào đó, đây cũng là phương pháp của cuộc đối thoại tâm linh: nhìn, lắng nghe và nhận ra thực tế.

Trước hết, chúng ta nhìn những gì cụ thể, nhìn sự việc, nhìn ánh sáng và bóng tối với Thần Khí của Sự thật.

Thứ đến, chúng ta lắng nghe mọi người. Bắt đầu từ kinh nghiệm của họ là cách nhìn vào câu hỏi. Sau đó, lắng nghe với sự cộng hưởng, có thể với ánh sáng Phúc âm, chúng ta giải thích và tin nó như thế nào.

Cuối cùng, là phân định và lựa chọn. Hôm nay chúng ta sẽ đào sâu hơn việc lựa chọn những ưu tiên, xem xét các khoảng trống và sau đó là các ưu tiên của Giáo hội. Việc lựa chọn các ưu tiên không bao giờ là dễ dàng, nên chúng ta chỉ có thể lựa chọn đúng khi chúng ta lắng nghe Thần Khí.

Châu Á như một món quà đối với Giáo hội hoàn vũ

Mỗi cách thức hiện diện của Giáo hội ở các quốc gia của anh chị em trong lục địa Châu Á là một món quà đối với toàn thể Giáo hội. Ngay trong những ngày này cũng đã nói lên sự sâu sắc và ân sủng của người châu Á, bởi vì những gì anh chị em đang làm trong Đại hội này là hoàn thành việc đóng góp cho Tài liệu cuối cùng. Đây sẽ là đóng góp cụ thể của Châu Á cho bước tiếp theo của Thượng Hội đồng và cho việc soạn thảo Tài liệu làm việc cho Đại hội chung ở Rôma. Vì vậy, chính qua trải nghiệm chia sẻ đối thoại giữa các đại biểu từ các giáo hội địa phương khác nhau ở Châu Á, tôi đã chuyển từ TÔI (I) trước đó: Tôi đến từ một quốc gia, một Hội đồng giám mục. Tôi là một nữ tu. Tôi là một linh mục. Tôi là một giám mục, sang WE (CHÚNG TA).

Đây cũng chính là tiến trình đối thoại tâm linh để xây dựng, để nuôi dưỡng sự hiệp thông và để trở thành CHÚNG TA.

Ngoài ra, chúng ta phải thực sự chú ý đến chuyển động bên trong của mình để lưu tâm tới niềm an ủi mà như là một cá nhân và như là một nhóm chúng ta được dẫn dắt chứ không phải bởi nỗi sợ hãi nơi chính chúng ta hay đến từ bên ngoài. Điều này sẽ giúp đào sâu lộ trình tâm linh vốn là một tiến trình của sự biến đổi. Đây cũng không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu chúng ta xác tín rằng đó thực sự là điều cốt lõi và là ý của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ nhận được ơn sức mạnh để có thể vượt qua.

Xin cảm ơn và chúc anh chị em một ngày mới tốt lành.


Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: Sr. Nathalie Becquart’s Address

379    28-02-2023