Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Bài toán hạnh phúc cho người già

Bài toán hạnh phúc cho người già

Dù đã được quan tâm, song vấn đề an sinh cho người cao tuổi ở Việt Nam vẫn còn nhiều trăn trở…

Ở những nước phát triển, ngân khoản dành cho phúc lợi xã hội cao, người già được chăm sóc tốt cả về tinh thần lẫn vật chất, được sống trong môi trường xã hội bền vững về nhiều phương diện, cả sinh thái - an ninh- hạ tầng - ý thức cộng đồng... Tôi biết và thân với một cụ là công dân của đất nước Thụy Điển. Cụ và người bạn đời đều già, không còn lao động, hưởng trợ cấp của chính phủ, vậy mà đủ chi dùng và thậm chí đều đặn bay về Việt Nam mỗi lần 6 tháng thăm thân nhân, chia sẻ cuộc sống nhiệt đới ở quê hương. Đời sống của cụ và gia đình hạnh phúc, ấm êm theo mọi tiêu chí. Một cụ khác, quê gốc ở Bạc Liêu, định cư bên Mỹ, hưu bổng dù không cao bằng cụ ở Thụy Điển nhưng sống cũng khá an lành, thỉnh thoảng vẫn về Việt Nam, san sẻ với bà con. Đời sống người già là một khía cạnh trong các chiến dịch tranh cử và ưu tiên của chính phủ các nước này, nó phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Nước ta còn nghèo. Đời sống chung cho dù có thay đổi, nhưng cũng không nhiều lắm. Chính sách an sinh xã hội còn mỏng manh, ý thức cộng đồng chưa cao. Nhiều người già vẫn phải tự bươn chải mưu sinh. Hỗ trợ từ cộng đồng và nhà nước rất tượng trưng, như người ta thường nói “tinh thần là chính”.

Giữa dòng xe cộ ngược xuôi ken dày ở thị xã quê mình, tôi vẫn bắt gặp một ông lão mài dao cúi mình kéo đồ nghề giữa nắng nóng hay mưa rào, thật chạnh lòng. Cụ không xin ai bao giờ, mà nghề này thi thoảng mới có việc - do người ta mủi lòng là chính vì dao kéo bây giờ rất rẻ. Mài được cây dao hay kéo, cụ làm việc chu đáo tận lực, nghiêm túc. Tương tự, là hình ảnh một cụ bà bán chổi ráng trước ngõ vào chợ. Cụ tự làm chổi bằng ráng, một loại thực vật quen thuộc ở miệt này. Những bó chổi đẹp, khéo theo cách lao động tỉ mẩn. Cũng như ông lão mài dao, cụ bán chẳng mấy khi hết hàng và nhiều lúc người mua cũng do lòng trắc ẩn.

Những người từng làm việc nhà nước, về già sống bằng lương hưu, không chiếm số đông, phần lớn phải dựa vào gia đình. Nếp sống, gia đạo, kinh tế hộ... quyết định hạnh phúc muộn của các cụ. Trường hợp gia đình nghèo hay không ổn về đạo đức, các cụ phải dựa vào tình cộng đồng. Như đã nói, trợ cấp cho người cao tuổi vẫn tượng trưng và đối tượng được vào các trung tâm bảo trợ xã hội không nhiều, mà cuộc sống trong ấy cũng không hẳn ấm êm. Bài toán tuổi già được giải có khi ở các cơ sở tôn giáo hay cơ sở từ thiện do tôn giáo quản lý, âu đó cũng là một lối ra.

Trong khi chờ đợi kinh tế xã hội phát triển cao, an sinh xã hội nói chung và hưu bổng cho người già nói riêng được như các quốc gia phát triển, ở ta có lẽ phải cậy đến sức mạnh đạo đức, tình luân lý, văn hóa cộng đồng... Ông cha ta từ rất lâu đã đúc kết “kính lão đắc thọ” như một nhắc nhớ đạo đức cơ mà!

NGUYỄN THÀNH CÔNG

2702    05-10-2017