Sidebar

Thứ Hai
13.01.2025

Bản cáo trạng của Đức Bênêđictô XVI về cuộc khủng hoảng trong Giáo hội

 

Rất kín đáo kể từ khi từ nhiệm năm 2013, ngày thứ năm 11 tháng 4-2019, Đức Bênêđictô XVI, sẽ mừng sinh nhật 92 tuổi vào ngày 16 tháng 4 sắp đến, đã công bố một bản cáo trạng rất nghiêm trọng về sự phá sản luân lý của Giáo hội qua các vụ tai tiếng tình dục, nguồn gốc và hậu quả của nó. Bản cáo trạng này được đăng trong nguyệt san Klerusblatt, được nhật báo Ý Corriere della Sera đăng lại. Một tài liệu sự kiện chưa từng công bố của Đức Bênêđictô XVI, một loại di chúc về giáo hội và thiêng liêng của giáo hoàng danh dự. Ngày 11 tháng 2 năm 2013 khi ngài tuyên bố từ nhiệm, ngài hứa sẽ không bao giờ can thiệp vào công việc của Giáo hội, nhưng vì cuộc khủng hoảng do nạn ấu dâm gây ra trong Giáo hội, ngài đã có bản cáo trạng này.

Một loại di chúc giáo hội và thiêng liêng dài 12 trang can thiệp đến hiện trạng tan vỡ này, về hệ quả cho các linh mục và các phương cách để đi ra.

Trước khi công bố ngài đã thận trọng báo cho hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin và Đức Phanxicô vì ngài thấy mình có bổn phận phải viết. Câu cuối của bài viết có thể xem như một thông điệp về các tệ nạn hiện nay của Giáo hội và cũng là dành riêng cho Đức Phanxicô, “cám ơn Đức Phanxicô cho tất cả những gì ngài đã làm để liên tục chứng tỏ cho chúng ta thấy ánh sáng của Chúa mà ngày hôm nay ánh sáng này vẫn không bị lỗi thời”.

Được viết với lối viết thường lệ của ngài, tuy nhiên bài viết tố cáo mạnh mẽ những gì sai trái trong Giáo hội công giáo: “Sự sụp đổ của thần học luân lý” đã bỏ “luật tự nhiên” vì một nền đạo đức mà không liên quan đến các mục đích “tốt”, “xấu” và cho ai, và từ nay, “cùng đích biện minh cho phương tiện”. Ngài cũng tố cáo nhóm thần học gia chống lại huấn quyền, từ chối thừa nhận có “các hành vi về thực chất là xấu” và họ đấu tranh trong nội bộ “huấn quyền của Giáo hội” về vấn đề đạo đức. Và hơn nữa lại truyền bá ý tưởng cho rằng tất cả các tôn giáo đều giá trị như nhau về vấn đề đạo đức, kitô giáo “không có đặc thù đặc biệt”. 

“Mức độ nghiêm trọng của thông tin”

Đức Bênêđictô XVI cũng rất nghiêm khắc về sự bừa bãi trong các chủng viện “sau Công đồng Vatican II” với các “câu lạc bộ đồng tính trong nhiều chủng viện khác nhau”, việc chọn lựa và đề cử các giám mục được đề cử theo tinh thần “đồng nghị”, có nghĩa là theo tinh thần Công đồng Vatican II và do đó là “chỉ trích và tiêu cực với truyền thống”. Các sự việc bị tố cáo khác: một vài giám mục còn đi xa đến mức “chiếu các phim khiêu dâm” cho các chủng sinh của họ để dạy các chủng sinh cự lại với cám dỗ… Và còn từ chối phong chức linh mục cho các chủng sinh “bị cho là không phù hợp” vì các chủng sinh này đọc sách của hồng y Ratzinger. Cuối cùng Đức Bênêđictô XVI lấy làm tiếc là Mình Thánh Chúa được “phân phối cho tất cả” mà không có một đòi hỏi nào, dẫn đến việc “hủy hoại tầm cao cả của mầu nhiệm sự Hiện diện đích thực” của Chúa. Ngài cũng tố cáo nỗ lực vô ích của một số giám mục muốn xây dựng “Giáo hội của ngày mai” bằng cách “gần như chỉ dùng các thuật ngữ chính trị”.

Do đó có một nhiệm vụ rất nặng buộc tội không thể chối cãi về sự sụp đổ của Giáo hội, tuy nhiên, ngài uyển chuyển nêu ra, nếu Giáo hội nói về “tình yêu của Chúa” vì “sức mạnh của Sự Dữ nảy sinh ra từ việc chúng ta từ chối tình yêu của Chúa”. Một tài liệu sự kiện chấm dứt bằng sự gợi ý rất mạnh, ngài bảo đảm: “Tính thời sự của cái gọi là Khải Huyền rất rõ rệt”. “Ý tưởng về một Giáo hội tốt hơn, do chính chúng ta tạo ra, sự thật là lời đề nghị của Quỷ, qua đó nó muốn chúng ta xa Chúa hằng sống, bằng cách dùng một lô-gích sai lầm mà qua đó chúng ta dễ dàng rơi vào”. Ngài nói thêm: “Giáo hội ngày nay cũng như bao giờ là Giáo hội của các vị tử đạo và của các chứng nhân của Thiên Chúa hằng sống”.

Nhưng điều gì đã thúc đẩy Đức Bênêđictô XVI đưa ra lời đả kích như vậy. Ngài giải thích, mọi thứ bắt nguồn từ việc Đức Phanxicô triệu tập các chủ tịch hội đồng giám mục trên thế giới về Vatican vào ngày 21 đến 24 tháng 2 vừa qua, một cuộc họp thượng đỉnh để chống nạn ấu dâm trong Giáo hội: “Khối lượng và mức độ nghiêm trọng của các thông tin về các thời điểm này đã làm xáo động sâu đậm đến các linh mục và giáo dân và nhiều người trong số họ đã quyết định thảo luận về đức tin của họ trong Giáo hội sẽ như thế nào. Vì vậy phải đưa ra một dấu hiệu mạnh mẽ và phải cố gắng khởi đi lại để mang lại một uy tín mới cho Giáo hội, để Giáo hội là ánh sáng và sức mạnh giúp giáo dân trong cuộc chiến chống các thế lực hủy diệt”. 

Sự sụp đổ của “thần học luân lý”

Là mục tử nhưng Đức Bênêđictô XVI không còn trách nhiệm trực tiếp, ngài đã cầm viết với các ghi chú hàng ngày để góp phần phục hồi và đưa ra vài chỉ dẫn có thể giúp trong giai đoạn khó khăn này. Là cựu giáo sư thần học công tâm, ngài đưa ra bố cục gồm “ba phần”. Phần đầu ngài nêu lên “bối cảnh xã hội” của cuộc khủng hoảng mà “chúng ta có thể khẳng định trong 20 năm, từ năm 1960 đến 1980, các tiêu chuẩn quy phạm trước đây về tính dục đã xuống mức không còn tiêu chuẩn nữa”. Phần thứ hai là “các hệ quả của tình trạng này trong việc đào tạo và trong đời sống các linh mục”. Phần thứ ba ngài đề cập đến “tầm nhìn xa cho một đáp ứng thích đáng của Giáo hội”.

Trong phần đầu, Đức Bênêđictô XVI nhắc đến kinh nghiệm riêng của ngài về sự sụp đổ của “thần học luân lý” từ những năm 60. Ngài nói đến các phim khiêu dâm đầu tiên được chiếu ở Đức và Áo, cho đến cuộc “cách mạng 1968”, một cuộc cách mạng muốn “chinh phục để có tự do tình dục hoàn toàn” và “không dung thứ bất cứ một chuẩn mực nào”. “Ấu dâm” được “chẩn đoán là điều được phép và thích đáng”. Ngài nêu ra con số chủng sinh sút giảm trong các chủng viện và “rất nhiều linh mục ra đi” mà ngài xem đó là hệ quả của sự giải phóng tình dục này. Nhưng đặc biệt ngài chỉ trích các đồng nghiệp thần học gia mà ngài cho họ có trách nhiệm trong sự “phân rã thần học luân lý”, theo đó linh mục Dòng Tên Bruno Schüller muốn tái thành lập lại đạo đức công giáo không dựa trên “luật tự nhiên” nhưng chỉ dựa trên lời Thánh Kinh, theo kiểu của những người tin lành. Ngài đưa ra “tuyên bố Cologne” được 15 giáo sư thần học công giáo ký ngày 5 tháng 1 – 1989, là “tiếng kêu phản kháng chống lại huấn quyền của Giáo hội”. Điều này dẫn đến câu trả lời của Đức Gioan-Phaolô II – người “biết rất rõ tình trạng thần học luân lý và đã chăm chú theo sát vụ này” – với thông điệp Chói Ngời Chân lý (Veritatis splendor) công bố ngày 6 tháng 8 năm 1993 đã gây ra nhiều “phản ứng dữ dội từ các nhà thần học luân lý”.

Đức Bênêđictô XVI trích nhà thần học luân lý Đức Franz Böckle, người hứa sẽ chiến đấu hết sức lực của mình nếu Đức Gioan-Phaolô II “viết một cái gì bị cho là xấu”.  Và trong thông điệp này, Đức Gioan-Phaolô II đã viết về tính khách quan của sự thiện, sự dữ.

“Làm mới lại đức tin”

Nhưng tất cả các cuộc đấu tranh nội bộ này ”dẫn đến cuộc thảo luận tận căn về huấn quyền Giáo hội trong lãnh vực đạo đức“ để “buộc phải im lặng trong khi hàng rào ngăn cách giữa sự thật và nói dối đang bị thách thức”.

Trong phần thứ nhì, Đức Bênêđictô XVI mô tả các hệ quả cụ thể của bầu khí này trong các chủng viện với những đoạn đáng kinh ngạc. Nhất là đồng tính ở Mỹ, nơi Tòa Thánh có “hai cuộc điều tra giáo luật”: cuộc điều tra thứ nhất đã thất bại vì “có nhiều thế lực khác nhau che giấu tình hình thực tế”. Trong đoạn này Đức Bênêđictô XVI đã trực tiếp đề cập đến vấn đề ấu dâm và cách xử lý của ngài thông qua giáo luật của Giáo hội. Ngài nhớ lại đã khó khăn như thế nào để giao phó việc xử lý các linh mục ấu dâm không phải cho Bộ Giáo sĩ nhưng cho Bộ Giáo lý Đức tin, nghiêm nhặt hơn, có thể trục xuất linh mục ra khỏi chức thánh. Tuy nhiên hồ sơ đã tràn ngập Bộ Giáo lý Đức tin và cuối cùng là đã rất trễ trong việc xử lý các trường hợp.

Phần thứ ba là phần hoàn toàn bất ngờ, Đức Bênêđictô XVI tìm các giải pháp để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Ngài dựa trên điều thiết yếu của đức tin công giáo: “Chỉ có tình yêu và sự vâng lời Chúa Giêsu Kitô sẽ chỉ cho chúng ta con đường đúng.” Và lập luận của ngài: “Nếu chúng ta tổng hợp tối đa nội dung đức tin dựa trên Kinh Thánh, chúng ta có thể nói: ‘Chúa đã bắt đầu với chúng ta một câu chuyện tình yêu và đưa vào đó toàn bộ tạo dựng. Cái ác đe dọa chúng ta và toàn thế giới, thuốc giải độc là chúng ta hoàn toàn phó thác vào tình yêu này. Đó là phương thuốc chống lại sự dữ. Sức mạnh của sự dữ xuất phát từ việc chúng ta từ chối tình yêu của Chúa. Người nào phó thác vào tình yêu của Chúa người đó sẽ được cứu.”

Ngài áp dụng điều này cho Giáo hội và cho xã hội: “Sự thật, cái chết của Chúa trong xã hội cũng có nghĩa là chấm dứt sự tự do của nó” vì “tiêu chuẩn đã xuống mức không còn phân biệt cái tốt, cái xấu”. Do đó, “xã hội phương Tây là xã hội mà Chúa vắng mặt trong phạm vi công cộng và do đó không còn gì để nói nữa”. Xã hội đánh mất “tầm vóc con người”. Và dưới mắt Đức Bênêđictô XVI, điều này làm cho hiện tượng ấu dâm có thể xảy ra được. “Bổn phận” đầu tiên của chúng ta để đi ra khỏi tình trạng này là “sống chính mình với Chúa” và “học để nhận biết Ngài là nền tảng đời sống chúng ta”. Trong Giáo hội cần thiết là phải “đổi mới đức tin” thành “sự cao cả của ơn sự hiện diện thực sự” của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể. Không lẩn trốn “cỏ lùng” do Quỷ gieo, Quỷ “muốn chứng tỏ cho thấy Chúa không tốt và muốn chúng ta xa Ngài.” Cũng không được xa xác tín này: “Điều rất quan trọng là phải chiến đấu với những lời dối trá và các sự thật nửa vời của Quỷ bằng sự thật hoàn toàn. Đúng, tội lỗi và sự dữ đều ở trong Giáo hội. Nhưng ngày nay cũng vậy, Giáo hội thánh không thể bị hủy hoại”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

451    12-04-2019