![]() |
Các bạn trẻ từ TBN. Credit: Tổng giám mục Barcelona |
BẢN TIN ĐÀI CHÂN LÝ Á CHÂU
Bản tin thứ Ba 04.07.2023
1. Tin Barcelona: Gần 100 bạn trẻ Tây Ban Nha đi bộ 40 ngày đến tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon.
Gần 100 người trẻ thuộc hai giáo xứ gần thành phố Barcelona, đi bộ hơn 40 ngày, vượt qua 1.276 cây số, để đến dự Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon, Bồ Đào Nha vào đầu tháng Tám tới đây.
Trong thông cáo, công bố hôm 28 tháng Sáu vừa qua, Tòa Tổng giám mục giáo phận Barcelona ở miền đông Tây Ban Nha cho biết hành trình của gần 100 bạn trẻ thuộc hai giáo xứ thánh Matthêu và thánh Raphael ở khu vực Guineuta, ngoại ô thành Barcelona, là một cuộc hành hương đến Lisbon. Nó tượng trưng hành trình nội tâm và bên ngoài, tiến về cuộc gặp gỡ với đức tin Kitô. Trong chuyến đi này, những người trẻ sẽ dấn thân trong kinh nguyện, học hỏi, từ bỏ mình và sống cộng đoàn, củng cố đức tin của họ và chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ có sức biến đổi với Đức Giáo hoàng Phanxicô”.
Cuộc hành hương này cũng là một hoạt động quyên góp để tái thiết nhà nguyện cũ của một viện tâm trí Thánh Giá, và xây một trung tâm giáo xứ mới. Những ân nhân bảo trợ hứa sẽ tặng cho mỗi bạn trẻ hành hương một Euro cứ mỗi cây số họ thực hiện.
Nhà nguyện cũ do kiến trúc sư Joseph Oriol Bernadet vẽ kiểu và được xây theo kiểu tân cổ điển hồi năm 1888 và bị đóng cửa gần 40 năm vì hư hỏng. Tổng cộng dự án tốn phí hai triệu 200.000 Euro.
Đức Hồng y Juan José Omella, Tổng giám mục Barcelona, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, đã chủ sự thánh lễ khởi sự hành hương cho đoàn bạn trẻ và làm phép viên đá đầu tiên tái thiết nhà nguyện Viện Tâm Trí.
2. Tin Hy Lạp: Công giáo Melkite chuẩn bị mừng 300 năm hiệp nhất với Tòa Thánh.
Giáo hội Công giáo Hy Lạp Melkite chuẩn bị mừng kỷ niệm 300 năm từ Chính thống trở về hiệp nhất với Tòa Thánh.
Chương trình kỷ niệm sẽ bắt đầu ngày 11 tháng Mười Một năm nay, với thánh lễ trọng thể do Đức Thượng phụ Youssef Absi, Giáo chủ Công giáo Hy Lạp Melkite, chủ sự tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ An Nghỉ ở Raboueh, bên Liban và kéo dài trong năm 2024.
Giáo hội Công giáo Melkite được thành lập năm 1724 và hiệp nhất với Tòa Thánh, do sáng kiến của Đức Seraphim Tanas được bầu làm Thượng phụ Antiokia với danh hiệu là Kyrillos VI. Việc bầu cử này bị Đức Thượng phụ Chính thống Constantinople phản đối và phạt vạ tuyệt thông Thượng phụ Seraphim, đồng thời đặt một Thượng phụ mới là Silvestro, Giám mục Giáo phận Aleppo bên Syria.
Đức Thượng phụ Kyrillos VI phải lánh nạn khỏi Liban để tránh bị quân lính của Vua Hồi giáo bắt. Ngày 08 tháng Bảy năm 1729, qua thông cáo của Bộ Truyền giáo, Tòa Thánh công nhận cuộc bầu cử Đức Thượng phụ Kyrillos là ”hữu hiệu và tự do” và ngài trở thành Thượng phụ đầu tiên của Giáo hội Công giáo Melkite.
Các tín hữu Melkite theo nghi lễ Byzantine do thánh Gioan Kim Khẩu ấn định và dùng tiếng Hy Lạp trong phụng vụ thay vì tiếng Arập. Tòa Thượng phụ Công giáo Melkite trải rộng quyền tài phán trên tất cả các tín hữu Công giáo nghi lễ Byzantine cư ngụ trên lãnh thổ của các Tòa Thượng phụ Antiokia trước đây, gồm Jerusalem, Alessandria Ai Cập và các cộng đoàn ở hải ngoại. Hiện nay, có khoảng một triệu 700.000 tín hữu thuộc Công giáo Hy Lạp Melkite phần lớn sống tại Syria, Liban và Israel, nhưng cũng hiện diện tại nhiều nước khác ở Mỹ châu, Úc và New Zealand.
Công nghị Giáo hội này, nhóm họp từ ngày 19 đến ngày 24 tháng Sáu vừa qua, tại Raboueh bên Liban cho biết, chương trình trong năm kỷ niệm 2024 gồm các buổi cử hành phụng vụ, Hội nghị học hỏi, ấn hành các tác phẩm, và những cuộc đào sâu về lịch sử, thần học và đại kết, các cuộc triển lãm gia sản linh đạo và nghệ thuật được các cộng đồng Melkite ở Trung Đông. (Fides 26-6-2023)
3. Tin Giáo phận Nha Trang: Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ - Tân Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Vào lúc 17 giờ 00, ngày 28 tháng Sáu vừa qua, Đức cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, tân Giám mục Giáo phận Nha Trang, đã dâng thánh lễ tạ ơn đầu tiên của ngài trong sứ vụ Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Cùng đồng tế với Đức cha Giuse, có Đức cha tiền nhiệm Giuse Võ Đức Minh, cha Tổng Đai diện Gioakim Phạm Công Văn, cha giám đốc Đại chủng viện Gioan Baotixita Ngô Đình Tiến, cha quản xứ Chính Tòa Đôminicô Nguyễn Công Đắc cùng quý cha trong và ngoài giáo phận Nha Trang.
Tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho Đức cha Giuse gồm có đông đảo quý tu sỹ thuộc nhiều Hội dòng, giáo dân thuộc nhiều giáo xứ tại Nha Trang cùng với thân nhân của Đức cha từ Qui Nhơn.
Đầu thánh lễ, Đức tân Giám mục Giáo phận Nha Trang đã cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho giáo phận và cầu xin hai thánh Phêrô và Phaolô cầu bầu cho giáo phận trong thánh lễ tạ ơn và mừng kính hai vị.
Trong bài giảng thánh lễ, cha Tổng Đại diện Gioakim đã bày tỏ tâm tình của giáo dân vui mừng đón nhận Đức cha mới, nhất là vì đức vâng lời, Đức cha mới đã chọn khẩu hiệu “Vâng lời Thầy, Con thả lưới” (Luca 5,5)
Cuối lễ cha Tổng đại diện Gioakim thay mặt toàn thể giáo phận chúc mừng Đức cha Giuse và tâm tình tri ân đối với Đức cha tiền nhiệm.
Kế đó, Đức cha mới cũng đã tỏ lòng yêu mến và tri ân Đức cha tiền nhệm vì những công việc mà Đức Cha đã đóng góp cho giáo phận. Ngài cũng cám ơn cha Tổng đại diện và quý cha trong linh mục đoàn. Cám ơn giáo dân giáo phận Nha Trang, đặc biệt quý cha và giáo đân giáo xứ Chánh Tòa.
4. Tin Vatican: Công bố kết toán thu chi “Đồng tiền thánh Phêrô” năm 2022.
Trong năm 2022, số tiền các tín hữu trong Giáo hội đóng góp cho Đức Thánh cha, quen gọi là đồng tiền thánh Phêrô, để thi hành sứ vụ mục tử và bác ái của ngài, là 107 triệu Euro.
Hôm 30 tháng Sáu vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố kết toán chi thu trên đây, theo đó số tiền lạc quyên tại các nhà thờ trong toàn thể Giáo hội, vào dịp lễ thánh Phêrô và Phaolô, 29 tháng Sáu hằng năm, là 43 triệu 500.000 Euro, tức giảm 7% so với 46 triệu 900.000 Euro trong cuộc lạc quyên hồi năm 2021 trước đó. Trước đại dịch, số tiền quyên được trực tiếp là 54 triệu Euro, tức là 10 triệu rưỡi cao hơn ngân khoản góp được trong năm ngoái.
Phần còn lại 63,5 triệu Euro do các giáo phận, các tổ chức hoặc ngân quỹ, cá nhân các tín hữu hoặc dòng tu đóng góp vào ngân khoản ”Đồng tiền thánh Phêrô” bằng nhiều cách. Tổng cộng có gần 3.000 giáo phận trong Giáo hội, đóng góp được 27 triệu 400.000 Euro cho Đức Thánh cha trong năm ngoái. Các dòng tu góp được một triệu 100.000 Euro, các nhân riêng rẽ các tín hữu góp hai triệu 400 Euro. Việc đóng góp này được thực hiện qua thẻ tín dụng, chuyển khoản, hoặc để lại gia tài, v.v.
Xét về các quốc gia đóng góp, Giáo hội tại Hoa Kỳ góp nhiều nhất, với 11 triệu Euro, tương đương với 25,3%, đứng thứ hai là Hàn Quốc, với ba triệu rưỡi Euro, thứ ba là nước Ý, với hai triệu 900.000 Euro. Công giáo Đức góp được một triệu 300.000, toàn bộ các nước khác góp năm triệu 600.000 Euro.
Về số chi, trong số 107 triệu vừa nói, có 77 triệu 600.000 Euro được dùng để hỗ trợ các hoạt động của Tòa Thánh, phục vụ sứ vụ tông đồ của Đức Thánh cha và 16 triệu 200.000 Euro được dùng để trợ giúp trực tiếp những người túng thiếu nhất.
Đặc biệt trong số các dự án ở các nước được tài trợ, có việc tái thiết một trường học cho dân nhập cư ở Tân Sơn Nhì, với 73.000 Euro. Ngoài ra, có một triệu 564.000 được dùng để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh ở Ucraina. Nhiều ngân khoản khác được dành để giúp dân nghèo tại Cộng hòa Chad, Ai Cập, Peru, Haiti và Ấn Độ.
Chi phí của khoảng 70 cơ quan trung ương Tòa Thánh giúp Đức Thánh cha phục vụ Giáo hội hoàn vũ là 383 triệu 900.000 Euro, trong số này có 20% rút từ ngân khoản ”Đồng tiền thánh Phêrô”.
5. Tin Belarus: Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương gặp gỡ các giám mục Belarus.
Chiều ngày 29 tháng Sáu vừa qua, Đức Tổng giám mục Claudio Gugerotti, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, đã gặp gỡ các giám mục Cộng hòa Belarus, tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Minsk.
Đức Tổng giám mục Gugerotti đến Belarus trong tư cách là Đặc sứ của Đức Thánh cha để tham dự các buổi lễ kỷ niệm 25 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ở Đền thánh quốc gia Budslav, tiến hành từ ngày 30 tháng Sáu đến ngày 01 tháng Bảy.
Hồi năm 2018, các Lễ hội ở Budslav được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận là gia sản văn hóa tinh thần của nhân loại.
Hiện diện trong cuộc gặp gỡ tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, ngoài các giám mục toàn nước Belarus, cũng có Đức Tổng giám mục Ante Jozic, Sứ thần Tòa Thánh tại nước này. Đức Tổng giám mục Gugerotti đã bày tỏ sự gần gũi của Đức Thánh cha với các giám mục và các tín hữu Công giáo tại Belarus. Ngài biết rõ những khó khăn của Giáo hội địa phương hiện nay và cầu xin Chúa giúp sớm vượt thắng những khó khăn ấy. Đức Tổng giám mục nhấn mạnh rằng các vị mục tử của Giáo hội tại Belarus cũng như các tín hữu luôn có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Đức Thánh cha. Trong công việc này, có Tòa Sứ thần là đại diện thường trực của Tòa Thánh tại nước này.
Đức Tổng giám mục Gugerotti từng làm Sứ thần Tòa Thánh tại Belarus trong bốn năm, từ 2011 đến 2015 trước khi thuyên chuyển sang Anh quốc và nay là Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương. Ngài cũng đã từng hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Budslav và nay đại diện Đức Thánh cha đến chủ sự các buổi lễ kỷ niệm tại đền thánh này.
Cũng liên quan đến Belarus, ngày 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Tổng giám mục Gugerotti đã gặp Ngoại trưởng Sergei Aleinik của nước này và hai bên đã thảo luận về tình hình hiện nay ở vùng Âu-Á và sự cộng tác giữa Belarus và Tòa Thánh dưới nhiều hình thức và ở cấp độ khác nhau. Hai bên bày tỏ quyết tâm củng cố thêm các mối quan hệ đó cũng như cuộc đối thoại liên tôn về hòa bình và hòa hợp.
Belarus là đồng minh chặt chẽ của Nga và mới đây Nga đã đưa các võ khí hạt nhân chiến thuật đến nước này. Nhà cầm quyền Belarus cũng nghiêm ngặt đối phó với những thành phần chống đối và đối lập. (Sismografo và Belta.bv 29-6-2023)
http://ilsismografo.blogspot.com/2023/06/bielorussia-linviato-speciale-di-papa.html
6. Tin Jerusalem: Chủ tịch Quốc hội Israel lên án bạo lực chống Kitô giáo.
Chủ tịch Quốc hội Israel, ông Amir Ohama, lên án những vụ bạo hành gia tăng chống các tín hữu và cơ sở của Kitô giáo tại Thánh địa và hứa dấn thân bênh vực tự do tôn giáo.
Tuyên bố hôm 28 tháng Sáu vừa qua, sau khi gặp Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa, Thủ lãnh Giáo hội Công giáo Latinh ở Thánh địa, ông Ohana bày tỏ lập trường trên đây và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đối thoại liên tôn cũng như tôn trọng tự do tôn giáo.
Trong thời gian gần đây, sau khi đảng cực hữu tham gia chính phủ của Thủ tướng Netanyahu, những vụ tấn công các tín hữu Kitô và xúc phạm đến các địa điểm và cơ sở của Giáo hội gia tăng mạnh do những thành phần Do thái cực đoan.
Cha Francesco Patton, bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, đã trả lời phỏng vấn dành cho một đài truyền hình Israel, trong đó ngài tố giác một số chính trị gia Israel xách động làn sóng bạo lực đó qua những tuyên bố chính trị gây hấn. Cha Patton cũng nhắc đến vụ xúc phạm nghĩa trang của cộng đoàn Tin lành Luther ở Jerusalem, phá hoại nhà nguyện của Giáo hội Công giáo Maronite, phun sơn để viết hàng chữ ”Đập chết những người Kitô”, trên một cơ sở của Giáo hội Arméni, như những bằng chứng về sự leo thang các tội ác oán ghét.
Thêm vào đó, cuộc hội thảo về chủ đề ”Tại sao một số người Do thái khạc nhổ vào dân ngoại”, nhắm vào các nhân vật Kitô giáo, dự kiến diễn ra tại Tháp Davit ở Bảo tàng viện Jerusalem, đã phải dời đi nơi khác do sức ép của chính quyền thành phố Jerusalem.
Hồi tháng Mười Một năm ngoái, những người lính thuộc lữ đoàn bộ binh Givati đã bị phạt kỷ luật vì đã khạc nhổ vào Đức Tổng giám mục Armeni, trong một cuộc rước.
Rabbi trưởng Shlomo Amar của hệ phái Sephardi là nhân vật quan trọng nhất, lên án các cuộc tấn công và bạo hành chống các tín hữu Kitô. Ông nói: những hành động như thế bị nghiêm cấm và giống như tội phạm thượng.
Vài ngày sau cuộc hội thảo vừa nói, kính màu cửa sổ Nhà Tiệc Ly ở Jerusalem đã bị một số người Do thái ném đá làm vỡ.
http://ilsismografo.blogspot.com/2023/06/israele-rising-hate-crimes-against.html
Nguồn RVA