Der Papst 2019 bei einem Besuch in der FAO | @VaticanMedia |
BẢN TIN ĐÀI CHÂN LÝ Á CHÂU
Thứ Năm, 06/7/2023
1. Tin Vatican: Đức Thánh Cha kêu gọi các tổ chức quốc tế hiệp lực chống lại nạn đói.
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tổ chức quốc tế liên kết nỗ lực chống lại nạn đói tiếp tục lan tràn trên thế giới, và đừng áp đặt các biện pháp ý thức hệ cho các nước nghèo.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị Toàn thể Lần thứ 43 của tổ chức Lương nông Quốc tế, gọi tắt là FAO, đang tiến hành tại trụ sở của tổ chức này ở Roma. Sứ điệp được Đức ông Chico Arellana, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh tổ chức FAO, tuyên đọc, trong đó Đức Thánh cha viết:
”Hàng triệu người tiếp tục chịu cảnh lầm than và suy dinh dưỡng trên thế giới vì các cuộc xung đột võ trang, cũng như nạn thay đổi khí hậu và những hậu quả của thiên tai. Vì thế, một hành động quyết liệt và có thẩm quyền để xóa bỏ nạn đói trên thế giới là điều không thể tránh né.
”Nạn nghèo, chênh lệch, tình trạng thiếu các tài nguyên cơ bản, như lương thực, nước uống, y tế, giáo dục, nhà ở, là một thương tổn trầm trọng phẩm giá con người. Sự tản cư hàng loạt, cùng với những hậu quả khác do những căng thẳng chính trị, kinh tế và quân sự trên bình diện hoàn cầu, làm suy yếu những nỗ lực đang được thực thi để bảo đảm sự cải tiến điều kiện sống của con người, vì phẩm giá của họ”.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nạn đói, do Liên Hiệp Quốc đề ra, từ nay cho đến năm 2030, theo nhiều chuyên gia, sẽ không đạt được trong thời gian hạn định. Tuy nhiên, sự thiếu khả năng đáp ứng trách nhiệm này không được dẫn tới việc biến các ý hướng ban đầu thành những chương trình mới, được xét lại, mà không để ý đến những nhu cầu thực sự của các cộng đoàn địa phương. Cần tránh nạn thực dân ý thức hệ làm biến thái những khác biệt văn hóa và các đặc tính truyền thống, nhân danh ý tưởng thiển cận về sự tiến bộ”.
Vì thế, Đức Thánh Cha viết, cần có hoạt động chung trong tinh thần cộng tác của toàn thể gia đình các dân nước. Không thể có chỗ cho xung đột hoặc đối nghịch, trong khi những thách đố lớn lao hiện nay đòi phải có một lối tiếp cận toàn diện và đa phương. Vì thế, cần có nỗ lực chung của các chính phủ, các xí nghiệp, giới học giả, các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và các cá nhân để phối hợp các biện pháp phòng ngừa quyết liệt hầu mưu ích cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất. Và về phần mình, Tòa Thánh tiếp tục đóng góp để trong thế giới chúng ta không ai bị thiếu cơm bánh hằng ngày và trái đất chúng ta được bảo vệ, để tái trở thành khu vườn đẹp đẽ, như đã xuất phát từ tay được Đấng Tạo Hóa để mang lại niềm vui cho con người”.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha không quên chúc mừng ông Quất Đông Ngọc mới được tái nhiệm Tổng giám đốc tổ chức FAO.
2. Tin Lisbon: 313.000 bạn trẻ ghi danh chung kết tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ (WYD) Lisbon.
Đã có 313.000 bạn trẻ từ 151 nước ghi danh chung kết dự Ngày Quốc tế Giới trẻ (WYD) Lisboa, từ ngày 01 đến ngày 06 tháng Tám tới đây, với sự hiện diện của Đức Thánh cha.
Trong thông cáo gửi đến hãng tin Ecclesia của Bồ Đào Nha, hôm 30 tháng Sáu vừa qua, Ban tổ chức cho biết con số vừa nói thuộc vào số 663.000 bạn trẻ từ 204 nước ghi danh sơ khởi: 480.000 sẽ tiếp tục ghi danh trong giai đoạn hai.
Ngoài ra, có 22.000 người thiện nguyện ghi danh chung kết cộng tác vào việc tổ chức và tiến hành Ngày Quốc tế Giới trẻ.
Đứng đầu trong số các tham dự viên ghi danh chung kết là Tây Ban Nha, với gần 59.000 người (58.531), tiếp theo đó là nước Ý với 53.800 người, Pháp hơn 41.000 người (41.055), Bồ Đào Nha 32.700 người, Mỹ gần 14.500 người (14.435)
70% những người ghi danh chung kết cũng xin chỗ trọ và khoảng 90% cần được cung cấp lương thực. Vì thế, Ban tổ chức đã ký hợp đồng với các hãng thực phẩm để cung cấp gần ba triệu bữa ăn.
Qua các giáo xứ tại các giáo phận đón tiếp là Lisboa, Santarém, và Setúban, có 7.138 gia đình tình nguyện đón tiếp các bạn trẻ. Tổng cộng, Ban tổ chức đã kiếm được gần 473.000 (472.926) chỗ trọ qua đêm.
Theo thống kê mới nhất, có hơn 32.700 người trẻ từ 143 nước đã khởi sự tiến trình ghi danh như những người thiện nguyện, trong đó 22.282 người đã hoàn tất thủ tục này.
Đã có 737 giám mục, trong đó có 29 hồng y các nước ghi danh đến dự Ngày Quốc tế Giới trẻ này, và con số còn tiếp tục gia tăng, đông nhất là người Ý với 113 giám mục, Tây Ban Nha 77 vị, Pháp 75, Mỹ 76 và Bồ Đào Nha 45 giám mục.
Ban tổ chức đã và đang tiến hành việc may 10.000 áo lễ cho các giám mục và hàng ngàn linh mục tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ. Trong công trình này cũng có sự cộng tác của các hãng may ở Ý.
Về mặt thông tin, đã có 2.069 ký giả các nước ghi danh để theo dõi và tường thuật các sinh hoạt của Ngày Quốc tế Giới trẻ.
Dự án ”Thị trấn Vui vừng” ở thành Belém, trong đó có một khu vực giới thiệu ơn gọi thuộc các phong trào và dòng tu, cùng với một nhà nguyện và 150 tòa giải tội được các tù nhân ở nhà tù Paxos de Ferreira, Porto và Coimbra chế tạo. Ban tổ chức đã trả 43.000 Euro để thuê làm các tòa giải tội này, trong đó có tiền công cho các tù nhân.
Đã có 2.600 linh mục ghi danh giải tội tại ”Công viên Tha Thứ”. Bí tích này được cử hành bằng năm thứ tiếng, là Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý.
Chủ đề Ngày Quốc tế Giới trẻ Lisboa, là ”Đức Maria đứng dậy và mau mắn lên đường”, một câu trích từ Tin mừng theo thánh Luca, đoạn 1, câu 39.
Ngoài các biến cố sinh hoạt chính, còn có nhiều sáng kiến khác, cụ thể là 201 sinh hoạt, như các buổi hòa nhạc, diễn thuyết, triển lãm, kịch nghệ, vũ điệu, điện ảnh và thể thao, diễn ra tại 90 địa điểm ở các thành phố Lisboa, Loures và các thành thị khác. Tổng cộng, các trình diễn nghệ thuật có các đại diện từ 55 quốc gia.
3. Tin Ethiopia: Đức giám mục tại Tigray kêu gọi quốc tế tái lập cứu trợ lương thực.
Đức cha Tessa Selassie Medin, Giám mục Giáo phận Adigrat thuộc miền Tigray bên Ethiopia, khẩn cấp kêu gọi các tổ chức quốc tế mở lại chương trình trợ giúp lương thực cho miền Tigray, đang bị nạn đói đe dọa trầm trọng.
Trong thư gởi tới Chương trình Lương thực của Liên Hiệp Quốc và cơ quan cứu trợ US-AID của Mỹ, hồi cuối tuần qua, Đức cha viết: ”Nhân danh tình nhân đạo, các vị hữu trách đừng lên án tử cho những người đang cố gắng sống còn sau cuộc xung đột võ trang kinh khủng và nay đang chết đói”.
Từ tháng Tư năm nay, các tổ chức quốc tế đã ngưng chương trình cứu trợ lương thực vì có những phúc trình nói về những vụ ăn trộm đồ cứu trợ. Liên Hiệp Quốc thông cáo những biện pháp an ninh chặt chẽ hơn để giúp các đồ cứu trợ thực sự được đưa tới những người đang cần được giúp đỡ.
Đức cha Me-dhin mạnh mẽ lên án những vụ ăn trộm viện trợ và nói rằng ”hình như một số người không cầm hãm nổi lòng tham lam đến độ ăn cắp lương thực của những người tản cư và tuyệt vọng. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được và vô nhân đạo.”
Trong thư, Đức cha Medhin nhắc lại cuộc nội chiến tại miền Tigray tàn phá tại đây cho đến cuối năm ngoái, giữa quân đội chính phủ và các dân quân tại địa phương. Nhà cửa và đồng ruộng của dân chúng bị phá hủy và lương thực bị cướp bóc. Ngài kêu gọi mở lại chương trình cứu đói và nhấn mạnh đến nhân quyền được có đủ lương thực. Ngài viết: ”Nhân danh tình nhân loại chung của chúng ta, chúng ta không bao giờ được để cho lương thực bị tước đoạt khỏi những người không có lương thực và đang cần nó để sống còn”. Điều này phải được áp dụng cho những người phạm pháp và đầu cơ lương thực cũng như những người giàu có và ảnh hương có thể quyết định về việc phân phối lương thực.
Chính phủ Ethiopia và mặt trật giải phóng nhân dân Tigray đã ký hiệp định hòa bình hồi tháng Mười Một năm ngoái. Hơn 100.000 người đã bị thiệt mạng trong hai năm nội chiến và hòa bình tại miền này vẫn còn bị coi là mong manh. (Sir, KAP 26-6-2023)
Bản tin được CTV từ RVA gởi về WGPVL