Sidebar

Thứ Ba
21.01.2025

Bản tin RVA - Thứ Tư, ngày 05/7/2023

protestinpakistanagainstburningofqurancopyinstockholmansa
 Biểu tình ở Pakistan phản đối việc đốt bản sao Kinh Qur'an ở Stockholm | ANSA


BẢN TIN ĐÀI CHÂN LÝ Á CHÂU

Thứ Tư, ngày 05/7/2023

 

1. Tin Vatican: Đức Thánh Cha “phẫn nộ” vì vụ đốt kinh Coran ở Thụy Điển.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự phẫn nộ về vụ đốt kinh thánh Coran của Hồi giáo tại Thụy Điển.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ông Hamad Al Kaabi của báo Al Ittihad, ở Liên minh các Tiểu vương quốc Arập Emirati, truyền đi hôm ngày 03 tháng Bảy vừa qua, Đức Thánh Cha nói: ”Tôi phẫn nộ và kinh tởm vì những hành động như vậy. Bất kỳ sách nào được các tín hữu liên hệ tin là thánh, thì cần được tôn trọng đối với tín ngưỡng của người tin. Tự do ngôn luận không bao giờ được sử dụng như một cái cớ để xúc phạm người khác và cần phải bác bỏ, lên án sự lạm dụng như vậy”.

Hôm 29 tháng Sáu vừa qua, chính quyền ở Stockholm, thủ đô Thụy Điển, đã cho phép một cuộc biểu tình, trong đó một người gốc Irak, tên là Salwan Momika, đã đá vào cuốn sách Coran và đốt cuốn sách đó. Vụ này diễn ra dưới sự bảo vệ của cảnh sát và trước đại Đền thờ Hồi giáo ở Stockholm. Nhiều người đã chạy đến để phản đối chống lại việc đốt sách Coran và một người đã bị cảnh sát bắt vì toan tính ném đá.

Vụ này xảy ra sau khi tòa kháng án Thụy Điển phán quyết rằng thật là điều sai lầm khi cảnh sát từ chối cho phép những cuộc biểu tình vì có nguy cơ khủng bố. Hành động cấm đoán này trái với một quyền đã được hiến pháp quốc gia công nhận.

Chính phủ nhiều nước đã phản đối chính phủ Thụy Điển và chính phủ Maroc đã triệu hồi Đại sứ.

Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Baghdad, Irak, cũng lên án việc xúc phạm đến kinh Coran và gọi đó là một hành động ”đáng khinh bỉ” và ”ô nhục”. Việc làm này trái ngược với các giá trị của Kitô giáo. Hành động đó làm thương tổn những người Hồi giáo tại Irak và các nơi khác”.

Phát ngôn viên ngoại giao của Liên hiệp Âu châu, bà Nabi-a Massrali, thì tuyên bố rằng ”Những cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc, bài người nước ngoài và bất bao dung, kèm theo hành động như vậy không có chỗ tại Âu châu. Điều càng đáng lên án hơn nữa là hành động ấy xảy ra nhân dịp đại lễ Aidal Adha của Hồi giáo. Việc làm này không hề phản ánh những ý kiến của Liên hiệp Âu châu”. (Tổng hợp 3-7-2023)

 

2. Tin Paris, Pháp quốc: Các vị lãnh đạo tôn giáo Pháp kêu gọi chấm dứt bạo lực.

Các vị lãnh đạo các tôn giáo ở Pháp ra tuyên ngôn chung kêu gọi chấm dứt bạo động và khẳng định rằng: ”bạo lực không bao giờ là một con đường đúng đắn”.

Từ gần một tuần nay, hàng ngàn người trẻ ở các khu ngoại ô Pháp đã nổi loạn và đập phá, sau vụ một thiếu niên 17 tuổi tên là Nahel, gốc Algéri bị một cảnh sát ở thành phố Nanterre bắn chết. Mặc dù viên cảnh sát vừa nói đã bị bắt giam, nhưng những đêm sau đó, những người trẻ khác đã đốt các xe cộ, đập phá các cửa tiệm, đốt các phương tiện chuyên chở công cộng và trường học. Cuộc nổi loạn này lan sang Marseille và nhiều khu ngoại ô ở các thành phố khác. Hơn 3.000 người trẻ đã bị bắt và tuổi trung bình của họ là 17.

Trong tuyên ngôn chung, với chữ ký của các tu sĩ và giám mục Công giáo, vị Quản đốc Đền thờ Hồi giáo ở Paris, Rabbi Trưởng Do thái giáo, Chủ tịch Liên hiệp Hồi giáo, Chủ tịch Hội đồng các Giám mục Chính thống Pháp và Mục sư Christine Krieger, Chủ tịch Liên hiệp Tin lành Pháp cùng nhau bày tỏ sự gần gũi với gia đình Nahel và cầu nguyện đặc biệt cho bà mẹ. Các vị khẳng định rằng: ”Chúng tôi cảm thấy sự đau khổ và phẫn nộ được bày tỏ. Chúng tôi cũng đồng thanh khẳng định rằng: ”bạo lực không phải là một con đường đúng. Chúng tôi lên án sự phá hủy các trường học, cửa tiệm, tòa thị chính, các phương tiện chuyên chở. Những người đầu tiên phải chịu hậu quả của những hành động đó là chính người dân, các gia đình và trẻ em trong khu phố. Trong thời kỳ khó khăn này, chúng tôi kêu gọi bảo tồn và củng cố tương quan tín nhiệm cần thiết giữa dân chúng và các nhân viên an ninh trật tự, như đã chứng tỏ giữa những thử thách mà đất nước chúng ta đang trải qua. Chúng tôi khuyến khích chính quyền và các đại diện dân sự hãy cùng nhau làm việc, trong tinh thần trách nhiệm, để thực thi công lý và hòa bình. Ước gì tất cả các tín hữu, ngày hôm nay hơn bao giờ hết, là những người phục vụ hòa bình và công ích. Tất cả chúng tôi sẵn sàng góp phần vào điều này”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không tuyên bố tình trạng khẩn cấp, như nhiều người dự đoán, nhưng ông kêu gọi gia đình của những trẻ vị thành niên đã tham gia bạo động, hãy giữ con ở nhà. Chính phủ cũng truyền sử dụng xe bọc thép, hủy bỏ các cuộc hòa nhạc và biến cố công cộng, các buổi lễ của các khu phố và trường học, cũng như thu hẹp thời gian di chuyển của các xe bus và trạm tới 9 giờ tối. (Sir 1-7-2023)

 

3. Tin Bameng, Trung Quốc: Khánh thành một nhà thờ mới ở Nội Mông Cổ.

Ngày 01 tháng Bảy vừa qua, hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng đưa tin: Nhà thờ kính Lòng Chúa Thương Xót tại Giáo phận Bameng, ở tỉnh Nội Mông bên Trung Quốc, đã được thánh hiến hôm thứ Bảy, ngày 24 tháng Sáu trước đó. Đây là một biến cố họa hiếm.

Tham dự lễ thánh hiến, có ba giám mục thuộc tỉnh Nội Mông, là Đức cha Mattia Đỗ Giang, Giám mục Giáo phận Bameng sở tại, Đức cha Antôn Diệu Thuận, Giám mục Tể Ninh và Đức cha Phaolô Mạnh Thanh Lộc, Giám mục Giáo phận Hohhot, khoảng 60 linh mục và 15 nữ tu. Linh mục Chu Học Thanh, cha sở địa phương và là người cổ võ việc xây thánh đường mới, nói rằng: ”Nhà thờ mới này là nơi biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta, dấu chỉ lòng biết ơn của chúng ta đối với Chúa, dấu chỉ niềm tin và tình hiệp thông của chúng ta”.

Hiện diện tại buổi lễ cũng có các đại diện của vài cộng đoàn tôn giáo khác cũng như đại diện của Mặt trận Tổ quốc.

Cách đây 27 năm, một nhóm tín hữu Công giáo thuộc Giáo phận Ba Mạnh đã mua một khu đất để xây một phòng cầu nguyện cho cộng đoàn Công giáo địa phương. Họ sống trong một môi trường đa số dân theo Phật giáo Tây Tạng và pháp thuật Mông Cổ. Năm 2011, có một linh mục thường trú nên phòng cầu nguyện được thánh hiến và trở thành nhà nguyện, nơi cử hành thánh lễ và các bí tích.

Năm 2018, một thửa đất được chính quyền địa phương cấp, và nhờ sự cộng tác thiện nguyện cũng như lòng quảng đại đóng góp của các linh mục và giáo dân, lễ đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ Lòng Chúa Thương Xót đã được khởi sự và nay mới hoàn thành.

Mặc dù có những vấn đề thời tiết và vị trí của Giáo phận Ba Mạnh, lòng nhiệt thành tông đồ của cộng đoàn Công giáo địa phương đã làm gia tăng các lớp giáo lý, chương trình tĩnh tâm cho linh mục và giáo dân, khởi sự các hoạt động bác ái và phát triển mục vụ giới trẻ cũng như ơn gọi...

Cộng đoàn Giáo phận Bameng hiện có 40.000 tín hữu Công giáo, với 24 linh mục, 27 nữ tu và 3 phó tế. (Fides 1/7/2023)

Bản tin được cộng tác viên từ RVA gởi về WGPVL

244    05-07-2023