Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Bàn về sự vâng phục đối với Giáo Hội: Bài học từ Thánh Philipphê Nêri và Girolamo Savonarola

collage
Thánh Philipphê Nêri và tu sĩ Girolamo Savonarola - Wikimedia Commons


Thông thường, chúng ta nghĩ về sự vâng
phục như một đức tính của trẻ nhỏ, nhưng ngay cả khi trưởng thành, chúng ta vẫn được dẫn đến những nơi chúng ta không muốn đến (x. Ga 21,18). Ví dụ, trong xứ đạo, cha sở thực hiện những thay đổi khiến chúng ta khó chịu. Tại nơi làm việc, sếp đưa công ty đi theo một hướng mà chúng ta cho là ngớ ngẩn. Sự vâng phục trong những trường hợp như thế có vẻ là nhu nhược. Tốt hơn hãy chuyển giáo xứ và nghỉ việc. Nhưng qua một mẫu gương từ trong lịch sử, tôi muốn mang đến một suy tư về điều tốt đẹp vẫn còn nguyên giá trị nơi sự vâng phục - đặc biệt là đối với thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội, bất chấp những thất bại gần đây từ giới lãnh đạo trong Giáo Hội. Vì chính trong sự vâng phục mà Chúa Kitô, Đấng đã trở nên vâng phục cho đến chết, đã kết hợp chúng ta với chính Người ngay cả trong những hoàn cảnh đen tối nhất.

Thánh Philipphê Nêri và Girolamo Savonarola vốn là những người hoàn toàn khác biệt nhau về tính khí. Thánh Philipphê thì hiền hậu và ôn hòa; còn Savonarola thì nồng nhiệtsôi nổi. Tuy nhiên, trong phòng của mình, Thánh Philipphê lại treo một bức tranh Savonarola đội vương miện với vầng hào quang, và thánh nhân thường sử dụng các bài vở của vị tu sĩ dòng Đa Minh ở Florence này trong việc rao giảng của mình. Tại sao lại như vậy? Theo lập luận của người viết cuốn tiểu sử vĩ đại về Thánh Philipphê, Đức Hồng y Alfonso Capecelatro, thì Thánh Philipphê đã dự phần vào ước muốn canh tân sâu rộng của Savonarola trong Giáo Hội. Và cách thứctừng vị theo đuổi ước muốn đó đã mang đến cái nhìn sâu sắc cho thời đại của chúng ta.

Câu chuyện của Savonarola rất phức tạp vì ông đã không vâng lời Đức Giáo hoàng Alexander VI vào cuối đời mình. Ông vẫn tiếp tục rao giảng dù Đức Giáo hoàng đã yêu cầu ông phải im lặng. Câu chuyện còn phức tạp hơn vì Đức Giáo hoàng Alexander VI không phải là một người đức hạnh. Còn Savonarola thì ngược lại. Ông là một con người vĩ đại. Nhưng ông “sẽ vĩ đại hơn bao giờ hết, nếu trong năm cuối đời ông ấy đã khiêm nhường vâng phục”. Khi được trao cho cơ hội giao phó ước muốn canh tân về cho Thiên Chúa, Đấng hoạt động thông qua Giáo Hội mặc cho những thiếu sót trong phẩm trật của Giáo Hội, thì Savonarola lại chùn bước.

Vì sự bất tuân này, những lời dạy của Savonarola đã bị Tòa án dị giáo điều tra. Tuy nhiên, Thánh Philipphê chưa bao giờ nghi ngờ về sự trung thành của vị tu sĩ này đối với giáo lý của Giáo Hội. Vào thời điểm mấu chốt của phiên tòa, Philipphê đã họp đoàn các với các tu sĩ dòng Đa Minh ở Rôma để Chầu Thánh Thể, nhằm cầu nguyện cho những lời giảng dạy của Savonarola được thoát khỏi sự luận tội. Khi đã biết về một ân xá đặc biệt để tính chính thống trong những lời dạy của Savonarola vẫn được duy trì, Thánh Philipphê đã thốt lên: “Chiến thắng, chiến thắng, các bạn thân mến của tôi! Chúa đã đoái nghe lời cầu nguyện của chúng ta.” Nhưng Vatican đã trừng phạt “lòng nhiệt thành thái quá” của Savonarola, điều đã thúc đẩy ông đôi khi vượt quá giới hạn của sự thận trọng và chừng mực”, một sự trừng phạt dành cho vị tu sĩ này là điều mà Thánh Philipphê đã chấp nhận.

Thánh Philipphê cũng phải đối mặt với một thử thách tương tự về sự vâng phục, nhưng ngài đã đáp lại theo một cách khác. Vào thời điểm đó, ngài đã khởi sự một cuộc hành hương với lòng sùng kính bình dân đến bảy nhà thờ ở Rome. Sự thành công của thực hành này khiến một số người nghĩ rằng ngài là “người thiết lập một giáo phái mới”. Dưới sự ngờ vực, ngài bị gọi đến trước các nhà chức trách của Giáo Hội và bị cấm giải tội cũng như cấm hướng dẫn các cuộc hành hương. Ngài đã vâng lời và cố gắng hết sức để ngăn những người khác nói điều chống lại các hồng y đã xét xử ngài cách bất công, khi cho rằng: “Cuộc bách hại này không nhắm đến lợi ích của bạn mà là đến lợi ích của tôi; Chúa muốn làm cho tôi trở nên khiêm nhường và nhẫn nại.” Cuộc bách hại chẳng bao lâu nữa rồi cũng qua đi, và Thánh Philipphê lại được tự do tiến tới khi đã được thấm nhuần bởi lòng kiên nhẫn và khiêm nhường lớn hơn.

Chúng ta có thể rút ra điều gì từ sự so sánh về hai con người này, thật quá khác biệt nhưng lại thống nhất với nhau bởi ước muốn? Cuộc đời của các vị này bộc lộ những sắc thái của sự vâng phục nơi người Kitô hữu. Sự vâng phục là một phần của con đường nên thánh, không nhất thiết vì những đòi hỏi được đặt ra cho chúng ta có ý nghĩa ở cấp độ con người, hay vì những người đưa ra các đòi hỏi đó là những người có đức hạnh. Đúng hơn, khi chúng ta vâng phục thẩm quyền hợp pháp, thì Thiên Chúa sẽ thanh tẩy chúng ta khỏi việc cố gắng thiết kế thế giới theo ý muốn riêng của chúng ta. Chúng ta đón nhận vị trí của mình trong kế hoạch tối hậu của Người, một kế hoạch mang lại ý nghĩa theo một cách thức cao hơn điều mà bất kỳ ai trong chúng ta có thể thấy được lúc này.

Sự vâng phục - về phương diện thế tục hay Giáo Hội - không phải là một khuôn mẫu chung áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Chúng ta có thể và nên chống lại sự dữ do những người có thẩm quyền gây ra. Chúng ta nên cầu nguyện để Thiên Chúa có thể nâng đỡ nhiều người như Savonarola trong thời đại của chúng ta, những người với lòng nhiệt thành của họ sẽ truyền cảm hứng cho sự hoán cải, và những người với lòng đau xót trước sự tàn phai của Giáo Hội sẽ dẫn dắt tất cả chúng ta đến với cầu nguyện và chay tịnh vì sự canh tân của Giáo Hội. Nhưng tất cả chúng ta đều sẽ phải đối mặt với những khoảnh khắc đòi hỏi vâng phục đến cùng khi Thiên Chúa yêu cầu chúng ta nên giống Con của Người: “Dù bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca.” (Is 53,7) Và trong những khoảnh khắc như vậy, chúng ta có thể nhớ lại với niềm hy vọng rằng cuộc canh tân thầm lặng và vâng phục của Thánh Philipphê Nêri đã mang lại nhiều kết quả hơn là cuộc canh tân của Girolamo Savonarola hùng tráng.

Tác giả: Sư huynh Philip Nolan O.P. - Nguồn: Dominicana Journal (14/01/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

1045    21-01-2022