Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Bánh Hằng Sống ..

Thứ Sáu trong tuần thứ Ba Mùa Phục Sinh

Cv 9:1-20; Tv 117:1; 2 Ga 6:52-59

BÁNH HẰNG SỐNG

Nếu theo dõi kỹ, ta thấy toàn thể chương 6 Tin Mừng Thánh Gioan khá biệt lập và làm nổi bật rõ nét một vấn đề, vì ở các chương khác chúng ta không thấy nói đến đề tài “Bánh Hằng Sống – Bánh Trường Sinh – Bánh Từ Trời...”.

Thật vậy, chương 6 khá dài nhưng nó đánh dấu một bước quan trọng trong cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu. Ở đây, Chúa Giêsu mạc khải căn tính của Người, đúng hơn là Người vén màn cho nhân loại thấy thiên tính của Người. Người chính là Ngôi Hai Thiên Chúa – Một chân lý mà sau này Giáo Hội phải mất một thời gian dài, mở các công đồng để xác định và chống lại các bè rối phủ nhận Chúa Giêsu có hai bản tính và Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Trang Tin Mừng hôm nay đưa tới đỉnh điểm cuộc tranh luận mà xưa kia người Do Thái đã kịch liệt phản đối, dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu.

Mở đầu trang Tin Mừng, chúng ta thấy Thánh Sử nói thẳng vào vấn đề “Người Do Thái tranh luận sôi nổi và hỏi nhau : Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? Một chân lý khó chấp nhận. Một sự thật không hề nghĩ tới. Lập luận ấy khiến họ cứng lòng và phủ nhận.

Với Trang Tin Mừng này chúng ta nhận ra lòng thương xót của Chúa Cha qua Đức Giêsu “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (3, 16), nhưng chúng ta vẫn dửng dưng và từ chối “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (1, 11). Nếu chúng ta đón nhận Con của Ngài, chúng ta sẽ được cứu độ (3, 17). Như người cha hằng mong đứa con đi hoang trở về, như người mục tử đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất, như bà goá soi đèn, quét nhà tìm thấy đồng bạc bị mất (Lc 15). Thiên Chúa cũng khắc khoải đi tìm con người và Ngài bao dung, rộng lượng đón nhận chúng ta trở về với Ngài. Thật vậy, Thiên Chúa đã đi bước trước trong công cuộc hoà giải chúng ta với Ngài bằng giá máu của chính Con Một yêu dấu của Ngài.

Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi người tin hãy đến ăn và uống thịt máu Ngài để có được sự sống đời đời. Không ai ngoài một mình Ngài dám nhận và đúng thật là “Bánh Hằng Sống” bởi vì Ngài chính là Sự Sống, Ngài đến từ Cha, Đấng Hằng Sống. Hơn nữa, Ngài đã hiến dâng chính mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại, để minh chứng điều Ngài tuyên bố. Bởi cái chết và sự sống lại của Ngài, Chúa Giêsu đã trở nên, qua bí tích Thánh Thể, nguồn lương thực nuôi sống người tín hữu trên đường về Quê Trời.

 Chúa Giêsu cố gắng thuyết phục người Do thái tin và đón nhận Ngài vì lợi ích của chính họ, nhưng thất bại. Lý do chủ yếu có lẽ nằm ở chỗ họ không thể vượt qua cách hiểu thông thường, vật chất về việc ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu, và cho đó là việc man rợ, mất nhân tính. Tuy nhiên, ta cũng có thể nghĩ đến một lý do khác, đó là từ chỗ bất ngờ, họ đi đến chỗ nghi ngờ lòng yêu thương, nhân từ của Chúa Giêsu, Đấng tuyên bố hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của người khác.

Chúa Giêsu nói và nhấn mạnh “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống” (c. 53). Hậu quả của việc không đón nhận, không chấp nhận Người làm của ăn của uống nuôi dưỡng thân xác, thì kẻ ấy ắt phải chết. Có lẽ người Do Thái cảm thấy gớm ghiếc khi nói đến ăn thịt và uống máu một con người, huống chi đây lại khẳng định có vẻ ngạo mạn là : Nếu không ăn uống máu thịt Con Người ấy, thì sẽ chết. Họ chỉ nghĩ về cái chết thể lý, nên họ cứng lòng. Họ chỉ quan tâm đến việc ăn thịt và uống máu con người Giêsu Nagiaret, nên họ không chịu tin. Họ không đào sâu tìm hiểu về Đấng Mêsia, về một vị Thiên Chúa đã làm người, về tình yêu Thiên Chúa đang tuôn tràn Ơn Cứu Độ, nên họ đã từ chối và có những lời lẽ, tư tưởng, hành vi xúc phạm đến Người.

Ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn bền vững. Chúa Giêsu vẫn kiên trì giải thích và dạy dỗ họ “Ai ăn thịt và uống máu tôi, sẽ được sống muôn đời và kẻ ấy sẽ sống lại trong ngày sau hết” (c.54). Chúa Giêsu đưa ra một chân lý mới. Chân lý này không khác chân lý trước, nhưng chỉ nói lên điều tích cực, nói lên niềm vui ơn cứu độ cho những ai tin vào Người. Ơn cứu độ này chính là cuộc sống muôn đời. Vì con người ai cũng “ham sống, sợ chết” và Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống sẽ thực hiện điều ấy cho những ai mở lòng đón nhận Ngài.

Thiên Chúa là Đấng Trung Thành, Ngài không lừa dối ai bao giờ “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (c. 55). Chỉ có của ăn, của uống này mới nuôi sống con ngươì mà thôi. Của ăn của uống này mới thanh tẩy vết nhơ tội lỗi nơi con người do ông bà nguyên tổ gây nên và chính của ăn của uống ấy mới đưa con người tháp nhập vào đời sống vĩnh cửu của Ba Ngôi. Của ăn của uống này là “hàng thật”, đưa đến sự sống”thật”, vì đó chính là Thịt Máu của một con người đã nói “Tôi làm chứng cho Sự Thật. Ai nghe Sự Thật đứng về phía tôi”(Ga 18, 37), “Tôi là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống”(Ga 14, 6).

Hơn nữa, “nếu ai ăn thịt và uống máu, kẻ ấy sẽ ở lại trong Người và Người sẽ ở lại trong kẻ ấy”(c.56). Như thế, nếu chúng ta ăn và uống máu Đức Giêsu, thì Đức Giêsu sẽ sống trong ta và ta sống trong Đức Giêsu. Lúc đó, ta và Đức Giêsu sẽ nên một, như Đức Lang Quân kết hiệp với Hiền Thê. Thiên Chúa kết hiệp với con người. Khi đó, Chúa sẽ biến máu tội lỗi của ta sẽ trở thành máu công chính, thịt con người trở thành thịt của Con Thiên Chúa. Thân xác nhơ bẩn của ta sẽ nên sáng láng như thân xác phục sinh của Người. Trong chúng ta sẽ có giòng máu và sự sống của chính Thiên Chúa.

“Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà sống như vậy” (c. 57). Chúa Giêsu so sánh giữa việc kết hợp giữa Người với kẻ ăn thịt và uống máu Người như việc kết hợp giữa Chúa Con và Chúa Cha vậy. Nếu ta ăn thịt và uống máu Người, ta sẽ sống nhờ người như Người đã sống nhờ Cha. Từ đó, ta đi vào tương quan với Ba ngôi Thiên Chúa, được thông phần sự sống và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ba Ngôi. Vậy, khi ăn thịt và uống máu Chúa, ta không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là “ Đức Kitô sống trong ta” (Gal 2, 20).

Kết thúc trang Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc lại một lần nữa về chân lý mà người Do Thái không chịu tin nhận “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (c. 58).

Người môn đệ Chúa Giêsu được mời gọi đem tinh thần yêu thương của Tin Mừng thấm nhập vào mọi thực tại của thế giới này, giới thiệu và giúp mọi người tiến tới Chúa Giêsu, Tình Yêu tự hiến và là khuôn mẫu của mọi tình yêu. Để làm được điều đó, người môn đệ trước hết phải cảm nhận cách sâu xa tình yêu trao ban của Chúa Giêsu qua việc siêng năng lãnh nhận Thánh Thể, và lấy đó làm khuôn mẫu cho mình.

 

 

1127    19-04-2018