Sidebar

Thứ Ba
10.09.2024

Bao giờ cũng có một điều gì đó!”

 

Một người bạn của tôi nói đùa rằng khi mình chết, bà muốn khắc câu sau trên bia mộ của bà: Bao giờ cũng có một điều gì đó!

Và bao giờ cũng có điều gì đó thật! Tất cả chúng ta đều thấu hiểu sự chán ngán của bà. Chẳng thể nào khác, bao giờ cũng có một điều gì đó, không lớn thì nhỏ, phủ bóng đen và cách nào đó làm cho chúng ta không trọn vẹn bước vào phút giây hiện tại và tận hưởng sự phong phú của nó. Bao giờ cũng có một nỗi thấp thỏm, lo âu nào đó về một điều gì đó chúng ta hẳn đã nên làm hoặc phải nên làm, một hóa đơn nào đó chưa thanh toán, một mối lo ngại nào đó về những gì chúng ta cần đối diện ngày mai, một cơn đau đầu dai dẳng, một nỗi lo lắng về sức khỏe của mình hay của người khác, một vết thương vẫn còn nhức nhối, hay một nỗi khao khát mong chờ ai đó còn đang vắng mặt và điều đó làm chúng ta bớt vui. Bao giờ cũng có điều gì đó, một mất mát, một nỗi đau, một thắc thỏm, một cay đắng, ghen tuông, ám ảnh nào đó, hay một cơn đau đầu, mà vĩnh viễn nó tước mất đi niềm vui của phút giây hiện tại.

Cha Henri Nouwen từng diễn đạt điều đó một cách rất giản dị và sâu sắc: “Đời sống chúng ta,” ông viết, “là thời gian mà nỗi buồn và niềm vui hôn nhau từng giây phút. Có một mức độ buồn phiền bàng bạc trong mọi giây phút của đời sống chúng ta. Dường như không hề có niềm vui trong trẻo dứt khoát, mà ngay trong những giây phút hạnh phúc nhất của cuộc hiện sinh, chúng ta cũng cảm nhận một thoáng buồn. Trong mọi điều toại nguyện đều có cảm nhận những giới hạn. Trong mọi thành công đều có nỗi sợ bị ghen tị. Đằng sau mỗi nụ cười đều có nước mắt. Trong mọi cái ôm ghì đều có nỗi cô đơn. Trong mọi tình bạn đều có khoảng cách. Và trong mọi thể dạng của ánh sáng đều có hiện diện của bóng tối bao quanh.” Bao giờ cũng có một điều gì đó!

Chúa Giêsu diễn đạt điều này theo cách riêng của Người. Phúc âm kể lại sự việc, thánh Phêrô đến hỏi Người, ai theo Người sẽ nhận được phần thưởng gì. Chúa Giêsu trả lời, bất cứ ai từ bỏ cha, mẹ, vợ chồng, con cái, nhà cửa đất đai để trở thành môn đồ của Người thì sẽ nhận lại những thứ đó (cha mẹ, vợ chồng, con cái nhà cửa đất đai) gấp trăm lần hơn! Nhưng rồi Người nói thêm một mệnh đề khá buồn: “nhưng không phải là không khổ não.” Bao giờ cũng có một điều gì đó, nỗi căng thẳng, ghen tị, một bức hại nào đó – có thể xóa đi tất cả nhận thức hoặc yêu thích những điều gấp trăm lần này. Trên thực tế, Chúa Giêsu nói chúng ta có thể có mọi thứ – mà lại chẳng thấy sung sướng gì! Tại sao? Bởi vì bao giờ cũng có điều gì đó thâm nhập vào phút giây hiện tại làm chúng ta đánh mất cái nhìn bao quát và do đó đánh mất sự phong phú cũng như niềm vui trong đời sống mình.

Trong Phúc âm thánh Luca, Chúa Giêsu nói cụ thể cái điều gì đó thường là lòng ghen tị. Chúng ta có mọi thứ mà không thấy sung sướng vì chúng ta đang ghen tị với những gì người khác có. Đúng thật. Chúng ta thường xuyên dè bỉu cuộc sống và tài năng của mình, không thấy và không thưởng thức hương vị phong phú của cuộc sống, chỉ vì chúng ta còn muốn làm một người nào đó khác, một người nào đó giàu có và nổi tiếng, một người nổi bật. Cuộc sống của chúng ta phong phú, nhưng chúng ta không hài lòng với cuộc sống đó bởi vì chúng ta còn muốn những gì người khác có.

Văn chương ngày nay, trong lãnh vực tôn giáo cũng như thế tục, có một lượng sách báo phong phú cố gắng thách thức chúng ta đừng để bồn chồn, phiền muộn, tị hiềm, lo lắng cản trở không cho chúng ta trọn vẹn bước vào phút giây hiện tại. Phần lớn sách vở đó là tốt vì nó đưa ra thách thức đúng đắn. Tuy nhiên, đôi khi một số tác giả tạo cho chúng ta ấn tượng, nếu chúng ta tập trung chú ý và nỗ lực thực hiện một số kỹ thuật, thì chúng ta sẽ làm được dễ dàng. Không hề! Bước trọn vào phút giây hiện tại, thật sự bước trọn vào đó mà không bị sao nhãng vì những chuyện đau tim và đau đầu là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất về mặt tâm lý và thiêng liêng của đời sống.

Đời sống chúng ta phong phú, và điều đó đúng với mọi người, không chỉ đối với người giàu và người nổi tiếng. Ở đỉnh cao danh vọng, nhà thơ Rainer Marie Rilke, nhận được một lá thư của một chàng thanh niên, than vãn rằng anh ta muốn trở thành nhà thơ nhưng bị kìm kẹp vì anh sống ở một thị trấn nhỏ, nơi chẳng có bao giờ xảy ra một chuyện gì lý thú hay đáng chú ý cả. Rilke viết lại cho anh ta, nói rằng nếu cuộc sống của anh dường như nghèo nàn đối với anh thì có lẽ rốt cuộc, anh chẳng phải là nhà thơ gì sất, vì anh không thể nào nhặt ra được các nét phong phú trong cuộc sống của mình. Trải nghiệm của mỗi người là chất liệu của thi ca. Chẳng có cuộc sống nào lại không phong phú; nhưng phần lớn chúng ta bị cản trở không thể bước vào sự phong phú của cuộc sống mình và chẳng bao giờ có thể thưởng thức được cái trăm lần hơn đó … bởi vì bao giờ cũng có điều gì đó.

Thách thức ở đây là có mặt với sự phong phú bên trong cuộc sống của chính mình, và điều đó có nghĩa là học cách ăn mừng cái tạm thời, cái bất toàn. Điều đó có nghĩa là học cách làm sao để đến được bữa đại tiệc nằm ở trái tim cuộc sống, kể cả khi cuộc sống của mình chưa hoàn toàn lành mạnh và hoàn hảo. Và một phần của điều đó có nghĩa là chấp nhận nó thật khó khăn, nghĩa là tận hưởng những lúc chúng ta thật sự đến được đó, tha thứ việc chúng ta phần lớn đã không đến được, và khắc trên tấm bia mộ của chúng ta câu: Bao giờ cũng có một điều gì đó!

J.B. Thái Hòa dịch

923    27-12-2017