Sidebar

Thứ Năm
14.11.2024

“Bây giờ các giám mục phải công khai tường trình”

 

Ông Charles Mercier, giảng viên khoa lịch sử đương đại ở Đại học Bordeaux, thành viên của Viện Đại học Pháp giải mã cho báo La Vie về ý nghĩa biểu tượng trong việc lên án hồng y Barbarin sáu tháng tù treo vì tội không tố cáo các vụ lạm dụng, quyết định kháng cáo và đệ đơn từ chức lên Đức Phanxicô.

Theo ông, đâu là ý nghĩa biểu tượng của việc tòa kết án, quyết định kháng cáo và đệ đơn từ chức lên Đức Phanxicô?

Điều gây tác động với tôi là Giáo hội Pháp đang dần dần đi vào văn hóa của việc công khai sổ sách. Trong một thời gian dài, hình ảnh giám mục là “chủ giáo phận mình”, được ban cho một quyền lực mà chỉ duy nhất Đức Giáo hoàng ấn định, bây giờ chúng ta đi vào trong sự hợp lý của hầu hết các tổ chức: người tiêu dùng, ở đây là giáo dân, có quyền yêu cầu người chỉ huy từ chức nếu họ thấy người này yếu kém. Các giám mục bây giờ phải công khai sổ sách trong việc quản trị không những cho Vatican mà cho cả giáo dân, cho các thể chế dân sự, trường hợp ở đây là công lý. Chắc chắn đây là một bước ngoặt mang tính biểu tượng sẽ có hệ quả trên cách mà hình ảnh của giám mục được người công giáo, các linh mục và toàn xã hội nhìn nhận.

Giáo hội là một trong các thể chế cuối cùng bị đụng đến bởi đường hướng chung trong việc công khai sổ sách, một đường hướng xã hội tổng thể có từ rất lâu. 

Nhưng làm sao ông phân tích giữa một bên là kháng cáo, một bên là đệ đơn từ chức lên giáo hoàng?

Theo tôi dường như hồng y Barbarin muốn bảo vệ danh dự của mình và cho rằng, các lời buộc tội không đáng bị kết án như vậy – ngài lặp lại ngài đã làm những gì Vatican nói ngài làm -, cùng một lúc ngài nghĩ rằng địa vị đứng đầu tòa giám mục Lyon trở nên không đứng vững được. Chắc chắn quyết định xin từ chức của ngài là trong ưu tư làm dịu giáo phận và vì lợi ích cho Giáo hội công giáo Pháp. Theo tôi, ngài luôn nói việc từ chức nằm trong chương trình làm việc khi tòa hình sự kết án và khi có ai thúc đẩy ngài ra đi, ngài luôn nói chờ quyết định của tòa. Từ quan điểm này, liên quan đến sự hợp lý của công khai sổ sách, chúng tôi ghi nhận có sự điều chỉnh dần dần của Giáo hội công giáo theo mực thước của giới chính trị và của giới thương mãi: khi bị kết án thì không còn điều khiển được nữa. Theo nghĩa này, Giáo hội công giáo đang bình thường hóa.

Làm thế nào chúng ta bước vào kỷ nguyên mới?

Tôi nghĩ đây đích thực là bước ngoặt. Giáo hội là một trong các thể chế cuối cùng bị tác động bởi đường hướng chung trong việc công khai sổ sách, một đường hướng xã hội tổng thể có từ rất lâu. Điều này chắc chắn sẽ thay đổi cách thức mà các Giáo hội địa phương hoạt động, có lẽ, với các khó khăn của các giám mục trong việc tiếp cận cấu hình hoạt động mới này. Thật vậy, điều này đặt câu hỏi về cương vị của họ trong tương quan với các linh mục của mình, với nhiệm vụ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa có hệ thống hơn. Như thế có thể có căng thẳng trong tương quan giữa linh mục và giám mục, theo nghĩa các giám mục chịu nhiều áp lực và giám sát hơn, có thể bị các linh mục nhìn một cách tiêu cực, họ không còn là hình ảnh của một người che chở hoàn toàn. Đây là sự tái thích ứng với cương vị mà theo tôi là rất tích cực, nhưng chắc chắn sẽ đi qua những bước dò dẫm mà trong thời gian đầu có thể tạo ra căng thẳng và mất quân bình.

Khó để vừa là cha của các linh mục, vừa đòi hỏi họ báo cáo…

Ý tưởng của Đức Giám mục Pontier thành lập một tòa xét xử tội phạm trong giáo hội, quốc gia hay tỉnh và từ đó là trung gian giữa Rôma và giám mục địa phương theo tôi là đáng lưu ý, vì nó sẽ giúp tách biệt ra được các nhiệm vụ này. Nhưng nó lại đụng với truyền thống một giáo hội thù nghịch với việc trao quyền quyết định bắt buộc cho các cấu trúc trung gian giữa giáo hoàng và các giáo phận. Các người ủng hộ quan điểm này bảo vệ một tình trạng mà giám mục là người chủ duy nhất trong giáo phận trực tiếp liên hệ với giáo hoàng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

 

382    12-03-2019