Vào một buổi sáng Chúa nhật nọ, em nhờ mẹ ghi âm tin nhắn thoại gởi qua Zalo cho tôi với những tiếng nói như sau:
- Chú thầy ơi, chú thầy cho con hỏi chú thầy cái này nhe: Mình đạo Chúa, mai mốt mình lên với Chúa, các bạn đạo Phật thì lên với Phật, vậy còn các bạn hông có đạo thì lên với ai vậy chú thầy? Con hỏi mẹ con mà mẹ con hông biết trả lời á!
Hi hi, tôi cười vì một câu hỏi mang đầy tính thần học đến từ cô bé Chíp của chúng tôi. Chíp năm nay học lớp Lá, một cô bé với đôi mắt tròn xoe, cái hàm răng sún hết “hàng tiền đạo”, làn da ngâm đen và thích làm đẹp nên nhìn em có duyên lắm.
Tôi nói với em:
- Câu hỏi của con hay lắm luôn á, chú thầy đi tu cả hơn mười năm mới được học tới vấn đề mà con vừa hỏi á. Nhưng tại sao con hỏi vậy?
- Dạ tại mấy bạn trong xóm con toàn là đạo Phật với lại hông có đạo không á, mấy bạn hỏi con, con hông biết nên con hỏi chú thầy á.
- À, vậy thì mai mốt có bạn nào hỏi con vậy thì con hỏi lại bạn ấy như thế này nhe: Vậy bạn muốn lên với Chúa hay lên với Phật? Nếu bạn muốn lên với Chúa thì bạn theo tui, còn nếu bạn muốn lên với Phật thì bạn lại hỏi xin Phật thử coi nhe. hi hi.
- Dạ, mai mốt con sẽ nói vậy á!
- Nhưng con có muốn giới thiệu Chúa cho mấy bạn của con hông?
- Dạ con muốn á, nhưng giới thiệu làm sao chú thầy?
- Con giới thiệu bằng cách con sống yêu thương và chia sẻ với các bạn nhe.
- Dạ con biết rồi á, con cảm ơn chú thầy!
Tôi không muốn dừng lại nơi vấn đề ngoài Giáo Hội có ơn cứu độ hay không, vốn đã được Công Cồng Vaticanô II tuyên bố trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội Lumen Gentium (LG), và Tuyên Ngôn Về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo Nostra Aetate (NAE) chung quanh các số: LG, số 14, 16. NAE, số 2[1] để trả lời cho câu hỏi của Chíp, bởi lẽ các nhà thần học đã và đang đào sâu về những tư tưởng này, để đi tìm cách giải thích phù hợp cho một vấn đề mang tính chung quyết về tương lai mai hậu của những người ngoài Giáo Hội. Đó là đề tài vượt sức của một bài suy niệm nhỏ bé này. Tôi chỉ muốn dừng lại nơi chính câu hỏi của Chíp dành cho tôi và câu trả lời mà tôi dành cho Chíp.
Em chơi với các bạn, em quý mến các bạn nên em không muốn xa các bạn sau này khi em và các bạn đạo Phật thì có chỗ mà lên còn các bạn không có đạo thì không biết lên chỗ nào. Em muốn xí một chỗ cho các bạn mình. Nơi em, tôi thấy hình ảnh một “Nhà truyền giáo tí hon” và nơi em tôi đã thấy “Hạt giống Nước Trời” đã được gieo vào giữa lòng xã hội. Điều này làm cho tôi tạm gác lại với những suy tư của mình về một công cuộc truyền giáo lớn lao với những hoạch định cụ thể để quay trở về với những gì là nhỏ bé, gần gũi nhưng thật mạnh mẽ mà Chúa Thánh Thần đã khơi gợi nơi một tâm hồn thơ bé. Tôi xoay trục suy tư truyền giáo của mình về với “nhóm người chẳng đáng quan tâm” này. Nhóm mà trước đây tôi nghĩ là đơn sơ, hồn nhiên, chỉ biết vui chơi thôi chứ làm gì nghĩ tới chuyện các em lại chính là những hạt nhân trong công cuộc loan báo Tin Mừng.
Trở lại với câu hỏi của Chíp, một câu hỏi nhưng lại hàm chứa một câu trả lời đầy xác tín cho số phận của em và tôi: “… Mình đạo Chúa, mai mốt mình lên với Chúa…”. Ôi! Câu xác quyết sao mà đơn sơ và đầy trực giác, chẳng cần phải lý luận quanh co. Bởi vậy Chúa nói Nước Trời dành cho những ai có tâm hồn trẻ thơ như các em là phải (x. Mt 19, 13-15). Em chỉ dừng lại ngay giây phút này, em đâu biết được hành trình cuộc sống mà em sẽ trải qua còn bao điều mới lạ, với những thăng trầm và cũng không thiếu những thử thách chông gai mà đôi khi em sẽ nghĩ mình xa Chúa biết mấy và thiên đàng là một khát vọng xa xăm khó lòng đạt được. Em chỉ biết có lúc này em với bạn và em chỉ biết có lúc này Chúa với em.
Chính vì thế nên câu trả lời và lời mời gọi của tôi cũng phải hoàn toàn mang tính hiện sinh, ngay phút này trong cuộc sống của em. Hãy yêu thương và chia sẻ. Đây là điều em có thể làm được trong mọi giây phút cuộc đời mình. Tôi tin rằng khi yêu thương và chia sẻ em sẽ hạnh phúc và đủ đầy. Và tôi tin rằng duy chỉ hai việc này thôi cũng đủ để em mang Chúa đến cho bạn và mang em về Nước Trời. Tôi dám xác tín điều này bởi vì tôi tin vào lời Chúa nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Và tôi dám xác tín điều này còn bởi vì Chúa đã hứa: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25,34-36).
Thế nhưng làm sao để các em có thể yêu thương và chia sẻ nếu chúng ta không gieo những hạt giống tốt lành ấy vào chính mảnh đất tâm hồn các em. Đó là trách nhiệm của chúng ta, những người cũng đã có một mảnh đất trong tâm hồn và đã từng kinh nghiệm về những gì chúng ta đã gieo vãi trong mảnh đất ấy.
Gieo và gặt là nguyên lý cơ bản của đất trời, nó đúng trong mọi hoàn cảnh và trong chính con người của chúng ta. Tiếc rằng trong thời đại ngày nay, người ta dần phớt lờ nó để quảng bá cho những thứ sản phẩm mang tính thời vụ. Những thứ mà chỉ cần ước muốn là được, quyết tâm là có mà không phải bỏ công sức để đầu tư. Để rồi sau một vòng loay hoay, nhiều người vỡ mộng. Những năm gần đây, chúng ta thấy có nhiều khóa đào tạo ngắn hạn về phát triển bản thân diễn ra tại các thành phố lớn với những vị diễn giả nổi tiếng. Nhìn chung, sau mỗi khóa ngắn hạn tầm 3-5 ngày như vậy, các học viên cảm thấy mình đầy năng lượng, cảm thức ý nghĩa của cuộc đời, cảm nhận sức mạnh của bản thân và cảm giác được thôi thúc hành động. Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những cha mẹ ôm chầm lấy con trai, con gái mình trong ngày tốt nghiệp khóa học ấy với những giọt nước mắt lăn dài hạnh phúc vì dường như họ thấy con mình đã trưởng thành. Ước gì được như cha mẹ các em cảm nhận, tuy nhiên nó không đơn giản vậy. Một vài tuần, một vài tháng sau khi kết thúc khóa đào tạo, các em trở về với cuộc sống thường ngày với một chương trình phổ thông dày đặt, trở về với những người bạn bi quan yếm thế và trở về với những giới hạn của bản thân, nhiều em bắt đầu chán ngán và bỏ cuộc. Tại sao? Bởi lẽ ngày ấy các em nghĩ rằng những “liều thuốc kích động tâm cảm ngắn hạn”, những “chiếc chìa khóa vạn năng” đó đủ để mang lại cho các em thành công, hay cũng có thể các em nghĩ rằng não bộ mình sẽ tự phát ra những siêu năng lực để rồi mình sẽ chinh phục được tất cả những thách thức và khó khăn trong cuộc đời này…
Đời không như là mơ đâu em! Đó là một câu nói mà nhiều người trưởng thành đã đúc kết được từ những năm được trường đời tôi luyện. Thực tế cuộc sống này chẳng có thể đạt được một điều gì có giá trị bền vững mà không phải đầu tư. Đã đầu tư thì phải tính đến nguồn vốn, thời gian sinh lợi và những yếu tố rủi ro... Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta một bộ não tuyệt vời, nó có thể chất chứa bao nhiêu là thứ mà vẫn không đầy. Vậy vấn đề còn lại là ở chúng ta sẽ đầu tư vào đó những gì để sau này lấy ra mà sử dụng. Tôi không có ý nói về những người chịu nỗi đau khiếm khuyết bẩm sinh hay thiểu năng trí tuệ, đó là một chuyện khác bởi vì họ đáng thương và chúng ta có phần trách nhiệm đối với họ. Các diễn giả nổi tiếng đã cho chúng ta những chìa khóa để bước vào căn phòng não bộ này, phần còn lại là do chúng ta sắp xếp. Cũng cùng một căn phòng 8m2, có người thì thiết kế thông minh nên cả gia đình có thể sử dụng, nhưng cũng có người lại loay hoay với cái tủ, cái bàn, cái ghế, để rồi không còn lối đi.
Từ căn phòng não bộ này, chúng ta nghĩ tới mảnh đất tâm hồn mình. Một mảnh đất thiêng liêng mà Chúa Thánh Thần ban tặng để chúng ta gieo trồng, canh tác và trổ sinh hoa trái. Thế nhưng mảnh đất quan trọng và đắc địa nhất này lại là chính mảnh đất mà chúng ta thường bỏ hoang. Để rồi cái gì cũng có thể mọc lên, ai cũng có thể quăng ném rác rưởi vào đó. Từ những tin tức sốt dẻo mỗi buổi sáng tại quán cà phê đến những câu chuyện buôn dưa lê không hồi kết. Từ những suy diễn viễn vông do một thái độ vô tình hoặc cố ý của người khác làm cho chúng ta đau khổ đến những lời than phiền thiên thu bất tận… Và một ngày sống cứ thế trôi qua. Chúng ta dần mệt mỏi và kiệt sức mà không biết nguyên nhân. Giận người khác mà nghĩ là mình không tổn hao năng lượng, khó chịu với người khác mà tưởng lòng mình không khỏi bất an và “tự mình uống thuốc độc mà lại muốn người khác chết”. Dần dần nó hình thành nên một thói quen và một nếp sống.
Chắc không ít lần bạn và tôi ngồi vào bàn ăn và phải nghe những bình luận về chính trị không hồi kết, hết người này đến người khác cặm cụi ăn mà chẳng biết những gì người kia đang nói. Tuy ngồi kế bên nhau vậy nhưng chẳng ai gặp ai để tỏ lộ tâm tư, tình cảm, đồng cảm và sẻ chia. Và chẳng may khi có ai đó khơi gợi lên những vấn đề mà người ấy đang suy tư thì lại tiếp tục được nghe một ‘bản tình ca bất tận”. Họ tìm kiếm để thỏa mãn cơn khát của bản thân, họ có nhu cầu được thể hiện trước công chúng và họ bị kẹt cứng trong cái quỹ đạo ma quái ấy. Nghĩ lại, điều đó mang lại ý nghĩa gì cho cuộc đời này, trừ phi họ là những nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách và những công việc có liên quan mà cần phải dựa trên những tín hiệu chính trị để tìm ra những dữ kiện cho một cơ hội mới; hay họ là một nhà đạo đức học muốn dùng những thứ ấy để giáo dục cho một thế hệ tương lai… Tất cả diễn ra chóng vánh trên bề mặt như một người đầu bếp đang cố hớt hết bọt của cái nồi đang nấu gan bò, phổi heo hay một thứ tương tự mà bọt sẽ tiết ra cho đến khi cạn nước.
Điều này sẽ càng tai hại hơn khi diễn ra với những người cha, người mẹ trong gia đình, họ sẽ không còn thời gian để quan tâm và hướng dẫn con cái. Thêm vào đó cái nguồn năng lượng tiêu cực phát ra từ những bình luận không hồi kết kia làm cho những đứa trẻ ngày càng già hơn và dày hơn so với lứa tuổi và kinh nghiệm. Mảnh đất tâm hồn non nớt của các em sẽ được gieo vào những hạt mầm của bực bội, tức tối, giận hờn, bất công, thù hận, gian manh, xảo trá… và tất cả những gì là tai hại của cuộc đời này, thay vì được gieo vào đấy những hạt giống để trổ sinh hoa trái của Thánh Thần là: “bác ái, hoan lạc, bình an , nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22-23).
Trách nhiệm này còn nằm ở nơi bạn và tôi. Hạt giống mà ngày hôm nay tôi chọn gieo vào lòng Chíp đó là yêu thương và chia sẻ. Một hạt giống tốt được gieo vào trong tâm hồn chúng ta trổ sinh hoa trái sẽ làm mất đi một khoảng trống để những hạt mầm tệ hại được chen vào. “Lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại”. Tôi và bạn càng gieo những hạt giống tình thương và chia sẻ nhiều bao nhiêu, thì mảnh đất tâm hồn chúng ta sẽ ít dần những mầm sống của oán thù và khép kín bấy nhiêu. Và đến một ngày nào đó, khi chúng ta đã gieo đủ những hạt giống tốt lành rồi thì tất cả chỉ còn lại tình thương. Và chỉ khi nào đủ tình thương, chúng ta mới có thể chia sẻ, bởi không ai có thể cho cái mà mình không có (x. Ga 1, 35-42). Điều sẻ chia ấy không gì khác ngoài những gì tôi và bạn đã gieo. Nếu từ nhỏ, Chíp được dạy dỗ điều này như em đã từng được dạy về Chúa và về Thiên Đàng cách kỹ lưỡng và chu đáo, tôi nghĩ cuộc đời của em sẽ rất đẹp và chính em sẽ là người đi gieo những hạt giống tình thương và chia sẻ khắp nơi. Sẽ tốt đẹp biết bao khi có nhiều hạt giống như thế được gieo vãi đều đặn khắp nơi trong mọi ngỏ ngách của cuộc đời này. Khi Chíp và các bạn của em đều trở thành những hạt giống tình thương và chia sẻ, chúng sẽ tỏa lan trong cuộc đời này, chúng sẽ mang những giá trị này trở về với gia đình, người thân, và cứ lan tỏa mãi cho đến khi cuộc đời được phủ đầy bởi những giá trị của tình thương và chia sẻ. Đời chắc đẹp lắm! Và khi ấy Chíp đã có được câu trả lời cho các bạn em, vì chính em và các bạn đã đang được sống và cảm nghiệm mầu nhiệm Nước Trời ngay trong trần thế này bằng con đường tình thương và chia sẻ. Nước Trời hiện diện và trổ sinh ngay chính những hạt giống tình thương ấy, bởi lẽ “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) và “ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 4,7).
Tuy đời không như là mơ nhưng chúng ta vẫn có thể mơ về cuộc đời cho đến khi nó thành hiện thực. Từ giấc mơ ấy, hiện tại của cuộc sống mời gọi chúng ta bừng tỉnh để tiếp tục dấn thân trên một hành trình - một hành trình gian nan, tự sức chúng ta không thể hoàn tất, cần cậy nhờ vào ơn Chúa và thuận theo ý Người sau khi chúng ta đã khổ công gieo trồng hạt giống tốt lành là tình thương và chia sẻ trong suốt cuộc đời mình.
Thái Hòa
Mọi góp ý xin gởi về pphuochung2014@gmail.com
[1] Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công Đồng dạy rằng Giáo Hội lữ hành trên trần thế này rất cần thiết cho việc lãnh nhận ơn cứu độ. Thật vậy, chỉ có một Đức Kitô duy nhất là trung gian và là đường cứu độ, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta trong Thân Mình Người là Giáo Hội; chính khi minh nhiên công bố đức tin và ơn Thánh tẩy là cần thiết (x. Mc 16,16; Ga 3,5), Người đã cùng lúc xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa ngõ là bí tích Thánh Tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô như một điều kiện thiết yếu, mà vẫn từ chối không gia nhập hoặc không trung thành sống trong Giáo Hội, thì không thể được cứu độ. (LG, số 14).
Tuy nhiên lời khẳng định này không nhắm tới những người không biết Đức Kitô và Giáo Hội của Người mà không do lỗi của họ:
Thật vậy, những ai không vì lỗi của mình mà chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Giáo Hội Người, nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu. Cả những người không vì lỗi của mình mà chưa biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng cố gắng sống đời chính trực, dĩ nhiên là với ơn Chúa, thì Chúa Quan Phòng cũng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu độ. (LG, số 16)
Còn về vấn đề các tôn giáo ngoài Kitô giáo thì Công Đồng tuyên bố như sau:
Giáo Hội Công Giáo không bao giờ phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Giáo Hội luôn chân thành tôn trọng những cung cách hành động và lối sống, cũng như những huấn giới và giáo thuyết của các tôn giáo, mặc dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo Hội, nhưng vẫn thường mang theo một tia sáng nào đó của chính Chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn rao giảng, và kiên quyết không ngừng rao giảng Chúa Kitô, Đấng là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), trong Người, con người tìm được đời sống tôn giáo sung mãn, và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình. (NAE, số 2).