Khi bước qua Cửa Thánh ngay bên phải là nhà nguyện Pietà, có tượng Đức Mẹ bồng xác Chúa Giêsu do Michelangelo tạc năm 1.500, lúc ông 24 tuổi. Đây là một trong các bức tượng gây xúc cảm nhất trong tất cả các tác phẩm điêu khắc do chính ông ký tên - giữa ngực và vai trái của Đức Mẹ. Năm 1975 có một chàng loạn óc đã cầm búa đập khiến tượng Đức Mẹ bị gẫy mũi và tay. Tượng đã được tu sửa, và cũng từ ngày đó có kính chắn đạn bên ngoài, không ai có thể đến gần hơn. Tranh trên vòm nhà nguyện diễn tả cảnh Thánh Giá chiến thắng do Lanfranco vẽ.
Tiếp đến là nhà nguyện Thánh Giá bên trong có cây thánh giá gỗ thời Trung Cổ rất quý của Cavallini. Bên dưói bàn thờ có quan tài của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Giữa nhà nguyện 2 và 3 của gian phải là tượng ĐGH Leo III do Fabris tạc năm 1836. Bên trái là đài kỷ niệm hoàng hậu Christina nước Thụy Điển do Carlo Fontana xây. Phần này hiện được trưng dụng làm phòng thánh nơi ĐGH và các Hồng Y, Giám Mục mặc phẩm phục cử hành thánh lễ.
Bước sang gian giữa đền thờ, bạn cảm nhận được sự cân đối hoà hợp khiến chúng ta có cảm tưởng đền thờ không lớn lắm. Nhưng bạn thử đến gần bồn nước thánh có hai thiên thần bé chầu hai bên, bạn sẽ biết mình cao lớn tới mức nào.
Trần đền thờ cong, mạ vàng, trang hoàng hình hộp nhưng cũng dùng để phóng thanh. Gian giữa dài 187 mét, gian ngang 137 mét 50. Gần cửa gian chính giữa có một phiến đá vân ban tròn, xưa kia đặt trước bàn thờ chính. Dịp lễ Giáng Sinh năm 800 hoàng đế Carlo Magno đã quỳ trên đó để được ĐGH Leo III đội triều thiên phong làm Hoàng Đế Tây Phương. Xa hơn chút nữa là các tấm kim loại có ghi chiều kích các nhà thờ chính ở Âu châu, nhưng không chính xác. Bốn vòm khổng lồ rộng 13 mét, cao 23 mét nâng đỡ trần đền thờ dựa trên các cột trụ lớn, gồm hai cột kiểu Côrintô có sọc chụm vào nhau. Trong các vòm đục sâu vào các trụ là tượng của các thánh lập dòng.
Nhà nguyện thứ hai bên phải là nhà nguyện kính thánh Sebastiano có tượng ĐGH Pio XI. Trên bàn thờ có bức khảm đá mầu thánh Sebastiano tử đạo. Giữa nhà nguyện 3 và 4 là đài kỷ niệm ĐGH Innocente XII. Bên trái là đài kỷ niệm nữ bá tước Matilde della Toscana do Bernini xây.
Tiếp đến là nhà nguyện Thánh Thể. Cửa thép do Borromini vẽ kiểu. Nhà tạm bằng đồng mạ vàng là tác phẩm của Bernini. Trên bàn thờ có bức tranh Chúa Ba Ngôi của Pietro da Cortona. Từ khi lên làm Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II xin nữ tu các dòng thay phiên nhau chầu Mình Thánh Chúa từ sáng tới chiều tại mọi vương cung thánh đường ở Roma, xin cho có nhiều ơn gọi linh mục tu sĩ, vì đại chủng viện Roma hồi đo hầu như không có chủng sinh. Sau vài năm số chủng sinh đã gia tăng và có năm đã lên tới 150 thầy. Bàn thờ bên phải kính thánh Phanxicô thành Assisi. Bên trái có cửa dẫn lên Dinh Tông Toà. Cạnh nhà nguyện bên phải là đài kỷ niệm ĐGH Gregorio XIII do Rusconi tạc. Bên trái là mộ ĐGH Gregorio XIV.
Trên bàn thờ cạnh cột trụ lớn nâng mái vòm đền thờ có tranh vẽ thánh Giêrôlamô rước lễ. Bên dưới bàn thờ là xác của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Sau 37 năm qua đời, khi được phong chân phước xác ĐGH vẫn còn y nguyên không hư nát.
Phiá bên phải hiện nay có các toà giải tội bằng nhiều thứ tiếng khác nhau nên không thể thăm viếng.
Tựa trụ cột khổng lồ bên phải nâng mái vòm đền thờ là tượng đồng Thánh Phêrô ngồi trên ngai cẩm thạch bên trên có tàn che bằng đồng. Tượng do nhà điêu khắc Arnolfo di Cambio tạc hồi thế kỷ XIII. Vào các dip lễ lớn tượng được mặc áo choàng đỏ và đội mũ ba tầng rất đẹp. Tín hữu có thói quen hôn kính và vuốt chân thánh nhân nên sau bao thế kỷ hai chân ngài mòn láng.
Mái tròn của đền thờ có chu vi 42 mét, cao 119 mét, là một kỳ công kiến trúc nổi tiếng với những đường nét đơn sơ nhưng oai nghiêm hùng vĩ và chan hoà ánh sáng từ bên ngoại rọi vào qua 16 cửa sổ lớn. Vòm mái chia ra thành 16 rải quạt với 6 hàng các bức đồ khảm đá mầu rực rỡ do Cavalier d’ Arpino vẽ kiểu diễn tả Chúa Cứu Thế, Mẹ Maria, các Thánh Tông Đồ vv… trên chóp đỉnh là Thiên Chúa Cha.
Mái vòm dựa trên 4 cột trụ khổng lồ chu vi 71 mét, được trang hoàng với các tượng cao 5 mét. Từ bên phải là thánh Longino cầm đòng đâm cạnh sườn Chúa do Bernini tạc; đối diện là thánh nữ Elena mẹ hoàng đế Costantino đã tìm ra thánh giá Chúa năm 326 khi đi hành hương Thánh Địa, do Bolgi tạc; bên trái là thánh nữ Veronica người đã lau mặt Chúa trên đường khổ nạn, do Mochi tạc; và đối diện là thánh Anrê, em thánh Phêrô, bị đóng đinh trên thánh giá hình chữ X, do Duquesnoy tạc.
Trên 4 góc cột trụ là các bức khảm đá mầu diễn tả 4 Thánh Sử Mátthêu, Marcô, Luca và Gioan. Trên nữa bên trong vòng tròn là hàng chữ Latinh: “Con là đá, trên đá này Ta sẽ xây Giáo Hội Ta và Ta sẽ trao cho con chià khóa Nước Trời”. Rồi có Kinh Tin Kính chạy dọc quanh đền thờ.
Chính giữa là Bàn thờ tuyên xưng đức tin nơi ĐGH cử hành thánh lễ. Ngoài bàn thờ chính có 29 bàn thờ cạnh. Chiếc tàn khổng lồ bằng đồng lấy từ cửa đồng Pantheon cao 29 mét do Bernini đúc và chạm trổ giữa các năm 1624-1633. Bốn cột hình vặn cong theo kiểu các cây cột trong nhà nguyện Pietà. Triều thiên bên trên được trang hoàng với 4 thiên thần, mỗi vị cao 3 mét 50.
Phía trước bàn thờ là nhà nguyện Tuyên Xưng Đức Tin do kiến trúc sư Maderno xây, chung quanh có 95 ngọn đèn đốt sáng liên lỉ. Bên dưới là tượng ĐGH Pio VI quỳ cầu nguyện.
Thẳng dưới bàn thờ Tuyên Xưng Đức Tin là hòm đựng hài cốt thánh Phêrô. Các cuộc đào bới khảo cổ giữa các năm 1940-1949 đã đưa ra ánh sáng nghĩa trang cổ thuộc thế kỷ thứ II-III và mộ thánh Phêrô. Hài cốt thánh nhân được gói trong một miếng vải điều có sợi vàng quý giá và đặt trong một hộc xây sâu vào tường, bên ngoài có đề chữ Hy lạp “Petros eni” , nghĩa là “Phêrô ở đây” hay “Phêrô ở trong này”. Hộc này thuộc tầng trên của đài kỷ niệm dâng kính thánh nhân.
Đàng sau bàn thờ chính là ngai toà thánh Phêrô do Bernini xây năm 1656. Chiếc ngai khổng lồ bên trong đựng chiếc ghế gỗ khảm xà cừ của thánh Phêrô được 4 thánh Giáo Phụ nâng trên tay: phía trước là thánh Agostino và thánh Ambrogio của Giáo Hội Latinh, phía sau là thánh Atanasio và thánh Gioan Kim Khẩu của Giáo Hội Hy lạp.
Bên trên ngai có một hào quang rực rỡ bằng cẩm thạch, chính giữa có hình Chim Bồ Câu biểu tượng cho Chúa Thánh Thần là Đấng luôn soi sáng và hướng dẫn Giáo Hội.
Bên phải ngai toà thánh Phêrô là đài kỷ niệm ĐGH Urbano VIII do Lorenzo Bernini tạc, với tượng một bộ xương người, Đức Urbano VIII và hai tượng biểu trưng cho hai nhân đức Bác Ái và Công Bằng. Phụ nữ dang cho con bú tượng trưng cho Đức Bác Ái là Costanxa Bonarelli người tình của kiến trúc sư Bernini.
Bên trái ngai tòa là đài kỷ niệm ĐGH Phaolo III, vị Giáo Hoàng triệu tập Công Đồng Chung Trento chống lại phong trào Cải cách của Luther, do Guglielmo della Porta tạc: phiá trên có tượng bằng đồng của ĐGH, đang cúi xuống ban phép lành cho tín hữu, bên dưới là hai tượng biểu trưng cho nhân đức Cẩn Trọng là hình của thân mẫu ĐGH bà Giovannella Caetani và nhân đức Công Bằng, là hình của Giulia Farnese, em gái ĐGH.
Gian ngang cánh phải của đền thở hiện có các toà giải tội bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, không thể thăm viếng. Đây đã là nơi họp Công Đồng Chung Vatican I năm 1870. Ở phía này còn có các nhà nguyện Gregorio, nhà nguyện kính Tổng lãnh thiên thần Micae, nhà nguyện kính thánh nữ Petronilla, nhà nguyện Cây cột, nơi còn giữ lại một cây cột đền thờ do hoàng đế Costantino xây hồi thế kỷ thứ IV. Bên phải là bàn thờ và mộ ĐGH Leo Cả và bức tranh tả cảnh ĐGH gặp hoàng đế Attila do họa sĩ Algardi vẽ năm 1650. Chính giữa là bia mộ ĐGH Leo XIII, tiếp đến là đài kỷ niệm ĐGH Alessandro VII do Bernini tạc có bộ xương người và bên dưới có cửa ra, qua đó quan tài các Hồng Y được đưa đi an táng sau thánh lễ. Trên bàn thở đối diện là bức tranh Thánh Tâm Chúa hiện ra với thánh nữ Margherita Maria Alacoque của họa sĩ Muccioli.
Gian ngang cánh trái có nhà nguyện kính thánh Giuse với các bức tranh thánh Giuse, thanh Toma và thánh Phêrô. Tiếp đến là lối vào phòng mặc áo và kho tàng đền thờ. Ỏ đây có bảng danh sách 148 Giáo Hoàng được chôn cất dưới hầm đền thờ thánh Phêrô, trong đó có các Giáo Hoàng thuộc thế kỷ XX là Pio X, Biển Đức XV, Pio XI, Pio XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II. Bảo tàng viện Kho tàng đền thờ có từ thời hoàng đế Costantino, nhưng qua bao vụ cướp bóc của quân rợ Sarazin năm 846 và vụ cướp bóc Roma năm 1572, các vụ trả nợ theo thoả hiệp Tolentino năm 1797 và dưới thời cộng hòa 1848, khiến cho kho tàng mất đi rất nhiều báu vật.
Tiếp đến trong gian dọc bên trái là nhà nguyện Gregorio hay nhà nguyện Clementina, nhà nguyện Ca đoàn, nhà nguyện Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, bên dưói bàn thờ có xác của Thánh Giáo Hoàng Pio X qua đời năm 1914, còn nguyên ven không hư nát, và sau cùng là nhà nguyện giếng rừa tội.
Linh Tiến Khải
2821 01-08-2017