Sidebar

Chúa Nhật

15.12.2024

Bernard Pivot: “Có tất cả biểu tượng mong manh của nhân loại ở đây”

 

“Như thử chúng ta mong tất cả các giọt nước mắt tuôn trào, cơn giận, lòng sốt mến của chúng ta sẽ đột nhiên chặn được ngọn lửa đang nuốt Nhà thờ Đức Bà!” Đối diện với ngọn lửa đang thiêu rụi nhà thờ chính tòa, nhà văn Bernard Pivot có những lời nên thơ và gần như huyến bí trên trang Twitter của ông. Ngày hôm sau sự kiện bi thảm này, ông thổ lộ với báo La Vie. 

Ông phản ứng như thế nào hôm qua (15-4) khi ông thấy Nhà thờ Đức Bà bị cháy?

Bernard Pivot: Trước hết là tôi không thể nào tin được: thời buổi này có không biết bao nhiêu là hình ảnh bị cắt xén, bị gán ghép, bị giả mạo… Nhưng rồi cũng phải ráng nhìn thực tế khốn khổ trước mặt, tôi buộc phải đối diện với thảm kịch đang diễn ra dưới mắt mình. Tôi theo dõi vụ cháy hàng giờ cho đến khi nó chấm dứt, tôi có cảm tưởng như mình đang ở trong một giấc mơ hãi hùng. Cảm tưởng đầu tiên của tôi sáng nay khi thức dậy là mình đã có ác mộng. Mới đầu vụ cháy, phản xạ lập tức của tôi là viết trên trang Twitter: “Mẹ Maria, vì sao Mẹ không can thiệp? Vì sao Mẹ để lửa cháy căn nhà đẹp nhất của Mẹ ở nước Pháp?” Mẹ phải làm phép lạ, nhưng mẹ vẫn im lặng… 

Cấu trúc cũng đã được cứu…

Đúng, cấu trúc vẫn còn đó, và Đức Mẹ không một chút can thiệp! Nhưng tôi nghĩ các nhân viên cứu hỏa đã hiệu quả hơn…!

Thường chúng ta nghĩ điện Panthéon hay Tháp Eiffel là điểm chuẩn để tính cây số xa gần với Paris, nhưng không phải, đó là Nhà thờ Đức Bà.

Nhà thờ Đức Bà tượng trưng điều gì cho ông?

Khi tôi còn là sinh viên và khi gia đình, người thân về Paris thăm tôi, tôi là người hướng dẫn họ đi thăm Nhà thờ Đức Bà. Không thể không đến đó được. Nhà thờ Đức Bà còn hơn là “di sản của cha” (patrimoine): phải gọi đó là “di sản của mẹ” (matrimoine)! Báu vật vô giá này là tác phẩm chủ yếu của lịch sử và của đức tin chúng ta! Chúng ta không thể nào so sánh Nhà thờ Đức Bà với cái gì khác! Nhà thờ chính tòa này không phải là di sản kiến trúc mà còn là người mẹ của tôn giáo, nó là nơi văn hóa chứa các kiệt tác và quy tụ tất cả mọi thể loại nghệ thuật: âm nhạc, hội họa, điêu khắc… Đó cũng là nơi các nhân vật lớn trở lại với Chúa như nhà văn Paul Claudel trong kinh chiều lễ Giáng Sinh năm 1886 bên cạnh tượng Đức Mẹ. Tôi cũng nói thêm, tôi luôn thích đùa vì người ta dùng Nhà thờ Đức Bà làm mức chuẩn xa gần với thành phố Paris: nếu mình ở Fontainebleau và thấy bản chỉ cách Paris 70 cây số thì có nghĩa còn 70 cây số nữa mình đến sân trước Nhà thờ Đức Bà! Như thế Mẹ Maria là cột cuối; Nhà thờ Đức Bà, trung tâm thiêng liêng và văn hóa nhưng cũng là trung tâm địa dư. Cũng khá khôi hài cho một quốc gia thế tục: người dân không dùng điện Panthéon hay Tháp Eiffel để làm mốc chuẩn cây số, không, người dân quen dùng Nhà thờ Đức Bà làm mốc chuẩn.

Đứng trước Nhà thờ Đức Bà đang là biển lửa, ông viết: “Khi nóc tháp Mũi Tên bị cháy, Nhà thờ Đức Bà như chao đảo trong khoảng trống, như thử, tất cả, lịch sử, đức tin, cái đẹp đã đầu hàng sự man rợ.” Ông muốn nói gì?

Khi tôi nhìn trực tiếp nóc tháp kiêu hãnh, đẹp đẽ sừng sững trên cao từ hàng thế kỷ sụp đổ và biến mất, tôi nghĩ giống như nóc tháp đầu hàng trước ngọn lửa, mà ngọn lửa là man rợ. Đúng, ngọn lửa như một loại man rợ không đầu óc, không triết lý, không tham vọng. Vì thế tôi thấy đây một ẩn dụ của sự dữ; sự trả thù của sự dữ trên cái đẹp. 

Vượt lên biểu tượng và văn hóa, ông có mối quan hệ thiêng liêng nào với Nhà thờ Đức Bà?

Tôi luôn ấn tượng với các nhà thờ chính tòa. Tôi luôn nghĩ, bằng chứng duy nhất cho sự hiện diện của Chúa là trong các tác phẩm nghệ thuật của bàn tay con người. Làm sao không bị mê hoặc, không bị xáo trộn dù trong vài giây, trong vài phút khi đứng trước vẻ uy nghi này? Có một loại tác động của nơi chốn trên tâm hồn người đến thăm.

Đó là khía cạnh tốt của những bất hạnh: các bất hạnh này thức tỉnh nơi nhiều người để họ mở hầu bao và mở tâm hồn. 

Sự hiệp thông quốc gia, đám đông tràn về chung quanh Nhà thờ Đức Bà cho thấy một sự gắn bó gần như qua thịt da với đất đá…

Đó là tất cả biểu tượng mong manh của con người, của những gì con người xây cất và không tồn tại mãi mãi…  toàn bộ của cái nhất thời ôm trọn tâm linh. 

Sau sự kiện bi thảm này, trong tương lai gần ông thấy như thế nào?

Tôi cảm nhận có một tinh thần đoàn kết quốc tế mà chúng ta chưa hình dung được. Đó là khía cạnh tốt của những bất hạnh: các bất hạnh này thức tỉnh nơi nhiều người để họ mở hầu bao và mở tâm hồn. Thực sự trong bất hạnh con người quy tụ lại với nhau, bất kể tôn giáo, văn hóa và nguồn gốc.

Marta An Nguyễn dịch

309    23-04-2019