Sidebar

Thứ Sáu
10.05.2024

Bí tích Thánh Thể: Hiện diện, Hiệp thông và Hành động - 2

Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng trong cuộc đời dương thế của Chúa Giê-su có năm biến cố biến đổi quan trọng nhất, đó là: (1) Biến cố Người Nhập Thể, (2) biến cố Người biến đổi hình dạng trên núi Ta-bo, (3) biến cố Người lập Bí Tích Thánh Thể, (4) biến cố Người chịu chết trên cây thập giá, với thân hình bầm dập, trái tim bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra và (5) biến cố Người phục sinh. Theo giáo l‎ý Ki-tô giáo: Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, vô thủy vô chung, phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi. Trong nhãn quan triết l‎ý, những gì còn chịu cảnh biến đổi thì chưa trọn hảo, chưa đạt tới mức thập toàn. Chúa Giê-su là Thiên Chúa toàn hảo, toàn năng, toàn thiện, tuy nhiên, vì yêu thương nhân loại, Người đã chịu cảnh biến đổi với hình thức đau khổ nhất mà nhân loại có thể cảm nghiệm (đau khổ thập giá). Hơn ai hết, thánh Phao-lô là người trình bày ngắn gọn và đầy đủ nhất về sự biến đổi cứu độ này. Ngài viết: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giê-su là Thiên Chúa đã trở thành Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa đã trở thành Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Is 7,14; Mt 1,23). Thiên Chúa đã tự biến đổi chính mình để thông phần bấp bênh, tăm tối, đau khổ và chết chóc của chúng ta cũng như toàn thể thế giới thụ tạo. Chúa Giê-su không chỉ biến đổi để hiện diện trong môi trường nhân loại, hiện diện giữa chúng ta, mà còn biến đổi đến nỗi trở thành Của Ăn cho chúng ta nữa. Chúng ta ăn Chúa Giê-su, con người ăn Thiên Chúa, thụ tạo ăn Đấng Sáng Tạo. Đây thật là mầu nhiệm lớn lao!

Sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể mời gọi chúng ta luôn ý thức về ba sự hiện diện chính của chúng ta, đó là: (1) sự hiện diện của chúng ta với Người, (2) sự hiện diện của chúng ta với anh chị em mình và (3) sự hiện diện của chúng ta với thế giới thụ tạo. Chúng ta cần thường xuyên đặt và trả lời cho câu hỏi: ‘Nếu chúng ta tin tưởng rằng Chúa Giê-su hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, mà chúng ta không đến với bí tích này, thì sự hiện diện của Người có mang lại lợi ích gì cho chúng ta không?’ hay ‘nếu chúng ta hiện diện với Chúa Giê-su Thánh Thể mà chúng ta không hiện diện với anh chị em mình, cũng như với thế giới thụ tạo theo thánh ý Người, thì sự hiện diện của chúng ta thực sự đúng nghĩa không?’

Trong thế giới thụ tạo, chúng ta có được kinh nghiệm rằng để tham dự sự sống của vật ở bậc cao hơn, vật ở bậc thấp hơn phải chịu cảnh hư nát, chịu cảnh chết đi, chịu cảnh bị ăn bởi vật ở bậc cao hơn. Chẳng hạn, để tham dự sự sống của con gà, con giun bị giết và trở thành của ăn cho con gà. Tương tự như vậy, để tham dự sự sống của con người, con gà bị giết và trở thành của ăn cho con người. Đây là trật tự của thế giới tự nhiên. Trật tự của thế giới siêu nhiên theo mặc khải Ki-tô giáo, thì không nhất thiết phải như vậy, đặc biệt, trong Biến Cố Đức Ki-tô và nhất là Bí Tích Thánh Thể, bởi vì, Chúa Giê-su, Sự Sống Nguyên Thủy, Sự Sống Sung Mãn, Sự Sống Đời Đời đã đồng hóa với sự sống bị giới hạn trong không gian, thời gian cũng như các hình thức giới hạn khác thuộc trật tự thế giới thụ tạo, nhằm siêu thăng sự sống thế giới thụ tạo và cho tham dự sự sống Thiên Chúa. Nói cách khác, trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su là Thiên Chúa hằng sống và là Tác Giả của muôn vàn hình thức sống trong thế giới thụ tạo đã trở nên Của Ăn cho con người tội lỗi bất xứng, để con người được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa.

Với thân phận con người, Chúa Giê-su cũng ăn cũng uống, của ăn và của uống đã trở nên thịt và máu Người trong dòng lịch sử. Chúa Giê-su lịch sử không còn hiện diện nữa, nhưng để thực hiện lời hứa ‘ở cùng các môn đệ cho đến tận thế’, Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Người đã dùng những thứ quen thuộc nhất của cuộc sống con người như bánh và rượu, là của ăn và của uống nuôi sống thể xác con người, để Người hiện diện và trở nên Của Ăn Của Uống thiêng liêng cho con người. Như vậy, bánh và rượu vốn là những gì quen thuộc đối với đời sống thể xác lại trở nên những gì quen thuộc đối với đời sống thiêng liêng của con người, nhờ Lời quyền năng của Chúa Giê-su.

Chúng ta ăn Chúa Giê-su, nhờ đó, chúng ta có thể ‘ăn’ những thứ khác sao cho xứng hợp với phẩm giá của mình. Trong tiếng Việt, khi từ ‘ăn’ được ghép với những từ khác, thì nghĩa ‘ăn’ trở nên thật đa dạng, chứ không chỉ là những gì mà con người đưa qua miệng rồi vào dạ dày, chẳng hạn: ăn ảnh, ăn bám, ăn bận, ăn bẩn, ăn bụi, ăn cánh, ăn khách, ăn gian, ăn lộc, ăn mừng, ăn tết, ăn trên ngồi trước, ăn chắc mặc bền. Với sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể trong cuộc sống, chúng ta không chỉ đặt và trả lời cho câu hỏi rằng ‘chúng ta đã ăn gì, đang ăn gì và sẽ ăn gì?’, mà còn đặt và trả lời cho câu hỏi rằng ’chúng ta đã ăn như thế nào, đang ăn như thế nào và sẽ ăn như thế nào?’ Là Ki-tô hữu, tuy nhiên, lắm lúc chúng ta đã ăn, đã sở hữu, đã tiếp cận những thực thể vô bổ, mà không màng quan tâm đến sự hiện diện và hoạt động của Chúa Giê-su Thánh Thể trong đời sống mình.

Chúng ta đang ăn nhiều thứ, chẳng hạn, ăn thông tin, ăn danh tiếng, ăn tư tưởng, ăn ý thức hệ, ăn cách sống, ăn cách cư xử. Chúa Giê-su luôn mời gọi mỗi người chúng ta hãy ăn chính Người. Bởi vì, khi chúng ta ăn chính Người và đồng hóa với Người, chúng ta mới có thể ăn các thức ăn khác cách điều độ và hữu ích nhất, bằng không, chúng ta sẽ bị bội thực với những thức ăn độc hại mà thế giới đương đại cung cấp. Khi chúng ta đã bị bội thực với những thức ăn như vậy, chúng ta không còn chỗ cần thiết cho Chúa Giê-su là Bánh Hằng Sống từ trời xuống nữa.

Chúa Giê-su Thánh Thể không ngừng mời gọi mỗi người chúng ta hãy ý thức hơn về sự hiện diện và hoạt động của người trong đời sống chúng ta trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Khi chúng ta ý thức rằng Người chính là Của Ăn đích thực, thì chúng ta cũng ý thức về những gì mà chúng ta ăn cần phải phù hợp thánh ý Người. Nghĩa là những gì chúng ta ăn sẽ bồi bổ phẩm giá cao trọng của chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa, là em của Chúa Giê-su và là bạn của Người.

Niềm tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su Thánh Thể giúp chúng ta không ngừng đến với Người, thân thưa với Người và cộng tác với Người trong việc định dạng đời sống và hoạt động của chúng ta cũng như cộng đoàn mà chúng ta đang hiện diện và phục vụ. Niềm tin này cũng giúp chúng ta vượt qua được những chướng ngại hay rào cản trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, niềm tin này giúp chúng ta ý thức hơn về đời sống luân l‎ý và đời sống vĩnh cửu của mình.

Chúa Giê-su Thánh Thể muốn Giáo Hội của Người cũng như mỗi người chúng ta không cô đơn trong hành trình trần thế. Người hiện diện với chúng ta hôm qua, hôm nay và tương lai, không chỉ là tương lai của cuộc sống chúng ta trên dương gian mà là cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Người muốn đồng hành và hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường, đặc biệt, người muốn đồng hành và hướng dẫn chúng ta khi chúng ta đau khổ, khi chúng ta mất phương hướng, khi chúng ta thất vọng, khi chúng ta phải đương đầu với nhiều hình thức bất công, bất đồng, bất hòa hợp và muôn vàn trắc trở, hiểm nguy khác giữa dòng đời.

Chúng ta cần đặt và trả lời cho câu hỏi rằng ‘ai đang hiện diện trong đời sống mình? Ai đang ở vị trí trung tâm của tư tưởng mình, tâm hồn mình, lòng trí mình? Khi chúng ta ý thức được ai đang hiện diện trong đời sống mình và ai đang là trung tâm của đời sống mình, chúng ta cũng ý thức được đường đi cho chính mình. Khi chúng ta ý thức rằng Chúa Giê-su Thánh Thể đang hiện diện, đồng hành và hướng dẫn, chúng ta cũng ý thức mình đang đi theo Đường của Người, Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống viên mãn (Ga 14,6).

Gần 2000 năm trước, thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Ê-phê-xô: “Chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường” (Ep 4,14). Hôm nay đây, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa thế tục và biết bao hình thức chủ nghĩa khác đang hoành hành trong thế giới. Các hình thức chủ nghĩa này thao túng và thâm nhập mọi chiều kích của đời sống con người. Nếu chúng ta không ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa, đặc biệt, sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể trong đời sống mình, nếu chúng ta không để Người là tâm điểm, là lẽ sống và là gia nghiệp của mình, chắc rằng chúng ta sẽ rơi vào các hình thức chủ nghĩa đó, cũng như làm tôi mọi chúng. Hậu quả là chúng ta ngày càng xa Thiên Chúa, xa chính mình, xa người thân cận, và vô cảm đối với thế giới thụ tạo mà Người ban tặng cho chúng ta.

  1. Hiệp thông

Sự hiệp thông trọn vẹn nhất giữa Thiên Chúa, con người và thế giới thụ tạo được diễn tả trong Biến Cố Đức Ki-tô, biến cố Thiên Chúa làm người và sống giữa gia đình nhân loại. Sự hiệp thông đó không kết thúc với sự chết và phục sinh của Chúa Giê-su, nhưng tiếp tục trong Bí Tích Thánh Thể. Câu cuối cùng trong Tin Mừng Chúa Giê-su theo thánh Mát-thêu là: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Như đã đề cập ở trên, Chúa Giê-su Thánh Thể cũng chính là Chúa Giê-su lịch sử đã nhập thể, đã sống, đã chết, đã phục sinh và lên trời.

Về căn bản, sự hiệp thông giữa chúng ta và Chúa Giê-su Thánh Thể thường được diễn tả qua sự hiệp thông với Người theo chiều đứng và hiệp thông với anh chị em mình theo chiều ngang. Hai hình thức hiệp thông này định nghĩa nhau và bổ sung cho nhau, tuy nhiên, sự hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể là nền tảng. Nghĩa là, khi chúng ta hiệp thông thân mật với Chúa Giê-su, thì chúng ta cũng hiệp thông thân tình với anh chị em mình. Nói cách khác, sự hiệp thông với anh chị em chính là hoa trái sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Giê-su Thánh Thể.

Theo Kinh Thánh, hiệp thông có nghĩa là tham dự, là thông phần, là kết hợp, là cùng chung hành động và cùng chia sẻ mục đích. Sự hiệp thông trong Bí Tích Thánh Thể được thánh Phao-lô diễn tả trong Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Cô-rin-tô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17). Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cùng chia sẻ Mình và Máu Chúa Giê-su, cùng chia sẻ sự sống đời đời của Người trong hành trình trần thế của mình.

Bí Tích Thánh Thể không chỉ liên kết mỗi người chúng ta với nhau mà còn liên kết tất cả chúng ta nên một với Chúa Giê-su và trong Chúa Giê-su. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su với Thiên Chúa Cha trước khi bước vào cuộc khổ nạn là ‘xin cho mọi người nên một’ (Ga 17,21). Trong Thư Gửi Tín Hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô viết: “Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình” (Ep 4,16). Trong xã hội dân sự, người ta cũng có thể liên kết và nên một với nhau, nhưng ‘sự liên kết và nên một’ ở đây không đồng nghĩa với ‘sự liên kết và nên một’ trong Bí Tích Thánh Thể. Với bí tích này, sự liên kết và nên một với nhau được xem là dẫn xuất hay hiệu quả của sự liên kết và nên một với Chúa Giê-su Thánh Thể, chứ không phải ngược lại.

Sự hiệp thông trong Bí Tích Thánh Thể là sự hiệp thông năng động, sự hiệp thông trao ban, sự hiệp thông hướng về tương lai tốt đẹp hơn của tất cả mọi người. Sự hiệp thông này phân biệt với các hình thức hiệp thông khác trong đời sống Giáo Hội. Chẳng hạn, chúng ta có thể liệt kê một số hình thức hiệp thông như: sự hiệp thông của các Giáo Hội địa phương với Giáo Hội phổ quát, sự hiệp thông không trọn vẹn của Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Ki-tô khác, sự hiệp thông của các Ki-tô hữu trong Giáo Hội lữ hành với các Ki-tô hữu trong Giáo Hội thanh luyện và Giáo Hội khải hoàn, sự hiệp thông của các Ki-tô hữu với các thực thể thánh thiêng, hay sự hiệp thông trong các bí tích khác của Giáo Hội.

Trong bối cảnh Kinh Thánh Tân Ước, sự hiệp thông còn được hiểu theo nghĩa tình bạn, tình thân mật của những người cùng chí hướng, cùng mục đích (fellowship, friendship). Chúa Giê-su diễn tả sự hiệp thông này trước khi bước vào cuộc khổ nạn qua hình ảnh cây nho và cành nho. Theo đó, Chúa Giê-su là cây nho, các môn đệ là cành. Các cành nho nên một với cây nho và hiệp thông với nhau cách mật thiết nhất, vì cùng chung chia nhựa sống của cây nho. Không hiệp thông với cây nho, cành nho sẽ khô héo và bị loại bỏ (Ga 15,1-17).

Khi chúng ta hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể, thì chúng ta cũng được hiệp thông với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nghĩa là Bí Tích Thánh Thể cho phép chúng ta được hiệp thông với Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và cùng đích của muôn loài muôn vật. Sự hiệp thông này giúp chúng ta ý thức hơn rằng Biến Cố Đức Ki-tô trong dòng lịch sử cũng chính là Biến Cố Chúa Ba Ngôi trong dòng lịch sử vậy. Thông thường, chúng ta nói ‘Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hóa’. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng luôn có sự hiện diện và hoạt động của Chúa Ba Ngôi trong thế giới thụ tạo, từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.

Như đã đề cập ở trên, sự hiệp thông của Giáo Hội Chúa Giê-su, Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được diễn tả cách cụ thể và rõ nét trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận sự hiệp thông này trong bối cảnh bao quát và rộng lớn hơn nữa. Nghĩa là, chúng ta cần nhìn nhận Bí Tích Thánh Thể trong bối cảnh hiệp thông của Giáo Hội từ đời đời trong ý định của Thiên Chúa Cha, được Chúa Giê-su thiết lập và Chúa Thánh Thần thánh hóa trong dòng lịch sử.

Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông. Mầu nhiệm này phát xuất từ sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi và được diễn tả trong Biến Cố Đức Kitô. Ý tưởng này khá trừu tượng đối với đa số chúng ta. Tuy nhiên, nói rằng Bí Tích Thánh Thể là bí tích hiệp thông hay Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch, là đỉnh cao và là trung tâm của đời sống Giáo Hội, giúp chúng ta nhận ra căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội cách dễ dàng hơn, bởi vì, như đã đề cập ở trên, Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội.

Khi hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng ta ý thức rằng chúng ta nhận lấy Người và Người trở thành máu thịt thiêng liêng của chúng ta. Mặt khác, và đúng hơn, chúng ta ý thức rằng Chúa Giê-su Thánh Thể nhận lấy chúng ta, để biến đổi và làm cho chúng ta càng ngày càng gần gũi Người hơn, đồng thời, được Người chia sẻ phẩm giá làm con Thiên Chúa với Người (Ga 1,12). Nhờ đó, chúng ta xứng đáng hơn là môn đệ và tông đồ của Người trong hành trình trần thế. Nói cách khác, chúng ta không chỉ là chủ thể đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể, mà còn là đối tượng được Người đón nhận, biến đổi, để ngày càng hoàn thiện hơn và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Thánh Phao-lô có kinh nghiệm này khi ngài viết trong Thư Gửi Tín Hữu Ga-lát: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Trong Thư Gửi Tín Hữu Phi-líp-phê, ngài cũng viết: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).

Hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể và hiệp thông với anh chị em mình là tác động hỗ tương và bổ túc cho nhau. Tương quan liên vị giữa chúng ta với Chúa Giê-su Thánh Thể cho phép chúng ta thiết lập tương quan liên vị với anh chị em mình. Điều này thúc đẩy chúng ta ngày càng ý thức rằng chúng ta không cô đơn. Chúng ta sống là sống với nhau, là sống cho nhau và sống vì nhau, bởi chúng ta là chi thể của nhau trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô như thánh Phao-lô diễn tả (Rm 12,3-8).

Yêu thương ai thì người ta mở lòng và trao quà cho người đó. Bí Tích Thánh Thể là món quà vô giá mà Chúa Giê-su tặng ban cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Ai lãnh nhận Chúa Giê-su Thánh Thể cũng là người có bổn phận mang Người đến cho anh chị em mình, bởi vì, quà tặng và tác vụ của Bí Tích Thánh Thể luôn đi đôi với nhau. Món quà càng cao trọng thì tác vụ càng quan trọng, món quà càng quý giá thì tác vụ càng lớn lao, món quà càng sống động thì tác vụ càng khẩn thiết. Do vậy, sự hiệp thông của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể không phải là sự hiệp thông quy tụ, nhưng là sự hiệp thông mở ra, sự hiệp thông trao ban, trao ban cho đến khi Thiên Chúa quy tụ muôn loài muôn vật trong Chúa Giê-su. Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể mời gọi tất cả mọi người cùng chung vui, cùng chia sẻ, cùng tham dự sự sống mà Thiên Chúa ban tặng.

Cộng đoàn này luôn quan tâm đến hoàn cảnh và đời sống của những người xung quanh, bởi vì, nhờ Chúa Giê-su, tất cả được mời gọi nên một ở trần gian này và trong Nước Thiên Chúa mai hậu. Sự liên kết với Chúa Giê-su và sự liên kết với nhau trong cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể phải dẫn tới sự liên kết không biên giới với tất cả mọi người. Nói cách khác, sự liên kết không chỉ giới hạn trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể mà trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hằng ngày.

Hơn nữa, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể không chỉ ‘nên một’ với Chúa Giê-su, với anh chị em đồng đạo của mình và với tất cả mọi người, mà còn nên một với toàn thể thế giới thụ tạo, bởi vì, Bí Tích Thánh Thể bao gồm những yếu tố thuộc thế giới thụ tạo là bánh và rượu, sản phẩm của hoa màu ruộng đất. Việc cử hành Bí Tích Thánh Thể giúp mọi người ý thức hơn rằng mọi sự trong thế giới thụ tạo là ‘anh chị em của nhau’. Chính Chúa Giê-su đã mang lấy những yếu tố của thế giới thụ tạo trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cần biết trân trọng thế giới thụ tạo và đóng góp phần mình làm cho thế giới này ngày càng tươi đẹp hơn.

Theo thánh Phao-lô, để hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể, Đấng Hằng Sống, người tham dự cần có tâm hồn xứng hợp (1 Cr 11,28-29). Nghĩa là người tham dự sống trong tình trạng ân sủng. Mặc khải Ki-tô giáo cho chúng ta nhận biết về ba hình thức sự sống của con người, đó là: sự sống thể l‎ý, sự sống luân l‎ý và sự sống vĩnh cửu. Tương tự như vậy, con người cũng có ba hình thức chết, đó là: sự chết thể l‎ý, sự chết luân l‎ý và sự chết vĩnh cửu. Thân xác con người không thể tiếp nhận của ăn và của uống khi thân xác đó đã chết. Tương tự như vậy, con người không thể lãnh nhận Chúa Giê-su Thánh Thể, Của Ăn thiêng liêng cho đời sống mình khi sự sống thiêng liêng, sự sống luân l‎ý của con người đã chết. Dĩ nhiên, sự chết vĩnh cửu thì không thể biến đổi, còn sự chết thể l‎ý và sự chết luân l‎ý sẽ được biến đổi, được phục hồi, nhờ quyền năng Thiên Chúa, vai trò trung gian của Giáo Hội và sự cộng tác chân thành của con người.

2308    01-09-2018