Sidebar

Thứ Sáu
10.05.2024

Bí tích Thánh Thể: Hiện diện, Hiệp thông và Hành động - 4

Hơn ai hết, các Ki-tô hữu là những người cổ vũ sự hợp nhất trong các cộng đoàn Giáo Hội cũng như các hình thức cộng đoàn khác. Hiệp nhất luôn là quan điểm chung của tất cả mọi người, tuy nhiên, mỗi người thường đưa ra qui chuẩn hiệp nhất theo ý mình. Mặc khải Kinh Thánh Ki-tô giáo cho chúng ta biết ‘Chúa Giê-su là Quy Chuẩn hiệp nhất’ (Ep 1,10). Chúng ta hy vọng rằng tất cả mọi người nhận ra Quy Chuẩn này, nhờ đó, tiến trình hiệp nhất Ki-tô hữu và hiệp nhất trong gia đình nhân loại ngày càng trở nên hiện thực hơn.

Như đã đề cập ở trên, khi chúng ta ý thức rằng Chúa Giê-su Thánh Thể không chỉ là ‘đối tượng của lòng trí chúng ta’ mà còn là ‘chủ thể của lòng trí chúng ta’, cũng là khi chúng ta ý thức rằng với sự hiện diện và hoạt động của Người trong đời sống thường ngày, chúng ta sẽ vượt qua những cạm bẫy giữa lòng thế giới. Thánh Phao-lô có được kinh nghiệm này khi Người viết: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39). Như vậy, nhờ Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng ta có đủ sức mạnh để có thể hành động cách xứng hợp hơn giữa thế gian này.

Sự hiệp thông của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại luôn là một lộ trình dang dở. Thực tế cho thấy người ta có thể sống hòa hợp với nhau, tuy nhiên, chưa thực sự hiệp thông với nhau như Chúa Giê-su Thánh Thể mong muốn. Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, cộng đoàn những người hiệp thông với Chúa Giê-su và hiệp thông với nhau cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc làm cho sự hiệp thông của cộng đoàn mình được lan tỏa trên khắp hoàn cầu. Để được như vậy, các thành viên của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể luôn được mời gọi biến đổi không ngừng.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về những biến đổi: Sự biến đổi của môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa, môi trường xã hội, sự biến đổi từ vật này sang vật nọ, từ hiện tượng này sang hiện tượng khác, từ biến cố này sang biến cố kia. Chúng ta không thể hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể, với anh chị em chúng ta và toàn thể thế giới thụ tạo cách đúng nghĩa mà không cộng tác với Chúa Giê-su trong việc biến đổi bản thân mình. Chính sự cộng tác với Chúa Giê-su Thánh Thể cho phép chúng ta được biến đổi cách tốt đẹp nhất, nhờ đó, các hình thức hiệp thông của chúng ta sẽ dần được cải thiện.

Để khôi phục phẩm giá con người là hình ảnh Thiên Chúa, Chúa Giê-su không chỉ mang lấy hình ảnh con người, mà đã trở thành con người thực sự, giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Hơn nữa, Chúa Giê-su đã trở nên Của Ăn cho con người, để con người được ăn Sự Sống Vĩnh Cửu trong thời gian. Do đó, các thành viên của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể luôn được mời gọi trở thành ‘sở hữu của nhau’, ‘bánh rượu cho nhau’ và ‘của ăn cho nhau’, cũng như cho tất cả mọi người. Trong Thư Gửi Tín Hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8).

Sự biến đổi của Bí Tích Thánh Thể luôn là khuôn mẫu, là mô phạm cho tất cả sự biến đổi của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, của các Ki-tô hữu cũng như tất cả mọi người. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rằng mỗi người thường suy nghĩ, ăn nói và hành động theo thói quen, theo sở thích của mình. Để biến đổi, mỗi người chúng ta phải chọn lựa, phải từ bỏ, phải hy sinh trong niềm tin yêu, phó thác, để có thể hướng về những gì thánh thiêng hơn, tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, nhằm xây dựng cuộc sống cá nhân cũng như cộng đoàn mà chúng ta gắn bó.

Theo dòng lịch sử, càng ngày con người càng có nhiều chọn lựa hơn cho cuộc sống mình. Người chọn Chúa Giê-su là trung tâm và định hướng cuộc sống mình, cũng là người biết chọn những gì phù hợp với phẩm giá của mình, dựa trên giáo huấn của Chúa Giê-su. Để chọn lựa những gì phù hợp với giáo huấn của Chúa Giê-su, nhiều lúc chúng ta phải chấp nhận ‘ngược dòng thời đại’. Các môn đệ Chúa Giê-su chắc chắn không phải là những người theo lối sống ảo, sống gấp, sống nhanh, mà là những người biết suy nghĩ, biết cầu nguyện, biết đối thoại với Chúa Giê-su và cầu khẩn sự trợ giúp của Người cho cuộc sống mình giữa vô số chọn lựa. Chính các ngài là những mẫu gương cho chúng ta bắt chước trong việc đón nhận, sống, diễn tả và lưu truyền niềm tin của mình.

Trong thế giới hôm nay, con người đạt đến tầm mức khá cao về khoa học kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác, tuy nhiên, chiến tranh, hận thù, chia rẽ vẫn còn đó. Toàn thể thế giới có thể bị hủy diệt trong giây lát bởi chính con người. Mặc khải Ki-tô giáo cũng như kinh nghiệm bản thân cho chúng ta nhận thức rằng con người vừa cao cả vừa thấp hèn, vừa quảng đại vừa ích kỷ, vừa tốt đẹp vừa xấu xa, vừa ngọt ngào vừa nham hiểm. Con người yêu thương nhau nhiều, nhưng cũng ghét nhau lắm. Do đó, điều cần thiết nhất cho chúng ta là luôn hiệp thông và đồng hành với Chúa Giê-su Thánh Thể, để chúng ta luôn hướng thiện và có được Bình An của Người. Nhờ vậy, mỗi người chúng ta có thể vượt qua các hình thức bất an trong cuộc sống và góp phần kiến tạo thế giới thành môi trường đáng sống hơn.

Trong Cựu Ước, tiên tri I-sai-a đã loan báo Chúa Giê-su là Hoàng Tử Bình An (Is 9,5-6). Người đã đến trần gian trong thân phận Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa để thông phần bất an của con người, nhằm đem lại bình an cho con người. Khi gửi các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giê-su nói với họ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5). Các môn đệ Chúa Giê-su đã thực thi như vậy. Do đó, các thành viên của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể chính là các sứ giả trao ban Bình An của Chúa Giê-su, của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Tin Mừng của Chúa Giê-su là Tin Mừng Bình An cho thế giới bất an. Chính Chúa Giê-su là Bình An của nhân loại. Như thế, Bình An không phải là cái gì đó, nhưng là một Ngôi Vị, là chính Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô hiểu rõ điều này khi người viết: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14).

Noi gương Chúa Giê-su, Hoàng Tử Bình An và Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa cho con người được bình an, các thành viên của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể không chỉ hiện diện với anh chị em mình hay với người khác mà còn hy sinh bản thân mình vì họ: Hi sinh thời gian, sức lực, của cải vật chất cũng như các hình thức hy sinh khác nữa. Những hy sinh này nhằm làm cho các giá trị Tin Mừng Nước Thiên Chúa được lan tỏa, cũng như nhân phẩm, nhân quyền của con người được tôn trọng. Hơn nữa, những hy sinh này góp phần làm cho Giáo Hội ngày càng thể hiện rõ nét hơn là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô giữa dòng đời. Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được điều này khi viết cho các tín hữu Cô-lô-xê: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Chúa Giê-su Thánh Thể là Tâm Điểm cho việc xây dựng nền văn hóa gặp gỡ của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Do đó, bao lâu việc gặp gỡ Chúa Giê-su Thánh Thể chưa trở thành văn hóa sống của chúng ta, bấy lâu chúng ta còn thiếu nguồn sinh lực cần thiết để trở về, để hoán cải, để biến đổi bản thân và góp phần vào việc loan báo Chúa Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại. Như đã đề cập ở trên, khi chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ chính mình, gặp gỡ anh chị em chúng ta, gặp gỡ Giáo Hội, gặp gỡ thế giới thụ tạo và gặp gỡ Thiên Chúa.

Trong thế giới hôm nay, chúng ta có cơ hội để gặp gỡ nhiều sự kiện, nhiều biến cố, nhiều con người hơn. Chúng ta cần đặt câu hỏi cho bản thân mình rằng ‘ai đang là người mà chúng ta dành nhiều thời gian, sức lực, tâm huyết nhất để hiện diện, để thân thưa, để chia sẻ, để tham vấn? Sự gặp gỡ Chúa Giê-su Thánh Thể cho phép chúng ta thực hiện các cuộc gặp gỡ khác cách chân thành và hiệu quả hơn.

Thế giới đủ điều kiện cơ sở vật chất cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy hố ngăn cách giữa sang trọng và bần cùng, giữa người giàu và người nghèo, giữa nước giàu và nước nghèo xem ra ngày càng rộng thêm. Tình trạng vô thức, vô tâm, vô cảm của con người ngày càng phổ biến, đặc biệt, việc sử dụng của cải vật chất hoang phí ngày càng gia tăng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhiều lần đề cập đến nền văn hóa vứt bỏ (the throw away culture), nền văn hóa trong đó nhiều người tiêu thụ của cải vật chất cách vô độ, uổng phí, mà không ý thức sự hiện diện và cảnh cùng cực, túng thiếu của anh chị em xung quanh mình.

Cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, cộng đoàn Giáo Hội là cộng đoàn phục vụ. Sự phục vụ của cộng đoàn được nối kết với Chúa Giê-su Thánh Thể, Đấng đã đến thế gian để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Người nhận ra Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể và hiệp thông với Người cũng là người nhận ra Chúa Giê-su trong anh chị em mình và phục vụ anh chị em mình cách chân thành nhất. Người nhận ra Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể cũng là người biết quan tâm đến những người đau khổ, bệnh tật, những người thiếu thốn, bất hạnh, những người bị khinh dễ, bị loại trừ hay bị gạt ra bên lề xã hội. Người nhận ra Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể cũng là người dễ dàng cảm nhận những bất công trong xã hội và biết đóng góp phần mình nhằm đẩy lùi những bất công đó dựa trên giáo huấn của Chúa Giê-su.

Trong dòng lịch sử nhân loại, biết bao nhân vật, triết thuyết, hệ tư tưởng đã đề xuất những giải pháp nhằm thăng tiến con người toàn diện mà không cần quan tâm đến sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi con người loại trừ Thiên Chúa khỏi đời sống mình, cũng là khi con người lâm vào cảnh bế tắc, không lối thoát. Chúa Giê-su, Thiên Chúa thật và con người thật, là niềm hy vọng của tất cả mọi người. Niềm hy vọng đó tiếp tục hiện diện và hoạt động trong thế giới thụ tạo, trong đời sống Giáo Hội cũng như trong đời sống của các tín hữu, đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Phê-rô nói: “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12), còn thánh Phao-lô thì minh định: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6).

 Kết luận

Thiên Chúa đã tạo dựng con người “chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6-7). Tuy nhiên, con người đã ‘bất tuân lệnh Thiên Chúa’, đã phạm tội và làm lu mờ, biến dạng hình ảnh Thiên Chúa nơi mình. Để phục hồi hình ảnh đó, Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa đã mang lấy hình ảnh con người. Không chỉ hình ảnh mà thôi, Chúa Giê-su đã trở nên con người thật, hiện diện giữa lòng trần thế và ở lại với con người cho đến tận thế.

Những quan sát, đánh giá và diễn tả trên đây giúp chúng ta nhận thức rằng sự hiện diện của Chúa Giê-su giữa lòng trần thế là biến cố lớn lao nhất trong chương trình của Thiên Chúa đối với thế giới thụ tạo. Nhờ Chúa Giê-su, con người không chỉ được phục hồi hình ảnh của mình, mà còn trở thành con cái trong Gia Đình Thiên Chúa. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh, Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với các môn đệ mình, với Giáo Hội và tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su gần gũi con người đến nỗi trở nên Của Ăn và Của Uống cho con người, nhờ đó, con người luôn được hiệp thông với Người, hiệp thông với nhau và hiệp thông với toàn thể thế giới thụ tạo. Chúa Giê-su là Quy Chuẩn và Tâm Điểm cho các hình thức hiệp thông trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Người, cũng như các hình thức hiệp thông khác trong thế giới thụ tạo. Người luôn mời gọi tất cả mọi người ‘hãy đến mà ăn, hãy đến mà uống’, ăn Thịt và uống Máu Người cho sự sống đích thực của mình hôm nay và mai sau.

Giáo Hội, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể, cũng là cộng đoàn được Người sai đến với muôn dân để loan báo Tin Mừng của Người: Tin Mừng Cứu Độ, Tin Mừng Tình Yêu, Tin Mừng Bình An, Tin Mừng Hi Vọng. Các thành viên của cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể luôn được mời gọi sống Bí Tích Thánh Thể giữa dòng đời, nhằm góp phần làm cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại ngày càng hiệp nhất, liên đới và sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình.

Nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Chúa Thánh Thần luôn nâng đỡ và hướng dẫn tất cả chúng ta, để chúng ta luôn hiện diện, hiệp thông và hành động với Chúa Giêsu Thánh Thể trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình, trên hành trình trở về sum họp cùng Gia Đình Thiên Chúa muôn đời. Amen. +  Pet. Nguyễn Văn Viên

1012    01-09-2018