Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Biết lắng nghe là bước khởi đầu để nên hoàn thiện

7918listening1024x683


Tiền nhân dạy: “Người khôn nói ít nghe nhiều” hay “Nghe nhiều nên khôn, nói nhiều dễ mắc lỗi”. Chính vì thế, có lẽ Thiên Chúa đã tác tạo nên con người có hai cái tai mà duy nhất chỉ có một cái miệng mà thôi. Như vậy nghe nhiều là có ích. Thế nhưng trong thực tế, nhiều khi con người tuy có đủ đôi tai lành mạnh song lại chẳng nghe được những điều tốt đẹp! Vì thế cho nên mới có câu thành ngữ: “Nước đổ đầu vịt” hoặc “Nước chảy lá khoai”, bởi vì những lời nói mang tính giáo dục như khuyên bảo, góp ý hoặc xây dựng của người khác đến với họ đều không lọt vào được lỗ tai hoặc như người đời thường nói “lọt vào lỗ tai này thì cũng trổ sang lỗ tai kia và thoát ra ngoài đi mất”, không còn tồn đọng lại lời nào cả!

Thực ra, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cần phải thành tâm biết để ý lắng nghe thì mới có thể lĩnh hội được những điều hay, điều phải, sở dĩ nói là phải biết lắng nghe là vì chung quanh chúng ta, mà cụ thể là ngay trong tâm hồn của chúng ta đang có quá nhiều những tiếng ồn ào của dục vọng, những náo động của tham, sân, si, hỷ, nộ và những thiên vị cũng như định kiến...

Thuở xưa khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu thường hay kêu gọi dân chúng rằng: “Ai có tai thì hãy nghe.” (x. Mt 13,9; Mc 4, 9; Lc 8,8) và Người còn chữa lành những đôi tai điếc (x. Mt 14, 5; Lc 7, 22). Bởi vì, người Do Thái thời ấy có thái độ lơ là không quan tâm đến việc đón nhận Tin Mừng. Đúng như lời của ngôn sứ Isaia đã nói: “Các ngươi có tai nghe mà cũng chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hối cải, và rồi Ta sẽ chữa lành cho chúng”. (Is 6, 9-10; x. Mt 13, 14)

Ai trong chúng ta lại không muốn mình được khôn ngoan? Vậy một câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta phải lắng nghe những gì để được trở nên khôn ngoan? Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện như sau: Một đêm kia, tại Gabaôn, Thiên Chúa đã hiện ra trong giấc mộng và phán bảo với vua Salamon rằng: “Hãy cứ xin đi, ngươi muốn Ta làm gì cho người.” Và rồi sau đó nhà vua đã thưa lên cùng Thiên Chúa: “Xin Người ban cho tôi tớ Người đây tâm hồn biết lắng nghe, để phân xử việc dân Người, để biết phân biệt điều phải điều trái”. Lời xin đó đẹp lòng Chúa nên Ngài phán với ông rằng: “Bởi ngươi đã xin điều ấy chứ không xin được sống lâu, không xin cho được giầu có, không xin cho được mạng sống quân thù… thì này Ta ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan, thượng trí đến nỗi trước ngươi chẳng ai hơn và sau ngươi chẳng ai bằng.” (x. 1V 3, 4-13) Và Chúa còn ban nhiều ân huệ khác nữa ngoài sự mong đợi của ông.

Như vậy, rõ ràng câu trả lời ở đây là: Chúng ta phải biết lắng nghe Tiếng Chúa thông qua Kinh Thánh mà đặc biệt là Tin Mừng. Vì Lời Chúa là Lời hằng sống, là Đèn soi cho ta bước, là Ánh sáng chỉ đường ta đi (x. Tv 119, 105). Tiếng Chúa còn được thể hiện qua lời dạy bảo của bề trên, của những người có trách nhiệm trên cuộc đời của ta và qua những dẩu chỉ của thời đại, những biến cố xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của mỗi người, nhưng có điều chúng ta có biết lắng đọng tâm hồn mình mà nghe để rồi qua đó tìm ra thánh ý của Người hay không? (Có không ít giáo dân sau khi đi tham dự thánh lễ về nhà, người ở nhà hỏi: hôm này Lời Chúa dạy gì thì họ không trả lời được!)

Ngoài đôi tai về thể lý để lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe những lời hay ý đẹp của mọi người chung quanh, chúng ta còn cần phải biết lắng nghe những ngôn từ nội tâm bằng trái tim và bằng lý trí. Bằng trái tim để nghe được những đau khổ, những thao thức, những mơ ước của anh em sống bên mình rồi giúp đỡ, chia sẻ, và đồng cảm với họ. Lắng nghe bằng lý trí qua tiếng nói của lương tri để biết phân biệt đâu là những việc  phải quyết tâm thi hành và đâu là những điều phải dứt khoát từ bỏ. 

Trong một Giáo xứ sống tinh thần hiệp hành, thì ở đó giáo dân biết lắng nghe và thi hành những điều dạy bảo của chủ chăn dựa trên nền tảng Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội. Ở chiều ngược lại, vị chủ chăn cũng biết lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của con chiên và thoả mãn cho họ hết sức có thể, thì thiết nghĩ: đó là một cộng đoàn hoàn hảo vì luôn có tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Một sinh hoạt nổi bật đang diễn ra hiện nay trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đó là khai mạc “Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Lần Thứ XVI” (10/2022-10/2023). Trong đó chia ra nhiều giai đoạn, nhiều cấp độ và nhiều thành phần tham dự (giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ - giai đoạn I). Nhưng tất cả đều hướng đến một mục đích chung, đó là:

Kêu gọi mọi thành phần dân Chúa cùng ngồi xuống với nhau, cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng, cùng lắng nghe tiếng Chúa, cùng lắng nghe nhau (nhất là của những người nghèo, những người yếu đuối, những người cô đơn) để cùng xác quyết về một Giáo Hội hiệp hành: cùng hiệp thông với nhau, cùng tham gia trong tinh thần trách nhiệm, cùng thực thi sứ mệnh loán báo Tin Mừng. Mọi thành phân Dân Chúa trong Giáo Hội và ngoài Giáo Hội cùng nắm tay nhau, nâng đỡ dìu dắt nhau tiến về quê hương đích thực là Nước Trời.” (trích: Báo CSTM, của HĐGD Đaminh, tr. 51. Tháng 06/2022)

Để đúc kết lại, có thể nói tóm gọn là: Biết lắng nghe là bước khởi đầu cho việc trở nên hoàn thiện bản thân và việc trở nên hoàn thiện lại là lời kêu gọi thiết tha của Chúa Giêsu từ ngàn xưa: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5, 48)

                                 

Tác giả: Đaminh Trần Văn Chính

347    13-06-2022