Romanus too | CC |
Biểu tượng IHS cổ xưa có sức lan tỏa trong khắp nghệ thuật Kitô giáo trên toàn thế giới.
Việc bước vào một ngôi nhà thờ Công giáo và nhìn thấy những chữ cái IHS được khắc trên cây thánh giá hoặc nổi bật trên cửa sổ kính màu là điều hết sức bình thường. IHS có ý nghĩa gì?
Trái ngược với niềm tin thông thường, kiểu chữ viết lồng vào nhau (monogram, gọi tắt là kiểu chữ lồng) IHS không phải là chữ viết tắt của “I have suffered” (Ta Đã Chịu Khổ Nạn), “Jesus Hominum Salvator” (Giêsu, Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại) hay thậm chí là “In Hoc Signo” (Nhờ Dấu Này). IHS được gọi một cách thích hợp hơn là một “Christogram” (Biểu tượng về Chúa Kitô bằng chữ viết) và là một cách viết cổ xưa của từ “Giêsu Kitô”.
Kể từ thế kỷ III, các Kitô hữu đã rút ngắn tên gọi của Chúa Giêsu bằng cách chỉ viết ba chữ cái đầu tiên trong tên gọi của Người bằng chữ Hy Lạp, ΙΗΣ (từ tên đầy đủ của Người là ΙΗΣΟΥΣ). Chữ cái Hy Lạp Σ (sigma), được viết trong bảng chữ cái Latinh là “S”, dẫn đến kiểu chữ lồng thường được biểu thị là ΙΗS.
Trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, đây là một biểu tượng bí mật, thường được khắc trên phần mộ của các Kitô hữu. Sau đó vào thế kỷ XV, Thánh Bernađinô thành Siena đã thực hiện một công cuộc rao giảng nhằm thúc đẩy sự tôn kính Danh Thánh Chúa Giêsu và khuyến khích các Kitô hữu đặt biểu tượng IHS trên ngưỡng cửa nhà họ. Một thế kỷ sau, vào năm 1541, Thánh Inhaxiô đã sử dụng kiểu chữ lồng này để đại diện cho dòng tu mới được thành lập của mình là Dòng Tên. Biểu tượng này hiện đã trở nên phổ biến trong khắp nghệ thuật Kitô giáo trên toàn thế giới.
Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (29/8/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
1401 03-09-2023