Sidebar

Chúa Nhật

08.09.2024

Bình an khi có Chúa ở cùng

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

BÌNH AN KHI CÓ CHÚA Ở CÙNG – Lời Chúa: Lc 24,35-48

Trong đoạn Tin mừng theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến, đứng giữa các môn đệ và nói: “Bình an cho anh em!”

Thưa ÔBACE, trong cuộc sống, điều mà con người mong muốn và khao khát nhất, không hẳn là cơm áo gạo tiền mà là sự bình an. Vì thế, chúng ta vẫn thường cầu chúc cho nhau là sự bình an: Bình an trong tâm hồn, Bình an khỏi mọi sự dữ, Bình an trong công việc làm ăn, Bình an khi đi đường, ai ở nhà thì cũng mong đừng bị quấy phá. Thế nhưng, như ta thấy, cuộc đời đâu mấy khi bình yên. Trắc trở khó khăn cứ dồn dập khiến cho con người luôn bất an lo sợ.

Cũng thế, tâm trạng của các tông đồ sau biến cố thương khó của Thầy Giêsu là một tâm trạng buồn sầu và lo sợ: Các môn đệ sợ bị liên luỵ vì từng là đồ đệ của người tử tội mang tên Giêsu. Và từ nỗi sợ hãi đã đưa dẫn các môn đệ đến việc đánh mất niềm tin, mặc dù trước đó họ đã được chính Thầy Giêsu nói cho biết là sau ba ngày Ngài sẽ sống lại. Thế mà, vì quá sợ nên họ đã quên hết lời Thầy căn dặn. Các ông không còn dám tin vào ai. Dù rằng có mấy người phụ nữ đã kể cho các ông rất rõ ràng chuyện họ đã gặp được Chúa. Dù rằng hai môn đệ đi làng Emmau trở về nói cho biết về cuộc nói chuyện với Chúa, được Chúa cầm bánh dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho 2 ông như thế nào. Dù rằng Gioan và Phêrô cùng chạy ra mồ, nhưng chỉ có Gioan thấy và tin.

Thưa ÔBACE, các môn đệ không tin và sợ hãi. Và điều đó đã làm cho các ông mờ con mắt đến nỗi “nhìn con cò trắng lại ra con quạ đen”, nhìn thấy Chúa nhưng cứ nghĩ là mình gặp “Ma”.

Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến, đứng giữa các môn đệ và trao ban bình an cho các ông thì các ông đã không còn sợ hãi. Và nhất là khi các ông nhận được ơn Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, thì các ông không còn sợ người Do Thái nữa. Các ông không sợ đối diện với công quyền. Giờ đây, các ông chỉ còn lo mỗi một việc là nói về sự sống lại của Chúa Giêsu cho muôn dân; như trong Bài đọc 1 sách Công vụ tông đồ đã kể lại cho chúng ta nghe về chuyện Tông đồ Phêrô đã mạnh dạn lên tiếng và làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh trước mặt toàn thể dân chúng và kêu gọi họ hãy ăn năn sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa.

Như thế, sự bình an chỉ ngự trị nơi tâm hồn của những ai có Thiên Chúa hiện diện. Vì lẽ, Thiên Chúa sẽ mang lại hoa trái là niềm hoan lạc, tươi vui, bình an và hy vọng. Đánh mất Thiên Chúa mới là điều đáng sợ.

Ngày hôm nay, cứ nhìn vào thế giới mà xem, hay chẳng cần gì đi đâu cho xa, ngay trong chính đất nước hay trong môi trường chúng ta đang sống mà thôi, thử hỏi cuộc sống của những người chối bỏ Thiên Chúa, gạt Chúa ra khỏi cuộc đời của mình, thì họ có được bình an không? Con người không có Thiên Chúa ở cùng sẽ khiến cho họ chỉ hành động theo ý mình, theo bản năng, theo tự do cá nhân: vợ chồng đánh chửi nhau, con cháu hỗn láo với ÔB Cha Mẹ, hàng xóm láng giềng nói xấu nhau. Vậy một khi cuộc đời thiếu vắng Thiên Chúa, thì đó là một cuộc sống loạn lạc, không bình an và lo sợ. Cho nên, dù sống với nhau trong cùng một gia đình nhưng con người vẫn luôn phải cảnh giác, phải đối phó, phải e dè, lo sợ thanh toán lẫn nhau. Đánh mất Thiên Chúa con người sẽ chẳng biết bám víu vào đâu khi đau khổ, bệnh tật ập đến.

Thành ra, người nào có Thiên Chúa, gia đình nào có Thiên Chúa ở cùng thì chắc chắn, người đó, gia đình đó sẽ luôn có bình an. Người ta nói trời có lúc mưa lúc nắng. Đời có lúc buồn lúc vui. Tình có lúc mặn nồng lúc nhạt phai. Và những thay đổi này càng đúng trong đời sống hôn nhân. Tình yêu thì đòi bền vững nhưng con người lại hay thay đổi. Tình yêu thì đòi hâm nóng mỗi ngày nhưng con người lại hay “chê cơm thèm phở”, ra đường thấy vợ người ta mà chảy nước miếng, về nhà thấy vợ mình mà chảy nước mắt. Có lẽ vì vậy mà gia đình nào cũng có vấn đề, gia đình nào cũng gặp khó khăn.

Ta còn nhớ câu chuyện tiệc cưới Cana trong Tin mừng Gioan, ta thấy đám cưới chỉ mới bắt đầu mà đã có vấn đề! Tiệc chưa tàn nhưng rượu lại hết. Nguy quá! Thế thì mất mặt quá! Không chừng cô dâu chú rể sẽ lại lục đục, to tiếng với nhau vì nhà anh đã không khéo chuẩn bị, còn nhà em thì cứ mời cho đông vào... Không chừng vết thương trong ngày thành hôn sẽ để lại cơn đau khó lành cho đôi uyên ương. Vấn đề của họ là rượu đã hết thì niềm vui chưa trọn vẹn, hay có thể nói là tiệc mất vui.

Nhưng rất may cho họ hôm đó, gia đình đã mời Chúa Giêsu đến dự tiệc. Có Chúa thì tai họa biến thành may mắn. Có Chúa thì mọi sự sẽ êm xuôi. Thiếu rượu, thì tiệc cưới mất vui, đúng không ÔBACE? Thiếu tình yêu, gia đình chắc chắn sẽ không hạnh phúc. Ai cũng muốn được Chúa biến đổi nước lã là cuộc sống vô vị, chán ngắt, nặng nề trong gia đình thành rượu tình yêu nồng nàn hạnh phúc. Ai cũng muốn được Chúa đong đầy ân sủng bình an vào trong gia đình của mình. Do đó, điều quan trọng nhất là chúng ta phải mời Chúa đến trong gia đình. Có Chúa, gia đình không còn sợ đói, sợ khổ, sợ chia ly. Có Chúa và với cánh tay quyền năng, Ngài sẽ che chở gia đình chúng ta được bình an.

Xin Chúa Giêsu phục sinh đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau, đứng giữa và ban bình an cho các môn đệ khi xưa, xin Ngài cũng đồng hành, ban bình an của Ngài cho gia đình của mỗi người chúng ta hôm nay. Amen

1606    14-04-2018