Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi,
đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
Trong cái cõi đi về đó, kẻ thì đi xe dù bến cóc, kẻ thì đi xe xe nhanh và xe chậm ...
Có những người 7 chục, tám mươi và đau lâu ốm dài nhưng cứ nằm hoài chờ đợi ...
Quanh ta lại có những cuộc ra đi thật bất ngờ và chua xót. Chẳng ai nghĩ được ở cái tuổi 40 và chỉ với 4 năm linh mục mà vội vàng đi về nhà Cha như thế. Giản đơn vì không ai có thể ngờ được chàng giáo sĩ ấy chỉ mới 40 mà phải dừng “cuộc chơi” giữa đời với biết bao nhiêu khát vọng và mộng mơ.
Thế nhưng rồi :
Lạy Chúa ! Con như người thợ dệt,
đang dệt mãi đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa,
cắt đứt ngay hàng chỉ ...
Hóa ra rằng mình chỉ là người thợ dệt thôi và Thiên Chúa mới là chủ của người thợ dệt, chủ hãng dệt thật sự.
Với tâm tình khiêm tốn này, ta bắt gặp ở Thánh Vịnh 64 :
Thế nhưng, lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con ;
chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài,
chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con. (Tv 64, 7)
Rõ ràng không tranh cãi ! Thợ gốm chính là Thiên Chúa và con người vốn dĩ chỉ là cục đất sét trong tay Chúa mà thôi. Và, thân phận là bụi tro, con người “một mai sẽ trở về bụi tro”.
Trong cái thân phận mong manh, mỏng giòn, dễ vỡ và chỉ là hạt bụi đó, lẽ ra con người phải khiêm tốn và chân nhận ra kiếp người của mình. Nhưng không, sự giằng co về một thực tại Nước Trời và thực tại trần gian cứ mãi giằng co nhau. Nó giằng co con đến độ có khi làm cho con người mất cả nhân tính như đạp đổ lẫn nhau, tranh giành, giận hờn, oán ghét !
Và, thử hỏi, trong và với thân phận làm người của con người, có ai mang theo được gì đến với và trong mộ phần của mình. Hình như kể cả những bông hoa trang trí trong những ngày nằm chờ cho xuống lỗ dẫu rằng cực đẹp và đắt tiền đó vẫn vất lại đàng sau để cho người làm nhiệm vụ lấp huyệt mộ chỉ với cát mà thôi.
Chính vì thế, bên cạnh việc ý thức được cái thân phận mong manh mỏng giòn mau mất “dù làn gió biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích”, phải chăng con người cần học và học mãi bài học của sự khiêm nhường thẳm sâu. Điều này, Thánh Phaolô đã tự nhủ và đã nhắc nhở về thái độ khiêm tốn: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” (2 Cr 4, 7).
Tiếc thay, sự giằng co của bám víu vào cõi tạm này quá mãnh liệt để rồi con người có khi đánh mất nghĩa anh em và mất cả nghĩa với Thiên Chúa chỉ vì chút tiền tài và danh vọng. Tất cả đều bỏ lại sau tiếng thở dài và cái vuốt mắt của người thân. Ấy vậy mà con người vẫn cứ mãi tranh giành và đấu đá.
Một linh mục, sau khi ra đi bất đắc kỳ tử đã để lại trong ngân khoản của mình con số quá lớn : hơn 4 tỷ !
4 tỷ đồng đó để làm gì và liệu có mang theo được chút gì đó chăng ?
Theo ngôn ngữ bình thường và bình dị, linh mục đó đã đi về bến đỗ của mình bằng xe dù bến cóc nghĩa là xe chạy thật nhanh và đến thật sớm chứ không đi theo kiểu vào bến và lần lượt chờ đợi tiễn đưa.
Thế đó, ở những chuyến xe đời thường, con người có thể lựa cho mình những chuyến xe trang bị những nhu cầu cá nhân thật tốt hay kỹ lưỡng cho một hành trình xa. Nhưng, ở chuyến xe đi về nhà Cha không ai có quyền lựa chọn. May chăng hay chớ kẻ 7 chục kẻ tám mươi. Thế nhưng rồi chả ai biết mình sống chết ngày mai nên rồi có những chuyến xe dù chạy thật gấp.
Với tất cả suy nghĩ về phận người và chỉ như là người thợ dệt hay chỉ là cục đất sét trong bàn tay thợ gốm để lòng ta nhẹ lòng với cuộc sống.
Dù giàu dù nghèo, 3 bữa cơm là đủ
Dù sang dù hèn, có chỗ ngủ dựa lưng cũng là xong
Dù quan dù chức, có một việc làm trong cuộc sống cũng là may.
Tất cả rồi cũng phải ra đi khi nghe tiếng của Tổng Lãnh Thiên Thần réo gọi.
Và như vậy, ta hãy sống như hôm nay là ngày cuối của cuộc đời và hãy sống đẹp nhất có thể vì ngày hôm nay qua đi ta không thể sống lại những gì đã trôi vào quá khứ. Hãy yêu thương nhau đến tận cùng ngay cả với những kẻ hờn giận ghét ghen. Có như thế, khi ta nhắm mắt lìa đời ta mỉm cười chào người ở lại và mừng rỡ hân hoan tiến bước vào nhà Cha.
791 12-11-2018