Sidebar

Thứ Ba
10.09.2024

Borge Mario Bergoglio là ai?

 

Vị tân giáo hoàng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 ở khu phố thương mại của Buenos Aires. Gia đình khiêm tốn, gốc Ý như nhiều người ở thủ đô Á Căn Đình. Mario thân phụ của cha sinh ra ở Turin, Piédmont, làm kế toán trong một công ty đường sắt. Mẹ, bà Regina Sivori gốc Genoa, Tây Bắc Ý: bà ở nhà chăm sóc năm người con, bốn trai, một gái. Jorge Mario học trường công. Jorge muốn sau này là một hóa học gia. Nhưng khi lên mười bảy tuổi, Jorge chứng nghiệm một kinh nghiệm thiêng liêng sâu đậm và từ đó đổi hướng cuộc đời. Khi xưng tội ở một nhà thờ trong giáo xứ của mình, Jorge đã thật sự giao động bởi lời nói của cha xứ. Lúc đó, cha cảm nhận mình nhận được ơn gọi. Từ khi chịu chức, mỗi năm vào dịp Phục Sinh, Jorge Mario Bergoglio kỷ niệm ngày mình nhận ra ơn gọi bằng cách đến dâng thánh lễ tại nhà thờ đã xưng tội. Chàng thanh niên đã quyết định thay đổi cuộc sống của mình: không đi nhảy tango với các bạn cùng tuổi trong các quán ở Buenos Aires, chấm dứt giao thiệp với cô bạn gái.

Năm 1958, ngưng làm việc ở phòng thí nghiệm thực phẩm và ở tuổi hai mươi hai năm, cha vào nhà tập dòng Tên. Mười một năm sau, cha chịu chức sau khi đã được đào tạo lâu dài về mặt văn chương, triết lý, thần học. Cha đã đi đến các nước Chí Lợi và Đức, ở đây cha trình luận án tiến sĩ bằng tiếng Đức. Trở về Á Căn Đình, cha làm chánh xứ ở một tỉnh sâu 700 km về phía bắc thủ đô. Tháng Tư năm 1973, cha khấn trọn ở Dòng Tên. Tháng bảy cùng năm, cha làm giám tỉnh phụ trách tỉnh dòng Á Căn Đình. Cha làm việc sáu năm ở trách vụ này trong những điều kiện cực kỳ tế nhị. Sự ra đời của một chế độ độc tài quân sự (1976-1983) gây ra bạo lực và đau khổ trong toàn xã hội.

Sự thông đồng của một phần giáo phẩm công giáo với nhóm đảo chính đã gây chia rẽ và gieo bất đồng trong Giáo Hội. Dòng Tên đã không tránh được những cuộc tranh luận dữ dội giữa những người theo phe kháng cự và thần học giải phóng bạo lực và những người khác, trong số này có Bergoglio, cha không chấp nhận chính trị hóa đức tin một cách cực đoan và trước hết phải bảo vệ tính đồng nhất và linh đạo của Dòng Tên. Các bề trên của cha có sợ cho vị thế của cha trong cuộc chiến mà người Á Căn Đình gọi là “bẩn thỉu” này không? Hay họ trách cứ cha đã thiếu tình thần đoàn kết khi có một quyền lực ở La Mã đang chống đối cha Pedro Arrupe, bề trên giám tỉnh dòng Tên, cha Arrupe là biểu tượng của người đứng về phía người nghèo, mà đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nhìn các cha dòng Tên với cặp mắt thiếu thiện cảm do các quan hệ của họ với lý thuyết Mác-xít thần học giải phóng chăng? Theo những người đưa tin, sự nghiệp tu sĩ của Bergoglio đang thăng tiến thì đến những năm đầu của thập niên tám mươi bị chận lại. Giai đoạn này kéo dài khoảng mười hai năm. Cha làm viện trưởng một đại học tư nhân, giáo sư chủng viện, linh mục chánh xứ, tuyên úy tu viện, tu sĩ dòng Tên với những tư tưởng lội dòng nước ngược của mình đã đi qua những năm tháng khó khăn, nhưng cha vâng lời, không than vãn, kiên trì làm việc như thường lệ. Năm 1992, cha quay về trong ánh sáng: “wojtilien thuần ròng,” đây là chữ của một trong những người viết tiểu sử của cha, cha được đức giáo hoàng Gioan Phaolô II phong làm giám mục Auca và giám mục phụ tá Buenos Aires lúc cha 56 tuổi. Sau đó cha lên dần trên bậc thang công giáo của thủ đô: năm 1998, cha kế vị hồng y Antonio của Buenos Aires. Một vài ngày trước khi chết, cố hồng y đã khen ngợi việc bổ nhiệm cha Bergoglio, cha đưa ra chân dung của một người “kín đáo, hiệu năng, trung thành với Giáo Hội và rất gần với các linh mục và giáo dân.” Một trong những quyết định đầu tiên vị tân tổng giám mục thực hiện là rời nơi cư trú sang trọng ở tòa giám mục để đến sống một mình trong căn hộ nhỏ gần nhà thờ. Lợi nhuận của việc bán các dinh thự được phân phối cho các tổ chức từ thiện. Ngoài ra cha từ chối không dùng xe riêng có tài xế, cha thích dùng phương tiện công cộng xe buýt, tàu điện ngầm, bình thường như mọi công dân khác. “Các giáo dân của tôi nghèo và tôi là một trong số họ,” cha nói khi giải thích lựa chọn này. Năm 2001, tổng giám mục với lối sống khắc khổ nếu không muốn nói là khổ hạnh, được đức giáo hoàng Gioan Phaolô II phong làm hồng y.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

501    24-02-2018