Sidebar

Thứ Tư
16.10.2024

Bước đi trong ánh sáng Đức tin

buocditronganhsangductin
Tôi được chẩn đoán có ung thư 7 năm trước, khi đó đang cùng gia đình sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Nhờ ơn Chúa, tôi đã được điều trị và được theo dõi thường xuyên. Dù bệnh có tiến triển theo năm tháng, nhưng không vì thế mà công việc và các sinh hoạt của tôi bị giới hạn, tôi vẫn ổn định với gia đình. Từ cuối năm 2018, theo công việc mới, tôi cùng gia đình chuyển sang sống ở quốc đảo Fiji, với nhiệm vụ mới là phục vụ ở các quốc đảo vùng Thái Bình Dương theo sự phân công của cơ quan. Khi sống ở Fiji, do Fiji không đủ phương tiện để điều trị và kiểm soát đối với ung thư, tôi phải đi tái khám và điều trị định kỳ tại Sydney, Úc. Qua bài viết này, tôi xin chia sẻ một phần nhỏ trong hành trình sống với ung thư, cụ thể là giai đoạn giữa đại dịch Covid-19 từ 20/2/2021 đến 25/11/2021.

Lời đầu tiên, xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã nâng đỡ và gìn giữ con và gia đình qua các chặng đường nhiều thử thách. Sự quan phòng của Chúa thật kỳ diệu, nhất là Chúa ban các ơn lành vượt xa những gì mà tôi và gia đình dám nghĩ đến và dám xin.

Do đại dịch Covid-19, việc tôi đi kiểm tra và chữa bệnh ở Úc gặp nhiều trở ngại hơn. Chính phủ Úc đã đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 và chỉ cho số ít các chuyến bay ra vào. Họ cũng tăng cường các yêu cầu về giấy tờ nhập cảnh, ngoài visa thì phải có giấy “Miễn các hạn chế đi lại trong mùa dịch Covid-19”. Quá trình cấp giấy này rất nghiêm ngặt, và rất khó xin. Nhiều công dân Úc đang kẹt lại ở các quốc gia khác cũng gặp khó khăn trong việc được cấp giấy này. Tôi chỉ biết nộp hồ sơ, bổ sung giấy tờ như bên Úc yêu cầu, và phó thác chờ đợi. Gần đến ngày bay để khám bệnh định kỳ, tôi vẫn chưa được cấp giấy. Tôi hồi hộp, lo âu, lúc này chỉ biết tiếp tục cầu xin với lòng cậy trông nơi Chúa. Tôi vẫn thu xếp để sẵn sàng đi theo lịch dự kiến, còn đi được hay không là ý Chúa. Tôi tin rằng nếu Chúa muốn, Chúa sẽ cho tôi được giấy tờ cần thiết để đi. Tạ ơn Chúa, qua hai lần nộp hồ sơ trong 2 năm qua, tôi đều được cấp giấy này kịp thời và được nhập cảnh theo những quy định về cách ly y tế của Úc.

Sau khi hoàn thành cách ly bắt buộc, tôi đến bệnh viện để được tái khám. Tôi dự kiến bay về Fiji ngay sau tuần tái khám. Nhưng khi gặp bác sĩ, kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cho thấy tôi bị phát sinh khối u mới. Các bác sĩ hội chẩn, phân tích, căn cứ vào hình ảnh chụp chiếu, hiện trạng sức khỏe và lịch sử điều trị của tôi, họ khuyến nghị là tôi cần được phẫu thuật. Họ nghĩ đó là phương án tốt nhất và bảo tôi phải cân nhắc, bàn bạc với gia đình để đưa ra quyết định. Tôi bàng hoàng khi biết mình phải mổ não. Nhưng tôi cũng dâng lời tạ ơn Chúa, vì giữa mùa dịch mà tôi vẫn được kiểm tra và phát hiện biến chứng kịp thời. Tôi xin Chúa soi sáng cho quyết định của chúng tôi về lời khuyên của bác sĩ. Sau khi trao đổi với chồng tôi ở Fiji, tôi nhất trí theo lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi tin rằng còn hướng can thiệp là còn hy vọng. Mặc dù băn khoăn vì chỉ có một mình ở đây, không người thân bên cạnh để chăm sóc, tôi vẫn tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Sau khi trả lời các bác sĩ về phương án mổ, tôi đã được lên lịch và khẩn trương làm các thủ tục chuẩn bị cho ca mổ.

Tạ ơn Chúa gìn giữ, tôi đã trải qua ca mổ bình an. Những ngày đầu sau khi mổ, sức khỏe tôi rất yếu, tôi được các y tá giúp nhiều vì có nguy cơ dễ té ngã mà lại không có người nhà bên cạnh. Trong lúc này, tôi chỉ biết cầu nguyện và phó thác. Tôi cảm nghiệm được sức mạnh từ lời cầu nguyện. Qua việc lần chuỗi Mân côi và tham dự Thánh Lễ online từ phòng bệnh viện, tôi có thêm nghị lực và hy vọng để cố gắng, tôi từng bước phục hồi rất nhiều. Tôi cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương và an ủi qua sự quan tâm chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ, qua việc được kết nối online với gia đình tại Fiji, được người quen thân hỏi thăm và nhất là lời cầu nguyện của rất nhiều người cho tôi, nhờ đó tôi lấy lại sức và từng bước hồi phục mỗi ngày. Dù không có người thân chăm sóc hoặc thăm viếng, tôi không hề cảm thấy buồn hoặc cô độc, tâm hồn vẫn luôn rất bình an. Nhờ vậy mà tôi vẫn vui và tràn đầy hy vọng mỗi ngày.

Sau ca mổ 9 ngày, tôi được cho xuất viện và về nghỉ dưỡng ở nhà trọ của bệnh viện. Bác sĩ và y tá dặn dò tôi cẩn thận về việc tự theo dõi và lưu ý với nguy cơ dễ té ngã. Các bác sĩ cũng khuyến cáo cần xạ trị bổ sung để tăng cường hiệu quả can thiệp đối với vấn đề mới phát sinh. Tôi vẫn còn mệt và chưa hồi phục hẳn sau ca mổ, nên tôi sợ xạ trị bổ xung có thể làm tôi kiệt sức. Lúc này tôi chỉ biết cậy dựa vào ơn Chúa. Tôi vững tin rằng Chúa sẽ không để tôi phải ở trong hoàn cảnh quá sức chịu đựng của mình. Sau những lần xạ trị, tôi mệt nhiều vì cơ thể vẫn còn đang hồi phục từ ca mổ. Nhưng sau cùng, tôi vẫn vượt qua an toàn và từng bước phục hồi. Quả thật là nhờ ơn Chúa mà tôi vượt qua được như vậy!

Do phải phẫu thuật u não và xạ trị nên lịch trình về lại Fiji của tôi đã bị hoãn lại so với kế hoạch ban đầu, từ đó kéo theo biết bao điều phức tạp. Khi sức khoẻ ổn định, tôi chuẩn bị về thì dịch Covid-19 bùng phát ở Fiji. Làn sóng thứ hai này lây lan và tác động mạnh hơn trước nhiều lần, làm cho chính phủ quốc đảo Fiji phải ra lệnh đóng cửa biên giới. Hãng hàng không Fiji đã liên tục dời chuyến bay về của tôi, sau cùng, họ đã hủy hết các chuyến bay do dịch bệnh phức tạp hơn. Trong khi tôi bị kẹt lại ở Sydney thì biến chủng Delta chẳng mấy chốc lại bùng phát ở Úc, trong đó thành phố Sydney bị nặng nhất. Chính quyền thành phố đã phong tỏa hơn 3 tháng với các biện pháp giới hạn rất chặt chẽ. Lúc này, tôi vừa lo lắng cho sự an toàn của bản thân giữa làn sóng Covid 19 lây lan nhanh ở Sydney, cũng vừa lo lắng cho gia đình đang bị tác động nặng nề bởi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Fiji. Tôi vừa buồn vừa cảm thấy quá tải trước các thông tin dồn dập về dịch bệnh. Thêm nữa, công việc của tôi đã bị gián đoạn nhiều do phát sinh trong điều trị bệnh, giờ lại không được về vì dịch bệnh, tôi không biết mình có còn duy trì được công việc nữa không. Trong tâm trạng lo âu với nhiều cảm xúc rất khó tả lúc đó, tôi kêu lên: Chúa ơi, mọi thứ bấp bênh quá, chỉ có Chúa là vững chắc và không thay đổi thôi, Chúa cho con tiếp tục bám vào Chúa... để không bị suy sụp và để có sức mạnh đi tiếp...

Trong thinh lặng, tôi nhớ lại hành trình cuộc sống với bao thác ghềnh bão táp đã trải qua, nhất là trong hành trình 7 năm chữa bệnh ung thư, Chúa đã yêu thương và che chở tôi như thế nào. Đây không phải lần đầu tôi gặp bão táp. Trải qua nhiều biến cố tương tự trong cuộc sống, tôi cảm nghiệm rõ, khi có Chúa trong tâm hồn thì dù giông bão thế nào con người vẫn có bình an. Tôi cầu nguyện xin sự quan phòng của Chúa trước tình huống rất bấp bênh mà tôi đang trải qua. Tôi xin Chúa ban bình an của Chúa để giúp tôi thắng được sợ hãi, thất vọng. Xin Chúa cho tôi vững đức tin để luôn biết cậy trông vào Chúa, và xin đừng để tôi quá bị cuốn hút vào khó khăn trước mắt mà không nhận ra Chúa đang hiện diện bao bọc. Chính Chúa đã giúp tôi qua bao hoàn cảnh khó trước đây và tôi tin Chúa đang giúp tôi lúc này.

Trong nhiều ngày liền, tôi vừa suy ngẫm vừa cầu nguyện, từ đó tôi được thôi thúc tạ ơn Chúa về các ơn lành Chúa đã ban đong đầy trong cuộc sống. Cầu nguyện đã giúp tôi xua tan đi các ý nghĩ lo sợ hoặc giả thuyết về những kịch bản đen tối có thể sắp xảy ra, đồng thời giúp tôi thấy tràn đầy bình an và thêm hy vọng. Nhờ đó tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn rất nhiều, đón nhận thông tin mới cách bình tĩnh hơn, đầu óc đỡ căng thẳng hơn và biết tập trung vào những gì có thể làm được hơn là những gì to lớn mà tôi không thể làm được.

Khi tâm hồn được bình an và luôn phó thác nơi Chúa, tôi lại được chứng kiến thêm nhiều điều kỳ diệu. Về công việc, trong lúc tôi chưa biết xử lý thế nào thì cơ quan đã cho phép tôi làm việc trực tuyến để công việc không bị gián đoạn. Đây là một ân phúc lớn lao cho tôi, vừa cho tôi cơ hội làm việc có ý nghĩa khi bị kẹt lại ở Sydney, vừa bảo đảm thu nhập cho gia đình sinh sống. Về nhà trọ, bệnh viện cũng sẵn sàng cho tôi ở thêm để chờ đến khi có chuyến bay. Khi chưa được tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19, tôi có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao nếu đi siêu thị mua thực phẩm. Chính lúc đó, chị quản lý nhà trọ lại đề nghị sẽ mua hộ thực phẩm cho tôi khi chị ấy đi siêu thị mua đồ cho gia đình. Tôi chỉ cần ghi danh sách những đồ cần mua và trả lại tiền cho chị ấy theo hóa đơn. Đây là sự giúp đỡ rất thiết thực cho tôi trong hoàn cảnh bị phong tỏa vì dịch bệnh.

Bắt đầu từ tháng 5/2021, đối với tôi, mất mát lớn nhất là không được đi dự lễ mỗi ngày vì các nhà thờ đóng cửa theo lệnh phong tỏa vì dịch bệnh của chính phủ Úc. Tôi rất nhớ nhà thờ và khao khát được rước lễ trực tiếp và nhớ cộng đoàn thân thương gần bệnh viện mà hằng ngày tôi vẫn cùng họ đọc Kinh Mân Côi sau lễ. Tôi chuyển sang dự Thánh Lễ trực tuyến và rước lễ thiêng liêng, dần dần, tôi biết chấp nhận và bớt buồn hơn. Ngoài công việc trực tuyến với văn phòng ở Fiji thì tôi tham dự nhiều chương trình cầu nguyện trực tuyến khác nhau: dự Thánh Lễ Lễ online của Fiji sáng sớm trước giờ làm việc, đến cuối ngày thì tôi tham dự giờ đọc kinh 19g00 với cộng đoàn Fiji do Tòa Tổng Giám mục Fiji tổ chức theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt trong tháng Năm. Nhiều hôm tôi tham dự lễ chiều của Việt Nam (do khác biệt múi giờ nên lúc này khoảng 20g30-21g30 tối giờ Sydney). Hằng tuần có 1-2 ngày tôi tham dự Thánh Lễ trực tuyến lúc 13g00 của Sydney để cùng hiệp thông với cộng đoàn ở đó cầu nguyện cho đại dịch sớm được kiểm soát ở Úc. Nhờ đời sống cầu nguyện, tôi cảm nghiệm cuộc sống bị phong toả giữa cơn bão Covid-19 của tôi vẫn tràn đầy ân sủng, dù một mình bị bó hẹp trong căn phòng nhỏ đóng kín giữa tiết trời mùa đông lạnh lẽo của nước Úc.

Qua tháng 6/2021, khi dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh ở Fiji, nhà thờ vẫn phải đóng cửa, ngoài Thánh Lễ trực tuyến, còn có giờ cầu nguyện trực tuyến tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu lúc 19g00 do Tòa Tổng Giám mục Fiji tổ chức. Tôi vui mừng được hiệp thông cùng gia đình và cộng đoàn dân Chúa ở Fiji trong lời cầu nguyện. Trước khi đi ngủ, tôi lại được cùng với gia đình lần chuỗi và cầu nguyện qua điện thoại. Chúng tôi tạ ơn Chúa đã gìn giữ gia đình thêm một ngày bình an ở hai đất nước Fiji và Úc, và đại gia đình của chúng tôi ở Việt Nam trong hoàn cảnh đại dịch bắt đầu lây lan mạnh, cũng như tiếp tục dâng Chúa những tâm tình đơn sơ của từng người chúng tôi. Qua đây, tôi được hiệp thông và kết nối mật thiết với Fiji và Việt Nam mà nơi nào cũng là nhà của mình cả. Tôi cảm nhận rất rõ được Chúa ban sức sống, niềm vui và bình an trong hoàn cảnh rất thử thách này. Dù không được đi ra ngoài, tôi vẫn vui tươi và cảm thấy luôn bình an nhờ phúc lành của Chúa. Tôi thấy mình hạnh phúc vì được hiệp thông với Chúa và mọi người qua đời sống thiêng liêng hằng ngày, được an toàn, có đủ thức ăn, được giữ ấm, được sức khỏe ổn định, có công việc, được sự thăm hỏi và lời cầu nguyện của gia đình, bạn bè gần xa, kể cả ở cộng đoàn giáo xứ ngay cạnh bệnh viện chỗ tôi đang trọ.

Tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan nhanh ở Sydney cũng như ở Fiji, các chuyến bay về Fiji cũng không có thông tin gì, tôi không có cách nào khác ngoài việc cầu xin được tiếp tục lưu lại một cách an toàn ở Sydney. Tôi lo cho gia đình ở Fiji đang gặp nhiều khó khăn do các giới hạn về giãn cách xã hội. Hai con tôi học online lâu ngày, không được tiếp xúc với bạn bè và nhà trường nên cũng có nhiều căng thẳng. Thêm nữa, các con đang ở tuổi dậy thì với sự thay đổi tâm sinh lý đã gây nhiều khó khăn cho chồng tôi. Trong khi đó, tôi lại vắng mặt lâu ngày, không thể giúp và đồng hành cùng các con một cách kịp thời và trực tiếp... Thỉnh thoảng chồng tôi không khỏe nhưng cũng không dám đi bệnh viện vì sợ lây nhiễm Covid-19. Do phong tỏa, tôi cũng không thể nhờ đồng nghiệp ở cơ quan giúp đỡ được. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh bùng phát nhanh ở Việt Nam, nhất là Sài Gòn nơi có nhiều người thân và bạn bè của chúng tôi đang sống, làm chúng tôi lo lắng nhiều. Lúc này, chúng tôi cũng chỉ biết phó thác nơi Chúa trong đời sống cầu nguyện. Trải nghiệm những tháng qua đã cho tôi thêm tin tưởng vào sức mạnh và sự quan phòng kỳ diệu của Chúa. Tôi tiếp tục bình tĩnh đi tiếp mỗi ngày trong ơn Chúa phù trợ.

Một dấu chứng nữa làm tôi cảm nghiệm rõ sự quan phòng của Chúa là việc tôi được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong tháng 5, khi biết không thể về Fiji được, tôi xin ý kiến bác sĩ về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Dù tôi có bệnh nền, tôi vẫn đủ tiêu chuẩn được tiêm về mặt y tế theo ý kiến của bác sĩ. Nhưng tôi lại không phải người Úc, nên bệnh viện khẳng định tôi không được tiêm. Tôi hơi buồn nhưng chấp nhận vậy, hy vọng sắp được về Fiji và sẽ tiêm phòng ở đó. Tôi tâm sự với Chúa là nơi con có tiêu chuẩn tiêm thì con đang không ở đó, mà nơi con đang ở lại không đủ tiêu chuẩn được tiêm, dù việc tiêm phòng đang diễn ra thần tốc. Con chỉ biết phó thác và xin Chúa quan phòng bảo vệ con trước nạn dịch đang lan tràn. Gần hai tháng sau, tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng ở Sydney, các quy định về đối tượng ưu tiên được cập nhật, một đội khác trong bệnh viện đã can thiệp và quyết định cho tôi được tiêm phòng ngay. Họ cho biết việc tôi là người nước ngoài không quan trọng, quan trọng là tôi cần được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Trong vòng 3 tuần, tôi đã được tiêm đủ 2 mũi một cách suôn sẻ. Đúng là việc Chúa làm thật kỳ diệu. Chúa biết việc gì cần thiết và Ngài đã thu xếp việc đó ngoài sự mong đợi của tôi.

Đến cuối tháng 8/2021, tôi đến lịch kiểm tra đánh giá lại bệnh tình. Tạ ơn Chúa, kết quả kiểm tra cho thấy phần lớn đều ổn định, tuy nhiên có chỗ phát sinh mới cần can thiệp. Sau khi hội ý, các bác sĩ đã quyết định tôi cần xạ trị liều cao, gồm 15 liều xạ trong 15 ngày liên tục trong 3 tuần liền. Khi biết được kết quả chẩn đoán, tôi và gia đình có băn khoăn, nhưng vẫn tin là Chúa gửi đến thử thách, Chúa sẽ có giải pháp. Sau khi cầu nguyện, chúng tôi nhất trí xạ trị theo ý của bác sĩ.

Nhờ Chúa nâng đỡ và gìn giữ, tôi từng bước bằng an trải qua hành trình xạ trị. Quá trình phục hồi sau xạ trị hơi lâu vì tác dụng phụ tích lũy trong quá trình xạ trị có thể vẫn còn dai dẳng trong 6-8 tuần. So với các lần xạ trước thì lần này liều xạ vừa cao và kéo dài, nên tiêu hao nhiều sức lực hơn. Tôi cảm nhận rõ điều này khi đi được 1/3 đợt xạ trị. Tôi chỉ biết cầu nguyện và cậy trông nơi Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ và Thánh Giuse, xin cho tôi đủ sức để nhận liều xạ mỗi ngày. Nhờ ơn Chúa gìn giữ mà tôi từng bước vượt qua và dần khỏe lại. Trong quá trình phục hồi, tôi cũng cố gắng tiếp tục làm việc ở mức có thể. Tạ ơn Chúa vô cùng đã cho tôi đủ sức để sống tự lập mỗi ngày. Thời gian này chồng con tôi cũng lo lắm, ngày nào cũng gọi hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi. Nhiều lúc tôi phải mô tả giảm nhẹ đi vì sợ gia đình lo lắng và buồn bởi không làm gì được để giúp tôi từ xa.

Sáu tuần sau khi hoàn thành xạ trị, tôi được chụp hình để kiểm tra lại. Tạ ơn Chúa, kết quả hình ảnh của tôi được đánh giá tích cực: có đáp ứng tốt với xạ trị, nhìn chung ổn định và không có phát sinh mới. Các bác sĩ khuyên là tôi có thể về lại Fiji nếu Fiji đã mở cửa trở lại, và ba tháng sau quay lại để kiểm tra tiếp.

Kết quả kiểm tra mới nhất này cũng vào lúc đất nước Fiji mới mở lại nền kinh tế và mở cửa biên giới. Văn phòng của tôi ở Fiji đã tích cực hỗ trợ tìm chuyến bay và giúp các thủ tục xin phép để tôi có thể tái nhập cảnh theo các quy định phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ Fiji. Tạ ơn Chúa, tôi đã về lại Fiji bằng an hai tuần trước Lễ Giáng sinh. Sau khi hoàn thành cách ly bắt buộc, tôi đã được về đoàn tụ với gia đình sau nhiều tháng xa cách với bao nhiêu bấp bênh về sức khỏe, và phải điều trị trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan mạnh. Tôi cũng đã quay lại làm việc ở văn phòng sau thời gian làm việc trực tuyến từ xa. Tất cả đều vui mừng vì tôi khỏe mạnh và ổn định. Bản thân tôi và gia đình cảm thấy tràn đầy phúc lành của Chúa, niềm vui quá lớn không dễ diễn tả hết bằng lời, chỉ biết dâng tâm tình tạ ơn, ngợi khen Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu mà Ngài đã làm.

Nhìn lại, tôi thấy rõ nếu đã về được Fiji từ tháng 5/2021 thì việc quay lại Úc vào cuối tháng 8/2021 khi cả nước Úc đang gồng mình chống dịch, xem ra là điều không thể. Hơn nữa, Fiji bị dịch bệnh lan tràn đã đóng cửa biên giới, làm sao có máy bay để đi Úc. Trong khi hiện trạng của tôi là cần được theo dõi định kỳ để kịp thời can thiệp và chữa trị. Ngoài ra, tôi đã được tiêm vacxin Covid-19 trong khi bị mắc kẹt bên Úc, nên đủ điều kiện để được về Fiji. Khi gần về nước, bệnh viện cũng giúp tôi rất nhiều thủ tục để tôi có chứng chỉ điện tử tiêm phòng Covid-19, để đủ điều kiện về Fiji, và quay lại Úc cho lần kiểm tra sức khỏe tiếp theo (do tôi là người nước ngoài, nên việc liên thông giữa hồ sơ tiêm chủng của tôi ở bệnh viện với dữ liệu tiêm chủng quốc gia của Úc không dễ dàng lắm). Đúng là sự quan phòng của Chúa thật kỳ diệu. Mọi thứ Chúa đã sắp xếp thật hoàn hảo trong kế hoạch của Ngài dù tôi không hiểu hết ý Chúa khi các việc cụ thể diễn ra.

Qua trải nghiệm này, tôi càng thêm xác tín rằng Chúa đã thương yêu tôi và gia đình vượt xa những gì chúng tôi mong đợi, dù chúng tôi tội lỗi và không xứng đáng. Dẫu cho hoàn cảnh có éo le, bi đát thế nào, Chúa cũng không bỏ chúng tôi đơn độc. Chúa mang đến cho tôi sự giúp đỡ thông qua gia đình, cơ quan, bạn bè, cộng đoàn, những người quen thân thiết, đội ngũ y bác sĩ, đồng thời Chúa đã không để chúng tôi phải qua những hoàn cảnh quá sức chịu đựng của mình. Tôi nhận thấy qua các biến cố xảy ra là đừng quá lo lắng, mà chỉ cần cố gắng làm tốt những gì mình có thể, và phần còn lại Chúa sẽ lo liệu cho. Hoàn cảnh đổi thay dễ làm con người chao đảo và căng thẳng, dễ mất hy vọng. Nhưng khi một cánh cửa này đóng lại, Chúa lại mở ra cánh cửa khác. Đặc biệt, tôi nhận ra khi những điều tôi xin mà chưa diễn ra, không phải Chúa không hiểu hoặc không nhận lời, mà Chúa ban các ơn lành theo Thánh Ý Chúa và kế hoạch lớn hơn của Ngài, dù với trí hiểu hạn hẹp tôi không thể nhận ra. Tôi thấy mình chỉ cần tin tưởng và đón nhận thôi.

Trải qua nhiều sóng gió thăng trầm, tôi nhận ra phúc lành lớn nhất trong hành trình chữa bệnh 7 năm qua, nhất là trong năm 2021 này là ơn Đức Tin và bình an mà Chúa đã ban cho tôi. Lời cầu nguyện qua kinh nguyện riêng, qua cầu nguyện với gia đình và cộng đoàn, qua lời cầu nguyện của người thân quen, trong đó có các cha và các sơ, nhất là qua Thánh Lễ hằng ngày, đã mang lại cho tôi sức mạnh phi thường. Nhờ đó tôi vững bước vượt qua thử thách mỗi ngày trong Ơn Chúa mà không cảm thấy nao núng hay quá sợ hãi. Nhiều lần tôi đã đơn sơ thưa rằng: Chúa ơi! Khó khăn của con quá lớn, con chỉ biết cậy nhờ vào Chúa thôi. Chúa mở ra đường nào con xin đi đường đó. Đây cũng là tâm tình tôi dâng cho hành trình tiếp theo còn nhiều thử thách với niềm tin tưởng vào ơn Cứu độ của Chúa.

Xin chúc quý độc giả tràn đầy Ơn Thánh Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse.

Từ Suva, Fiji, 22/12/2021

Tác giả: Anna Lê Thị Minh Châu
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 128 (Tháng 3 & 4 năm 2022)

 

368    17-06-2022