Tin Mừng Luca có kể câu chuyện về một người giàu có nọ (x.Lc 12,13-21). Ông sở hữu một khối tài sản khổng lồ, thóc lúc nhiều đến mức không biết trữ ở đâu. Ông tự hào về những gì mình có và hạnh phúc trong thành quả của mình. Tin Mừng không cho biết làm sao ông lại giàu đến vậy; chúng ta cũng không có thông tin gì về khối tài sản ông có: liệu nó có phải là thành quả lao động của ông không, hay nhờ sự bất chính mà có. Chúng ta chỉ biết rằng ông thật sự rất giàu. Điều gây sự chú ý của chúng ta là câu hỏi hóc búa: đêm nay, mạng sống ông bị lấy đi, những gì ông có sẽ về tay ai? Vâng, khi cái chết đến, dù là người giàu có nhất, liệu trong tay còn nắm giữa được gì nữa không?
Sự giàu có, đặc biệt là giàu có về mặt vật chất, luôn là điều người ta mong ước và nỗ lực để có được. Nó gợi lên một sự lạc quan, phong nhiêu và đầy tràn. Đó là một xung năng tự nhiên của con người. Nó không hề xấu. Nó chỉ trở thành vấn đề khi người ta xem sự giàu có là đích điểm của đời mình, vì nó cuốn người ta vào một vòng xoáy, khiến người ta đánh mất chính mình, quên đi ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân.
“Tiền nhiều để làm gì?” Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này: để cuộc sống được đảm bảo hơn; để có thể ăn sung mặc sướng; để không phải lo toan về ngày mai; để muốn làm gì thì làm, có quyền trên người khác, không bị người ta khinh chê. Chúng ta không lý thuyết và giả bộ đến độ không để ý đến những điều ấy. Tiền rất cần cho cuộc sống. Vấn đề đặt ra là: nếu ta cứ lao mình vào cuộc tích góp bạc tiền, rồi bất thình lình, cái chết tìm đến với ta, thì sao? Câu hỏi này dẫn chúng ta đến một câu hỏi khác, rộng hơn và sâu hơn: thật ra, những nỗ lực của chúng ta trong cuộc sống là để làm gì?
Chúng ta không chối bỏ tầm quan trọng và lợi ích của đồng tiền, nhưng chúng ta cũng không thể không để ý đến một sự thật rằng chúng chỉ là hư vô, và cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào, sẽ mang đi tất cả và nó không chừa một ai.
Cho dù ông nhà giàu kia có gào thét và trình bày muôn ngàn lý do chính đáng với Thần Chết về của cải ông có và về việc ông xứng đáng để thụ hưởng nó thế nào thì cũng chẳng có ích gì cả. Tuy rất phũ phàng nhưng ta vẫn phải thừa nhận một điều là đến một lúc nào đó tất cả những gì mình cố gắng tạo lập đều sẽ trôi tuột khỏi bàn tay ta. Sự giàu có có thể mang đến cho chúng ta một sự đảm bảo nào đấy ở cuộc sống này, nhưng nó chẳng có nghĩa lý gì trước sự tàn phá của thời gian, nó không có sức quyến rũ nào trước cái chết.
Lại một lần nữa, ta được đưa vào khung trời của một cõi vô thường. Ta tự hỏi về lý do mình được cho hiện hữu. Nếu mọi sự sẽ qua đi, vậy tôi ở đây để làm gì? Đâu là điều tôi nên tìm kiếm trong hành trình tại thế của mình? Tôi phải làm gì để ngay cả khi cái chết tìm đến, tôi vẫn bình thản và chào đón nó với tất cả hân hoan? Tôi phải sống ra sao để thay vì sống trong nỗi sợ cái chết đến bất thình lình, ta thật sự sống trọn vẹn cuộc sống của mình từng giây từng phút, hưởng nếm sự hoan lạc ngay tại đời này chứ chẳng đợi chi một hạnh phúc xa xăm nào đó ở tương lai vô định.
Mùa chay đến. Sắc tím trên bàn thờ gợi nhắc ta về một nỗi man mác thê lương, màu tối của cuộc đời. Nó đưa ta về với lòng mình để ta phải đối diện với cái “không” của bản thân. Nó đánh bật hết tất cả những ngạo mạn và cái ảo tưởng mà bấy lâu nay mình vẫn theo đuổi. Nó thúc đẩy ta tìm đến sự giàu có đích thực mà mình cần phải phấn đấu trong cuộc đời này: giàu nhân đức, giàu tình nghĩa, giàu thương yêu. Những cái giàu này đáng giá hơn rất nhiều so với giàu bạc tiền vì nó bồi đắp sức sống cho con người, nó làm cho người trở nên bất diệt, được tự do, được là chính mình. Nó ban cho con người sức mạnh để đối diện với Thần Chết cách khảng khái vì Thần Chết chỉ có thể là nỗi khiếp sợ cho những ai sợ nó, còn người giàu nhân đức thì chẳng mang trong mình nỗi sợ gì cả vì người đó mang trong mình một kho tàng bất biến với thời gian.
Con người được làm ra bụi đất nhưng lại nhận lãnh lời mời gọi hướng đến sự thánh thiêng. Sự thánh thiêng ấy hệ ở việc con người nhận ra được gốc gác và giá trị thật của mình, là cái mang đến cho con người sự thoải mái và bình an của con tim. Thật vậy, có quyền lực và giàu có đến cỡ nào thì cũng chỉ là con số 0 to tướng trước mặt Thiên Chúa. Thật tội nghiệp cho kẻ nào nghĩ rằng với của cải mình đang sở hữu, mình có thể làm chúa tể muôn loài. “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Câu nói này của Chúa Giêsu như đang chất vấn mỗi người. Con người ơi, hãy thức tỉnh đi nào! Hãy lên đường đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống của bản thân!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Sự giàu có, đặc biệt là giàu có về mặt vật chất, luôn là điều người ta mong ước và nỗ lực để có được. Nó gợi lên một sự lạc quan, phong nhiêu và đầy tràn. Đó là một xung năng tự nhiên của con người. Nó không hề xấu. Nó chỉ trở thành vấn đề khi người ta xem sự giàu có là đích điểm của đời mình, vì nó cuốn người ta vào một vòng xoáy, khiến người ta đánh mất chính mình, quên đi ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân.
“Tiền nhiều để làm gì?” Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này: để cuộc sống được đảm bảo hơn; để có thể ăn sung mặc sướng; để không phải lo toan về ngày mai; để muốn làm gì thì làm, có quyền trên người khác, không bị người ta khinh chê. Chúng ta không lý thuyết và giả bộ đến độ không để ý đến những điều ấy. Tiền rất cần cho cuộc sống. Vấn đề đặt ra là: nếu ta cứ lao mình vào cuộc tích góp bạc tiền, rồi bất thình lình, cái chết tìm đến với ta, thì sao? Câu hỏi này dẫn chúng ta đến một câu hỏi khác, rộng hơn và sâu hơn: thật ra, những nỗ lực của chúng ta trong cuộc sống là để làm gì?
Chúng ta không chối bỏ tầm quan trọng và lợi ích của đồng tiền, nhưng chúng ta cũng không thể không để ý đến một sự thật rằng chúng chỉ là hư vô, và cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào, sẽ mang đi tất cả và nó không chừa một ai.
Cho dù ông nhà giàu kia có gào thét và trình bày muôn ngàn lý do chính đáng với Thần Chết về của cải ông có và về việc ông xứng đáng để thụ hưởng nó thế nào thì cũng chẳng có ích gì cả. Tuy rất phũ phàng nhưng ta vẫn phải thừa nhận một điều là đến một lúc nào đó tất cả những gì mình cố gắng tạo lập đều sẽ trôi tuột khỏi bàn tay ta. Sự giàu có có thể mang đến cho chúng ta một sự đảm bảo nào đấy ở cuộc sống này, nhưng nó chẳng có nghĩa lý gì trước sự tàn phá của thời gian, nó không có sức quyến rũ nào trước cái chết.
Lại một lần nữa, ta được đưa vào khung trời của một cõi vô thường. Ta tự hỏi về lý do mình được cho hiện hữu. Nếu mọi sự sẽ qua đi, vậy tôi ở đây để làm gì? Đâu là điều tôi nên tìm kiếm trong hành trình tại thế của mình? Tôi phải làm gì để ngay cả khi cái chết tìm đến, tôi vẫn bình thản và chào đón nó với tất cả hân hoan? Tôi phải sống ra sao để thay vì sống trong nỗi sợ cái chết đến bất thình lình, ta thật sự sống trọn vẹn cuộc sống của mình từng giây từng phút, hưởng nếm sự hoan lạc ngay tại đời này chứ chẳng đợi chi một hạnh phúc xa xăm nào đó ở tương lai vô định.
Mùa chay đến. Sắc tím trên bàn thờ gợi nhắc ta về một nỗi man mác thê lương, màu tối của cuộc đời. Nó đưa ta về với lòng mình để ta phải đối diện với cái “không” của bản thân. Nó đánh bật hết tất cả những ngạo mạn và cái ảo tưởng mà bấy lâu nay mình vẫn theo đuổi. Nó thúc đẩy ta tìm đến sự giàu có đích thực mà mình cần phải phấn đấu trong cuộc đời này: giàu nhân đức, giàu tình nghĩa, giàu thương yêu. Những cái giàu này đáng giá hơn rất nhiều so với giàu bạc tiền vì nó bồi đắp sức sống cho con người, nó làm cho người trở nên bất diệt, được tự do, được là chính mình. Nó ban cho con người sức mạnh để đối diện với Thần Chết cách khảng khái vì Thần Chết chỉ có thể là nỗi khiếp sợ cho những ai sợ nó, còn người giàu nhân đức thì chẳng mang trong mình nỗi sợ gì cả vì người đó mang trong mình một kho tàng bất biến với thời gian.
Con người được làm ra bụi đất nhưng lại nhận lãnh lời mời gọi hướng đến sự thánh thiêng. Sự thánh thiêng ấy hệ ở việc con người nhận ra được gốc gác và giá trị thật của mình, là cái mang đến cho con người sự thoải mái và bình an của con tim. Thật vậy, có quyền lực và giàu có đến cỡ nào thì cũng chỉ là con số 0 to tướng trước mặt Thiên Chúa. Thật tội nghiệp cho kẻ nào nghĩ rằng với của cải mình đang sở hữu, mình có thể làm chúa tể muôn loài. “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Câu nói này của Chúa Giêsu như đang chất vấn mỗi người. Con người ơi, hãy thức tỉnh đi nào! Hãy lên đường đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống của bản thân!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ