Nước Pháp vẫn là một nước công giáo. Thêm một lần nữa, điều này được khẳng định sáng nay trong tang lễ của cố ca sĩ Johnny Hallyday, 9 tháng 12-2017. Một đất nước công giáo không có nghĩa là đất nước có 90% người dân đi lễ như các lo âu tìm tòi về mặt xã hội cứ lặp đi lặp lại đến vô tận phải như vậy. Đó là đất nước thấm đậm lịch sử, văn hóa, biểu tượng công giáo, qua các bí tích công giáo. Một đất nước mà Giáo hội vẫn hiện diện trong các đoạn đi quan trọng của đời người, và đặc biệt trong các đoạn đi lớn nhất.
Đức tin và giữ đạo
Ca sĩ Hallyday chắc chắn sẽ không đi lễ mỗi sáng chúa nhật, sẽ ngồi trên băng ghế chung với các giáo dân khác trong nhà thờ. Cứ muốn giam hãm đức tin trong một loạt cấm và một loạt giáo điều thì cuối cùng người ta sẽ quên, đức tin không phải dành cho một số ít người hoàn hảo, một thành phần ưu tú của những người tin, nhưng đức tin phải chạm đến từng người một. Cơ nguy này luôn đe dọa tôn giáo. Chúng ta còn nhớ một thời, Giáo hội từ chối không cử hành tang lễ cho những người “hát rong ngoài chợ”. Ngày nay, sự thế tục hóa lại có một cơ nguy khác: đó là lẫn lộn đức tin với giữ đạo, đó là chỉ còn nói với một nhóm nhỏ thiểu số ở trong các cộng đoàn khép kín.
Tang lễ ở nhà thờ Thánh Mađalêna sáng nay với bầu khí sốt sắng bao trùm chứng tỏ đức tính này của đạo công giáo vẫn ở trong đất nước chúng ta, dĩ nhiên vượt lên cả những người giữ đạo, những người trong đời sống hàng ngày của họ, trong những gì sâu thẳm nhất trong đời sống hàng ngày này.
Trong quyển sách mới nhất “mục vụ khẩn cấp” của nhà thần học Christoph Théobald, ông nói về một “đức tin cơ bản” tràn ngập trong đất nước chúng ta, thể hiện qua các hành vi tương thân tương ái, tinh thần huynh đệ, tinh thần đoàn kết, tình bằng hữu mà ca sĩ Hallyday đã diễn tả rất mạnh qua các bài hát của ông.
Một lòng sốt sắng có thể nói “bình dân” nhưng kết hiệp với rất nhiều người hơn là chỉ các tín hữu kitô “giữ đạo”, được ghi sâu đậm qua toàn bộ các biểu tượng, các nghi thức tập tục.
Điểm thiết yếu của kitô giáo được nói lên ở nhà thờ Mađalêna
Trong tang lễ của ca sĩ Hallyday, rốt cùng, điểm cốt tủy của đức tin kitô giáo đã được nói lên: niềm hy vọng. Vì cảm xúc, đau buồn, tình yêu được đám đông vô tận diễn tả lên, đã nói lên đầy đủ hơn bất cứ bài diễn văn nào, rằng cái chết không phải là hết. Đúng là trong giây phút này, khi các viễn cảnh của con người đụng đến bức tường là cái chết, thì một cách tập thể, con người cần cảm nhận sự rọi sáng tận căn này, sự tận căn muốn con người “hy vọng ngoài tất cả mọi hy vọng”. Ngày nay, cái chết là vấn đề chính của xã hội chúng ta. Và phúc thay Giáo hội còn có mặt trong những giây phút này.
Marta An Nguyễn dịch