Sidebar

Chúa Nhật

27.04.2025

“Các anh tìm gì thế?” - Viết cho hành trình đi tìm Chân Lý

mandesertseekingsalvationbyfaithjesuschristlookingcross595291017
 Ảnh minh họa từ Freepik


Tại sao con người phải luôn tìm kiếm và học hỏi? Đó là câu hỏi theo đuổi con người trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Có bao giờ con người có thể ngưng tìm kiếm chân lý không? Điều gì thôi thúc người mãi khắc khoải cho hành trình này? Bởi vì con người là hữu thể vốn có bản tính hữu hạn nhưng lại mang trong mình khát khao hiểu biết đến vô tận. Trong bản tính của mình, con người luôn thiếu hụt nhiều điều mà chỉ qua việc tìm kiếm và học hỏi con người mới có thể phủ lấp phần nào những thiếu hụt đó. Trong suốt cuộc đời của mình, con người phải luôn và sẽ luôn khắc khoải cho đến khi cuộc sống trần gian này chấm dứt. Cho nên, câu hỏi của Chúa Giêsu dành cho hai người môn đệ là câu hỏi quan trọng nhất cho mỗi người chúng ta “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1, 38)

Có bao giờ chúng ta tự hỏi mình câu hỏi tương tự như thế chưa? Chúng ta tìm gì trên cuộc đời này. Chúng ta đi tìm công danh sự nghiệp, tiền tài, của cải, những thú vui trần thế hay chúng ta đi tìm gì khác? Câu hỏi trên nhắc nhở chúng ta về điều cốt yếu của ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa của chúng ta. Vì là người, chúng ta luôn tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc hiện hữu này. Vì là con Thiên Chúa, chúng ta biết được ý nghĩa cuộc đời mình là chính Thiên Chúa. Vậy mà nhiều người trong chúng ta không để ý mà cũng chẳng quan tâm đến điều này. Đối với nhiều người, sống chỉ là sự hiện hữu đơn thuần về mặt thể lý. Họ không quan tâm đến đời sống tinh thần và thiêng liêng của mình.

Ý thức được tính quan trọng của câu hỏi trên là chúng ta đã bắt đầu bước vào cuộc hành trình đến với Chân Lý. Nó là khởi đầu cho một cuộc sống có ý nghĩa bởi vì chúng ta biết rằng mình cần phải đi tìm điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân và cuộc sống của chúng ta. Nói đúng hơn là chúng ta không đi tìm những sự vật đơn thuần mà đi tìm một Đấng là Chân Lý Tối Hậu. Chúng ta cùng noi gương hai môn đệ đầu tiên đã can đảm buông bỏ cuộc sống thường nhật của mình để đi theo Thầy Giêsu. Các ông dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình, khỏi những gì là quen thuộc nhất để bắt đầu hành trình đi tìm Chân Lý. Chính câu hỏi “Các anh tìm gì thế?” đã đánh động và đưa dẫn các ông đến với câu hỏi tiếp theo “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38)

Như vậy, các ông muốn đến và xem nơi Chúa ở. Hành trình đi tìm Chân Lý đòi buộc mỗi người phải ra khỏi mình và lên đường. Không ra khỏi mình thì làm sao chúng ta có thể tiếp cận được điều mình mong muốn hiểu biết. Chân Lý không ở đâu xa, chỉ cần ra khỏi mình là chúng ta đã ở trong Sự Hiểu Biết rồi. Bước ra ngoài đòi buộc chúng ta buông bỏ chính mình, đòi hỏi sự khiêm nhường để cắt tỉa đi sự ích kỷ và ngại dấn thân. Đây cũng là bước vô cùng khó khăn vì chúng ta phải chiến đấu với chính mình. Luôn có những lực kéo chúng ta lại. Đó là sự thoái lui của ý chí, sự sợ hãi của tinh thần và sự mệt mỏi của thân xác. Những điều này làm cho nhiều người chùn bước và lui dần vào trong bản ngã chật hẹp của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần phải phá vỡ những cản trở đó để bước ra.

Đứng trước câu hỏi “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” của hai môn đệ, Chúa Giêsu không bảo các ông là Ngài ở chỗ này hay chỗ kia, nhà cao cửa rộng thế nào. Ngài chỉ nói “Đến mà xem.” (Ga 1, 39) Câu nói này là lời mời gọi chân thành của Chúa dành cho hai ông và cho cả chúng ta nữa. “Đến mà xem” mời gọi chúng ta bước đi và chứng kiến cách trực tiếp. Nếu chúng ta chỉ ở nhà và nghe người này người kia nói thì chưa hẳn đó là sự thật. Chúng ta phải đến và tận mắt nhìn thấy thì chúng ta mới hiểu biết được. Câu nói trên còn muốn nói rằng Thiên Chúa luôn mở rộng chính Ngài cho chúng ta đến và cảm nhận. Điều còn lại là nơi chúng ta. Chúng ta có dám đến và xem hay không mà thôi. Chúa luôn mời gọi chúng ta đi vào tương quan với Ngài. Đây cũng là bước quan trọng trong hành trình kiếm tìm chân lý của chúng ta. Cho nên, không ai có thể giúp chúng ta hiểu biết ngoại trừ chính bản thân chúng ta.

Các môn đệ đã đến và xem chỗ Ngài ở và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Tiến trình được diễn ra cách tuần tự “đến, xem và ở lại.” Chúng ta cũng vậy! Chúa luôn mời gọi chúng ta đến, xem và ở lại với Ngài. Hành động ở lại chính là quyết định của các môn đệ sau khi xem nơi Ngài ở. Dù cho nơi ở ấy có thế nào thì các ông đã quyết định ở lại để hiểu Chúa hơn. Một mối tương quan không thể nào đi vào chiều sâu nếu không có sự ở lại. Các ông đã ở lại với Chúa tức là các ông đã biết điều mình kiếm tìm là đúng đắn. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có dám ở lại với Chúa trong tận cùng sự hữu hạn của chúng ta không? Chúng ta có dám để cho Chúa thấy hết con người thật của chúng ta không? Chúng ta có muốn để Chúa chạm vào chúng ta và cho chúng ta cơ hội để hiểu Chúa không? Chúa vẫn luôn ở đó và mong muốn chúng ta ở lại với Ngài. Ngài luôn cho chúng ta tự do chọn lựa. Để đạt được sự hiểu biết thực sự, chúng ta cần ở lại với Chúa trong sự cô tịch để lắng nghe và đáp trả lại Ngài.

Đây chính là thời điểm mà chúng ta cảm nghiệm được thật nhất sự hiểu biết về Chân Lý. Nếu chúng ta dám buông mình cho vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, nếu chúng ta dám cởi bỏ hết mọi mặt nạ để chính mình hiện diện cách chân thật và trần trụi nhất trước Thiên Chúa thì chúng ta đang ở trong chính Sự Hiểu Biết đó. Đó là một kinh nghiệm vô cùng cá vị mà không một lời lẽ nào có thể diễn tả được. Một khi đã ở trong Sự Thật thì chúng ta sẽ trở nên tự do hơn. Chúng ta tự do trước những đòi buộc của thân xác và thế gian. Chúng ta tự do trước những gian khổ và nghi nan. Chúng ta không còn sợ hãi mà che giấu bản thân mình bằng mọi điều giả dối nữa. Chúng ta dám là chính mình với toàn bộ những yếu đuối và giới hạn. Chính nhờ vào kinh nghiệm đó mà chúng ta cũng có thể giúp người khác tiến tới hiểu biết hơn.

Sau đó, ông Anrê là một trong hai môn đệ đã đến và ở với Chúa Giêsu ngày hôm đó cũng về gặp em mình là Simôn và dẫn ông đến gặp Chúa. Hành trình tìm gặp Chúa là Chân Lý không dừng lại nơi cuộc gặp gỡ mà còn tiếp tục trong sứ mạng đem người khác đến với Chúa. Chúng ta cũng học hỏi nơi ông Anrê để chính mình trở thành người mang người khác đến với Chúa. Chúng ta hãy làm mọi sự để người khác cũng có kinh nghiệm được Chúa đụng chạm và mong muốn ở lại với Ngài. Hiểu biết không giới hạn ở một người nào cả vì tất cả chúng ta đều ở trong Sự Hiểu Biết rồi. Điều quan trọng là chúng ta cùng giúp nhau nhận ra và mở lòng để đón nhận Thiên Chúa.

Như vậy, hành trình tìm kiếm Chân Lý là hành trình cả đời. Dù cho chúng ta đã có kinh nghiệm nào đó về Thiên Chúa thì chúng ta cũng không thể tự tin mà nói rằng mình đã hiểu biết thực sự rồi. Không bao giờ con người có thể hiểu hết được Chân Lý. Vì vậy, con người luôn ở trong vòng xoay liên tục của tiến trình nêu trên. Sau mỗi lần như vậy, con người sẽ tiến lên hiểu biết hơn. Cho nên, chúng ta đừng bao giờ quên câu hỏi của Chúa Giêsu “Các anh tìm gì thế?” Hãy luôn ý thức điều mình tìm kiếm là gì để từ đó chúng ta can đảm bước ra khỏi chính mình để được chính Thiên Chúa đụng chạm trong sự hữu hạn của chúng ta. Ước mong mỗi người sẽ có cho mình một hành trình sống đầy ý nghĩa vì luôn còn nhiều điều bất ngờ chờ đợi chúng ta khám phá.

Tác giả: Philip
(Bài viết được CTV gởi về BBT Website GPVL)

794    16-11-2024