Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Các cộng sự nòng cốt của Đức Phanxicô

 

Để tiến hành cuộc cải cách lớn của Giáo triều, Đức Phanxicô có một lực lượng nhân sự nòng cốt chung quanh ngài. Đây là lần đầu tiên có một giáo hoàng dám làm như vậy. Nữ ký già Pigozzi đã gặp các nhân vật thiết yếu, hiệu năng và thường thường là ăn ý với nhau này.

Khách du lịch chỉ thích nhìn máng cỏ và cây thông Noel, họ không để ý đến phía trái của Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha vừa cho đặt ba phòng tắm công cộng cho người vô gia cư. Cũng như năm ngoái, vào ngày sinh nhật 17-12 của mình, ngài đã tiếp những người vô gia cư và các con chó của họ. Bây giờ, những người bụi đời được «hợp pháp» và có thể ngủ dưới sự bảo vệ của cảnh sát Ý. Sau 21 tháng giáo triều của mình, người mặc áo trắng có 15 triệu người theo trên tài khoản Twitter tiếp tục các cuộc chiến của mình, khi thì làm những công việc chính thức, khi thì làm những việc mình quan tâm nhất. Người ta còn thấy vai trò tế nhị của ngài trong vụ Cuba. Một công việc tế nhị của ngoại giao đoàn Vatican với sự giúp đỡ có hiệu quả của cựu sứ thần Tòa Thánh ở Venezuela, hồng y Pietro Parolin, bây giờ là «Thủ tướng» của ngài. Người ta còn nghe cả tổng thống Raul Castro cám ơn vai trò trung gian của ngài … Cũng như em mình là ông Fidel, cả hai đều hấp thụ các bài học dưới mái trường của các linh mục Dòng Tên ở La Havane. Sau khi mở cửa Công viên Castel Gandolfo cho du khách vào xem vào mùa xuân vừa qua, Đức Phanxicô vừa quyết định biến Dinh thự nghỉ hè thành Viện Bảo Tàng với phòng triển lãm các chân dung các vị tiền nhiệm của mình. Chỉ các căn hộ giáo hoàng là vẫn ở khu vực riêng tư. 

“Đức Phanxicô có vẻ như chưa vội đến nước của bà. Tôi nghĩ ngài sẽ đến Paris và Lộ Đức.”

Trong một ghi chú khác, một sự kiện gần như không ai để ý: vị kế nhiệm Thánh Phêrô đã ra sắc lệnh cho phép các linh mục thuộc nghi lễ Đông phương, thường họ lập gia đình, được phép làm sứ vụ của họ ở phương Tây và như thế họ có thể dâng thánh lễ ở đây. Cuối cùng, từ nay, các hồng y phải về hưu ở tuổi 75 thay vì 80, như vậy sẽ đỡ gánh nặng cho các ban ngành một vài nhân vật vướng víu… Các thủ tục khác nhau này nói lên nghệ thuật quản trị của Đức Phanxicô, có thể đi từ hành động qua xúc cảm, từ bóng tối ra ánh sáng. Một sự quá độ tạo căng thẳng thường xuyên cho một vài vị Đức ông. Họ có sống trong lo âu của một cuộc cải cách có thể làm cho họ mất đi một số quyền lực không? Nếu báo chí quốc tế nói lên phản ứngï khó chịu của giáo triều thì trên thực tế, ngay khi Đức giáo hoàng nêu lên các thay đổi, các vị giám chức đáng kính này gần như hầu hết thinh lặng cúi mặt xuống. Không có gì làm cho tu sĩ Dòng Tên này thay đổi đường hướng ngài đã vạch. Giống như tất cả các tu sĩ, ngài đã khấn đức khó nghèo. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ một thành phố rất lớn, thêm nữa lại từ miền Nam thế giới. Ngài tự hào mình là người di dân Argentina. Sẽ không hiểu ngài nếu không thấy khía cạnh tâm lý này nơi ngài. Một hồng y thực tiễn giải thích cho tôi hiểu, “Các cuộc cải cách thì cũng giống như Xe điện tốc hành (TGV). Tất cả mọi người đều muốn đi nhưng với điều kiện là nó đừng chạy qua sau sân nhà mình.” Và ngài nói thêm về nước Pháp: “Giáo hoàng có vẻ như chưa vội đến nước của bà. Tôi nghĩ ngài sẽ đi Paris và Lộ Đức, nhưng chắc chắn ngài cũng sẽ đến Mont-Saint-Michel và Alençon, nơi Thánh Têrêxa Lisieux sinh ra, một trong những vị thánh ngài tôn kính.”

Khi nói chuyện với một giám mục Pháp vừa đến thăm ngài gần đây, giám mục buồn vì không còn ơn gọi ở Pháp. Đức Phanxicô đã trả lời một cách ma mãnh: “Có vẻ như có nhiều ơn gọi hồng y ở nước Pháp…” Một lối nói kháy làm cho người đối diện lạnh như tiền. Cũng như việc bổ nhiệm hồng y Jean-Louis Tauran vào chức nhiếp hộ chính gần đây, người ta có thể nghĩ Đức Phanxicô sẽ không tặng cho nước Pháp một món quà nào nữa trong lần họp công nghị sắp tới. Dù sao vị giáo hoàng này lúc nào cũng giữ tâm hồn thanh thản. Bằng chứng ư? Ngài không thích cái gì long trọng nhưng ngài vẫn tiếp tục nhận ấn bản đầu tiên của báo L’Osservatore Romano với hàng chữ “Papa Francesco F.R” (Felicemente Regnante) ghi trên phong bì. Cách ghi này có từ thế kỷ 17, có nghĩa Giám mục địa phận Rôma trị vì với niềm hạnh phúc lớn lao. Bốn thế kỷ sau, đây là cách ngài viết Lịch sử. Nguyễn Tùng Lâm dịch

689    26-01-2018