|
Cũng như các trường Công giáo ở Hoa Kỳ, Anh quốc, Li-băng và ở nhiều nước khác, các trường tư không được chính phủ tài trợ, đã gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Do đại dịch Covid-19 và khó khăn kinh tế, rất nhiều trường phải tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn.
Các trường tư bị đóng cửa sẽ tăng gánh nặng cho trường công
Đức cha Rex Andrew Alarcon của giáo phận Daet, Chủ tịch Ủy ban giám mục về giới trẻ, khẳng định: “Nếu các trường tư thục đóng cửa do vấn đề tài chính, điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai của học sinh. Việc đóng cửa còn nảy sinh thêm các vấn đề: người dân mất việc, học sinh và sinh viên bị gián đoạn việc học, khó khăn trong di chuyển và thích ứng. Hơn nữa, việc đóng cửa các trường tư có thể khiến cho các trường công lập thêm chật chội quá mức, một vấn đề mà chính phủ đang phải đối mặt.” Trong khi đó, các trường tư thục, “đóng góp rất nhiều cho việc giáo dục nhân bản thông qua giáo dục chất lượng và với các chương trình xây dựng cộng đồng quốc gia và lợi ích chung.”
Các trường hoạt động vì sứ mạng giáo dục
Đức cha Roberto Mallari của giáo phận Nueva Ecija, Chủ tịch Ủy ban giám mục về giáo lý và giáo dục Công giáo, cũng bày tỏ cùng sự lo âu. Ngài nói: “Các trường tư cũng cần trợ cấp công cộng để tồn tại… Chính phủ nên nhận ra vai trò và đóng góp có giá trị của các trường tư trong xã hội. Những tổ chức đó không chỉ ở đó để kiếm tiền, họ không hoạt động theo logic lợi nhuận. Họ tồn tại bởi vì họ có ý thức sâu sắc về sứ mạng giáo dục của họ, để đóng góp vào việc đào tạo những bộ óc trẻ, để mang lại cho quốc gia một tương lai thịnh vượng.”
Nhiều trường tư phải đóng cửa do thiếu học sinh ghi danh. Theo báo cáo mới đây, khoảng 50.000 giáo viên các trường tư ở Manila bị thất nghiệp. Tại Philippines, các trường tư thục, đặc biệt là những trường thuộc sở hữu của các giáo phận, tổ chức tôn giáo và dòng tu, được miễn thuế.
Nền giáo dục Công giáo tại Philippines bắt đầu từ lâu đời với những trường đầu tiên do các thừa sai dòng Augustino thành lập ở Cebu sau khi đến đây vào năm 1565, tiếp đến là các trường của các tu sĩ Phanxicô, rồi của dòng Đaminh, dòng Tên, vv. Năm 1611, cách đây 400 năm, các tu sĩ Đaminh thành lập Đại học thánh Tô-ma ở Manila, đại học Công giáo lâu đời nhất tại nước này. Giáo hội Philippines hiện có 600 trường mẫu giáo, 600 trường tiểu học, 1000 trường trung học, 240 học viện cao đẳng, 101 trường chuyên ngành, 21 đại học. (Fides 18/06/2020)
Hồng Thủy