Khủng hoảng chính trị ở Sudan (AFP or licensors) |
Các Giám mục Sudan và Nam Sudan bày tỏ thất vọng và lo ngại cho tình hình của đất nước sau cuộc đảo chính quân sự. Bởi vì quốc gia châu Phi này lại quay trở lại chế độ độc tài, cản trở con đường tiến đến chế độ dân chủ.
Hôm 25/10/2021, quân đội Sudan đã giành chính quyền từ một chính phủ chuyển tiếp. Tướng Abdel Fattah al-Burhan lên nắm quyền, ra lệnh bắt giữ thủ tướng Abdalla Hamdok, một số quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo chính trị. Vụ việc đã dẫn đến việc nhiều người ủng hộ cuộc đảo chính đổ ra đường biểu tình. Đụng độ xảy ra khiến nhiều người bị thương.
Đại diện các Giám mục Sudan, Đức cha Yunan Tombe Trille của Giáo phận El Obeid, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Sudan và Nam Sudan lo ngại cho tình hình của đất nước. “Thay vì hoà bình, Sudan đang ở trong tình trạng chiến tranh.” Đức cha cho biết, dưới sự cai trị của quân đội, các Giám mục nhìn thấy một tương lai ảm đạm cho Sudan.
Đức cha Chủ tịch cho rằng quân đội sẽ nắm toàn quyền kiểm soát đất nước và đánh lừa thế giới bằng cách tổ chức bầu cử vào tháng 7/2023. Đây sẽ là một trò hề khác, để hợp pháp hóa quyền lực của họ, như đã từng xảy ra với các chính phủ trong quá khứ. Mọi người sẽ tiếp tục xuống đường, sẽ có rất nhiều đau khổ.
Đức cha Trille kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép lên quân đội để họ tôn trọng mạng sống của người dân và tuân thủ các quy tắc, trả tự do và đối thoại với các quan chức chính phủ, để khôi phục quyền lực cho chính phủ dân sự.
Nhấn mạnh cam kết xã hội của Giáo hội vì lợi ích chung, Đức cha Trille nói: “Dưới chân Thánh giá Chúa Kitô, Giáo hội ở Sudan chưa bao giờ im tiếng. Mặc dù đã có một số thay đổi, nhưng Giáo hội sẽ không thay đổi cam kết này”.
Cuộc đảo chính hôm thứ Hai diễn ra là kết quả của sự căng thẳng giữa những người Hồi giáo bảo thủ muốn có một chính phủ quân sự và những người lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, sau một nỗ lực đảo chính quân sự thất bại vào ngày 21/9. Cả hai phe đều tổ chức các cuộc biểu tình trước cuộc đảo chính mới nhất.
Cuộc đảo chính đã làm dấy lên lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ và phương Tây, khôi phục chính phủ chuyển tiếp do dân sự lãnh đạo và trả tự do cho những người bị giam giữ sau khi quân đội tiếp quản. Hôm thứ Năm, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bày tỏ “tình liên đới” với người dân Sudan và khẳng định sẵn sàng “hỗ trợ mọi nỗ lực để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi dân chủ của Sudan” và nguyện vọng của người dân “về một tương lai toàn diện, hòa bình, ổn định, dân chủ và thịnh vượng”.
Theo Ngọc Yến - Vatican News (30/10/2021)