Sidebar

Thứ Bảy
12.10.2024

Các Giáo hội Kitô Âu châu kêu gọi Liên minh Âu châu nỗ lực nhiều hơn cho hoà bình

ghca1


Hội đồng các Giáo hội Kitô Âu châu (CEC) và Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu (COMECE) kêu gọi Liên minh Âu châu nỗ lực nhiều hơn nữa cho hoà bình, cho sự đồng thuận chính trị và xã hội đối với quá trình chuyển đổi sinh thái.

Nhân dịp Bỉ chuẩn bị đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Châu Âu, đại diện các Giáo hội Kitô đã gửi yêu cầu đến đại diện thường trực của Bỉ tại Liên minh, Willem van de Voorde. Trước hết là tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao cho một giải pháp hoà bình và ổn định cho các cuộc xung đột đang diễn ra ở Âu châu và các khu vực biên giới Âu châu, tôn trọng luật quốc tế và khuyến khích đối thoại giữa các bên.

Đặc biệt các Giáo hội đề cập đến cuộc chiến tranh bi thảm do sự xâm lược của Nga chống Ucraina gây ra. Một cuộc xung đột không chỉ thách thức trật tự quốc tế, nhưng trên hết nguyên nhân gây ra đau khổ khủng khiếp cho con người và sự tàn phá. Ngoài ra các Giáo hội Kitô còn lên án cuộc tấn công tàn nhẫn do Hamas thực hiện nhắm vào người Israel, gây ra phản ứng quân sự lớn của Israel, làm cho người dân Palestine phải chịu đựng hậu quả khủng khiếp.

Hướng đến cuộc bầu cử của Nghị viện Âu châu sẽ diễn ra trong năm nay, những người đại diện cho khoảng 380 triệu công dân kêu gọi sự hợp tác giữa các quốc gia và các nhóm xã hội, cách riêng, bảo vệ liên minh qua việc bảo vệ nền dân chủ và củng cố các giá trị chung và các quyền cơ bản.

Nhận thấy ở nhiều quốc gia thành viên đang gia tăng sự lo sợ đối với chi phí xã hội, hiện tại và tương lai, của quá trình chuyển đổi sinh thái, các Giáo hội kêu gọi các lãnh đạo làm việc để có sự đồng thuận về chính trị và xã hội để tránh bế tắc trong hoạt động lập pháp nhằm hướng tới một tương lai bền vững.

Sau cùng, đại diện các Giáo hội cho rằng cần phải có nỗ lực lớn hơn trong lĩnh vực giáo dục, ngăn sự di cư của những công nhân có chuyên môn cao, một yếu tố tạo ra sự bất bình đẳng trong sự phá triển của các khu vực Âu châu, và tạo ra một mối quan hệ đối tác giữa các thể chế và tổ chức dân sự và tôn giáo.

 

Theo Vatican News (24/01/2024)

128    25-01-2024