|
Năm nay Dòng Thừa sai Columban kỷ niệm 100 năm thành lập dòng (1918-2018). Nhà dòng phát hành một cuốn sách mới trình bày lịch sử truyền giáo ở Hồng Kông và Trung Quốc, đánh dấu những thành tựu đã đạt được.
Cha Joseph Houston dành đến 5 tháng để viết cuốn sách có tựa “Các thừa sai Columban ở Hồng Kông”.
Khởi nguồn của các thừa sai ở đây trong tập ba mang tên “Lịch sử các dòng tu và hội thừa sai Công giáo ở Hồng Kông”. Sách do Trung tâm Nghiên cứu Công giáo của Đại học Hồng Kông Trung Quốc phát hành.
Cuốn sách cho thấy công lao của các thừa sai dòng Columban đã đóng góp cho sự phát triển Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc và Hồng Kông.
Đức cha Edward Galvin, một trong các nhà sáng lập nhà dòng, được truyền cảm hứng bởi một thừa sai người Canada. Ngài thành lập một ủy ban các linh mục quan tâm trình lên các giám mục Ireland xin giúp thành lập một chủng viện đào tạo linh mục cho Trung Quốc, theo cuốn sách.
Năm 1918, chủng viện và một dòng thừa sai mới được thành lập. Sau đó, dòng này lấy tên là Dòng Thánh Columban, đặt theo tên một thánh nhân tiên khởi của Ireland, với mục đích truyền giáo tại Trung Quốc.
Năm 1920, Đức cha Galvin đến giáo phận Hanyang thuộc tỉnh Hồ Bắc. Chẳng bao lâu sau, các thừa sai của nhà dòng đảm nhận 2 giáo xứ mới thành lập là Nancheng thuộc tỉnh Giang Tây và Huzhou thuộc tỉnh Chiết Giang.
Sau đó cha Galvin làm giám mục tiên khởi của Hanyang.
Chủng viện đào tạo linh mục làm công tác tại Trung Quốc và khuyến khích các ngài học tiến Anh để chuẩn bị cho sứ vụ của mình.
Kể từ đó, nhiều vị thừa sai đã đến Trung Quốc và phục vụ tại 3 tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây và Ganjiang, cũng như tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
Tại lễ ra mắt cuốn sách, ông Peter Ryan, tổng lãnh sự Ireland tại Hồng Kông và Ma Cao, cám ơn các thừa sai dòng Columban vì sự khiêm tốn, chu đáo, thấu cảm và đóng góp của họ trong việc đem Kitô giáo đến Trung Quốc.
“Họ mang lại sự hiểu biết văn hóa đích thực, thấu cảm thực sự, lối sống thừa sai tự nhiên, và cách tiếp cận tự nhiên trong việc giao thiệp với người dân”, ông nói.
“Họ không hề tỏ thái độ trịch thượng. Trái lại, theo tôi, họ hết sức khiêm tốn và điềm đạm”.
Ngay cả khi các thừa sai bị đàn áp và bị bỏ tù tại Trung Quốc trong thời Cách mạng Văn hóa (1966-76), họ không hề mất đi đức tin.
Sau khi cuốn sách được phát hành, cha Houston kể lại cha Aedan McGrath, thừa sai dòng Columban, miêu tả cảnh ngài bị bỏ tù ở Thượng Hải từ năm 1951 đến 1954, và thêm rằng việc này không thể làm xói mòn đức tin của ngài.
Cha McGrath trích dẫn trong sách nói: “Ngài khỏe mạnh, trong tinh thần tốt nhất, đấu tranh mỗi ngày cùng với những người bảo vệ tôn giáo”.
Cha McGrath xúc tiến Hội Lêgiô Mariae tại Trung Quốc năm 1947 và thành lập một cơ sở mới ở Hồng Kông năm 1948, ngài trở lại thăm nơi này trong những năm gần đây.
Đây vẫn còn là một phần quan trọng trong Giáo hội tại Hồng Kông cho đến ngày nay.
Năm 1920, cha John Blowick, cũng là người đồng sáng lập dòng, đi qua Hồng Kông và ấn tượng bởi lối sống thanh bần của Đức cha Pozzoni của Hồng Kông và các giáo sĩ khác.
Ngài kể ngài bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của thành phố này.
Kể từ đó, Hồng Kông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát triển các thừa sai tại Trung Quốc.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, các giáo sĩ, nữ tu và giáo dân bị ngược đãi tại Trung Quốc, Hồng Kông trở thành trạm trung chuyển khi họ chuyển đến các nước “thân thiện” hơn.
Các thừa sai lúc đó giúp thu xếp chỗ ở cho họ và mua vé để họ có thể đi đến điểm tiếp theo.
Trong khi tình hình ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, tài sản của Giáo hội bị tịch thu, giáo sĩ và nữ tu lâm vào cảnh nghèo khổ, thường phải dựa vào của bố thí để sinh sống.
“Một linh mục kể những thứ như đường, thịt và cá là ký ức hạnh phúc”, theo một đoạn trong sách.
Năm 1952, Đức cha Galvin và các thừa sai khác rời khỏi Trung Quốc. Khi đức cha đến Hồng Kông, ngài “gầy ốm, trông tiều tụy, giống như một người ăn xin”, cuốn sách dẫn lời một nữ tu gặp ngài tại Viện điều dưỡng Ruttonjee của các nữ tu dòng Thánh Columban ngay sau khi ngài đến.
“Ngài gây ấn tượng với mọi người qua phẩm cách, tác phong nhã nhặn, và bầu khí hân hoan nơi ngài. Đó là bầu khí hân hoan của cuộc khổ nạn, chiến thắng của thập giá”, nữ tu nói thêm.
Một lời tường thuật thú vị nữa cho thấy vị linh mục mang lại cho các giáo sĩ khác “cảm giác hồ hởi cuối cùng được tự do” như thế nào sau khi ngài xuất hiện tại nhà ga Lowu ở Hồng Kông.
Sau đó lãnh thổ này trở thành “điểm dừng chân” và trợ giúp các giáo sĩ ở Myanmar.
Mặc dù công tác của các thừa sai tại Trung Quốc bị buộc phải tạm ngừng, họ không hề đánh mất hy vọng công tác truyền giáo sẽ phổ biến ở Trung Quốc, và vào những năm 1980 họ đã trở lại đó.
Năm 1987, Audrey Donnithorne, giáo sư thỉnh giảng trước đây tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, gặp một người bạn bị bỏ tù 20 năm vì đức tin ở Quý Dương thuộc tỉnh Quý Châu.
Người bạn này kể lại vị thừa sai dòng Tên người Ý được mọi người gọi là cha Matteo Ricci đã có thể làm việc tại Trung Quốc như thế nào do ngài có công lao đóng góp về văn hóa cho đất nước này.
Ông đề nghị người Công giáo ngày nay có thể dùng phương pháp trên để nhập cảnh vào quốc gia nơi đảng Cộng sản cầm quyền vẫn đang kiểm soát chặt chẽ Giáo hội.
Donnithorne trở lại Hồng Kông và giúp thành lập một tổ chức để đóng góp cho Trung Quốc.
Tổ chức được gọi là Hội Giao lưu Công nghệ, Kinh tế và Văn hóa Quốc tế (AITECE) và có chức năng giống với chương trình của cha Edward Kelly dòng Columban.
Đến tháng 9 năm ngoái, AITECE cung cấp 395 giáo viên cho 23 tỉnh và khu vực thành phố lớn của Trung Quốc.
Tổ chức còn đẩy mạnh ngành dệt giúp các cộng đồng Giáo hội địa phương tự lực, và giúp thu xếp cho chủng sinh ở các chủng viện và linh mục ở Trung Quốc đi du học và sau đó mang Phúc âm về cho Trung Quốc.
Cha Edward Kelly, thừa sai hoạt động tích cực tại Trung Quốc, liên lạc với các giám mục Trung Quốc từ năm 1986 và viết rất nhiều bài báo nói về tình hình chung trong Vương quốc Trung tâm này.
Ngài viết trong một bài báo: “Di sản của các thừa sai dòng Columban tiên khởi là sự dấn thân phục vụ Chúa Kitô và Trung Quốc. Cam kết đó ngày nay cần được tiếp nối cách mãnh liệt như thế dưới ánh sáng của Dấu chỉ Thời đại chúng ta. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là phải hiểu được những dấu chỉ này”.
(UCAN 01.05.2018)