Cha Tom đã về đến Ấn Độ, để gặp các giám mục, các anh em trong Dòng Don Bosco, và còn gặp cả các giới chức như Thủ tướng và Ngoại trưởng Ấn để cảm ơn “vì những nỗ lực của họ để giải thoát cho tôi.”
Cha sẽ cử hành thánh lễ tạ ơn ở nhà thờ chính tòa New Delhi, rồi đến Bangalore và gặp các anh em trong tỉnh dòng, rồi có những cuộc gặp với các giới chức trong giáo hội và chính phủ ở bang Kerala, quê của cha. Và không lâu sau, cha sẽ lại bắt đầu công tác mục vụ.
Nhưng cuộc sống với cha Tom không bao giờ như trước nữa. Vụ thảm sát các nữ tu cộng sự với cha, trải nghiệm bị bắt cóc và giam giữ lâu ngày đã ghi một dấu trên cha. “Những ngày đó như một cuộc tĩnh tâm lâu dài,” cha cho biết. “Tôi đã có cơ hội đào sâu bản thân mình, nghĩ lại về đời mình, ơn gọi và sứ mạng Chúa đã trao cho tôi. Chúa nhân từ và quan phòng đã cho tôi sống trải nghiệm này, trải qua sự mong manh, bất an, đau khổ, bị giam hãm, rồi cho tôi trở lại làm người tự do, vẫn được tiếp tục thực thi sứ mạng của một người đã chịu phép rửa, đã được truyền chức thánh, một người con của cha Don Bosco. Tôi tạ ơn Chúa vì những gì Chúa mở ra cho tôi.”
Cha Tom cho biết, trong thời gian bị giam, cha đã sống và tìm được sức mạnh nhờ “rước lễ thiêng liêng.” “Tôi cử hành thánh lễ thiêng liêng, trong trí mình mỗi ngày, nhớ lại các bài đọc và các phần phụng vụ, bởi tôi không có sách phụng vụ, cũng không có bánh và rượu để cử hành bí tích Thánh Thể.”
Nhưng đó cũng là thời gian mạng sống của cha như chỉ mành treo chuông, có thể bị những kẻ bắt cóc giết đi bất kỳ lúc nào, và cha thấy “Tôi là hiến lễ cho Phép Thánh Thể, thân xác tôi là hiến lễ sống đẹp lòng Chúa. Tôi tạ ơn Chúa vì đã cho tôi sống qua khổ ải kéo dài này, cho tôi được gần gũi hơn với con người đau khổ, người đã chịu khổ nhục, đã bị ngược đãi và ruồng bỏ, là Chúa Giêsu Kitô trên thập giá.”
Nhưng dù cho thế, cha không sợ chết, cha thường nhớ lại buổi tối trước hôm định mệnh ấy. Cha kể lại, “ tối ấy, biết rằng tình hình hiện thời đang rất khốc liệt, và các nhà truyền giáo như chúng tôi là những con mồi ở vùng đất đầy xung đột và bạo lực, giám đốc nhà Nữ tử Bác ái ở Aden đã bảo với chúng tôi, “Thật tốt nếu được cùng nhau tử đạo vì Chúa Kitô.” Và một tu sĩ trẻ nhất đã trả lời rằng, “Con muốn sống cho Chúa Kitô.”
Hiện nay, cha Tom như được sống lại lần nữa, và lòng nhiệt thành tươi trẻ chảy trong cha, cha cho biết mình “sẵn sàng trao đi trọn bản thân để gieo Tin mừng và loan báo Nước trời.”
Cùng tâm tư với cha Tom, là một linh mục khác cũng đã trải qua thời gian bị bắt cóc. Cha Teresito Soganub hay thường gọi là cha Chito, người Philippine, bị bắt cóc hôm 23-5 và được thả sau 117 bị giam giữ bởi phiến quân khủng bố Maute, một nhóm có liên hệ với ISIS đã chiếm đóng thành phố Marawi trên đảo Midanao, Philippine.
“Chuyện tôi bị bắt cóc là ý Chúa. Một thử thách Ngài muốn cho tôi. Tôi tin tưởng nơi Ngài. Tương lai của tôi ư? Vẫn ở Marawi này. Kitô giáo và Hồi giáo, chúng tôi là anh em, và cùng tin vào một Thiên Chúa duy nhất.”
Khi đến Manila, cha Chito kể lại vụ bắt cóc, và cho biết cha không bao giờ có ý định trốn thoát, bởi cha muốn chia sẻ cảnh ngộ với các con tin khác đến cùng. Cha cảm ơn “những người đã cầu nguyện cho chúng tôi và ơn cứu độ của chúng tôi,” và nói rằng cha muốn tiếp tục dấn thân trong con đường đối thoại Kitô giáo-Hồi giáo và xây dựng hòa bình.
Còn cha Luciano Benedetti, nhà truyền giáo của Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại, đã bị nhóm Abu Syyaf bắt giữ 68 ngày, bị bắt đưa đi khắp vùng rừng Mindanao, sau khi được giải cứu, cha cho biết, “Tôi bị con người bắt cóc, nhưng cũng là được Chúa bắt đi. Đây là một trải nghiệm đặc biệt. Tôi đã đối diện với cái chết, và tôi không bao giờ quên điều đó, cũng như không bao giờ quên rằng trong những người bắt cóc tôi cũng có hạt giống nhân tính, hạt giống mà Chúa đặt vào. Với tôi, chuyện đã xảy ra là một lời mời gọi tôi cầu nguyện hơn nữa và gắn bó bản thân hơn nữa với Chúa.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch