Ngày 15 tháng 1 – 2018, nhân chuyến đi của Đức Phanxicô đến Chi-lê, hàng chục tổ chức của các nạn nhân bị các linh mục ấu dâm trên thế giới lạm dụng đã thành lập tổ chức Chấm dứt việc Giáo sĩ Lạm dụng (Ending Clerical Abuse, ECA). Qua mạng lưới quốc tế này, các tổ chức muốn đối diện với Vatican, nơi có nhiều cản trở trong việc đấu tranh chống các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên trong Giáo hội.
Ngài 15 tháng 1-2018, khi đến Chi-lê, nơi Giáo hội địa phương bị chấn động vì nhiều vụ lạm dụng, Đức Phanxicô đã tuyên bố: “Tôi không thể nào không bày tỏ nỗi đau và nhục khi đứng trước tội ác không thể khắc phục được đã phạm trên trẻ con của các linh mục trong Giáo hội”. Ngài nói thêm: “Nếu phải xin tha thứ và nâng đỡ hết sức mình các nạn nhân, thì cùng lúc, chúng tôi cam kết để chuyện này không xảy ra nữa”. Nhưng cách đó vài cây số, cũng tại thủ đô Chi-lê, những lời nói này không được đón nhận mà chỉ làm cho các đại diện của hàng chục tổ chức các nạn nhân của các linh mục ấu dâm nghi ngờ, họ từ khắp nơi trên thế giới về đây họp cùng ngày, do lời mời của tổ chức Para la Confianza, một trong các tổ chức đứng ra thành lập mạng lưới quốc tế: Chấm dứt việc Giáo sĩ Lạm dụng, Dự án Công chính Toàn cầu (Ending Clerical Abuse Global Justice Projets, ECA).
Từ nhiều tháng nay, các tổ chức của các nạn nhân lấy làm tiếc vì lời của Đức Phanxicô không được chuyển qua hành động. Ông Alexandre giải thích: “Chúng tôi quyết định thống nhất sức lực của chúng tôi”, ông là người đồng sáng lập tổ chức Lời được Giải phóng, ông có mặt tại Chi-lê cho buổi ra mắt này. Tổ chức ECA dự định “đặt ra một khuôn khổ chung, cùng hợp tác để tạo thêm sức mạnh cho mỗi tổ chức địa phương”. Mạng lưới có mục đích hỗ trợ và tháp tùng các nạn nhân, cũng như hỗ trợ những người không có cơ cấu Quốc gia (như Phi châu chẳng hạn). Đứng trước các thủ tục kiện tụng giáo luật thường phức tạp, cần có sự giúp đỡ của các chuyên gia.
Các nước khác nhau, vấn đề giống nhau
Ông Alexandre ngạc nhiên khi thấy các nạn nhân người Pêru, người Đức, người Mêhicô cùng thế hệ với ông lại có cùng quá trình giống nhau: “Thật là ấn tượng khi thấy các câu chuyện của chúng tôi rất giống nhau, dù ở bất cứ nước nào. khi cách đây ba năm, chúng tôi thành lập tổ chức Lời được Giải phóng ở Pháp, chúng tôi không biết ở Chi-lê và những nơi khác có cùng ý thức, có cùng đáp ứng.” Nhưng tổ chức ECA có thể dựa trên các hiệp hội có “kinh nghiệm hơn” như hiệp hội của ông Peters Saunders, người Anh, là người đồng sáng lập mạng lưới và có thời là ủy viên trong Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên, nhưng năm 2016 ông đã ra khỏi Ủy ban, ông thất vọng vị sự bất động của Giáo hội.
Một chuyên gia trong Giáo hội làm việc để chống lại nạn ấu dâm nhấn mạnh: “Chúng tôi chứng kiến ở đây một cái gì mới, các hiệp hội này muốn mình là nhân vật chính cho sự thay đổi. Cho đến bây giờ, tại Vatican, chúng tôi ở trong tác dụng của loan báo. Nhưng phải đi tới và để đi tới, phải cần các đòn bẩy bên ngoài như tổ chức của xã hội dân sự là rất hữu ích”. Ông cũng cho biết, mạng lưới toàn cầu này dựa trên “các nhân vật quan trọng” của vấn đề này như bà Sara Oviedo, cựu chủ tịch Hội đồng Quốc tế quyền Trẻ em ở Liên Hiệp Quốc. Đó là không kể đến các chuyên gia gần với Giáo hội, họ ủng hộ trong bóng tối, hy vọng sau này sẽ là các “cây cầu” để có nhiều đối thoại hơn.
Cho đến bây giờ, chỉ duy nhất có cơ quan Phi Chính Phủ Snap của Mỹ (Mạng các Nạn nhân của việc Linh mục Lạm dụng, Survivors Network of Those Abused by Priests) đã cố gắng tạo liên lạc giữa các nạn nhân ở các nước khác nhau, “nhưng không phải là cùng một việc”, chuyên gia nêu rõ. Lúc mới đầu cách đây ba mươi năm, tổ chức Snap chưa có tổ chức nào tương đương trên thế giới, xã hội dân sự ít biết đến, tổ chức xây dựng “tiến trình” theo kiểu Mỹ. “Bây giờ các tổ chức chín muồi hơn, vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội có nhiều chỗ đứng trong truyền thông và ý kiến quần chúng hỗ trợ cho các nạn nhân”. Ông Alexandre nhấn mạnh: “Nếu tổ chức ECA không ở trong cùng đường lối theo sáng kiến của Mỹ, thì bà Barbara Blaine, nhà sáng lập tổ chức này vẫn là một nhân vật biểu tượng và tạo cảm hứng cho các hiệp hội của mạng quốc tế. Theo trực giác của bà, đây là vấn đề thế giới, cũng như đây là vấn đề của thể chế mà chúng ta phải nói chuyện, từ đó, cùng nhau chúng ta có nhiều sức mạnh hơn để đối phó. Chúng tôi hoàn toàn ở trong quan điểm này”. Bà Barbara Blaine đã qua đời vào tháng 9 năm 2017.
Ủy ban giáo hoàng “thiu thiu ngủ”
Một chuyên gia gần với Vatican cho rằng việc thành lập tổ chức ECA là kịp thời: “Đó là điều tốt đẹp mà các hiệp hội đã làm và đó cũng là điều không tốt vì nó là bằng chứng cho thấy sự thất bại của thể chế. Thật vậy, Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên đã kết thúc công việc vào tháng 11 vừa qua với một báo cáo kêu gọi thay đổi – chẳng hạn như đối thoại tốt hơn với các nạn nhân – bị gây tranh luận thậm chí còn bị một vài địa phận từ chối. Đức giáo hoàng đã không nhận ra sự khó khăn trong công việc của ủy ban, nhất là việc ủy ban luôn phải “đi ngược chiều” để nâng cao nhận thức về vấn đề này cho các nhân vật trong Giáo hội.
Chuyên gia này lấy làm tiếc, bây giờ “Giáo hội thiu thiu ngủ”, ông ghi nhận việc “ông Peter Saunders và bà Mary Collins đi ra khỏi ủy ban cũng là dấu hiệu cho thấy sự thất bại của Giáo hội, để làm việc một cách công bằng và hiệu quả cho các nạn nhân”. Ông buồn: “Vatican và các nạn nhân của các linh mục ấu dâm không làm việc cùng một nhịp độ, Vatican thì rất chậm, trong khi phía nạn nhân thì cần làm việc nhanh hơn. Họ không ở cùng một múi giờ và thậm chí đôi khi đồng hồ cũng không xoay theo cùng tốc độ”. Những tháng tới có thể là dịp để điều chỉnh đồng hồ: trong hai tháng tới, các thành viên của ủy ban có thể được chỉ định; ngay trước cuộc họp tiếp theo của mạng Chấm dứt việc Giáo sĩ Lạm dụng dự kiến vào tháng 6 sắp tới ở Âu châu, để “bắt đầu cấu trúc và hành động cùng nhau”, tổ chức Lời Giải Phóng cho biết.
Ở Chi-lê, Đức Phanxicô nói lời mea culpa:
Về vấn đề gai góc này, người ta chờ một bước ngoặt. Ngày 16 tháng 1, vừa đến Chi-lê, trong bài diễn văn đầu tiên với nhà cầm quyền, Đức Phanxicô đã lặp lại “nỗi đau và nhục” trước các vụ linh mục lạm dụng. Đã có rất nhiều vụ bê bối ấu dâm trong Giáo hội địa phương đã làm cho tín hữu công giáo Chi-lê mất niềm tin và con số tín hữu bị đi xuống. Rất nhiều người chưa quên việc năm 2015 Đức Giáo hoàng đề cử giám mục Juan Barros đứng đầu địa phận Orsono, khi giám mục bị nghi là che giấu cho linh mục Fernando Karadima, người bị Vatican kết tội ấu dâm năm 2011. Khi Đức Phanxicô đến đây, đã có nhiều vụ biểu tình phản đối vụ này và ngài đã lên tiếng khi nói chuyện với hàng giáo sĩ Chi-lê ở nhà thờ chính tòa Santiago. Ngài nói, “dù lòng trung tín của đại đa số, nhưng các linh mục chưa làm sáng tỏ sự trong sáng của mình”. Ngài cũng nói lên nỗi khổ của cộng đoàn tu sĩ, bị “nghi ngờ chung” do các vụ này. Trên 2283 linh mục công giáo Chi-lê, tổ chức Phi Chính Phủ của Mỹ Bishop Accountability ghi nhận ít nhất có 80 trường hợp các linh mục ấu dâm. Cũng cùng ngày, Đức Phanxicô đã gặp một nhóm nhỏ các nạn nhân bị các linh mục lạm dụng tình dục. Một cuộc gặp gỡ ngoài chương trình chính thức và được người dân Chi-lê mong chờ. Ngoài lắng nghe, bây giờ các nạn nhân chờ Đức Giáo hoàng có những quyết định cụ thể.
Marta An Nguyễn dịch