|
Tông hiến trình bầy ba lý chứng. Trước hết là sự đồng thuận của hàng Giám Mục toàn thế giới; lần này các Giám Mục đồng nhất hơn khi định nghĩa tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội một thế kỷ trước đó. Tiếp đến Tông hiến tóm gọn lịch sử cho thấy kiểu đức tin nơi biến cố Đức Maria hồn xác lên trời được khẳng định, phát triển, biện minh và thắng thế và trở thành một sự thật đại đồng trong Giáo Hội. Và sau cùng Tông hiến chỉ cho thấy các nền tảng mạc khải của niềm tin này trong Giáo Hội: đó là sự kết hiệp mật thiết giữa Mẹ Maria với Chúa Kitô như Thánh Kinh dậy, đặc biệt là Tiền Tin Mừng sách Sáng Thế chương 3 câu 15, được minh giải bởi giáo lý truyền thống Evà Mới.
Lý do thứ nhất là sự đồng thuận của hàng Giám Mục trên thế giới, dựa trên một giáo lý nền tảng của Giáo Hội công giáo: đó là Huấn Quyền bình thường và phổ quát của Giáo hội, không thể sai lầm trong việc dậy dỗ chân lý mạc khải, không phải do các nghiên cứu hay các sự hiểu biết tự nhiên, nhưng nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, bảo đảm nguồn gốc mạc khải của điều Giáo Hội dạy một cách đồng nhất, độc lập với các chứng tá tích cực hay suy tư triết lý có thể dẫn đưa tới giáo huấn của mình. Chính vì các Giám Mục đã trả lời một cách đồng nhất chưa từng thấy cho câu hỏi có thể định nghĩa tín lý Đức Maria hồn xác lên trời không, nên Tông huấn kết luận: ”Vì thế, từ sự đồng ý phổ quát của Huấn quyền bình thường của Giáo Hội được rút tiả ra một lý do chắc chắn và bảo đảm để khẳng định rằng việc xác của Trinh Nữ diễm phúc được đưa lên trời - điều đó liên quan tới sự vinh quang của thân xác đồng trinh của Mẹ Thiên Chúa oai nghiêm - không thể được biết bởi khả năng nhân loại nào với các sức lực tự nhiên của nó, là sự thật được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế tất cả mọi con cái của Giáo Hội phải tin với sự vững vàng và trung thành”.
Dĩ nhiên lý luận có tính cách tín lý này không thể có giá trị đối với người không chấp nhận sự không thể sai lầm của Huấn Quyền bình thường và phổ quát của Giáo Hội. Chẳng hạn như trường hợp của các anh em tin lành không chấp nhận bất cứ huấn quyền bất khả ngộ nào. Các anh em chính thống trái lại chỉ có thể chấp nhận một định nghĩa tín lý, khi do một Công Đồng Chung ban hành.
Liên quan tới sự phát triển lịch sử giáo lý về việc Đức Mẹ hồn xác lên trời, chứng tá đầu tiên là của Giám Mục Epifanio, sống trong vùng Galilea và qua đời tại Salamina năm 403. Trong bút tích của mình Đức Cha Epifanio ba lần đặt vấn nạn về cái chết của Đức Maria và đưa ra ba giả thuyết có thể và được nhiều tác giả khác nhau ủng hộ. Giả thuyết thứ nhất là Đức Maria đã không chết, mà đã được Thiên Chúa chuyển lên nơi tốt lành hơn; giả thuyết thứ hai là Đức Maria đã chịu tử đạo; và giả thuyết thứ ba là Đức Maria đã chết một cách tự nhiên. Giám Mục Epifanio không biết lựa chọn giả thuyết nào, vì đã không có ai biết Đức Maria đã kết thúc cuộc sống ra sao. Nhưng người nghĩ rằng sự kết thúc đó phải ”vinh quang” xứng đáng với Mẹ. Chứng tá của Giám Mục Epifanio bảo đảm cho chúng ta biết rằng vào cuối thế kỷ thứ V đã không có truyền thống nào chính xác liên quan tới cái chết của Đức Maria, trên bình diện lịch sử cũng như trên bình diện tín lý.
Sau Đức Cha Epifanbio là chứng tá của khoảng 20 tác phẩm mạo thư có nguồn gốc khác nhau và thuộc các gia đình khác nhau. Các tác phẩm cổ xưa nhất xem ra là các mạo thư Siri, Ai Cập và các mạo thư của một gia đình Hy lạp. Trên bình diện lịch sử thì không có gì chắc chắn cả, nhưng chúng diễn tả phản ứng của đức tin bình dân trong hai thế kỷ thứ V-VI đối với sự kết thúc cuộc sống của Đức Maria. Tư tưởng chung của các mạo thư là thân xác Đức Maria không thể bi hư nát trong mộ được. Nhưng liên quan tới điều kiện của nó thì các tác phẩm không đồng nhất với nhau. Một vài tác phẩm cho rằng xác Đức Maria không hư nát đang nằm trong thiên đàng hạ giới chờ sự sống lại trong ngày sau hết. Vài tác phẫm khác xem ra mới hơn, cho rằng xác Đức Maria đã được sống lại và đã được đưa lên trời trong vinh quang bên cạnh Chúa Giêsu Con Mẹ.
Các tài liệu phụng vụ cũng trình bầy một sự tiến triển tương tự. Các nguồn gốc của lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời chưa được minh giải hoàn toàn. Các dấu chỉ đầu tiên của lễ ”sự qua đi” của Đức Maria hay ”Đức Maria ngủ”, được tìm thấy bên Đông Phương giữa các năm 540-570, như được các tín hữu hành hương đã viếng thăm Giêrusalem thời đó kể lại. Ít lâu sau đó, vào khoảng năm 600 hoàng đế Maurizio ra sắc lệnh mừng lễ Đức Maria hồn xác lên trời vào ngày 15 tháng 8 trong mọi vùng thuộc đế quốc Bisantin.
Bên Tây Phương các dấu hiệu đầu tiên của một lễ ”nhớ” Đức Trinh Nữ là vào thế kỷ thứ VI, bên Gallia, cử hành ngày 18 tháng Giêng dưới tước hiệu lễ ”đặt xác Đức Thánh Maria”. Lễ Đức Maria hồn xác lên trời được du nhập sang Roma vào thế kỷ thứ VII cùng với các lễ khác kính Đức Maria như lễ Thanh Tẩy, lễ Truyền Tin và lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, nhưng ngay lập tức nó trở thành lễ quan trọng nhất và ngay từ đầu đã có tên gọi và ý nghĩa như hiện nay: lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời.
Thế rồi từ Roma lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời lan sang toàn Tây Phương một cách nhanh chóng trong các thế kỷ thứ VIII và thứ IX, kể cả Gallia, bằng cách xác định nội dung và thay đổi ngày mừng lễ. Các nguồn gốc và sự phát triển của ngày lễ cũng như việc duyệt xét kỹ lưỡng các chứng tá phụng vụ cho thấy sự phát triển giáo lý: ban đầu đối tượng của việc phụng tự là ”sự chuyển tiếp”, việc bước vào cuộc sống trên trời của Đức Maria, sau này là ”việc hồn xác lên trời”.
Sự phát triển này xem ra đã hoàn thành vào cuối thế kỷ thứ VII và đầu thứ ký thứ VIII bên Đông Phương, nhưng có các dầu chỉ minh nhiên tính cách mới mẻ nơi bốn chứng nhân thời đó là Germano thành Constantinopoli qua đời năm 733; Andrea đảo Creta qua đời năm 740; Giovanni Damasceno qua đời năm 749; và tác giả của một bài thuyết giảng về lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, được gán cho Đức Cha Modesto, Giám Mục Giêrusalem, qua đời năm 634. Khi giải thích và biện minh cho lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời như chúng ta hiểu hiện nay, các tác giả này đã quy chiếu về các tác phẩm mạo thư hay truyền thống. Nhưng một cách thường xuyên hơn các vị biện minh cho niềm tin chung với các lý lẽ phát xuất từ thánh mẫu học tổng quát như: sự thánh hiến thân xác của Đức Maria qua chức làm Mẹ Thiên Chúa, danh dự mà Chúa Con dành cho Mẹ mình, sự kết hiệp thực sự giữa Mẹ và Con, việc Đức Maria thụ thai và sinh con đồng trinh, danh dự của Đức Maria như là Evà Mới (Damasceno). Các lý do này đã không chiếm được sự chấp thuận ngay lập tức đối với giáo lý Đức Mẹ hồn xác lên trời, vì chúng ta còn tìm thấy các thắc mắc và các nghi ngờ cho tới thế kỷ thứ X. Nhưng sự minh giải của phụng vụ đã nhanh chóng chiếm hữu được sự khẳng định tích cực. Có thể nói rằng tư tưởng của Giáo Hội Bisantin đã được vĩnh viễn xác định từ thế kỷ thứ X.
Bên Tây Phương sự phát triển giáo lý tiến hành chậm hơn bên Đông Phương. Mặc dù có sự chỉ dẫn rõ ràng của phụng vụ, từ thế kỷ thứ VII tới thế kỷ thứ X có nhiều tác giả vẫn tỏ ra nghi ngờ. Vào thế kỷ thứ IX một tác giả nổi tiếng như ông Pseudo-Girolamo, tóm tắt tư tưởng của họ bằng cách nói rằng ”Tốt hơn là để tất cả mọi sự cho Thiên Chúa, là Đấng không có gì là không thể làm được, hơn là định nghĩa một cách táo bạo từ quyền bính của chúng ta điều mà chúng ta không thể chứng minh được”. Có một tác phẩm phổ biến dưới tên của Agostino, thường được gọi là Pseudo Agostino, được cho là sáng tác hồi thế kỷ XII, nhưng có lẽ đã có ngay từ thế kỷ thứ X. Nội dung và có lẽ chủ ý của nó là trả lời cho lập trường của tác giả Pseudo Girolamo kể trên và cho rằng, vì không có một khảo luận chắc chắn nào liên quan tới Đức Maria hồn xác lên trời, thì phải xem xét lý do đâu là sự thật, như thế ”sự thật trở thành quyền bính”.
Lý do nền tảng là ơn thánh và phẩm giá đặc biệt mà Thiên Chúa đã vinh danh Đức Maria. Điều này loại trừ một cách tuyệt đối sự hư nát của thân xác đồng trinh của Mẹ và làm chứng rằng Thiên Chúa đã phải ban cho Mẹ danh dự đó. Ngoài ra, ”Chúa Giêsu Kitô, là Đấng toàn năng và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng đã có chung mọi sự với Thiên Chúa Cha, và vì thế có thể làm tất cả mọi sự Người muốn, và muốn rằng tất cả mọi sự đều công bằng và xứng đáng, đã phải muốn sự vinh quang tràn đầy của Mẹ”. Đây là nguyên tắc của thần học gia Duns Scoto, nhưng đã được trình bầy trước hai ba thế kỷ.
Tuy nhiên, các thần học gia tiếp tục bị chia rẽ trong vài thế kỷ, có người thuận, có kẻ nghi ngờ và không chắc chắn. Cũng nên ghi nhân sự kiện cả một vài vị trong số các chuyên viên thánh mẫu học nổi tiếng nhất như thánh Bernarđo và Duns Scoto cũng không nhấn mạnh một cách đặc biệt giáo lý Đức Mẹ hồn xác lên trời. Nhưng từ từ dư luận chung thành hình, dựa trên các lời trích kinh thánh (Tv 44,10.14-16; Tv 103,8; Dc 3,6; Kh 12,1 tt... ) và dựa trên lý lẽ thần học việc Đức Maria hồn xác lên trời được tin một cách đạo đức, nghĩa lá được coi như một giáo lý có nền tảng và được chấp nhận với lòng mến và sự tôn trọng trong Giáo Hội, nhưng không bắt buộc.
Từ hậu bán thế kỷ XV, nghĩa là sau năm 1450, thái độ của các thần học gia thay đổi. Giáo lý về việc Đức Mẹ hồn xác lên trời được chứa đựng rõ ràng trong lễ phụng vụ và được rao giảng một cách phổ quát, xem ra chắc chắn tới độ không chấp nhận nó sẽ là điều bất cẩn và gây gương mù gương xấu.
Một vài thần học gia bắt đầu coi nó là đức tin, vì được tin một cách đại đồng trong Giáo Hội. Người khác như Suarez thì coi nó ngang hàng với giáo lý về sự vô nhiễm ngyuên tội và nói rằng một ngày kia Giáo Hội có thể định nghĩa nó là tín lý. Và các lập trường dừng lại đó cho tới năm 1854.
Khi yêu cầu định nghĩa tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, vài Giám Mục cũng bày tỏ ước muốn định nghĩa cả việc Đức Mẹ hồn xác lên trời nữa. Đây cũng đã là ước muốn và đề nghị của nhiều nghị phụ Công Đồng chung Vaticăng I. Phong trào ”Đức Mẹ hồn xác lên trời” bắt nguồn từ đó, và lan tràn cho tới khi Đức Giáo Hoàng Pio XII công bố các tài liệu năm 1944 và tông thư ”Deiparae” ngày mùng 1 tháng 5 năm 1946, trong đó ngài hỏi ý kiến các Giám Mục toàn thế giới xem có thể và có thích hợp định nghĩa việc Đức Maria hồn xác lên trời là sự thât đức tin hay không. Trong khi đó các thần học gia thảo luận về khả thể và các nền tảng của một định nghĩa tín lý như vậy. Và các thảo luận đã chỉ kết thúc với việc ngày 14-8-1950 Tòa Thánh loan báo sẽ công bố định nghĩa tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời.
(Thánh Mẫu Học bài 334)
Linh Tiến Khải