Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Các ngôn sứ dạy chúng ta xây dựng những nhịp cầu yêu thương

prophets2
 “Các ngôn sứ”, 1447, bởi Fra Angelico. (Credit: WikiArt.org.)


Các ngôn sứ cho chúng ta một chứng tá sâu sắc về sức mạnh của lời cầu nguyện. Ngôn sứ Êlia là người đứng đầu trong nhóm những con người thánh thiện này, đó là lý do tại sao vị ngôn sứ này lại được nhấn mạnh trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, thế nhưng mỗi vị ngôn sứ lại mang đến cách diễn đạt và chứng từ độc đáo của riêng mình về việc cầu nguyện.

Cho dù đó là ngôn sứ Êdêkien nơi đền thờ và những câu chuyện mà ngài chia sẻ về các thị kiến thần bí của mình, hay những lời than thở của ngôn sứ Giêrêmia, hay những hiểu biết sâu sắc về Đấng Mêsia của Isaia, hay những lời cầu nguyện được bày tỏ bởi ngôn sứ Đanien hoặc bất kỳ các ngôn sứ nhỏ nào khác, mỗi vị - được Thiên Chúa chọn gọi và sai đi - đều đến gần Thiên Chúa và giao ước của Người. Mỗi ngôn sứ mặc khải cho chúng ta một chiều hướng cầu nguyện khác nhau và đem lại cho chúng ta nhiều cách thức cầu nguyện đa dạng.

Từ mối tương quan cá nhân và sống còn của mình với Thiên Chúa, các ngôn sứ đã có thể thực hiện được công việc của Thiên Chúa. Trước khi là sứ giả, người bảo vệ và gìn giữ, các ngài vốn là vị trung gian chuyển cầu và là những con người của cầu nguyện.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy chúng ta rằng: “Trong cuộc gặp gỡ ‘riêng một mình’ với Thiên Chúa, các ngôn sứ nhận được ánh sáng và sức mạnh cho sứ mạng của mình.” (2584)

Bằng cách kín múc từ mạch suối hiệp thông với Thiên Chúa cũng như bằng việc nói với Người và lắng nghe Người bằng tấm lòng rộng mở, các ngôn sứ có thể làm bất cứ điều gì Thiên Chúa yêu cầu. Các ngài có thể nghe thấy Người, hiểu được lệnh truyền của Người, khởi sự những gì Người mong muốn, kiên trì trong công việc trước mắt và ngợi khen Người trong mọi hành động của mình.

Lời cầu nguyện của các ngôn sứ không hề thiển cận hay bí truyền. Nó không bị giới hạn trong trái tim của chính các ngài. Nó không hàm chứa một viễn cảnh diệt vong và u ám để ruồng bỏ thế giới. Lời cầu nguyện của các ngôn sứ đã mời gọi và thôi thúc các ngài hiện diện trong thế giới để mang lại ánh sáng và chân lý, trao ban và dạy bảo nhân loại về tình yêu, cũng như lao khổ và chịu đựng vì những điều tốt lành và cao quý.

Ơn gọi ngôn sứ là việc dấn bước vào những nỗi khốn cùng và đau khổ của gia đình nhân loại. Không một vị ngôn sứ nào có thể thờ ơ hoặc dửng dưng trước những tổn thương và đau buồn nơi thế giới sa ngã của chúng ta.

Sách Giáo lý giải thích: “[Lời cầu nguyện của các ngôn sứ] không phải là sự trốn chạy khỏi thế giới bất trung này, mà là chú tâm đến Lời Chúa.” (2584)

Các ngôn sứ bám chặt vào Thiên Chúa và Lời hằng sống của Người. Các ngài nói và lắng nghe Người. Từ cuộc trao đổi này, các ngôn sứ nuôi dưỡng niềm hy vọng và không ngừng tham gia vào các công việc của thế giới.

Một ơn gọi như thế đòi hỏi thật khắt khe. Đôi khi nó có thể bao gồm những thắng lợi và niềm vui, nhưng phần lớn nó thường bao gồm những thất vọng, tái phạm, đau lòng, tan vỡ và hoang tàn. Những chiến hào sa ngã của nhân loại không dành cho những kẻ nhát sợ. Các ngôn sứ bước đi trên chiến hào này phải có con tim vững vàng và bàn tay dịu dàng. Lối sống như vậy chỉ có thể được duy trì và nuôi dưỡng bằng một đời sống cầu nguyện mạnh mẽ, một cuộc chuyện trò cởi mở và trong sáng với Thiên Chúa.

Các ngôn sứ không ẩn giấu bên trong lòng đạo đức giả dối, lòng sùng kính trống rỗng hay sự giúp đỡ chỉ trên môi miệng. Các ngôn sứ chuyện trò cởi mở với Thiên Chúa, biện luận với Người, tranh đấu với Người, than phiền với Người, tranh luận với Người, thương lượng với Người và bày tỏ những suy nghĩ cũng như cảm xúc sâu kín nhất của mình với Người.

Các ngôn sứ thổ lộ nhưng rồi dừng lại và lắng nghe.

Sau khi bày tỏ trọn lòng mình với Thiên Chúa, các ngôn sứ đã lắng nghe Người và chuyển cầu cho dân Người. Lời cầu nguyện của các ngôn sứ bày tỏ ước muốn hòa bình và phục hồi. Lời cầu nguyện của các ngài thể hiện khao khát chân thành về lòng thương xót và hòa giải. Các ngôn sứ nhận thức rõ sứ mạng của Đấng Mêsia và chờ đợi sứ mạng đó được hoàn thành.

Sách Giáo lý đưa ra nhận xét này: “Đôi khi [lời cầu nguyện của các ngôn sứ] là một lời tranh luận hay một lời than phiền, nhưng các ngài luôn luôn chuyển cầu để rồi chờ đợi và chuẩn bị cho sự can thiệp của Thiên Chúa Cứu Độ, là Chúa của lịch sử.” (2584)

Bằng những phương cách như thế, các ngôn sứ dạy chúng ta tầm quan trọng của việc cầu nguyện cá nhân, một lời cầu nguyện không giấu giếm nhưng minh bạch trước mặt Thiên Chúa. Đó là lời cầu nguyện chạm đến cốt lõi con người chúng ta và sau đó kêu cầu lên Thiên Chúa, Đấng hiện diện trước mặt chúng ta. Lời mời gọi cầu nguyện của các ngôn sứ là lời than thở về những đau khổ và phiền muộn của cuộc đời. Nó chuyển tải và biểu lộ những đau khổ của nhân loại cho Thiên Chúa rồi chờ đợi và khao khát sự đáp trả của Người.

Các ngôn sứ hướng dẫn chúng ta cách đau buồn và than khóc trong tinh thần trước sự tan vỡ của thế giới. Tư thế cầu nguyện này cũng thách thức và đòi buộc chúng ta phải hành động. Các ngôn sứ thổ lộ tâm can trước Thiên Chúa và sau đó dùng trái tim bị tổn thương của mình để xây dựng những nhịp cầu của lòng trắc ẩn và yêu thương phục vụ người khác. Đây là đời sống cầu nguyện được các thánh ngôn sứ sống và nêu gương. Đó là đời sống cầu nguyện mà mọi Kitô hữu - những người đã được xức dầu để trở nên ngôn sứ khi chịu phép rửa - được mời gọi sống giữa thế giới của chúng ta hôm nay.

 

Tác giả: Lm. Jeffrey F. Kirby - Nguồn: Crux (04/02/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

119    08-02-2024