Đức Phanxicô đến thăm các nước vùng biển Baltic từ ngày 22 đến 25 tháng 9, 2018. Một phần tư thế kỷ sau ngày Liên bang Xô Viết sụp đổ khi hy vọng gần như không còn, các nước này chờ Đức Phanxicô đến “khuyến khích”.
Chuyến đi của Đức Phanxicô đến các nước vùng biển Baltic 100 năm sau ngày độc lập của một trong các nước, và 25 năm sau sau chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II. Đó là chuyến đi đầu tiên của một giáo hoàng đến vùng đất của lãnh thổ cựu Liên-xô. Đức Giáo hoàng Ba Lan kêu gọi hòa giải và tha thứ cho những kẻ áp bức. Một lời kêu gọi không buộc tội cho nhóm thiểu số liên-xô đã sống ở đó và vẫn còn sống ở đó.
Dĩ nhiên chuyến đi của Đức Phanxicô trong bầu khí nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên ngài cũng đến để vinh danh các cộng đoàn bị bách hại trong thời kỳ xô-viết chiếm đóng. Một sự kiện không bình thường với Đức Phanxicô vì nhiều chặng đi của ngài không trực tiếp liên hệ đến các cộng đoàn công giáo hay các chuyến viếng thăm bình thường.
Ở Vilnius (Lituani), ngài đã đến thăm viện bảo tàng có trụ sở trong các văn phòng cũ của KGB. Trước đó ngài đến mặc niệm trước tượng đài dựng lên để ghi nhớ khu biệt cư ghetto người do thái của thành phố. Ngài cũng đến tưởng niệm trước tượng Đức Mẹ Siberia, tưởng niệm những người bị lưu đày. Ở Riga (Lettoni), ngài sẽ đặt hoa ở chân Đài tưởng niệm Tự do trong một buổi lễ chính thức.
Theo một linh mục làm việc ở Vatican, việc tưởng niệm này là “cải thiện” cho cả ba nước. Theo linh mục, các nước này thật sự còn mang dấu ấn hậu quả của thời Liên bang Xô Viết, nhất là họ thiếu trưởng thành về mặt dân chủ. Cũng theo linh mục, về mặt giáo hội, họ “thiếu sáng tạo mục vụ”, thiếu khả năng trao truyền đức tin sau nhiều năm bị cấm đạo, cấm học giáo lý.
Vì thế cả Giáo hội địa phương cũng như toàn xã hội cần “lời khuyến khích” của Đức Phanxicô. một mong chờ được thể hiện qua các chủ đề được chọn cho hai trong ba nước ngài viếng thăm: ở Lituani ‘Chúa Giêsu Kitô, hy vọng của chúng ta’ và ở Estoni ‘Thức tỉnh dậy, trái tim tôi ơi’ .
Tự tử và nghiện rượu
Một phần tư thế kỷ sau khi chế độ xô-viết sụp đổ, các nước vùng biển Baltic cho thấy họ thiếu hy vọng. Theo Tổ chức Y tế Quốc tế thì năm 2016, nước Lituani, nước Lettoni, nước Estoni đứng hàng thứ 8, thứ 20 và 23 trong các nước có tỷ số người tự tử cao nhất.
Nạn nghiện rượu đã tàn phá đất nước rất nặng: nước Lituani là nước tiêu thụ rượu nhiều nhất thế giới. Nước Lettoni và Estoni cũng vậy, hai nước nằm trong số 15 nước tiêu thụ rượu nhiều nhất. Những người nghiện – rượu hay ma túy – là những người được các tổ chức từ thiện chăm lo, ngày 25 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ đến các cơ sở từ thiện này ở Estoni.
Dù các nước này tương đối thịnh vượng – cả ba nước đều là thành viên của khu vực đồng âu kim – nhưng tỷ số sinh sản của họ thấp và có nhiều người di dân đến đây. Từ khi chế độ xô-viết sụp đổ vào đầu những năm 1990, nước Lituani và Lettoni mất vào khoảng một phần tư dân số, nước Estoni mất một phần năm dân số.
Đối với Giáo hội, sự mất hy vọng này còn nhân đôi vì phong trào thế tục hóa ngày càng lớn dần. Theo bà Marge-Marie Paas, người trách nhiệm trong việc truyền thông của ban quản trị tông đồ ở Estoni thì thách thức chính là sự thờ ơ về mặt tôn giáo. Khoảng 78% dân số của nước Estoni không cho mình thuộc về một tôn giáo nào. Phân nửa dân số cho mình là người vô thần.
Vùng đất đại kết
Dù có ghi nhận này, một thách đố khác trong chuyến đi của Đức Phanxicô thuộc về lãnh vực tôn giáo: vấn đề đại kết. Ở Lituani, người công giáo chiếm đa số, ở Lettoni người tin lành chiếm đa số, còn ở Estoni thì người chính thống giáo. Ba gia đình kitô giáo lớn đại diện cho ba quốc gia này và họ cùng ở chung với nhau.
Hai buổi cầu nguyện hoặc gặp gỡ đại kết đã được dự trù trong chương trình của Đức Giáo hoàng, một ở Lettoni và một ở Estoni. Theo ông Greg Burke, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh thì buổi cầu nguyện sẽ ở các nơi thờ phượng của tin lành, giữa các giáo hội luôn có các “quan hệ tốt đẹp.” Theo bà Marge-Marie Paas, các quan hệ với giáo hội chính thống Nga ở Estoni cũng rất tốt đẹp. Tuy nhiên thượng phụ chính thống Estoni sẽ không đến gặp Đức Phanxicô: vị tiền nhiệm vừa qua đời cách đây vài tháng, và người kế nhiệm từ Maxcơva sẽ chỉ đến Estoni vào cuối tháng 10.
Khi đi thăm ba nước vùng biển Baltic, Đức Phanxicô chưa bao giờ gần thủ đô Nga như vậy. Lettoni và Estoni cùng chia biên giới dài rộng với nước Nga khổng lồ. Theo một cộng sự viên của Phủ Quốc Vụ Khanh, nếu trong bài diễn văn của mình, Đức Phanxicô đề cập đến thời các nước bị xô-viết chiếm đóng thì ngài “không nên trộn lẫn” chuyến đi này với các vấn đề của Nga, cũng không nên mong đợi các thông điệp chính trị hướng đến Maxcơva.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch