Gioan Thánh Giá (1542-1591)
Juan de Yepes y Alvarez, thần học gia và nhà thần nghiệm người Tây Ban Nha ở thế kỷ mười sáu, được biết đến nhiều với tên Gioan Thánh Giá, cũng cho chúng ta những quan điểm đáng giá về cô đơn. Trong bài khảo luận của ngài “Ngọn lửa sống động của Tình yêu” (The Living Flame of Love), ngài đã tóm lại thần học về tâm trạng cô đơn của mình trong ba đoạn văn:
Những hố thẳm thâm sâu của cảm xúc: Những hố thẳm này là năng lực của linh hồn; ký ức, trí tuệ và ý chí. Chúng sâu thẳm như những gì tốt đẹp vô bờ mà chúng có thể thực hiện, bởi ngoài sự vô tận, chẳng có gì có thể lấp đầy chúng. Từ những gì mà chúng phải chịu đựng lúc trống rỗng, chúng ta có thể thu được các hiểu biết về hoan lạc và vui sướng của chúng khi chúng được trọn vẹn với Thiên Chúa, từ một ánh sáng chiếu ngược lại trên người khác.
Đầu tiên hết, đáng chú ý là khi các hố thẳm này của năng lực không được làm cho trống không, không được thanh lọc và làm sạch khỏi mọi xúc cảm dành cho tạo vật, chúng vẫn không cảm nhận được sự trống không mênh mông trong năng lực sâu thẳm của chúng. Bất cứ điều nhỏ nhặt nào gắn chặt vào chúng trong cuộc đời này là đủ để đè nén và bỏ bùa đến nỗi chúng không nhận thức được mối nguy hại, cũng như việc thiếu đi những sự tốt đẹp vô biên của chúng, và cũng không biết được những năng lực riêng của chúng.
Kinh ngạc thay, điều nhỏ bé nhất trong những thứ này lại đủ để ngăn trở các năng lực này, ngăn trở khả thể hướng đến những điều vô tận, để chúng không thể đón nhận được những điều vô tận cho đến khi chúng hoàn toàn trống không, như chúng ta sẽ thấy. Tuy thế khi những hố thẳm này trống không và thuần khiết, thì cơn khát, cơn đói và mong mỏi của cảm xúc tinh thần lại không thể chịu nổi. Vì chúng có những lỗ hổng sâu xa, nên chúng chịu đựng sâu sắc cho của ăn mà chúng thiếu, là điều mà theo tôi chính là Thiên Chúa, và cũng là điều uyên nguyên sơ khởi.
Tại sao chúng ta cô đơn? Cô đơn nghĩa là gì? Với Gioan, lời giải cho những câu hỏi này khá giống với Âugutinô và Tôma . Tuy cách biểu đạt của ngài có khác biệt, nhưng về căn bản thì các phân tích của các ngài là một, cụ thể chúng ta cô đơn vì Thiên Chúa đã tác thành chúng ta theo hướng đó.
Gioan giải thích điều này bằng ẩn dụ về những hố thẳm. Theo ngài, mỗi người đều có ba năng lực cơ bản: trí tuệ, ý chí và ký ức (cái đầu, quả tim và nhân tính). Mỗi năng lực này được xem là một hố thẳm có khả năng sâu vô tận, một “vực thẳm lớn” không đáy. Là con người, chúng ta được cấu thành sao cho trong đầu óc, trong quả tim và trong nhân tính, chúng ta không thể thỏa mãn, chúng ta là những hố sâu không đáy, có thể đón nhận sự vô tận. Thiên Chúa tạo thành chúng ta như vậy để tận cùng chúng ta có thể hiệp nhất với tình yêu vô tận và sự sống vô tận. Bởi vì điều này, không có một giải pháp tối hậu và ý nghĩa trọn vẹn cho tâm trạng cô đơn của chúng ta, ngoại trừ sự hiệp nhất với vô tận. Bởi thế, trong đời này, chúng ta luôn mãi cô đơn.Về các điểm này, Gioan Thánh Giá rất tương đồng với Âugutinô và Tôma Aquinô. Tuy nhiên, phát triển vấn đề này về một số điểm, ngài đã có một vài chiều hướng đặc biệt độc đáo.
- Có một mối nguy vô cùng trong tâm trạng cô đơn
Theo Gioan, nếu tâm trạng cô đơn của chúng ta không được nắm giữ cách ý nghĩa và không được truyền dẫn cách sáng tạo, thì nó là một mãnh lực nguy hiểm cao trong đời sống chúng ta. Nó dẫn chúng ta đến điều được gọi là “nhạy cảm thất thường” và tính ích kỷ tương ứng kèm theo mưu cầu khoái lạc không lành mạnh. Điều này, như chúng ta đã thấy trước đó, nếu không được nhận ra và xem xét, đến tận cùng có thể hủy hoại nhân tính của chúng ta.
- Để đến được chiều sâu đích thực của lòng mình, chúng ta phải đi vào tâm trạng cô đơn của chính bản thân
Gioan đã có một ý niệm rất cao quý về con người nhân tính. Ngài nhìn thấy mỗi chúng ta là một hố thẳm sâu vô tận, có được sự nhạy cảm cao cả và sự phong phú bao la trong trí óc, quả tim và nhân tính. Tuy nhiên, đối với ngài, việc cự tuyệt không bước vào tâm trạng cô đơn của chính mình, có thể làm cho cuộc đời chúng ta thành thiển cận, đời sống nằm ngoài thâm sâu và phong phú của mình. Một lần nữa ngài lại dùng ẩn dụ để diễn giải điều này.
Đối với ngài, trí óc, quả tim và nhân tính như những vực sâu không đáy. Nhưng chúng ta có thể chọn để không bước sâu vào trong các vực sâu này, Chúng ta có thể để mình bị làm cho e sợ và thay vào đó bám víu vào tất cả mọi thứ nơi bề mặt của bờ vực, hay chúng ta có thể bị lôi kéo xa khỏi thâm sâu của lòng mình bằng các chuyện xao nhãng. Trong cả hai trường hợp, chúng ta có thể không bao giờ bước sâu vào lòng mình. Cũng trong cả hai trường hợp, kết cục của chúng ta sẽ là sống hời hợt và suy kiệt, đặt mình vào chỉ một phần nhỏ bé nơi cõi thâm sâu và phong phú của chúng ta.
Cụ thể điều này có nghĩa gì? Nó có nghĩa, trong chừng mực chúng ta sống trên cuộc đời này và trốn chạy nỗi cô đơn, chúng ta đang bọc tấm giấy kính màu đẹp đẽ lên cõi thâm sâu và phong phú của riêng mình và rồi sống trên bề mặt của trí óc, quả tim và nhân tính. Đối với Gioan, điều này gần như chắc chắn là vấn đề lớn nhất của chúng ta khi đối mặt với cô đơn. Chúng ta quá sợ hãi để bước vào nó. Hố thẳm của trí óc và quả tim chúng ta quá sâu thẳm và đầy huyền bí đến nỗi chúng ta cố gắng bằng mọi cách để không đi sâu vào đó. Chúng ta chối từ lữ hành nội tâm vì quá sợ hãi: sợ hãi vì phải đi một mình, sợ hãi vì biết nó sẽ đòi hỏi sự cô tịch và không lối về; sợ hãi vì đi vào một điều mà chúng ta không biết. Đơn độc, thống khổ, không lối về, và không nhận biết được: Tất cả làm chúng ta sợ hãi. Sự thâm sâu của riêng chúng ta gây nên nỗi sợ hãi! Và rồi chúng ta sa lầy, tự xao nhãng chính mình, làm đê mê nỗi đau, tiệc tùng, du ngoạn, bận rộn luôn mãi, cố làm điều này điều kia, bám chặt vào những con người và những thời khắc, đi trên bề mặt đời sống, tìm kiếm bất cứ điều gì, tìm mọi lý do để tránh cô đơn, khỏi đối diện với chính mình. Chúng ta quá sợ hãi để đi vào nội tâm. Nhưng lại trả giá quá cao cho việc đó: thiển cận và hời hợt. Bao lâu chúng ta còn trốn tránh chuyến đi đau đớn vào nội tâm, đến thẳm sâu trong hố thẳm của mình, lúc đó chúng ta còn sống trên bề mặt.
- Lần đầu tiên khi bước vào nỗi cô đơn của mình, chúng ta đang bước vào nỗi đau của “luyện ngục.”
Gioan Thánh Giá không cho chúng ta một đường đi nhẹ nhàng không đau đớn để đi vào trong nỗi cô đơn và nắm lấy nó. Về điểm này, ngài rất thực tế. Cuộc lữ hành nội tâm phải có trong nó nỗi đau, một nỗi đau không chịu nổi. Theo ngài, một khi chúng ta không còn cố để trốn chạy nỗi cô đơn, để thỏa mãn hố thẳm khao khát bằng các thứ giả mạo và những giải pháp giả tạo, thì lúc đó chúng ta bước vào nỗi đau mãnh liệt khủng khiếp, cơn đau của luyện ngục, cơn đau cảm nhận được khi cắt rời chính mình khỏi những chống đỡ giả tạo và lao mình vào nội tâm, vào huyền bí vô tận của chính mình, vào hiện thực và vào Thiên Chúa. Đến cuối cùng cuộc lữ hành này dẫn chúng ta đến tâm trạng yên bình sâu lắng, nhưng ở các giai đoạn đầu, nó gây nên một nỗi đau không thể chịu được. Tại sao?
Vì chúng ta đã ngưng dùng các thuốc gây mê. Chúng ta không còn làm tê liệt, chuốc mê, xao nhãng và bẻ cong khát mong trong cô đơn của chúng ta. Vì thế, khi thiếu gây mê và thiếu vỏ bọc hào nhoáng thiển cận, chúng ta có thể đi vào và cảm nhận trọn vẹn thâm sâu của riêng chúng ta. Lần đầu tiên, chúng ta đối diện với chính mình. Lúc khởi đầu, nó gây đau đớn vô cùng. Chúng ta bắt đầu tự nhìn nhận con người thật của mình, những hố thẳm vô tận, chỉ có thể được tràn đầy bởi một tình yêu vô tận thật sự hoàn toàn tuyệt đối. Chúng ta cũng thấy rằng cho đến tận thời điểm đó, chúng ta đã không lấy sức mạnh và nâng đỡ từ cái vô hạn mà lại lấy từ những thứ hữu hạn. Nhận ra rằng chúng ta phải thay đổi hệ thống nâng đỡ đời sống, và tiến trình thay đổi này là một tiến trình rất đau đớn. Đó là nỗi đau như nỗi đau trong luyện ngục, nỗi đau của loại bỏ và nỗi đau của sinh nở. Đó là nỗi đau của việc vâng theo một hệ thống nâng đỡ đời sống, mà lại không làm được gì, ít nhất trong nhận thức của chúng ta là như vậy. Và rồi trong bóng tối, trong tình vị tha, và hy vọng, chúng ta vươn ra và cố gắng để tìm thấy nâng đỡ cho đời sống trong huyền bí của sự vô hạn. Đó là tiến trình của việc được tái sinh, của việc cắt dây rốn hiện thời của chúng ta. Cũng như trong tất cả sinh hạ, đó là cuộc du hành từ nơi an toàn đến một nơi mà chúng ta chưa biết, và như vậy nó liên hệ với một sự chết đi nào đó, và cũng như vậy, nó là một nỗi đau bởi sự sống mới được nảy sinh từ nhiều rên la đau đớn của xác thịt.
J.B. Thái Hòa dịch
372 01-10-2019