|
Các lãnh đạo Giáo hội Việt Nam vừa bày tỏ lòng tri ân hội thừa sai Pháp đã hỗ trợ học tập cho hàng trăm linh mục trong nước trong 25 năm qua.
Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam, nói rằng Hội thừa sai hải ngoại Paris (MEP) đã giúp đỡ học bổng cho 169 linh mục và 14 nữ tu được học tập tại các phân khoa thần học, triết học, giáo luật và khoa học xã hội của Học viện Công giáo Paris từ năm 1993, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Đức cha Nguyễn Chí Linh, lấy tiến sĩ triết học tại học viện này năm 2003, cho biết 16 linh mục tốt nghiệp trong số đó đã trở thành các giám mục và tổng giám mục trong khi những người khác dạy tại các chủng viện, làm bề trên các dòng tu và giữ các chức vụ quan trọng trong giáo hội địa phương.
“Giáo hội địa phương có được những thành quả lớn lao như thế là nhờ công lao của MEP đã gieo những hạt giống tốt lành trên cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam”, ngài nói và thêm rằng hội thừa sai đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách đào tạo các giáo sĩ có chuyên môn cao để phát triển giáo hội địa phương.
Vị giám chức 68 tuổi đã trở thành hội viên danh dự của MEP ngày 28-2 vừa qua, phát biểu tại cuộc hội ngộ được tổ chức tại Trung tâm mục vụ Huế ngày 18-19/4.
Linh mục Gilles Reithinger, Bề trên tổng quyền của MEP, vị tiền nhiệm của ngài là Linh mụcJean Baptiste Etcharren cùng các thành viên MEP khác nằm trong số hơn 140 giám mục, linh mục và tu sĩ tham dự cuộc hội ngộ mang tên Một Thoáng MEP.
Đức Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh nói rằng sự kiện này là dịp để giáo hội địa phương bàytỏ lòng tri ân với MEP, và các cựu sinh viên du học ôn lại những kỷ niệm và hướng đến tương lai.
Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên của giáo phận Hải Phòng đã hoàn thành các khóa học thần học tại học viện Paris năm 2000, cho biết tất cả học viên đều ý thức mình có cơ hội để trau dồi kiến thức và trưởng thành đức tin để phục vụ giáo hội.
“Ai cũng công nhận đã học được nhiều điều nơi gương sáng của các vị thừa sai, sự tận tâm của các cha bề trên nhà MEP và của các giáo sư của Học viện Công giáo Paris. Nơi đây, các linh mục sinh viên học được bài học dấn thân phục vụ, tinh thần truyền giáo, đến với muôn dân”, ngài nói.
Đức cha Vũ Văn Thiên, chủ tịch Ủy ban giới trẻ trực thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam, ca ngợi các thừa sai MEP, nhất là Cha Etcharren đã gắn bó với xứ sở này và nhận mọi người nơi đây là anh chị em thân thiết của mình, kể cả những lúc gian nan do hoàn cảnh lịch sử.
Cha Etcharren cho biết có 82 thừa sai MEP kể cả ngài đã bị buộc phải rời miền Nam Việt Nam ngay sau khi những người cộng sản thống nhất đất nước tháng 4-1975. Trước đó ngài đã làm việc với các giáo dân và tín đồ các tôn giáo khác tại các tỉnh miền trung từ 1959 đến 1975, thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa và cộng sản ở vùng này.
Vị thừa sai người Pháp nói rành tiếng Việt với giọng Quảng Trị cho biết: “Tôi yêu Việt Nam như là quê hương của tôi”. Vị linh mục 86 tuổi đã tìm cách trở lại thăm Tổng giáo phận Huế năm 1994 và đã ở lại đó từ năm 2010.
Trong hai ngày hội ngộ, các tham dự viên đã dâng Thánh lễ đặc biệt kỷ niệm 60 năm thụ phong linh mục của Cha Etcharren tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam. Có khoảng 500 người tham dự thánh lễ.
Các tham dự viên còn thăm các địa điểm Phật giáo và Công giáo trong đó có mộ Linh mục người Pháp là Leopoldo Cardiere, một thừa sai MEP nổi tiếng với những nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Họ cũng xem văn nghệ do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Huế biểu diễn.
Hội thừa sai hải ngoại Paris được hình thành năm 1658 để truyền giáo cho vùng châu Á. Các vị sáng lập hội là các linh mục Francois Pallu và Lambert de la Motte, các ngài đã được Đức Thánh cha Alexander VII bổ nhiệm làm đại diện tông tòa cho hai giáo phận đầu tiên ở Việt Nam là Đàng Ngoài và Đàng Trong năm 1659.
Hàng ngàn thừa sai của hội đã được gửi tới đào tạo giáo sĩ địa phương, chăm sóc mục vụ cho giáo dân và truyền giáo cho những người khác.
Nhiều thừa sai đã chịu bách hại tàn khốc vì tôn giáo do nhà cầm quyền gây ra trong các thế kỷ 17-18 và 19. Hai giám mục và tám linh mục của hội nằm trong số 117 thánh tử vì đạo Việt Nam được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 19-6-1988.
(UCAN 24.04.2018)