- Khóa họp thường lệ lần thứ VIII
Thời gian: 30/9 – 28/10/1990. Số nghị phụ: 238.
Đề tài: Việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện tại
Khóa họp thường lệ lần thứ II (1971) đã bàn về tác vụ linh mục, chú trọng đến khía cạnh thần học. Khóa họp lần này bàn đế khía cạnh mục vụ, đặc biệt là việc đào tạo các linh mục, trước và sau khi lãnh chức thánh.
Trước khi kết thúc, THĐ đã biểu quyết 41 kiến nghị trình lên đức thánh cha. Trong phiên họp ngày 28/10, Đức Cha Emiliô Eid giới thiệu cho các nghị phụ Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương vừa được ban hành trước đó mười ngày (18/10/1990).
Kết quả của khóa họp được đúc kết ở tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores dabo vobis (ban hành 25/3/1992).
- Khóa họp đặc biệt dành cho châu Âu
Thời gian: 28/11 – 14/12/1991. Số nghị phụ: 137.
Đề tài: Chứng nhân cho Chúa Kitô, Đấng giải phóng chúng ta.
Ngày 22/11/1990, nhân chuyến viếng thăm mộ thánh Mêtôđiô tại Velehrad, đức thánh cha ngỏ ý triệu tập một THĐGM để suy nghĩ về tình hình của châu Au sau những cuộc biến đổi chính trị, và vai trò của Giáo hội trong việc tái thiết đại lục.
Vì tính cách vừa đặc biệt vừa cấp bách của khóa họp, nên phải thay đổi vài khoản của nội quy. Thay vì các thủ tục chuẩn bị, các nghị phụ nhận được một kim chỉ nam để suy tư (Itinerarium) và tóm lược các câu giải đáp (Summarium). Ngoài các nghị phụ, một số đại diện của các Giáo hội Chính Thống và Tin lành cũng được mời tham dự với danh nghĩa “đại biểu anh em” (Delegati Fraterni).
Khóa họp bế mạc với việc công bố một Tuyên ngôn, trong đó các nghị phụ trình bày một chương trình cho việc truyền giảng Tin mừng tại châu Au, và kêu gọi tình liên đới giữa các công dân trên toàn cõi lục địa.
- Khóa họp đặc biệt cho châu Phi
Thời gian: 10/4 – 8/5/1994. Số nghị phụ: 242.
Đề tài: Giáo hội tại châu Phi và sứ mạng loan báo Tin mừng hướng đến năm 2000: Các con sẽ là những chứng nhân của Thầy (Cv 1,8).
Đang khi việc chuẩn bị khóa họp cho châu Au diễn ra cách vội vã, thì thời gian chuẩn bị khóa họp cho châu Phi khá lâu dài. Ngày 6/1/1989, đức thánh cha loan báo ý định triệu tập một khóa đặc biệt THĐ dành cho châu Phi. Tiếp đó, một uỷ ban tiền chuẩn bị được thành lập, gồm bởi các thành phần của hàng giám mục toàn thể lục địa. Đến tháng 6, một Hội đồng văn phòng Tổng thư ký được thành lập để chuẩn bị cho khóa họp. Mãi đến tháng 7 năm 1990, thì mới phát hành Lược đồ dùng làm cơ sở cho các buổi hội thảo và cầu nguyện. Tài liệu làm việc được công bố vào tháng 2 năm 1993, nhân cuộc viếng thăm Uganda của đức Gioan Phaolô II.
Các cuộc thảo luận của các nghị phụ xoay quanh năm mục: 1) Loan báo Tin mừng. 2) Hội nhập văn hóa. 3) Đối thoại. 4) Công lý và hòa bình. 5) Phương tiện truyền thông xã hội.
Thánh lễ khai mạc và bế mạc khóa họp đã được cử hành với nhiều sắc thái văn hóa cổ truyền (âm nhạc, vũ điệu).
Kết quả của khóa họp là tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Africa, được ký ngày 14/9/1995, và được công bố vào các dịp viếng thăm Phi châu của đức Gioan Phaolô II sang các nước Cameroun, Nam Phi, Kenya từ 14 đến 20 tháng 9 năm 1995.
- Khóa họp thường lệ lần thứ IX
Thời gian: 2 – 29/10/1994. Số nghị phụ: 245.
Đề tài: Đời sống thánh hiến và sứ mạng trong Giáo hội và thế giới.
Chủ đề được Đức Gioan Phaolô II công bố ngày 30/9/1991, được các chuyên viên cho là chuyện đương nhiên, sau những khóa họp trước đây về các giáo dân và linh mục. Một số lớn nghị phụ là các giám mục thuộc các dòng tu. Ngoài ra nhiều đại biểu của các hội dòng, tu hội, tu đoàn tham dự với tư cách là dự thính viên hay chuyên viên.
Các thành quả của khóa họp được đúc kết trong tông huấn hậu thượng hội đồng Vita consecrata (25/3/1996).
- Khóa họp đặc biệt về nước Liban
Thời gian: 26/11 – 14/12/1995. Số nghị phụ: 69.
Đề tài: Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta: nhờ Thần khí của Người, chúng ta được đổi mới, liên đới làm chứng cho tình yêu của Người.
Do những nhu cầu đặc biệt của nước Liban, bị tàn phá sau nhiều năm chiến tranh, ngày 6/6/1991, đức Gioan Phaolô II đã bày tỏ ý định triệu tập một khóa họp đặc biệt. Một Hội đồng chuẩn bị được thành lập vào tháng giêng năm 1992, và soạn một bản lược đồ được công bố ngày 13/3/1993. Các câu trả lời cho những điều gợi ý được đón nhận vào Tài liệu làm việc xuất bản ngày 1/11/1994.
Tông thư hậu thượng đồng mang tựa đề “Một niềm hy vọng mới cho nước Liban” được Đức Thánh Cha ban hành tại thủ đô Beyrouth ngày 10/5/1997 nhân chuyến viếng thăm quốc gia này.
- Khóa họp đặc biệt cho châu Mỹ
Thời gian: 16/11 – 12/12/1997. Số nghị phụ: 233.
Đề tài: Cuộc gặp gỡ Chúa Kitô sống động, con đường cho cuộc hoán cải, hiệp thông và liên đới cho châu Mỹ.
Trong tông thư Tertio millennio ineunte, đức Gioan Phaolô II bày tỏ ước muốn tổ chức các THĐGM cấp lục địa, tiếp theo các khóa họp dành cho châu Au (1991) và châu Phi (1994), nhằm chuẩn bị đón tiếp biến cố trọng đại của năm 2000. Theo chiều hướng ấy, THĐ châu Mỹ được triệu tập, và một Hội đồng tiền THĐ được thành lập vào ngày 12/6/1995 để chuẩn bị. Lược đồ được công bố ngày 3/9/1996; tiếp đó là Tài liệu làm việc ngày 10/9/1997.
Trong khóa họp, các nghị phụ đã tìm hiểu tương quan giữa Tin mừng với văn hoá, và những tư tưởng căn bản như là: hoán cải, hiệp thông, liên đới để đáp lại những thách đố của thời đại.
Tông thư hậu thượng hội đồng Ecclesia in America được đức thánh cha ký và ban hành ngày 23/1/1999 tại đền thánh kính Đức Mẹ ở Guadalupe (Mexico).
- Khóa họp đặc biệt dành cho châu Á
Thời gian: 19/4 – 14/5/1998. Số nghị phụ: 191.
Đề tài: Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu thế; sứ mạng yêu thương và phục vụ của Người tại châu Á “… ngõ hầu họ được sống và sống sung mãn” (Ga 10,10).
Như đã nói trên, khóa họp này nằm trong chương trình chuẩn bị cho năm 2000. Tiến trình chuẩn bị như sau: thành lập Hội đồng Tiền-THĐ gồm các Hồng y và Giám mục (10/9/1995), để chuẩn bị Lược đồ (công bố ngày 3/9/1996) và Tài liệu làm việc (công bố ngày 13/2/1998).
Một mối quan tâm đặc biệt của các nghị phụ là làm thế nào trình bày Chúa Kitô như là Đấng Cứu thế duy nhất tại một lục địa với nhiều tôn giáo lớn nhất hoàn cầu.
Kết quả của các cuộc thảo luận được đúc kết trong tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Asia, được đức thánh cha ký và công bố ngày 6/11/1999 tại nhà thờ Thánh Tâm ở New Delhi.
- Khóa họp đặc biệt dành cho châu Đại dương
Thời gian: 22/11 – 12/12/1998. Số nghị phụ: 117.
Đề tài: Chúa Giêsu Kitô: đi theo đường của Người, công bố sự thật của Người, sống sự sống của Người: một tiếng gọi cho nhân dân châu Đại dương.
Đây là khóa họp lục địa thứ ba nhằm chuẩn bị năm 2000. Một Hội đồng tiền THĐ được thành lập ngày 7/6/1996 để thu thập các dữ kiện và soạn thảo các tài liệu.
Một đặc trưng của khóa họp này là tất cả các giám mục trong vùng đều được mời tham dự THĐ, xét vì con số không đông đảo gì.
Các vấn đề được gợi lên để thảo luận là: việc đem Tin mừng vào văn hóa, mối quan tâm đến việc huấn giáo và huấn luyện, mục vụ dành cho giới trẻ, những di dân và các tộc bản địa.
Kết quả của khóa họp được thâu nhận trong tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Oceania, được ban hành ngày 22/11/2001 và được gửi đến tất cả các giáo phận trong vùng bằng đường internet. Đây là lần đầu tiên Tòa Thánh sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại để công bố một văn kiện.
- Khóa họp đặc biệt dành cho châu Au lần thứ II
Thời gian: 1-23/10/1999. Số nghị phụ:117.
Đề tài: Chúa Giêsu sống động trong Hội thánh của Người, nguồn mạch hy vọng cho châu Au.
Đây là khóa họp đặc biệt cuối cùng dành cho một châu lục trong chương trình chuẩn bị năm 2000. Mặc dầu đã có một khóa họp dành cho châu Au vào năm 1991, nhưng tình hình xã hội và văn hóa mới, tiếp theo sự sụp đổ của các chủ nghĩa cộng sản ở Đông Au đã đặt ra nhiều thách đố mục vụ, khiến cho việc triệu tập một THĐ lần thứ II trở nên cần thiết.
Một Hội đồng tiền chuẩn bị được thành lập, và với sự cộng tác của các chuyên gian, đã phát hành Bản Lược đồ (mùa xuân 1998), Tài liệu làm việc (21/6/1999).
Tông huấn hậu Thượng hội đồng Ecclesia in Europa được ban hành ngày 28/6/2003.
- Khóa họp thường lệ lần thứ X
Thời gian: 30/9 – 27/10/2001. Số nghị phụ: 247.
Đề tài: Giám mục, người phục vụ Tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới.
Lược đồ được phát hành ngày 16/6/1998 và gửi đến tất cả các giám mục để tham khảo ý kiến. Tài liệu làm việc được phát hành ngày 1/6/2001.
Trong các phiên họp, các nghị phụ đã bàn về nhiệm vụ của các giám mục vào lúc bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba. Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores gregis được ban hành ngày 16/10/20025, trùng với kỷ niệm 25 năm đức Gioan Phaolô II đắc cử Giáo hoàng.
- Khóa họp thường lệ lần thứ XI
Thời gian: 2-23/10/2005. Số nghị phụ: 258
Đề tài: Bí tích Thánh Thể nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng Giáo hội.
Đề tài khóa họp được công bố ngày 29/11/2003, sau khi đã tham khảo các Hội đồng giám mục. Khóa họp này được chuẩn bị với “Năm Thánh Thể” khai mạc với Đại Hội Thánh Thể tại Guadalajara (10-17/10/2004) và kết thúc vào ngày bế mạc THĐ (23/10/2005)6.
Đức Gioan Phaolô II băng hà ngày 2/4/2005. Sau khi đắc cử Giáo hoàng, đức Bênêđictô XVI quyết định tiếp tục khóa họp như đã dự định. Ngài cũng sửa đổi điều lệ của khóa họp: 3 tuần thay vì 4 tuần như trước. Ngoài ra còn có những buổi trao đổi tự do vào ban chiều. Bên lề khóa họp lần này, một lễ nghi được tổ chức để kỷ niệm 40 năm thành lập định chế Thượng hội đồng giám mục.
Tông huấn hậu thượng hội đồng Sacramentum caritatis được ban hành ngày 22/2/2007.
- Khóa họp thường lệ lần thứ XII
Thời gian: 5-26/10/2008. Số nghị phụ: 253.
Đề tài: Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mạng của Hội thánh
Đề tài này có liên hệ với khóa họp lần trước, xét vì Thánh Lễ gồm có hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.
Lược đồ được trình bày với báo chí ngày 27/4/2007, còn Tài liệu làm việc được phát hành ngày 11/5/2008.
Khóa họp diễn ra trong Năm kỷ niệm thánh Phaolô (28/6/2008-29/6/2009), vì thế lễ nghi khai mạc đã diễn ra tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Một đặc trưng của khóa họp lần này là một Rabbi được mời phát biểu tại phòng họp, và đức Bartholomeo I Thượng phụ Chính thống Constantinopolis đã giảng cho các nghị phụ trong một buổi Kinh chiều tại nhà nguyện Sixtina.
Những kết quả của khóa họp này được giới thiệu trong tông thư Verbum Domini (30/9/2010).
- Khóa họp đặc biệt về châu Phi lần thứ II
Thời gian: 4-25/10/2009. Số nghị phụ: 224.
Đề tài: Giáo hội tại châu Phi phục vụ sự hoà giải, công lý và hòa bình. “Các con là muối đất … các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,13.14)
Đáp lại lời yêu cầu của các giám mục châu Phi, đức Gioan Phaolô II tuyên bố triệu tập khóa họp THĐ lần thứ hai bàn về châu Phi (13/11/2004). Vị kế nhiệm xác nhận quyết định đó (22/6/2005). Thành phần của Hội đồng lo việc chuẩn bị phần lớn là những thành viên của Hội đồng Văn phòng Tổng thư ký đã được các nghị phụ bầu ra lần trước để theo dõi việc thực thi các quyết nghị của văn kiện hậu thượng hội đồng.
Lược đồ được gửi đến các giám mục ngày 27/6/2006 và Đức thánh cha đã đích thân trao Tài liệu làm việc cho các chủ tịch Hội đồng giám mục vào ngày 19/3/2009, nhân chuyến viếng thăm các nước Cameroun và Angola.
Tông huấn hậu thượng hội đồng dự định sẽ được công bố vào tháng 11 năm 2011 nhân chuyến viếng thăm nước Benin.
- Khóa họp đặc biệt về Trung Đông
Thời gian: 10/10 – 24/10/2010. Số nghị phụ: 185
Đề tài: Giáo hội Công giáo tại Trung Đông: hiệp thông và chứng tá.
Thuật ngữ “Trung Đông” bao gồm, không kể Giêrusalem và lãnh thổ Palestine, 16 quốc gia: Arab Saudit, Bahrein, Chypre, Ai-cập, Các Emirat Arab thống nhất, Giorđani, Iran, Irak, Koweit, Liban, Oman, Qatar, Syria, Thổ-nhĩ-kỳ, Yemen. Trên một dải đất rộng 7 180 912 cây số vuông, với dân số là 356.174.000 người, các tín đồ Công giáo là 5.707.000 người (1,6%), còn nếu cộng thêm với các Giáo hội khác thì được 20.000.000 người (5,62%). Một đặc trưng của các Giáo hội ở vùng này là bộ mặt đa dạng, với sự hiện diện của nhiều nghi điển khác nhau: đừng kể lễ điển latinh, còn có các nghi điển: copte, syriac, melkit, maronit, chalđê, armêni; đó là chưa nói đến 14 Giáo hội thuộc Chính thống và Tin lành.
Tình hình chính trị bất ổn trong vùng đã khiến cho nhiều tín hữu phải rời bỏ quê hương để tị nạn sang khác vùng khác. Tuy nhiên THĐ muốn nhằm đến khía cạnh mục vụ, hơn là khía cạnh chính trị. Hai khía cạnh được nêu bật: hiệp thông nội bộ giữa các giáo hội nghi điển với nhau; làm chứng tá cho Chúa Kitô tại vùng quê hương của Người. Được mời phát biểu trong THĐ là một rabbi Do thái, một đại diện cho Hồi giáo Sunnit và một đại diện cho Hồi giáo Schit.
Đây là khóa họp ngắn nhất bởi vì chỉ kéo dài 14 ngày.
- Khóa họp thường lệ lần thứ XIII
Dự kiến: thời gian từ 7-28/10/2012
Đề tài: Việc loan truyền Tin mừng mới mẻ nhằm thông truyền đức tin Kitô giáo.
Đề tài được ĐTC Bênêđictô XVI loan báo trong Thánh lễ bế mạc khóa họp dành riêng cho miền Trung đông (22/10/2010). Lược đồ chuẩn bị được phát hành vào ngày 2/2/2011.
Kết luận
Chúng ta có thể đưa ra nhiều nhận định khi ôn lại lịch sử của các THĐGM, chẳng hạn như dưới khía cạnh pháp lý (cách thức tham gia của tập đoàn giám mục vào việc điều hành Giáo hội: tương quan giữa THĐGM và giáo triều Rôma), khía cạnh xã hội học (việc thực thi các quyết nghị của THĐ); ở đây chúng tôi chỉ muốn giới hạn vào phạm vi thần học, nghĩa là ghi nhận sự tiến triển thần học từ công đồng Vaticanô II đến nay.
Các văn kiện của các THĐGM mang hình thức “tông huấn hậu thượng hội đồng”, do Đức Thánh Cha ký. Trên nguyên tắc, đây là một văn kiện của Giáo hoàng, nhưng xét về nội dung, thì đây là một văn kiện của THĐGM bởi vì đúc kết nhiều kiến nghị của các nghị phụ, kết quả của nhiều buổi cầu nguyện, nghiên cứu, trao đổi.
Các văn kiện này đào sâu thêm nhiều khía cạnh mà công đồng đã phác thảo, và đôi khi chưa được công đồng đề cập đến, liên quan đến những yếu tố căn bản của Kitô giáo cũng như về Giáo hội.
1/ Những yếu tố căn bản Kitô giáo
– Lời Chúa: Verbum Domini bổ túc cho hiến chế Dei Verbum
– Thánh Thể: Sacramentum caritatis. Vaticanô II không có văn kiện nào dành riêng cho Thánh Thể.
2/ Giáo Hội
– Khóa họp 1985 đã trình bày một tổng hợp thần học về Giáo Hội, được nhìn dưới ba chiều kích: “mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ”.
– Giám mục: Pastores gregis bổ túc cho sắc lệnh Christus Dominus.
– Linh mục: Ultimis temporibus (THĐ 1971) bổ túc cho sắc lệnh Presbyterorum Ordinis của công đồng. Pastores dabo vobis (1992) bổ túc cho sắc lệnh Optatam totius.
– Tu sĩ: Vita consecrata bổ túc cho sắc lệnh Perfectae caritatis.
– Giáo dân: Christifideles laici bổ túc cho sắc lệnh Apostolicam actuositatem.
– Hôn nhân gia đình: Familiaris consortio khai triển đề tài được bàn ở phần II chương Một của hiến chế Gaudium et spes.
3/ Mục vụ
– Truyền giáo: Evangelii nuntiandi bổ túc cho sắc lệnh Ad gentes.
– Huấn giáo: Catechesi tradendae. Vaticanô II không có văn kiện dành riêng cho đề tài này.
– Hoà giải và thống hối: Reconciliatio et paenitentia. Vaticanô II không có văn kiện nào dành riêng cho đề tài này.
– Công lý: Iustitia in mondo. Vaticanô II không có văn kiện nào dành riêng cho đề tài này.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nghiên cứu những lãnh vực khác nhau của hoạt động mục vụ của Giáo Hội ở những lục địa: châu Á, châu Au, châu Đại dương, châu Mỹ, châu Phi khi nghiên cứu các văn kiện của các khóa họp đặc biệt.
Ước mong rằng chúng ta sẽ có bộ sưu tập các văn kiện của các THĐGM bằng tiếng Việt để học hỏi, giống như bộ sưu tập các văn kiện của công đồng Vaticanô II.
633 24-10-2018