Sau công đồng Vaticanô II, chúng ta thấy xuất hiện một cơ quan mới của Huấn quyền các giám mục, đó là “Thượng Hội đồng Giám mục”. Gọi là mới bởi vì trước đó, người ta chỉ biết đến các “Công đồng” và “Giáo hoàng”.
Trong bài này, chúng tôi xin trình bày sơ lược lịch sử và bản chất của các Thượng Hội đồng Giám mục, kế đó chúng ta sẽ lược qua các văn kiện của cơ quan này.
A. Từ ngữ
Trong tiếng Việt, “Thượng Hội đồng Giám mục” (viết tắt: THĐGM) là một thuật ngữ mới, dùng để dịch danh xưng Synodus episcoporum. Xin đưa ra vài nhận xét liên quan đến từ ngữ:
- “Thượng Hội đồng Giám mục” dễ gây cảm tưởng rằng đây là một cơ quan ở trên các “Hội đồng Giám mục”. Sự thực không phải như vậy: tuy rằng các thành viên tham dự THĐGM là do các Hội đồng Giám mục bầu ra, nhưng THĐ không phải là một cấp trên của các Hội đồng Giám mục.
- Trong nguyên ngữ Latinh, THĐGM không móc nối với các Hội đồng Giám mục (Conferentia episcoporum) cho bằng với các công đồng. Thực vậy, trong các văn kiện của Vaticanô II, công đồng tự giới thiệu như là “Sacrosanctum concilium” (mở đầu Hiến chế về Phụng vụ) hay “Sacra et Oecumenica Synodus” (mở đầu Sắc lệnh về các Giáo Hội Đông phương, Sắc lệnh về Đại kết) hoặc “Sacrosancta Synodus” (mở đầu Sắc lệnh về việc Canh tân đời tu). Nói cách khác, synodus và concilium đồng nghĩa với nhau: một bên là từ ngữ gốc Hy-lạp (synodos, ghép bởi “syn” có nghĩa là cùng chung, và “hodos” là đường đi), bên kia là gốc La-tinh (concilium ghép bởi “cum”: cùng với; “calo”: gọi)1. Cả hai từ ngữ đều nói lên việc liên kết, hội nhau để bàn thảo: đây là một đặc tính của Hội thánh, được biểu lộ cách riêng nơi các ban lãnh đạo. Sách Tông đồ công vụ còn để lại tấm gương của các thánh tông đồ tụ họp với nhau khi phải chọn lựa người kế vị ông Giuđa (Cv 1,15) hoặc khi phải quyết định về việc bó buộc các dân ngoại phải giữ luật Moisen hay không (Cv 15,6). Đó là nguồn gốc của các buổi hội họp của các giám mục thuộc một giáo tỉnh, một vùng, một nước, hoặc toàn thể hàng giám mục thế giới. Các buổi họp ấy có khi mang tên là synodus có khi mang tên là concilium. Chỉ cần ôn lại lịch sử của Giáo hội Việt Nam thì đủ rõ: trong thế kỷ XX, các cuộc họp của các giám mục miền Bắc năm 1900 (Kẻ sặt) và năm 1912 (Kẻ sở) được gọi là synodus, còn cuộc họp toàn cõi Đông dương tại Hà nội năm 1934 được gọi là concilium. Các sách tiếng Việt đều dịch các cuộc họp đó là “công đồng”.
B. Nguồn gốc
Chúng ta không thể dài dòng ở đây để bàn về lịch sử các cuộc hội họp các giám mục, hoặc những cấp độ concilium (hoàn vũ, toàn quốc, giáo tỉnh) và các hình thức synodos bên truyền thống Giáo hội Đông phương; chúng ta hãy đi thẳng vào nguồn gốc của thể chế THĐGM hiện hành.
Công đồng Vaticanô II đã tái khám phá tính cách tập đoàn (collegialitas) của hàng giám mục. Vào hồi nguyên thuỷ, Giáo hội được điều khiển bởi tập đoàn các tông đồ với thánh Phêrô là thủ lãnh, sang các thời đại kế tiếp, Giáo hội cũng được điều khiển bởi tập đoàn các giám mục (kế nhiệm các thánh tông đồ) với giám mục Rôma làm thủ lãnh (kế vị thánh Phêrô). Nhưng làm cách nào để tập đoàn các giám mục có thể tham gia việc điều khiển Giáo hội? Việc tổ chức công đồng hoàn vũ quy tụ gần ba ngàn giám mục là chuyện không đơn giản. Trong bối cảnh đó, nảy ra đề nghị thiết lập một cơ quan đại diện tập đoàn Giám mục để góp ý cho Đức Thánh Cha về việc điều hành Giáo hội2.
Để đáp lại nguyện vọng đó, đức thánh cha Phaolô VI, qua tự sắc Apostolica sollicitudo ngày 15/9/1965 (nghĩa là vào lúc khai mạc khóa chót của công đồng) đã thiết lập Thượng hội đồng Giám mục (Synodus episcoporum). Đây không phải là một “tiểu công đồng” (mini-concilium) hoặc là một “quốc hội” gồm đại biểu của hàng giám mục với vai trò lập pháp. THĐGM là một thể chế mang một hình thái độc đáo, diễn tả sự cộng tác của tập đoàn các giám mục với Đức Thánh Cha qua việc thông tin và góp ý. Như vậy là một cơ quan tư vấn chứ không quyết nghị. THĐ là một thể chế bền vững, nhưng không có tính cách thường trực (khác với giáo triều Rôma): các khóa họp chỉ kéo dài một thời gian rồi kết thúc, và thành phần các đại biểu của khóa tiếp sẽ thay đổi.
C. Thành phần
Theo giáo luật, khi họp công đồng hoàn vũ, tất cả các giám mục (dù chỉ là hiệu toà) đều có nghĩa vụ và quyền lợi tham dự (đ.339); nhưng khi họp THĐ thì chỉ có đại biểu các giám mục tham dự, được lựa chọn tùy theo đặc tính của khóa họp: thường lệ, ngoại thường, đặc biệt (đ.346).
– Nói chung, trong một khóa họp thường lệ, các nghị phụ gồm các đại biểu của các Hội đồng giám mục (mỗi Hội đồng bầu ra từ một cho đến bốn đại biểu tùy theo tỉ lệ các thành viên). Trong một khóa họp ngoại thường thì duy chỉ Chủ tịch Hội đồng giám mục tham dự. Cách thức bầu đại biểu cho các khóa họp đặc biệt thay đổi tuỳ theo nội dung đề tài.
– Ngoài các thành viên đại biểu các Hội đồng giám mục, còn có các vị lãnh đạo các Giáo hội Đông phương (Thượng phụ, Tổng giám mục trưởng) và cơ quan giáo triều, và các đại biểu của Hiệp Hội các bề trên tổng quyền Rôma. Thêm vào đó là các quan sát viên, chuyên viên của Đức Thánh Cha chỉ định.
D. Tổ chức
Bộ máy tổ chức THĐ được kiện toàn dần nhờ kinh nghiệm thời gian. Có một vài nhân viên thường trực lo việc hành chánh, dưới sự điều hành của Tổng thư ký Văn phòng THĐ. Bên cạnh đó là một Hội đồng “thường vụ” (gồm 12 vị do các nghị phụ bầu ra và 3 vị do Đức Thánh Cha chỉ định) giúp đỡ Tổng thư ký trong việc theo dõi sự thực thi những quyết nghị của khóa họp và chuẩn bị khóa họp lần tới.
Chúng ta có thể mô tả diễn tiến của một khóa họp THĐ qua các giai đoạn như sau: chuẩn bị, diễn tiến, kết thúc.
1/ Chuẩn bị
– Đề tài do Đức Thánh Cha chỉ định, sau khi tham khảo ý kiến của các giám mục (thường là các nghị phụ vào những ngày cuối của khóa họp thường lệ).
– Văn phòng Tổng thư ký soạn thảo bản Lineamenta (sơ thảo) gửi đến các giám mục và các cơ quan Tòa Thánh, để xin góp ý kiến.
– Sau khi đã nhận những câu trả lời, Văn phòng soạn Instrumentum laboris (Tài liệu làm việc), dùng làm bản văn nền tảng cho các cuộc trao đổi tại khóa họp.
2/ Diễn tiến
Đừng kể những nghi lễ phụng vụ, các cuộc thảo luận diễn ra qua ba chặng:
– Chặng Một. Sau khi nghe vị Thuyết trình viên tóm lược những ý chính của Tài liệu, lần lượt các nghị phụ lên diễn đàn phát biểu quan điểm của mình tại các phiên họp khoáng đại. Đây là cơ hội để trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các Giáo hội rải rác khắp năm châu.
– Chặng Hai. Thuyết trình viên đúc kết những ý tưởng chính của các bài phát biểu, và đặt ra một số câu hỏi để các nghị phụ trao đổi trong các nhóm (circuli minores), được phân phối theo các ngôn ngữ chính. Sau đó, ý kiến của mỗi nhóm được trình bày cho phiên họp khoáng đại, cùng với những bình luận.
– Chặng Ba. Các nghị phụ trở về làm việc tại nhóm và soạn những “kiến nghị” (propositiones). Thuyết trình viên sẽ đúc kết các kiến nghị của các nhóm thành một danh sách chung, để cho các nhóm đưa ra những nhận xét hoặc tu chính. Sau cùng, các nghị phụ sẽ trở lại phiên họp khoáng đại để biểu quyết danh sách các kiến nghị.
Kể từ khóa họp thứ ba (1974), các nghị phụ không biểu quyết văn kiện kết thúc, nhưng trao các kiến nghị lên Đức Thánh Cha để dựa vào đó ngài soạn thảo một tông huấn “hậu thượng hội đồng”. Tuy nhiên, trước khi kết thúc khóa họp, các nghị phụ sẽ gửi một sứ điệp (nuntius: message) cho Dân Chúa.
3/ Kết thúc
Sau khi bế mạc khóa họp, Hội đồng thường vụ (gồm 15 vị: 12 do các nghị phụ bầu ra và 3 cho Đức Thánh Cha chỉ định) sẽ họp với Văn phòng Tổng thư ký để nhận định về các kết quả các phiên họp, và góp ý cho việc soạn thảo văn kiện hậu thượng hội đồng, đồng thời cũng chuẩn bị đề tài cho khóa họp lần tới. Nhiệm vụ của Hội đồng thường vụ chấm dứt vào ngày khai mạc khóa họp kế tiếp.