Sidebar

Thứ Tư
13.11.2024

Các Thượng phụ và Giám mục Công giáo Liban báo động

primopiano13519
Ảnh: fides.org

Các Thượng phụ và Giám mục Công giáo Liban báo động chống âm mưu chôn vùi Liban trong chủ nghĩa phe phái.

Hôm 08 tháng Mười Một vừa qua, ba Thượng phụ và các Giám mục Công giáo thuộc các nghi lễ đã nhóm họp tại Tòa Thượng phụ Công giáo Maronite ở Bkerké, gần thủ đô Beirut. Tham dự khóa họp cũng có các Bề trên Tổng quyền các dòng tại Liban.

Trong diễn văn khai mạc, Đức Hồng y Béchara Rai, Thượng phụ Công giáo Maronite, là Giáo hội Công giáo đông nhất tại Liban, nhận định rằng đứng trước những kế hoạch của những kẻ muốn xóa bỏ hình dạng đặc biệt và vô song của Liban trên chính trường quốc tế, cần phải trở về với những căn cội lập quốc, kín múc từ đó những nguồn hứng và tiêu chuẩn để đương đầu với cuộc khủng hoảng nhất loạt đang đặt Liban ở trong thế gọng kìm”.

Đức Hồng y Rai nhận xét rằng Liban gồm nhiều cơ chế chính trị và tôn giáo, nhưng từ năm 1943 đến nay, chủ trương cùng thuộc về quốc gia Liban đã vượt thắng những chia rẽ phe phái. Chủ trương này là nguyên lý hướng dẫn cần phải được tái khẳng định, nếu ta không muốn thấy Liban bị chìm trong những cát lút của chủ trương phe phái. Hiệp ước quốc gia năm 1943 đã đánh dấu biến cố lịch sử của Liban hiện đại, nhìn nhận qui chế trung lập của nước này, và đó là đặc tính của Liban từ khi được thành lập.

Theo sự phân quyền từ 78 năm nay (1943), chức vụ Tổng thống dành cho một tín hữu Công giáo Maronite, nhiệm vụ Thủ tướng dành cho một người Hồi giáo Sunnit và Chủ tịch Quốc hội là một người Hồi giáo Shiite.

Đức Hồng y Rai tố giác rằng: Nay Tổng thống Michel Aoun ở năm cuối trong nhiệm kỳ, có nhiều âm mưu muốn lợi dụng tình trạng này để xóa bỏ Liban và phá hoại những quan hệ huynh đệ với các nước Arâp khác. Đức Hồng y gọi đó là một bối cảnh đáng lo âu và tất cả những người quan tâm đến sự tiếp tục của quốc gia Liban phải phản ứng trong tinh thần liên kết, không chia rẽ.

Trong số những khủng hoảng đang vây bủa Liban, Đức Hồng y Rai đặc biệt nói đến sự khủng hoảng học đường, nhất là tình trạng rất khó khăn của các trường Công giáo, vốn giữ một vai trò rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc gia. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay khiến đa số các phụ huynh không còn khả năng trả học phí cho con em của họ. Vì thế, các trường Công giáo lâm vào tình trạng nhờ nần và không tìm được sự hỗ trợ nào từ phía các tổ chức chính trị quốc gia. Tình trạng này về lâu về dài sẽ có ảnh hưởng tiêu cực trên các thế hệ trẻ của Liban, ngày càng bị lèo lái ồ ạt vì những mạng xã hội.

(Fides 8-11-2021)

Theo G. Trần Đức Anh, O.P. - RVA (09/11/2021)

333    10-11-2021